Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bình Liêu – Nơi đất trời giao hòa

13:30 03/11/2017 GMT+7

Bình Liêu, chỉ nhắc đến thôi đã gợi cảm giác phiêu du. Ðó là tên của một huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Ninh, nơi mà những cột mốc biên giới trở thành “đặc sản” với những cung đường uốn lượn đẹp đến mê hồn.

Đình Lục Nà – Ngôi đình duy nhất ở huyện Bình Liêu.

Đến Bình Liêu vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 là khoảng thời gian vô cùng lý tưởng. Thời tiết lúc này rất dễ chịu, nắng cuối Thu vừa đủ làm bừng sáng núi rừng và tô cho màu vàng những cánh đồng bậc thang thêm rộn rã. Vào ban ngày, gió man mát, và đêm về với làn sương mỏng tang mang theo chút sắt se của hơi thở núi rừng như khiến người ta chợt có cảm giác thèm một bàn tay ủ ấm.

Dọc hai bên đường sẽ bắt gặp những con suối trong vắt đựng đầy những viên cuội to nằm len lỏi giữa những cánh đồng lúa trải dài. Nếu may mắn, có thể sẽ đến được vào đúng dịp hoa sở nở rộ vào khoảng trung tuần tháng 11 hằng năm tùy theo tình hình thời tiết. Đây là loài hoa có cánh trắng muốt, nhụy vàng rất đẹp với mùi thơm dìu dịu. Trước kia, hoa sở mọc hoang trong rừng nhưng do người dân nhận ra những công dụng quý của loại hoa này đã cho trồng nhiều ở khắp nơi. Vào mùa hoa sở, Bình Liêu bừng sáng bởi màu trắng tinh khôi của loài hoa mang đậm bản sắc của riêng mình. Loài hoa không chỉ đẹp mà còn giúp cho người dân nơi đây thoát nghèo.

Cột mốc 1297 nằm trên đỉnh núi cao gần nhất của Bình Liêu, đường lên cột mốc xuyên qua những ngọn đồi cỏ lau trắng muốt ngút ngàn tầm mắt. Có lẽ với cả những người khô khan nhất cũng chẳng thể cầm lòng thốt lên những mỹ từ thán phục trước vẻ đẹp thanh khiết, thơ mộng và sự hùng vĩ, thiêng liêng của điểm đến này. Từ cột mốc 1297, có thể nhìn được gần như toàn cảnh núi rừng của Bình Liêu. Núi và núi điệp trùng trong màu xanh bất tận chạy dài đến tận chân trời và cảm giác dường như thiên đường là có thật.

Thác Khe Vằn cách thị trấn Bình Liêu chừng 12 cây số. Đường vào Khe Vằn hơi khó đi nhưng cảnh hai bên đường đẹp như tranh vẽ. Ô tô con cũng không thể vào được đến chân thác vì vậy bắt buộc phải dừng xe cuốc bộ khoảng 15 phút qua con đường đất đá gồ ghề. Thác Khe Vằn cao chừng 100m với những tầng thác được phân thành 3 lớp rõ ràng. Dưới chân thác là những tảng đá lớn, hoang sơ nằm hiền lành bên hồ nước trong thấu đáy như chờ như đợi. Dòng thác trắng xóa tuôn ào ạt, rộn rã như tiếng cười giòn tan của những chàng trai cô gái dân tộc say đón mùa yêu.

“Thiên đường “ cỏ lau Bình Liêu.

Đến Bình Liêu mà không vào bản khám phá, giao lưu với người dân bản địa thì quả là đáng tiếc. Những cô gái dân tộc Dao, Sán Chỉ với giọng nói nhẹ như gió thoảng cất tiếng hát du dương sẽ khiến cho những du khách miền xuôi lặng người đắm chìm trong giai điệu ngọt ngào, cung đường dài dường như ngắn lại, những mệt mỏi tan theo ánh mắt gửi trao. Người Bình Liêu hiền lành, chất phác và gần gũi. Những sản phẩm được làm ra cũng thật thà và lành như con người họ vậy. Miến dong Bình Liêu là một ví dụ, đây là loại miến được sản xuất hoàn toàn từ củ dong giềng, loại cây trồng 6 tháng trên nương rẫy mới được thu hoạch. Miến dong của Bình Liêu khác biệt hoàn toàn với các sản phẩm cùng loại trên thị trường bởi hương vị thơm ngon, khi nấu không bị dính và đặc biệt là khi để nguội hẳn vẫn có thể nấu lại mà không hề vụn nát. Phần lớn người dân Bình Liêu vẫn sản xuất miến theo phương pháp thủ công. Đây là một trong những nghề góp phần đem lại cuộc sống ổn định cho bà con dân tộc huyện Bình Liêu.

Hiện tại, dịch vụ du lịch ở Bình Liêu còn khá sơ sài, mới chỉ có 1 cơ sở lưu trú duy nhất là khách sạn Bình Sơn nằm ở trung tâm thị trấn. Ngoài ra là một vài nhà nghỉ bình dân nhỏ theo mô hình homestay. Dọc đường đi hầu như không có nhà hàng và trạm dừng chân, vì vậy cần mang theo nước uống, đồ ăn nhẹ để đảm bảo sức khỏe.

Đến Bình Liêu một lần thôi, để cảm nhận vẻ đẹp ban sơ dường như vẫn còn nguyên vẹn, để quên đi những lo toan, phiền muộn và mang về những nỗi nhớ không nguôi về tình đất và người của một miền quê đậm nét liêu trai, cổ tích…

Bài và ảnh: Minh Phượng