Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Ban hành 2 nghị định, 3 thông tư hướng dẫn về Luật Tài nguyên nước

11:00 21/05/2024 GMT+7
Để đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong triển khai khi Luật Tài nguyên nước khi có hiệu lực từ 1/7/2024, mới đây, Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng loạt ban hành 2 nghị định, 3 thông tư hướng dẫn thi hành Luật.

Ban hành đồng loạt 2 nghị định, 3 thông tư hướng dẫn về Luật Tài nguyên nước

Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ngày 16/5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Tài nguyên nước và Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Cùng trong ngày 16/5, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước và Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước.

"Với việc cố gắng, nỗ lực rất lớn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15, có thể nói đến nay, Hệ thống Văn bản quy phạm pháp luật về Tài nguyên nước mới đã được hoàn thiện đúng tiến độ, chất lượng. Đây là một trong những Hệ thống pháp luật chuyên ngành được triển khai xây dựng, hoàn thiện một cách đồng bộ, bảo đảm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và đặc biệt là Luật Tài nguyên nước, 02 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, các Thông tư sẽ được triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả trong thực tế và cùng hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024", ông Châu Trần Vĩnh chia sẻ.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội XV, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 (hiệu lực từ 1/7/2024) đánh dấu một bước tiến rất lớn trong tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước, bảo đảm tài nguyên nước được quản lý như tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Ngày 8/1/2024, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 19/QĐ-TTg ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, theo đó Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao xây dựng 2 Nghị định và các Thông tư. 

Kiểm tra chấp hành pháp luật về tài nguyên nước theo hướng nào?

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước. Quy định hình thức kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất. Trong đó, kiểm tra theo kế hoạch bao gồm kế hoạch kiểm tra của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Y tế và kế hoạch kiểm tra của UBND cấp tỉnh.

Hệ thống Văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước được triển khai xây dựng, hoàn thiện một cách đồng bộ, bảo đảm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và đặc biệt là Luật Tài nguyên nước

Kiểm tra đột xuất được tiến hành khi có một trong các căn cứ sau: Có chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tài nguyên nước qua thông tin, số liệu quan trắc, giám sát, báo cáo của tổ chức, cá nhân; khi phát hiện dấu hiệu vi phạm gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; sụt, lún đất; gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Kiểm tra đột xuất cũng được tiến hành khi có phản ánh, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; các phương tiện truyền thông, thông tin và các nguồn thông tin khác.

Theo Thông tư, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước xây dựng kế hoạch kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên nước, tổng hợp vào kế hoạch kiểm tra hàng năm của Bộ để trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Cục Quản lý tài nguyên nước xem xét, quyết định việc thành lập đoàn kiểm tra đột xuất và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tùy thuộc vào mức độ của dấu hiệu vi phạm để đảm bảo ngăn chặn kịp thời, giảm thiểu tác hại, hậu quả, Cục Quản lý tài nguyên nước gửi văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường (nơi có đối tượng cần kiểm tra đột xuất), tổ chức thực hiện kiểm tra và báo cáo kết quả kiểm tra về Cục. Hàng năm, khi tiến hành hoạt động kiểm tra theo quy định, nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp, các cơ quan được giao kiểm tra phối hợp để xử lý theo quy định.

Thông tư 04/2024 nhấn mạnh, việc xử lý chồng chéo này bảo đảm một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc cơ quan kiểm tra. Tại thông tư cũng quy định cụ thể việc tổ chức thực hiện một cuộc kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước; thẩm định và nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước.

Các hoạt động không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 04/2024
1. Hoạt động kiểm tra phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước của lực lượng Công an nhân dân.
2. Thẩm định, phê duyệt đề cương dự án, thẩm định, nghiệm thu hạng mục công việc trong quá trình thực hiện dự án; thẩm định, phê duyệt quyết toán dự án; kiểm định xây dựng, máy móc, thiết bị đo đạc, quan trắc về tài nguyên nước.

                                                        Theo VOV