Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bưởi trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP được thế giới ưa chuộng

08:01 01/11/2020 GMT+7

Bưởi Năm Roi vốn nổi tiếng miền Tây. Nhưng trái bưởi Năm Roi Mỹ Hòa lại có hương sắc riêng và được coi là đặc sản của tỉnh Vĩnh Long. Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa có vỏ mỏng, múi màu vàng nhạt, mọng nước, dễ dàng tách múi, vị ngọt thanh hơi chua thơm ngon và không có hạt… đã có mặt tại các siêu thị cả nước và vươn ra các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Canada và các nước Trung Đông.

Ông Nguyễn Tấn Phát bên vườn bưởi Mỹ Hòa tiêu chuẩn GlobalGAP.

Người góp phần nâng tầm thương hiệu bưởi Năm Roi Mỹ Hòa là ông Nguyễn Tấn Phát (xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) nhờ tiên phong và thành công với mô hình trồng bưởi Năm Roi tiêu chuẩn GlobalGAP.

Bí quyết để bưởi ra trái quanh năm

Ông Nguyễn Tấn Phát cho biết, nếu ở miền Bắc nổi tiếng có bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn; miền Trung có bưởi Phúc Trạch, bưởi Thanh Trà; Còn ở miền Nam có bưởi Tân Triều, ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long có bưởi Năm Roi. Trái bưởi Năm Roi có múi vàng mọng nước, vị ngọt thanh và hơi chua, trọng lượng trung bình khoảng 1,4kg/trái.

Nói về trái bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, ông Phát tự hào: Đến Mỹ Hòa dường như khắp nơi đều trồng bưởi. Trước đây do cần bưởi bán vào dịp tết nên người nông dân phải trồng nghịch vụ, về sau họ đã biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật để cây bưởi ra trái theo ý muốn nên mọi người có thể thưởng thức bưởi Năm Roi quanh năm. Bưởi sau khi hái nên để khoảng 10 – 30 ngày cho trái sắc lại ăn sẽ ngon hơn.

Thời gian qua, các cơ quan ban ngành đã vào cuộc với quyết tâm giữ thương hiệu bưởi Năm Roi. Hiện địa phương đã lập hồ sơ để công nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP nhằm bảo vệ thương hiệu bưởi Năm Roi. Ông Phát cho biết: Để trái bưởi Năm Roi có điều kiện đi xa hơn, nhất thiết phải có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nước – doanh nghiệp – nông dân. Nhờ đó, người nông dân mới yên tâm sản xuất vì không lo đầu ra và giá cả ổn định, doanh nghiệp mới mở rộng được thị trường, địa phương mới duy trì được thương hiệu và phát triển trên những ưu thế của từng khu vực.

“Địa phương nên hỗ trợ để phát triển diện tích trồng bưởi Năm Roi vì loại trái cây này để được lâu và có thể chế biến thành một số sản phẩm khác… Tôi nghĩ trái bưởi sẽ vươn lên phát triển bền vững, mang lại thu nhập cao nâng cao đời sống người dân nơi đây” ông Phát cho biết thêm.

Thu nhập từ bưởi tại địa phương trước đây khá cao, tuy nhiên do dịch Covid-19 nên giá giảm hơn một nửa so với năm trước vì thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. Theo ông Phát, hiện nay, giá bưởi bán tại vườn bình quân 15.000 – 35.000 đồng/kg. Trồng bưởi phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thị trường, nguồn vật tư nông nghiệp cao, nên nếu mất mùa nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn.

“Với diện tích hơn 8.000m2 mỗi năm trung bình gia đình tôi thu hoạch được hơn 60 tấn, doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Mô hình trồng bưởi gia đình tôi chủ yếu dùng chế phẩm sinh học nhằm bảo vệ sức khỏe người trồng, môi trường và sức khỏe người tiêu dùng và muốn bưởi cho năng suất cao thì người trồng bưởi phải chăm sóc mỗi ngày. Trồng bưởi theo chuẩn GlobalGAP giá cao hơn sản phẩm thông thường rất ít, nhưng về lâu dài sẽ không hại đất và xuất khẩu được…Về định hướng của tôi trong thời gian tới sẽ hỗ trợ kỹ thuật nhiều hơn nữa cho nông dân tham gia mô hình trồng bưởi sạch và nhân rộng mô hình này ra” ông Phát chia sẻ.

Vườn bưởi sạch không hạt cho trái quanh năm.

