Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6:

Đừng để “cổng làng rộng mở nhưng cổng nhà khép chặt”

Ánh Dương - 13:01 28/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Bên cạnh những nỗ lực và kết quả đạt được, xây dựng gia đình hạnh phúc hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức do nhiều người thường ít quan tâm đến các thành viên trong gia đình, làm cho mối quan hệ giữa bố mẹ với con, ông bà với cháu, giữa anh chị em ruột có khoảng cách. Nhiều gia đình do quá tập trung làm kinh tế đã xem nhẹ việc chăm sóc và giáo dục đạo đức các thành viên dẫn đến giây phút quây quần bên nhau ngày càng ít, gia đình dễ xảy ra biến cố hơn.
Cụ Nguyễn Phú Thành (91 tuổi) ở làng Phú Thứ, Tây Mỗ, Nam Từ Liêm (Hà Nội) sống trong gia đình “ngũ đại đồng đường” vui cùng chắt nội. 

Biến đổi của văn hóa nông thôn tác động trực tiếp đến mỗi gia đình

Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp. Gia đình Việt Nam có đặc điểm là nhiều thế hệ sống chung cùng một mái nhà. Mỗi gia đình thường có ba thế hệ sống chung với nhau: Ông bà-cha mẹ- con cái. 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Phòng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ đã và đang tác động sâu sắc đến mọi vùng miền, giai tầng, trong đó có nông dân, nông thôn. Cuộc sống vật chất ngày càng đủ đầy, nông dân càng có điều kiện tiếp cận với các loại hình dịch vụ nghe nhìn, giải trí mới, được trải nghiệm các thiết bị hiện đại, thông minh. 

Qua internet, điện thoại di động, mạng xã hội… nông dân đang trở thành những công dân số với mạng lưới kết nối không ngừng gia tăng nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tham gia các sàn giao dịch thương mại để quảng bá, giới thiệu những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của quê hương. Có thể nói, cánh cổng làng của những vùng quê nông thôn đang rộng mở để bản sắc, giá trị văn hóa nông thôn tiếp tục lan tỏa, phát huy trong đời sống cộng đồng, đồng thời, chủ động đón nhận những “làn gió” văn hóa mới để bồi đắp thêm cho văn hóa nông thôn ngày càng phong phú, đa dạng.

Tuy nhiên, nếu trước đây “cổng làng đóng nhưng cổng nhà nào cũng mở” thì ngày nay “cổng làng mở nhưng cổng nhà nào cũng đóng”. Không gian văn hóa nông thôn hiện nay còn có sự xuất hiện của những ngôi nhà cao tầng, những điểm kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, nhà nghỉ, quán bar, hiệu cầm đồ… Sống trong không gian mở với nhiều loại hình văn hóa, giải trí mới trên không gian mạng, bên cạnh những thông tin, hình ảnh tích cực là vô vàn những xuất bản phẩm kém giá trị, những luồng tư tưởng xấu độc đã và đang tác động, chi phối đến lối sống của nông dân, nhất là giới trẻ. Phía trong nhiều ngôi nhà cao tầng sang trọng ở làng quê lại là những không gian kép kín, thiếu sự liên kết, thông hiểu giữa các thành viên trong gia đình. Đó là những xung đột thế hệ về quan điểm, lối sống; mâu thuẫn vợ chồng, những tranh giành đất đai, quyền lợi trong gia đình. Một số bạn trẻ có sự lệch lạc trong lối sống, chạy theo thị hiếu, đề cao cá nhân, tin theo tà đạo, rời xa những giá trị văn hóa cổ truyền, lãng quên cội nguồn, tổ tiên, nhạt phai bản sắc văn hóa dân tộc.

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gia đình tại nông thôn, Tiến sĩ Nguyễn Huy Phòng cho rằng, cần nhân rộng các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Các mô hình “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Gia đình khuyến học, dòng họ khuyến học”… ở nhiều địa phương. Đặc biệt là phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản, tổ dân phố văn hóa… thu hút các gia đình hưởng ứng tham gia, tạo những chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa nông thôn, gìn giữ nền nếp gia đình truyền thống. 

