Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Chăm Islam: Nguồn tài nguyên giàu có để phát triển du lịch*

(Tapchinongthonmoi.vn) - Trên cơ sở khái quát về hoạt động du lịch ở An Giang, bài viết này tập trung phân tích làm rõ các giá trị văn hóa của người Chăm Islam như: Hệ thống các di tích, công trình kiến trúc; Các lễ hội truyền thống; Nghề truyền thống; Trang phục; Ẩm thực; Tôn giáo; Phong tục, tập quán; Văn hóa nghệ thuật với thực trạng bảo tồn các giá trị này. Qua đó, bài viết chỉ ra tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy những giá trị tích cực nhằm phát triển du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Lễ hội Roja có thể xem là nét văn hóa đặc trưng nhất của người Chăm tại An Giang. Người Chăm gọi đây là tết, một trong những dịp đặc biệt để mọi người sum họp. Ảnh tư liệu

Tổng quan về du lịch An Giang

Là một trong số ít tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có cả 4 tộc người: Kinh, Chăm, Hoa, Khmer cùng sinh sống, mang trong mình một bản sắc đặc trưng riêng, hòa chung theo dòng chảy thời gian, tạo nên sự cộng hưởng trên mọi mặt của đời sống xã hội và làm nên sự đa dạng văn hóa trên địa bàn tỉnh. Một trong những tộc người ở An Giang có nét văn hóa độc đáo phải kể đến, đó là đồng bào Chăm theo Islam giáo, sống chủ yếu ở các huyện: Tân Châu, An Phú, Châu Phú, Châu Thành. Tộc người Chăm sinh sống lâu đời trên lãnh thổ Việt Nam nói chung và ở An Giang nói riêng. Họ đã đạt trình độ khá cao về tổ chức xã hội với một nền văn hóa nhiều nét đặc trưng, đa dạng. Văn hóa là linh hồn của một dân tộc. Vì vậy, muốn tìm hiểu một dân tộc, khám phá những nét tinh hoa, tinh túy của dân tộc, đòi hỏi chúng ta phải tìm hiểu các giá trị văn hóa (GTVH) của dân tộc đó bao gồm cả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong những năm gần đây, tỉnh An Giang quan tâm nhiều đến việc bảo tồn và phát huy GTVH nhằm định hướng phát triển du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế của địa phương. Vấn đề đặt ra là, những GTVH nào của dân tộc Chăm cần được bảo tồn và phát huy để phục vụ cho phát triển du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương? Nghiên cứu của chúng tôi trình bày trong bài viết này sẽ là cơ sở lý luận và thực tiễn góp phần trả lời câu hỏi này. 

Du lịch từ lâu được các quốc gia xem như là ngành công nghiệp không khói. Ở Việt Nam, du lịch có vai trò như một ngành kinh tế tổng hợp góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội. Theo Báo cáo thường niên Travel & Tourism Economic Impact 2016 Viet Nam của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới công bố hồi tháng 3/2016, đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP là 6,6%. Việt Nam nổi tiếng là một quốc gia có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch, có nhiều tỉnh thành trong nước xem du lịch như là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, chẳng hạn như tỉnh An Giang.

An Giang từ lâu đã được biết đến là một vùng đất giàu tiềm năng du lịch, nhất là du lịch văn hóa - tâm linh với nhiều công trình tôn giáo uy nghiêm, các cụm di tích như núi Sam, núi Cấm, núi Két,… cùng những hang động huyền bí làm tăng tính tâm linh của vùng đất này như Thủy Đài Sơn, Anh Vũ Sơn,… Theo Sở VHTTDL An Giang, tính trung bình từ năm 2015 đến 2019, mỗi năm tỉnh thu hút hơn 7,5 triệu lượt khách du lịch. Với định hướng của Tỉnh ủy là “Đẩy mạnh phát triển du lịch An Giang” theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại, đưa An Giang trở thành trung tâm du lịch hấp dẫn của ĐBSCL và cả nước theo quy hoạch của ngành du lịch. Theo Sở VHTTDL, mặc dù An Giang có lợi thế về phát triển du lịch và đã có nhiều dự án phát triển du lịch nhưng du lịch tại An Giang chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Thực tế cho thấy, hoạt động du lịch ở An Giang chưa thật sự nổi bật bản sắc riêng của địa phương, đặc biệt là hoạt động vui chơi, giải trí chưa thu hút và giữ chân du khách. Phần lớn các hoạt động du lịch chủ yếu là tham quan phong cảnh tự nhiên và các công trình nhân văn; nghệ thuật giải trí chủ yếu là đờn ca tài tử,… Điều này dẫn đến sản phẩm du lịch trùng lắp với nhiều địa phương khác của ĐBSCL. Một số nghề và làng nghề khai thác phục vụ khách du lịch trong tỉnh chỉ hoạt động khi khách có nhu cầu. Hoạt động của những nghề và làng nghề này mang tính chất “cầm hơi”. 

