Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bà Rịa - Vũng Tàu: Bàn giải pháp nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt

Mai Anh - 07:14 02/04/2023 GMT+7
Ngày 31/3, tại  TP. Vũng  Tàu, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Báo Tuổi trẻ và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đồng tổ chức hội thảo với chủ đề “Phát triển chuỗi liên kết, nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt”.

Phải theo xu hướng tiêu dùng

Hội thảo lần này được tổ chức trong bối cảnh ngành sản xuất và xuất khẩu thủy sản đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo Bộ NN&PTNT, 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản đạt 1,79 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành Thủy sản là cá tra đạt 422 triệu USD (giảm 33,1%), tôm đạt 578 triệu USD (giảm 39,4%).

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá, ngành Thủy sản đang đối mặt nhiều khó khăn do lạm phát, lãi suất ngân hàng tăng cao, hạ tầng yếu kém, đặc biệt là hạ tầng thủy sản. Ngoài ra, còn có tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, dịch bệnh, môi trường...

Tại hội thảo, đại diện các đơn vị, cơ quan đã thảo luận các giải pháp nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt Nam.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, để giúp cho ngành Thủy sản tăng trưởng ấn tượng không còn gì khác bằng việc nâng giá trị sản phẩm. Tập trung 3 trụ cột, đó là: sản phẩm an toàn cao, sản phẩm tốt cho sức khỏe và sản phẩm thân thiện môi trường.

“Hiện nay, xu hướng tiêu dùng thủy sản tập trung vào các sản phẩm tốt cho sức khỏe, sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn”, ông Hòe khẳng định.

Ông Hòe cho biết có 3 vấn đề liên kết ngành Thủy sản cần phải đẩy mạnh trong giai đoạn tới. Đó là, tăng cường liên kết theo chuỗi sản xuất để tạo ra sản phẩm phù hợp; liên kết trong chế biến để đa dạng chuỗi sản phẩm cho nhiều thị trường; tăng cường liên kết hệ sinh thái tạo điều kiện kiểm soát chất lượng và phát triển thị trường.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Ông Trần Công Khôi - Vụ phó vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản)  đánh giá ngành Thủy sản phát triển tương đối tốt song có điểm yếu là liên kết. Các tỉnh cần thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ từ các yếu tố nuôi trồng - khai thác, chế biến - bảo quản; vận chuyển - lưu thông, tiêu thụ - phân phối đến quản lý chuỗi cung ứng nhằm tăng năng suất, giảm chi phí, tăng chất lượng, giá trị thủy sản Việt Nam.

Gắn phát triển thủy sản với du lịch sinh thái

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hiện nay, sản lượng đánh bắt bình quân hàng năm của tỉnh đạt khoảng 300.000 tấn/năm. Diện tích tiềm năng nuôi trồng thủy sản vào khoảng 16.153ha với sản lượng nuôi thương phẩm hàng năm trung bình khoảng 20.486 tấn/năm.

Với mảng xuất khẩu thủy sản, toàn tỉnh đang có hơn 50 doanh nghiệp đạt các tiêu chuẩn khắt khe để đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… với kim ngạch đạt khoảng 342 triệu USD Mỹ.

Phó Chủ tịch Nguyễn Công Vinh cho biết, để phát huy hết tiềm năng, ngành Thủy sản phát triển bền vững, tỉnh đang và sẽ tập trung khai thác thủy sản vùng lộng, vùng ven gắn với nuôi trồng và du lịch sinh thái.

Đồng thời, đẩy  mạnh  chuyển đổi các nghề khai thác xâm hại đến nguồn lợi thủy sản; khai thác hải sản vùng khơi, chống khai thác IUU. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sẽ chú trọng phát triển nuôi thủy sản lồng bè theo hướng công nghệ cao, đồng thời tăng cường chế biến sâu, chế biến các mặt hàng tinh chế nhằm nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Thêm 380 hội viên được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng
Ngày 28/3, Hội Nông dân (HND) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức hội nghị sơ kết công tác Hội và phong trào nông dân quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2023.