Duy trì bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương

Tại làng Phú Thứ, Tây Mỗ, Nam Từ Liêm (Hà Nội), gia đình cụ Nguyễn Phú Thành là một gia đình “ngũ đại đồng đường” - 5 thế hệ sống chung một nhà - điển hình tiêu biểu cho nét đẹp gia đình Việt gắn kết, hoà thuận. Ở tuổi 91 nhưng cụ Nguyễn Phú Thành vẫn minh mẫn và khoẻ mạnh. Gia đình cụ hiện có 5 thế hệ, các hộ gia đình đều sống quây quần nhau trên một khu đất mà tổ tiên để lại. Với 35 thành viên luôn hòa thuận trên dưới, gia đình cụ Thành chính là tấm gương cho nhiều gia đình khác trong tổ dân phố noi theo.

Gia đình cụ có nếp văn hóa trên bảo dưới nghe. Là trưởng dòng họ, cụ Thành thường quyết định những vấn đề quan trọng trong gia đình hay ngày họp họ, ngày giỗ... và mọi người đều đồng thuận nghe theo. “Trong tháng đại gia đình tôi lại tổ chức liên hoan, con cháu quây quần bày hơn 5 mâm cơm. Ai nấy cũng đều cảm thấy hạnh phúc bên bữa cơm gia đình”, cụ Thành tự hào chia sẻ.

Cụ Thành tiết lộ: Bí kíp để gia đình luôn hoà thuận đó là cha mẹ phải là người làm gương cho con cháu. Giữa các thế hệ sống với nhau vừa có tôn ti trật tự, vừa rất gần gũi, dân chủ. Các con cháu của cụ Thành đều là những công dân gương mẫu, tham gia công tác trên nhiều lĩnh vực và trong dòng họ cụ Thành không có con cháu vi phạm pháp luật hoặc vướng vào tệ nạn xã hội. Mỗi khi cần, tất cả con cháu lại đoàn tụ về dưới mái nhà cổ, cùng ăn bữa cơm gia đình đầm ấm. Mấy chục con người cùng quần tụ nhưng tuyệt đối hàng xóm chưa bao giờ nghe thấy có chuyện to tiếng, lời qua tiếng lại mà chỉ có những lời hỏi thăm, động viên nhau và tiếng cười vui vẻ.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung, Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí Tuyên truyền chia sẻ: “Tôi đã nghiên cứu và viết sách về văn hóa gia đình nên tôi đã gặp và tiếp xúc rất nhiều các gia đình tứ đại đồng đường, ngũ đại đồng đường. Đó là những mô hình rất hay, chúng ta nên nghiên cứu để duy trì trong xã hội hiện đại”. 

Theo TS Phạm Ngọc Trung, bữa cơm nhà không chỉ đơn giản chỉ là bữa ăn, mà còn là sợi dây kết nối mọi thành viên và là khoảng thời gian làm hâm nóng không khí ấm cúng của gia đình. Vì vậy giây phút được sum họp bên bữa cơm đầm ấm chính là một cách để giữ gìn hạnh phúc và giữ gìn nề nếp, gia phong của mỗi gia đình, bảo tồn giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam. Bữa cơm là thành quả lao động của các thành viên trong gia đình, là nơi truyền nhận những kinh nghiệm giáo dục, đạo đức lối sống trong gia đình; thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và gắn kết tình cảm giữa các thành viên để cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. 

“Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” cũng là thông điệp về công tác gia đình để các cấp từ trung ương đến địa phương cần hướng tới nhằm”Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”. Nêu cao những giá trị vô giá của gia đình, đó là tình cảm của ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng, anh em, tôn kính bậc sinh thành, yêu thương chăm sóc con trẻ để từ đó, tất cả mọi thành viên đều phải có trách nhiệm xây dựng, duy trì và củng cố để gia đình thực sự là một hạt nhân cơ bản của xã hội.