Trong những năm gần đây, với sự phát triển của loại hình du lịch văn hóa đã thu hút nhiều khách du lịch quốc tế hơn. Du lịch văn hóa chủ yếu dựa vào những GTVH, những lễ hội truyền thống dân tộc, phong tục, tín ngưỡng… để tạo sức hút đối với du khách. Đối với khách du lịch có sở thích nghiên cứu, khám phá văn hóa, phong tục tập quán bản địa thì du lịch văn hóa là cơ hội để thỏa mãn nhu cầu của họ.  (xem biểu)

Nhìn vào bảng thống kê trên ta thấy, từ 2015 đến 2019 doanh thu du lịch đều tăng trên cơ sở lượt khách trong và ngoài nước đến và lưu trú tăng. Riêng năm 2020, do dịch Covid-19 nên doanh thu này giảm. Doanh thu du lịch tăng nghĩa là đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của địa phương.

Các giá trị văn hóa Chăm Islam cần bảo tồn, phát huy ở An Giang

Người Chăm Islam ở An Giang có hệ thống các công trình kiến trúc độc đáo mang hơi thở và đặc trưng văn hóa Islam giáo. Theo thống kê, hiện nay An Giang là tỉnh có thánh đường Hồi giáo nhiều nhất cả nước, với 12 thánh đường và 16 tiểu thánh đường. Các xóm Chăm tại xã Châu Phong (thị xã Tân Châu) tập trung thánh đường nhiều hơn các địa phương khác trong tỉnh. Các thánh đường nổi tiếng nhất bao gồm: Mubarak, Jamiul Azhar thuộc xã Châu Phong (Tân Châu), Mas Jid Khai Ri Yah, Al Khairiyah thuộc xã Nhơn Hội, Jamiul Muslimin thuộc xã Quốc Thái (An Phú),… Các thánh đường của người Chăm Hồi giáo có dáng dấp của các thánh đường Hồi giáo trên thế giới, được xây theo kiến trúc truyền thống của thánh đường Hồi giáo ở các nước Ả-rập. 
Người Chăm Islam xây dựng thánh đường tôn trọng những quy định về kiến trúc cũng như cách bài trí bên trong theo phong cách các thánh đường Hồi giáo chính thống. Cổng chính vào thánh đường có hình vòng cung, phía trước, trên nóc có một tháp lớn hai tầng, nóc tháp hình bầu dục, dưới chân tháp có hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao, biểu tượng của đạo Hồi. Đây là biểu tượng ánh sáng của Thượng đế, tượng trưng cho sự thông thái và ánh đuốc soi đường. Người Chăm theo tinh thần ấy luôn hướng về Thượng đế Allah. Bên trong cổng vào thánh đường là một sân cầu nguyện, rộng rãi. Ở đó thường có một bể nước để người Chăm dùng với ý nghĩa để thanh tẩy trước khi cầu nguyện và đó cũng là nơi hội họp ưa thích của cộng đồng. Bốn góc trên nóc thánh đường có bốn tháp nhỏ, giữa nóc có hai tháp bầu tròn nhô cao. Từ cửa chính của thánh đường trở ra hai bên, mỗi bên có hai vòm hình vòng cung nhọn đầu. Bên trái và bên phải mỗi bên cũng có 6 vòm hình vòng cung nhọn đầu. Bên trong Thánh đường không có bàn thờ hoặc hình tượng bất kỳ vị thần, thánh nào. Ở một đầu Thánh đường có hậu tẩm, là nơi chức sắc đứng điều khiển các buổi hành lễ và có minbar là nơi thầy giảng giáo lý trong buổi lễ thứ sáu hàng tuần. 
Thánh đường không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo, mà còn là nơi chứa đựng và biểu hiện rõ nét nhất đời sống tôn giáo của người Chăm Islam ở An Giang, họ đến thánh đường để cầu nguyện (nam giới), thực hiện các nghi lễ tôn giáo quan trọng, sinh hoạt cộng đồng, xung quanh thánh đường chính thường có nghĩa địa để chôn cất những tín đồ Hồi giáo sau khi chết. Ngoài ra, thánh đường còn là nơi dạy tiếng Chăm và dạy đọc kinh Qur’an cho con em tín đồ Islam giáo. Vì vậy, du khách đến với thánh đường sẽ có nhiều cơ hội tìm hiểu về văn hóa tôn giáo của người Chăm An Giang.

Các thánh đường Mubarak, Jamiul Azhar thuộc xã Châu Phong (Tân Châu), Masjid Al Ehsan xã Đa Phước và Masjid Khai Ri Yah thuộc xã Nhơn Hội (An Phú) là các thánh đường tiêu biểu cần được chú trọng khai thác như các điểm tham quan du lịch văn hoá - tâm linh tại các xóm Chăm ở An Giang. Những thánh đường này có lợi thế đều là thánh đường được xây dựng tuân thủ các quy định của Islam giáo chính thống, quy mô lớn, là những công trình bề thế, được đánh giá cao về kiến trúc mỹ thuật, hệ thống giao thông thuận tiện để khách du lịch dễ dàng tiếp cận,… Thánh đường Mubarak thuộc xã Châu Phong được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1989. 

Ngoài thánh đường và tiểu thánh đường, các trường học Chăm và ngôi nhà cổ của người Chăm cũng có kiến trúc đặc sắc. Người Chăm An Giang sống tập trung chủ yếu bên dòng sông Hậu. Để thích ứng với mùa nước nổi hàng năm, nhà truyền thống của người Chăm An Giang là những ngôi nhà sàn cao, làm bằng gỗ với cột cao từ 2 - 3m. Không gian bên trong ngôi nhà khá thoáng và rộng rãi. Một số ngôi nhà có diện tích lớn có khả năng khai thác loại hình lưu trú homestay để phục vụ khách du lịch, nhằm giúp khách du lịch có nhiều thời gian và điều kiện để tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa Chăm một cách sâu sắc nhất. 

