Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ hỗ trợ các địa phương thu gom xử lý pin, chất thải rắn

07:55 29/11/2023 GMT+7
Đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường (TM&MT) cho biết các nhà sản xuất, nhập khẩu pin sử dụng một lần có trách nhiệm đóng góp tài chính (1% doanh thu) để hỗ trợ hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn, trong đó có pin.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn ảnh: PV/Vietnam+)

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn ảnh: PV/Vietnam+)

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thời gian tới cơ quan này sẽ hỗ trợ các địa phương, các đơn vị tái chế tổ chức việc thu gom, xử lý, tái chế chất thải nói chung và pin, ắc quy nói riêng, đảm bảo an toàn về môi trường.

Theo vị đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, cử tri một số địa phương cho rằng hiện nay, pin nói riêng, rác thải điện tử nói chung chủ yếu được thu gom bởi các cơ sở thu gom phế liệu, hoặc cửa hàng sửa chữa, mua bán đồ điện tử nhưng chưa có điểm tập kết, thu gom pin đã qua sử dụng, đảm bảo tốt các điều kiện về bảo vệ môi trường.

Trong khi đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm tái chế và xử lý sản phẩm của mình theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc, hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ xử lý chất thải.

Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà sản xuất, nhập khẩu vẫn chưa thực hiện, dẫn đến việc thu gom xử lý pin vẫn chưa thực sự hiệu quả. Do vậy, cử tri kiến nghị cần có giải pháp hoàn thiện chính sách, tích cực triển khai hiệu quả việc thu gom và xử lý pin đã qua sử dụng từ cộng đồng cũng như công tác kiểm tra, giám sát, xử lý trách nhiệm đối với nhà sản xuất, nhập khẩu.

Hiện nay tại Việt Nam, điện Mặt Trời đang phát triển với tốc độ khá nhanh, vấn đề đặt ra là hàng chục năm sau, lượng pin thải ra có thể lên đến hàng triệu tấn.

Liên quan đến đề xuất trên, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết hiện nay, cơ quan này đã hoàn thành việc xây dựng dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý và sử dụng tiền đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì và xử lý chất thải.

“Tới đây, khi thông tư trên có hiệu lực thi hành, chúng tôi sẽ hỗ trợ các địa phương, các đơn vị tái chế tổ chức việc thu gom, xử lý, tái chế chất thải nói chung và pin, ắc quy nói riêng đảm bảo theo quy định,” đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nói.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; trong đó sẽ sửa đổi, hoàn thiện chính sách, tích cực triển khai hiệu quả việc thu gom và xử lý chất thải rắn nói chung và pin, ắc quy nói riêng đã qua sử dụng từ cộng đồng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý trách nhiệm đối với nhà sản xuất, nhập khẩu theo quy định.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định 08 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Như vậy, các nhà sản xuất, nhập khẩu pin sử dụng một lần có trách nhiệm đóng góp tài chính (1% doanh thu) vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn, trong đó có pin.

Đối với pin sạc, ắc quy thì nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm thu gom, tái chế theo tỷ lệ tái chế bắt buộc và quy cách tái chế bắt buộc hoặc đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động tái chế pin, ắc quy./.

Theo TTXVN/Vietnam+