Đưa bưởi ra thị trường thế giới

Hiện nay, bưởi Năm Roi đã được tiêu thụ trong các siêu thị lớn như: Vinmart, Co.op mart, Big C, Lotte… Đặc biệt, được Viện Cây ăn quả Miền Nam hỗ trợ kỹ thuật, bưởi Năm Roi ở Mỹ Hòa trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP nên sản phẩm đã được các siêu thị lớn và các đơn vị xuất khẩu chọn lựa. Bởi vậy, bưởi Năm Roi Mỹ Hòa đã được xuất sang các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Canada và các nước Trung Đông, Saudi Arabia…

Thời gian qua, do nhiễm mặn nên năng suất tại một số vườn ở địa phương bị ảnh hưởng, tuy nhiên chính quyền địa phương đã kịp thời đắp đê ngăn ngập mặn và thông báo hàng ngày cho người dân. Ngoài ra, còn được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cùng Trường Đại học Cần Thơ lấy mẫu đất nghiên cứu để hướng dẫn bà con áp dụng phương pháp canh tác mới với nhiều giải pháp thích nghi với hạn mặn, hạn chế dịch bệnh nâng cao thu nhập.

Theo ông Nguyễn Tấn Phát, tại thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) hiện nay có nhiều cơ sở chuyên thu mua, cung cấp bưởi Năm Roi cho các chợ đầu mối, siêu thị trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy thị trường đang rộng mở, nhưng để trái bưởi vươn xa hơn nữa và được xuất khẩu nhiều hơn, nhà vườn cần áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật trong canh tác, không để bưởi nhiễm các loại vi nấm, ít nhất phải áp dụng tiêu chuẩn VietGAP mới đáp ứng được yêu cầu. Tôi tin rằng trái bưởi Năm Roi sẽ tìm được thị trường lớn, giúp nông dân trồng bưởi nâng cao thu nhập vươn lên khá, giàu.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết: Hiện nay, tổng diện tích trồng bưởi của Việt Nam là hơn 22.000ha với sản lượng hơn 500 nghìn tấn/năm. Trong đó, tiêu thụ nội địa chiếm 80% số còn lại là xuất khẩu. Lợi thế lớn nhất của quả bưởi Việt Nam là tiêu chuẩn chất lượng đã được khẳng định. Ngoài ra, các loại trái cây nhiệt đới đã được người tiêu dùng thị trường Mỹ ưa chuộng.

Ông Nguyễn Văn Chẳng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa cho biết: Toàn xã hiện nay có hơn 1.100ha đất trồng bưởi Năm Roi, năng suất bình quân đạt 40-60 tấn/ha/năm. Mô hình trồng bưởi tại xã Mỹ Hòa đã được nhân rộng trong thời gian qua, nhưng số ít người áp dụng trồng đúng quy trình không được nhiều nên hiệu quả chưa cao. Chỉ có khoảng hơn 20% trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP vì quy trình khá khắt khe…

“Theo tôi muốn trồng bưởi có năng suất cao thì nông dân phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác. Mô hình trồng bưởi Năm Roi tiêu chuẩn GlobalGAP của ông Nguyễn Tấn Phát là mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và cho thu nhập cao. Thời gian qua mô hình trồng bưởi của ông đã đạt được nhiều giải thưởng do quy trình sạch, trái ngon…”, ông Chẳng khẳng định.

Ông Chẳng cho biết thêm, hiện nay, nhiều thị trường khó tính trên thế giới rất ưa chuộng trái cây nhiệt đới nói chung và trái bưởi miền Tây nói riêng. Nếu đáp ứng được tiêu chuẩn nhập khẩu của các nước này, xuất khẩu trái cây Việt Nam sẽ tiếp tục tăng. Trái bưởi miền Tây đang được sản xuất đúng hướng và giá trị xuất khẩu còn cao hơn nữa trong tương lai.

“Tuy thị trường đang rộng mở, nhưng để trái bưởi vươn xa hơn nữa và được xuất khẩu nhiều hơn, nhà vườn cần áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật trong canh tác, không để bưởi nhiễm các loại vi nấm, ít nhất phải áp dụng tiêu chuẩn VietGAP mới đáp ứng được yêu cầu. Tôi tin rằng trái bưởi Năm Roi sẽ tìm được thị trường lớn, giúp nông dân trồng bưởi nâng cao thu nhập vươn lên khá, giàu”.
Ông Nguyễn Tấn Phát.

Bài, ảnh: Vân Nguyễn