Đến với các ngôi nhà truyền thống của người Chăm, du khách được tìm hiểu chi tiết hơn về những sinh hoạt trong đời sống thường nhật của người họ và quan sát cách họ thực hiện các hoạt động sản xuất như dệt vải, thêu khăn, chế biến các món ăn truyền thống,… 

Việc bảo tồn di tích, công trình kiến trúc truyền thống nói trên được thực hiện ở An Giang khá tốt. Hiện tại, 12 thánh đường và 16 tiểu thánh đường, 100 ngôi nhà truyền thống của người Chăm hiện đang tồn tại, được lưu giữ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các ngôi nhà theo lối kiến trúc truyền thống của người Chăm có nguy cơ dần mai một vì những ngôi nhà cổ có tuổi đời khá lâu dẫn đến tình trạng xuống cấp, hư hỏng mà việc phục hồi nguyên trạng kiến trúc cổ của các ngôi nhà gặp nhiều khó khăn, mặc dù người Chăm ở đây có ý thức rất cao trong việc bảo tồn kiến trúc cổ của dân tộc mình nhưng vì chi phí cao và nguồn nguyên vật liệu khan hiếm. 

Đội trống Ráp-pà-nà của cộng đồng người Chăm An Giang, xã Châu Phong, huyện Tân Châu. Ảnh tư liệu

Lễ hội của người Chăm Islam ở An Giang

Người Chăm Islam ở An Giang có rất nhiều lễ hội mang tính cộng đồng và thể hiện một cách độc đáo các giá trị văn hoá (GTVH) dân tộc mình như: Lễ mừng sinh nhật nhà tiên tri - giáo chủ Mohammed vào ngày 12-4 Hồi lịch hàng năm. Đây là dịp để con cháu người Chăm tìm hiểu về cội nguồn, về sự ra đời của đạo Hồi; Lễ Ramadan diễn ra vào tháng 9 Hồi lịch. Đây là lễ rất quan trọng đối với người Chăm Hồi giáo An Giang. Việc nhịn ăn trong tháng Ramadan với mục đích rất thiêng liêng là nhắc nhở con người phải biết thương những người nghèo khổ, đói khát, từ đó, tự mình có thể cảm nhận được những nỗi thống khổ đó và biết ơn Thượng đế Allah mà sống cho tốt. Một điều quan trọng nữa là nhịn đói khiến người ta tiết chế được những ham muốn vật chất, những dục vọng thấp hèn để chỉ chú trọng vào việc tu tâm, khắc phục bản thân cho tâm hồn được trong sạch. 

Một trong những lễ hội có khả năng khai thác du lịch tốt nhất của người Chăm Islam ở An Giang có thể kể đến là Lễ hội Roya Haji, tổ chức ngày 10 tháng 12 Hồi lịch, còn được xem là Tết dân tộc của người Chăm. Lễ này được tổ chức vào thời gian những tín đồ Hồi giáo hành hương về Thánh địa Mecca. Những người không hành hương, đi làm ăn xa hay học tập xa nhà đều phải trở về để dự Thánh lễ. Trong dịp này, ở các xóm Chăm thường giết bò, dê chia thịt cho các gia đình cùng ăn. Đây là một sự kiện văn hóa quan trọng, thể hiện không khí tươi vui, sôi nổi trong các sinh hoạt cộng đồng của người Chăm Islam ở An Giang. Du khách tham gia lễ hội này sẽ có nhiều hoạt động trải nghiệm đối với các GTVH Chăm từ vật chất đến tinh thần.

Nghề truyền thống 

Nói đến nghề truyền thống của Chăm Islam ở An Giang phải kể đến đó là nghề Dệt Thổ cẩm và nghề làm Tung lò mò (lạp xưởng bò) nổi tiếng gần xa. 

Dệt Thổ cẩm là nghề truyền thống của người Chăm Islam ở An Giang. Trước đây, dường như gia đình nào cũng có khung dệt. Các cô gái Chăm sau khi trải qua nghi lễ trưởng thành - tục cấm cung (hiện nay phong tục này không còn phổ biến tại cộng đồng người Chăm Islam ở An Giang) - đều phải biết dệt vải và tự dệt vải để làm trang phục cho bản thân và gia đình, đặc biệt là tự làm trang phục cưới cho mình. Sự khéo tay trong các công đoạn dệt vải còn là tiêu chuẩn đánh giá năng lực nữ công gia chánh của các cô gái Chăm. Sản phẩm được tạo ra bởi những phụ nữ Chăm khéo léo không chỉ được dùng trong đời sống hàng ngày của họ mà nó còn dùng làm đồ lưu niệm rất được du khách ưa chuộng. Đến với làng Dệt Thổ cẩm của người Chăm, du khách được tìm hiểu về lịch sử và các sản phẩm của làng nghề, tìm hiểu các công đoạn trong quy trình sản xuất ra một sản phẩm thổ cẩm, tự tay thực hiện một số công đoạn trong quy trình này, mặc thử trang phục và phụ kiện theo phong cách của người Chăm Islam, mua các sản phẩm về sử dụng, lưu niệm, làm quà cho người thân và bạn bè. Các xóm Chăm ở An Giang đã khai thác những nét văn hóa độc đáo trong nghề truyền thống này để khai thác, phục vụ du lịch.

Nghề làm Tung lò mò là nghề truyền thống của người Chăm An Giang. Hiện nay, đến với các xóm Chăm ở An Giang, đặc biệt là xóm Chăm Mot Chruk ở xã Châu Phong, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chuỗi Tung mò lò được phơi nắng dọc các tuyến đường. Việc chế biến Tung lò mò được người Chăm thực hiện theo công thức riêng. Để có món Tung lò mò ngon, người làm món này phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp mà thực tế đã có rất nhiều khách du lịch muốn tìm hiểu về quy trình chế biến món ăn nổi tiếng này. Đây là yếu tố lợi thế để khai thác GTVH này trong phát triển du lịch tại các xóm Chăm. Du khách đến tham quan, ngoài thưởng thức món ăn còn được hướng dẫn để tự tay mình thực hiện các công đoạn làm ra món ăn ngon miệng, độc đáo này. Điều này sẽ giúp du khách mở rộng hiểu biết về ẩm thực, thậm chí có thể áp dụng những kiến thức mới phục vụ đời sống hàng ngày của mình. Do món ăn Tung lò mò ngon, nên khách du lịch thường có nhu cầu mua sản phẩm này về làm quà. Đây là là một yếu tố lợi thế cho việc khai thác GTVH ẩm thực đối với du khách, là một sinh kế của người Chăm Islam ở An Giang trong hiện tại và tương lai. 

Thực tế cho thấy, nghề dệt truyền thống của người Chăm dần mai một, sản phẩm do chính người Chăm An Giang dệt ra có số lượng không đáng kể và kiểu dáng, công dụng không phong phú. Số lượng khung dệt hiện nay ở các làng Chăm còn rất ít, số người am hiểu và có khả năng chế tạo, truyền nghề các kỹ thuật dệt vải, thêu truyền thống không nhiều, một bộ phận giới trẻ không tha thiết với việc học và kế thừa nghề truyền thống của dân tộc. Sản phẩm tiêu biểu của nghề thủ công truyền thống như khăn Mat’ra, khăn Mas-pok, các bộ trang phục truyền thống dần được thay thế bằng các sản phẩm nhập khẩu. Việc bảo tồn và khai thác nghề làm Tung lò mò vào hoạt động du lịch cũng đang gặp nhiều khó khăn: Các cơ sở sản xuất Tung lò mò giảm dần, nhỏ lẻ, không thường xuyên, máy móc dần thay thế phương thức sản xuất thủ công; sản phẩm chủ yếu phục vụ cho người Chăm, chưa thật sự phổ biến; chưa đáp ứng nhu cầu trải nghiệm khách du lịch… 

Trang phục truyền thống 

Trang phục của những người Chăm Islam ở An Giang vẫn lưu giữ được rất nhiều yếu tố truyền thống. Chẳng hạn, đàn ông mặc xà-rông dài phủ tới chân, kẻ sọc; mặc áo truyền thống, áo thun hoặc áo sơ mi. Phụ nữ Chăm Islam ở An Giang từ trước đến nay vẫn giữ được truyền thống trong cách ăn mặc. Họ thường mặc áo cộc, chỉ trong những ngày lễ lớn, ngày hội vui họ mới mặc áo dài. Áo cộc có thân rộng, ống tay hẹp và có hai túi lớn phía trước. Phụ nữ lớn tuổi còn giữ được loại áo dài tiêu biểu của người Chăm Việt Nam gọi là tăh. Đó là loại áo dài được ghép bằng 4 mảnh vải khổ hẹp và hai mảnh nhỏ ở sườn và nách, áo chui đầu, không xẻ tà. Bên cạnh đó, một đặc điểm rất dễ nhận diện đối với người Chăm là chiếc khăn đội đầu của phụ nữ và chiếc mũ đội đầu của nam giới.

Khăn đội đầu của phụ nữ Chăm An Giang do họ tự làm lấy hoặc là mua từ người Chăm chuyên làm khăn đội đầu. Khăn có nhiều hình dạng, kích cỡ, đó là một mảnh vải hình chữ nhật dài có nhiều hoa văn dùng choàng hờ lên đầu để che phần tóc (thường dùng cho cô dâu); khăn che kín phần đầu, tóc, hai tai, chỉ trừ khuôn mặt; khăn chỉ che kín phần tóc mà không che hai tai,… Chất liệu chủ yếu là thổ cẩm, hoa văn hình quả trám. Chiếc khăn đội đầu khiến phụ nữ Chăm Islam có nét đẹp rất độc đáo, bởi sự e ấp và duyên dáng của nó. Đối với nam giới, vào những ngày lễ Islam giáo, thường nhật hay lễ trọng, chức sắc mặc áo achuba, còn gọi là kak hadji. Áo achuba giống như áo chê va, màu trắng, dài đến gót chân. Áo mặc với xà rông màu trắng, đầu đội khăn hadji trắng. Những người đã hành hương về Thánh địa Mecca, mặc áo kơ rông trắng, dài chấm đất, đầu đội khăn quàng trắng, bỏ mép xuống tận lưng, trên khăn là chiếc vòng ykal hoặc thắt dây bịt đầu.

Trang phục không chỉ là yếu tố trang trí, nhận diện là dân tộc nào mà nó còn thể hiện những GTVH tiêu biểu của một dân tộc mà người Chăm Islam ở An Giang có được ưu điểm đó. Du khách đến các xóm Chăm, có thể mặc trang phục của người Chăm, đóng vai người Chăm và tham gia trải nghiệm các hoạt động thường nhật của người Chăm là một điều hết sức thú vị mà nhiều du khách sẽ rất thích thú. Hiện nay, trang phục truyền thống của người Chăm Islam ở An Giang đang có nhiều biến đổi so với truyền thống. Điều này do một phần lớn bởi sự ảnh hưởng từ nghề dệt của họ dần mai một, trang phục truyền thống không hoàn toàn do họ dệt và may nữa mà được mua chủ yếu từ Malaysia hoặc nơi khác; kiểu dáng, màu sắc và hoa văn được sử dụng trong trang phục dần biến đổi theo hướng tiện lợi và hiện đại hơn. Điều này dẫn đến việc một bộ phận người Chăm không còn nhận diện và lưu giữ được trang phục truyền thống của tộc người mình và cũng là yếu tố làm mất sức hấp dẫn đối với du lịch khi họ muốn có sản phẩm do chính người Chăm làm ra để làm kỷ niệm, quà tặng hoặc sử dụng.

Ẩm thực truyền thống 

Dựa vào những sản vật nuôi trồng và đánh bắt được, người Chăm An Giang chủ yếu dùng gạo, tôm, cá, thịt bò… làm nguồn lương thực chính. Họ ăn uống tuân thủ theo giáo luật Hồi giáo, họ kiêng cữ nhiều trong việc ăn uống và tuyệt đối không ăn thịt heo. Người Chăm Islam ở An Giang sử dụng thịt bò khá phổ biến trong chế biến món ăn. Từ thịt bò cộng với những gia vị đặc trưng, họ đã chế biến ra rất nhiều món ăn truyền thống đặc sắc.

Nói đến văn hóa ẩm thực của người Chăm Islam ở An Giang phải kể đến các món ăn tiêu biểu, nổi tiếng của họ. Người Chăm chia món ăn của mình thành 2 nhóm là các món mặn và các món ngọt. Các món mặn như cà ri (gà, bò, dê), cà púa (bò), cơm nị, tung lò mò, gỏi bò, đồ chua, sườn bò sốt rau củ, cá rô áp chảo, mì xào Malaysia, bánh xếp mặn (bánh Năm Pạc),… Các món ngọt tiêu biểu như bánh chiếc nhẫn hay còn gọi là bánh nghệ (bánh pây-krah), bánh ha-nàm-căn, bánh sây-kya, bánh giọt nước (bánh thon dót), bánh chôm chôm, bánh hột mít, bánh ha sa ka da, bánh ha nùm kel, bánh ha sôi sim, bánh khoa vạt (ha tro dác), bánh ha phùm,… Các món mặn người Chăm sử dụng khá phổ biến các gia vị như bột cà ri, lá cà ri, nước cốt dừa, những gia vị mang hương vị mạnh, các món bánh ngọt thường được chế biến từ bột mì, đậu xanh, trứng, sữa, đường (đường thốt nốt) cùng các nguyên liệu tạo màu khác như trái thốt nốt chín, nghệ,…

Việc khai thác ẩm thực Chăm trong phát triển du lịch tỉnh An Giang là một hoạt động rất thiết thực. Du khách thưởng thức ẩm thực vừa đạt được những nhu cầu về ăn uống mà còn có thể trải nghiệm một phần văn hóa dân tộc, văn hóa bản địa thông qua việc tìm hiểu và tham gia thực hiện các công đoạn của việc tạo ra một món ăn từ cách lựa chọn nguyên liệu, cách chế biến, trang trí đến cách thưởng thức món ăn. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, yếu tố văn hóa ẩm thực ở đây chưa được khai thác như một phần của sản phẩm du lịch địa phương. Đến với các xóm Chăm, du khách có nhu cầu thưởng thức các món đặc sản của người Chăm sẽ khó được đáp ứng, nếu không liên hệ đặt trước dịch vụ. Ở các khu vực này không có cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống chuyên về các món ăn đặc trưng của người Chăm. Đây là một hạn chế rất lớn của ngành Du lịch địa phương, trong khi đây là một tài nguyên rất có giá trị trong khai thác phát triển du lịch. Những năm gần đây, một số món ăn đặc trưng của người Chăm Islam ở An Giang đang dần mai một vì thiếu các thế hệ kế thừa. Những người có khả năng chế biến các món ăn này hầu hết là người cao tuổi, khả năng truyền nghề hạn chế. Một bộ phận người Chăm khác chưa nhận thức đầy đủ về các giá trị đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của mình. Khai thác văn hóa ẩm thực Chăm vào phát triển du lịch An Giang là một hướng đi phù hợp vì thông qua hoạt động này, người Chăm An Giang vừa có thêm thu nhập, quảng bá được văn hóa dân tộc để có hướng bảo tồn và phát huy tốt các GTVH của mình.

Thánh đường Masjid Jamiul Azhar của người Chăm An Giang tại xã Châu Phong, huyện Tân Châu. Ảnh tư liệu

Phong tục, tập quán 

Phong tục, tập quán của người Chăm Islam ở An Giang chứa dựng nhiều giá trị. Trong các nghi lễ vòng đời của họ từ lúc mới sinh ra cho đến lúc chết đi đều bị chi phối bởi những quy định, giáo luật của Islam giáo. Các nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam bao gồm lễ Cắt tóc đồng thời là lễ Đặt tên; Lễ thành niên; Hôn lễ và Tang lễ. Trong các nghi lễ này, hôn lễ được xem là nguồn tài nguyên du lịch đáng để khai thác nhất. 

Hôn lễ của người Chăm Islam ở An Giang được diễn ra với nghi thức có nhiều chi tiết phong phú, đáng chú ý nhất là nghi thức đưa rể và phần nghi lễ chính sẽ được tổ chức tại nhà của cô dâu. Mỗi nghi lễ trong hôn nhân đều chịu tác động mạnh mẽ từ giáo luật Islam giáo. Hôn lễ là một sự kiện văn hóa quan trọng không chỉ đối với cặp vợ chồng mới cưới mà còn là niềm vui lớn của cả dòng tộc, cộng đồng. Vì vậy, hôn lễ là dịp để khách du lịch có thể tìm hiểu và trải nghiệm rất nhiều GTVH của Chăm Islam về vật chất lẫn tinh thần. Du khách có thể quan sát và tham gia tổ chức lễ cưới của người Chăm Islam ở An Giang như: Trang trí nhà cửa, chuẩn bị các món ăn; đêm nhóm họ với các tiết mục văn nghệ vui tươi và sôi động; lễ đưa rể, các nghi lễ thành hôn, thưởng thức bữa ăn và bầu không khí vui tươi, náo nhiệt, đầy tình cảm cộng đồng trong hôn lễ của họ. Nếu biết khai thác hiệu quả tài nguyên đặc sắc này, du khách sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị, hiểu và có nhiều sự đồng cảm hơn đối với cộng đồng người Chăm ở đây.

Trong đời sống của người Chăm Islam ở An Giang có rất nhiều điều bị cấm đoán và kiêng kỵ. Ngay từ nhỏ, việc giáo dục con cái rất được xem trọng, đặc biệt là việc học tập các giáo lí, giáo luật của Islam giáo. Mỗi tín đồ Islam giáo đều phải nắm rõ và thực hiện một cách nghiêm túc. Giáo luật của Islam giáo không trừng phạt trên thân thể con người, nhưng có thể tác động mạnh mẽ đến tinh thần, danh dự, nhân cách và địa vị xã hội của mỗi con người. Những năm gần đây, một số yếu tố trong phong tục, tập quán của người Chăm Islam ở An Giang dần biến đổi. Đơn cử như tục cấm cung hiện nay không còn nữa. Trong lịch sử, tục này đã tạo cho những thiếu nữ Chăm rất nhiều khó khăn như hạn chế trong việc giao tiếp với thế giới xung quanh, ngại tiếp xúc; ít có điều kiện học tập, nâng cao trình độ hiểu biết, khó phát huy năng lực xã hội của bản thân. Và do vậy, điều này làm cho khả năng tìm được người chồng của phụ nữ theo ý thích của mình là rất hạn chế. Ngày nay, phụ nữ Chăm Islam ở An Giang ngày càng có điều kiện làm chủ, phát huy năng lực bản thân, khẳng định vị thế của mình trong xã hội, một bộ phận phụ nữ bản lĩnh hơn, giao tiếp rộng rãi, cởi mở hơn trong đời sống cộng đồng. Nhìn chung, việc bảo tồn nét văn hóa này được thực hiện theo hướng loại dần yếu tố không còn phù hợp, thay thế bằng các cách thức hiện đại và linh hoạt hơn mà không làm mất đi ý nghĩa, GTVH truyền thống của dân tộc và giáo luật Islam.

Văn hóa nghệ thuật 

Theo nhóm tác giả Võ Văn Thắng, Nguyễn Thị Ngọc Thơ, Đỗ Thị Thanh Hà, trước đây, do sự ngăn cấm của giáo luật Hồi giáo nên sinh hoạt văn nghệ dân gian không được phát triển, nhưng bù lại, người Chăm Islam ở An Giang đã xây dựng nên một nền văn học với đủ các loại truyện kể. Qua những truyện kể, chúng ta có thể nhận thấy, cộng đồng Chăm Islam ở An Giang luôn đề cao tình nghĩa vợ chồng, tình anh em như truyện Đôrya cô gái nết na, Amách và Sifoah… Đặc trưng trong hầu hết các câu truyện kể của người Chăm Islam ở An Giang đều thấp thoáng hình bóng của thần linh hiện ra để giải quyết những khó khăn mà khả năng con người không làm được. Ngoài ra, họ cũng có truyện cười, truyện ngụ ngôn hay truyện thần thoại kể về Mohammad, về thiên thần theo kinh Qur’an. Tên các nhân vật trong các câu truyện thường mượn theo tiếng Ả-rập, thường mang dáng dấp các truyện trong tác phẩm nổi tiếng Nghìn lẻ một đêm. 

Sinh hoạt âm nhạc người Chăm Islam ở An Giang khác với người Chăm ở miền Trung Bộ, họ không sử dụng bất kỳ nhạc khí dây, hơi nào ngoài bộ trống Ráp-pà-nà. Người chơi trống Ráp-pà-nà chỉ là nam, ngồi xếp thành hình bán nguyệt, họ vừa đánh cũng có thể vừa hát. Mặc dù chỉ chơi với bộ trống nhưng nghệ nhân đã khéo léo biến ảo một cách tài tình với cách đánh đa dạng cho nhiều loại tiết tấu theo giai điệu khác nhau. Có thể thấy, từ trống Ráp-pà-nà, người Chăm ở đây phát triển một cách linh hoạt, sáng tạo trong khi chơi với thể loại dân ca: Các điệu hò, vè, hát đố, hát ru, đồng dao, hát giao duyên Ađtơn, Atằm Tànà, ca dao Pa-nược Pa-dát. Tiếng trống thể hiện sự linh thiêng và được xem là linh hồn của người Chăm, cho nên, nó cũng luôn được xuất hiện trong những buổi cầu nguyện hàng tuần hay các buổi lễ lớn tại các thánh đường. 

Có thể nói rằng, văn hóa nghệ thuật của người Chăm Islam ở An Giang có những nét đặc trưng, độc đáo. Nếu chúng ta biết khai thác các GTVH này vào hoạt động du lịch thì sẽ làm cho sản phẩm du lịch nơi đây trở nên phong phú hơn, hấp dẫn hơn. Dựa vào những tài nguyên du lịch nêu trên cho thấy, khi đến với các xóm Chăm An Giang, du khách được tham quan, tìm hiểu các công trình kiến trúc, tham gia lễ hội, tham quan và trải nghiệm các làng nghề, thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu đời sống tôn giáo, phong tục tập quán của người Chăm, chính yếu tố văn hóa nghệ thuật như âm nhạc và truyện kể là các sản phẩm du lịch giúp giữ chân du khách ở lại xóm Chăm lâu hơn. Sau một ngày tham quan và trải nghiệm các GTVH tại xóm Chăm, tối đến du khách được hòa mình vào đời sống thường nhật của người Chăm với việc thưởng thức những món ăn truyền thống, thưởng thức âm nhạc và thả hồn vào các câu chuyện ngắn ly kỳ, hấp dẫn được kể bởi chính người Chăm và ngủ tại ngôi nhà sàn truyền thống của họ sẽ là một chuỗi sự kiện hấp dẫn, mang lại sự thích thú cho du khách. Tất cả các yếu tố văn hóa đã trình bày trên đây có thể được thiết kế khéo léo, hợp lý để hình thành nên một sản phẩm du lịch tổng hợp, độc đáo giúp du khách một lần đến thăm sẽ trải nghiệm dường như đầy đủ các GTVH của người Chăm Islam ở An Giang.

Tiềm năng du lịch về văn hoá nghệ thuật Chăm Islam An Giang là khá phong phú, hấp dẫn, tuy nhiên để du khách thưởng thức, cảm nhận giá trị này qua các buổi biểu diễn âm nhạc, truyện kể hiện nay khá khó khăn. Tại Nhơn Hội, Châu Phong trước đây đều có các đội nhóm biểu diễn nghệ thuật Chăm cho du khách thưởng thức, nhưng do không thường xuyên, thu nhập không ổn định, nên các nhóm này gần như tan rã. Các công ty lữ hành muốn tổ chức cho du khách xem biểu diễn âm nhạc Chăm tại xã Châu Phong phải liên hệ trước từ 1 - 2 tuần để họ tập hợp diễn viên, tập dượt, do đó chi phí cho hoạt động này (chỉ từ 3-4 tiết mục) vẫn khá cao. Mặt khác, nhạc cụ truyền thống của người Chăm đang hư hỏng, dần mai một, số người biết làm trống Ráp-pà-nà không nhiều và đa phần là người cao tuổi, chi phí nguyên vật liệu làm trống khá đắt đỏ nên gây nhiều khó khăn trong việc phục hồi và lưu giữ. Nhiều thanh - thiếu niên người Chăm ở đây hiện nay gần như không biết đến các bài nhạc truyền thống của dân tộc họ. Hầu hết các câu truyện cổ của người Chăm Islam ở An Giang là truyện kể, rất ít lưu truyền bằng văn bản chính thống, do vậy, việc bảo tồn và phát huy là cực kỳ khó khăn. Đây là hiện trạng cần báo động về vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống của người Chăm Isalm ở An Giang. Nếu tình trạng này kéo dài, tương lai không xa, nghệ thuật truyền thống của người Chăm sẽ dần thất truyền. 

Kết luận

Người Chăm Islam ở An Giang có nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú. Văn hóa Chăm có đầy đủ các yếu tố thuộc tài nguyên du lịch văn hóa để khai thác như hệ thống thánh đường - di tích kiến trúc đặc trưng của người Chăm Islam; các lễ hội văn hóa mang đậm màu sắc tôn giáo, nghề thủ công truyền thống với việc tạo ra các sản phẩm thổ cẩm sắc xảo, đa dạng về kiểu dáng và màu sắc, món Tung lò mò - một đặc sản nổi tiếng không thể bỏ qua khi đến du lịch tại các xóm Chăm; các yếu tố văn hóa đặc trưng như trang phục, ẩm thực, phong tục, tập quán, tôn giáo, nghệ thuật mang đậm màu sắc Islam giáo cùng với các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi… Nguồn tài nguyên du lịch quý giá này, nếu biết cách bảo tồn, phát huy và khai thác hợp lý sẽ tạo nên cho những xóm Chăm ở An Giang một sản phẩm du lịch tổng hợp, đáp ứng tốt nhu cầu tham quan tìm hiểu và trải nghiệm các GTVH Chăm Islam ở đây một cách trọn vẹn của du khách gần xa. Ngành Du lịch An Giang được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Việc khai thác hệ thống tài nguyên du lịch của tỉnh vào hoạt động du lịch đang là một việc làm rất cần thiết và khẩn trương thực hiện không chỉ ngày càng đáp ứng cao hơn nữa nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch mà còn đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của địa phương trong hiện tại và tương lai. 

Tôn giáo của người Chăm Islam ở An Giang
Người Chăm ở An Giang đều thuộc phái Safi’i dòng Sunni, theo dòng Islam chính thống. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Bình, khác với tín đồ Chăm Bà-ni, tín đồ Chăm Islam hiểu biết về giáo luật Islam và thực hiện các nghĩa vụ tôn giáo của mình một cách đầy đủ. Hồi giáo hầu như tác động làm ảnh hưởng đến mọi mặt trong đời sống của người Chăm Islam ở An Giang. Trong cuộc sống hàng ngày, từ nếp ăn, nếp ở, nếp nghĩ của họ cũng liên quan đến Hồi giáo. Họ nắm rõ và thực hiện khá đầy đủ những giáo lý căn bản của tôn giáo này cũng như việc bắt buộc phải hoàn thành bổn phận của mình trong cuộc đời. Rường cột giáo lý của Islam giáo gồm năm điều chính là niềm tin tuyệt đối vào Đức Thánh Allah và Thiên sứ Mohammed. Họ hành lễ mỗi ngày 5 lần, nhịn ăn tháng Ramadan, bố thí và hành hương về thánh địa Mecca. 
Ở một góc tiếp cận khác, yếu tố tôn giáo cần được nhận thức và xem nó như là một “chất liệu quý, lạ” giúp hình thành sản phẩm du lịch văn hóa mang tính đặc sắc của người Chăm Islam ở An Giang. Chẳng hạn, tại các xóm Chăm, sinh hoạt tôn giáo vẫn còn duy trì đều đặn và nghiêm túc. Thứ sáu hàng tuần, các tín đồ đều tập trung ở thánh đường cùng các vị giáo cả đứng lên đọc về giáo lý, khuyên dặn các tín đồ chấp hành tôn giáo, chấp hành pháp luật, sống nếp sống văn minh; họ thờ duy nhất một sản vật được tôn kính là kinh Koran; trong đời, mỗi người Hồi giáo Islam phải thực hiện ít nhất 1 cuộc hành hương đến Thánh địa Mecca; cúng lạy một đêm 5 lần, bố thí, ăn chay Lễ Ramadam… Ở góc độ văn hóa tôn giáo, những điều này xét ở khía cạnh tích cực, nó là những GTVH – đạo đức góp phần giáo dục đạo đức con người hướng thiện, hình thành nhân cách tốt cho mỗi cá nhân trong cộng đồng dân tộc nói chung. Với những yếu tố này, du khách đến với các xóm Chăm An Giang sẽ có cơ hội tìm hiểu cách nghĩ, cách làm của người Chăm và lý giải được nguyên nhân vì sao họ lại có nền văn hóa đặc sắc như vậy thông qua những lời kể, sự trải nghiệm các GTVH của họ. Việc bảo tồn các giá trị truyền thống trong văn hóa tôn giáo của người Chăm Islam ở An Giang hiện nay là việc làm hết sức cần thiết, bởi vì, nó góp phần giữ gìn nền văn hóa đặc trưng, độc đáo của họ.
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang (2015), Văn kiện Đại hội đại biểu cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2015 - 2020, tr.2.
2. Dohammide (1962). Người Chàm Châu Đốc. Bách khoa toàn thư các số 139, 140, 141, 142, 143, 144.
3. Lâm Tâm (1994), Một số tập tục người Chăm An Giang, Chi hội Văn nghệ Dân gian An Giang, tr.14.
4. Phan Văn Dốp & Nguyễn Việt Cường (1991). Người Chăm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nxb Khoa học xã hội.
5.Đặng Văn Hường (2013). Tìm hiểu một số phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo các dân tộc vùng Nam Trung Bộ. Nxb, Quân đội nhân dân, Hà Nội. 
6. UBND tỉnh An Giang, kế hoạch số 759/KH-UBND ngày 20/12/2017 về thực hiện đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2017 - 2020.
7. Võ Văn Thắng (2010). Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam ở An Giang. Tạp chí Khoa học Trường Đại học An Giang.
8. Võ Văn Thắng, Mai Thị Minh Thuy, Trần Xuân Hải, Nguyễn Thị Ngọc Thơ (2017). “Phát triển du lịch tâm linh ở An Giang hiện nay”, Tạp chí Khoa học Trường Đại học An Giang.
 (*) Tít đề do Tòa soạn đặt.