Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Long An khởi động Đề án phát triển 125.000ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Đức Vượng (tổng hợp) - 08:03 27/11/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Tỉnh Long An chính thức triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp” với mục tiêu hình thành 125.000ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải, tăng thu nhập cho nông dân. Hợp tác xã ấp 1 Tân Tây, huyện Thạnh Hoá được chọn làm mô hình điểm với nhiều giải pháp tiên tiến.

Hợp tác xã ấp 1 Tân Tây làm mô hình điểm

Ngày 25/11, UBND tỉnh Long An phối hợp với Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức lễ khởi động Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” tại ấp 1, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa.

Theo kế hoạch của tỉnh Long An, đề án được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (2024-2025) sẽ tập trung vào 60.000ha thuộc vùng Dự án VnSat và vùng lúa công nghệ cao. Giai đoạn 2 (2026-2030) sẽ mở rộng quy mô lên 125.000ha, bao gồm 62 xã thuộc 7 huyện, thị xã với sự tham gia của 50.800 hộ dân.

Các đại biểu tham quan mô hình trình diễn máy gieo sạ tại Hợp tác xã ấp 1 Tân Tây, huyện Thạnh Hóa
Các đại biểu tham quan mô hình trình diễn máy gieo sạ tại Hợp tác xã ấp 1 Tân Tây, huyện Thạnh Hóa

Trong giai đoạn đầu, tỉnh sẽ triển khai 33 mô hình canh tác, mỗi mô hình từ 15-20ha. Hợp tác xã ấp 1 Tân Tây, huyện Thạnh Hóa được chọn làm mô hình điểm với quy mô 15ha trong 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu, mô hình này sẽ là cơ sở khoa học để nhân rộng trong tương lai.

Đề án đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng, bao gồm giảm lượng giống gieo sạ, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và nước tưới; giảm thất thoát sau thu hoạch; thu gom và tái sử dụng rơm rạ; giảm phát thải khí nhà kính và tăng tỷ suất lợi nhuận cho nông dân.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, nhấn mạnh mục tiêu của đề án là hướng đến giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, giảm 20% lượng nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch xuống dưới 8%, giảm hơn 10% lượng phát thải khí nhà kính và tăng tỷ suất lợi nhuận của nông dân lên hơn 50%.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, ông Nguyễn Minh Lâm, yêu cầu UBND các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Đức Huệ, thị xã Kiến Tường chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí và hoàn thiện các điều kiện cần thiết để triển khai đề án.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, bao gồm Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các sở, ngành, doanh nghiệp và hợp tác xã để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ phát triển hợp tác xã, đào tạo nhân lực và nâng cấp cơ sở hạ tầng để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất lúa bền vững.

Ông Nguyễn Minh Lâm cũng khẳng định, mặc dù việc triển khai đề án sẽ gặp những khó khăn, thách thức, nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự vào cuộc của các hợp tác xã, cơ quan, doanh nghiệp, Long An sẽ hoàn thành mục tiêu hình thành 125.000ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ngoài ra, ông Lâm nhấn mạnh việc tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng quy trình canh tác bền vững để gia tăng giá trị, phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, từ đó cải thiện thu nhập và đời sống cho người trồng lúa.

Tại buổi lễ, đại biểu đã có dịp tham quan mô hình trình diễn máy gieo sạ và chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa Hợp tác xã ấp 1 Tân Tây với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, vật tư nông nghiệp. Đây là một bước tiến quan trọng, đánh dấu sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên trong việc triển khai đề án, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững và hiệu quả.

Hiệu quả bước đầu của đề án 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao

Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023.

Đề án có quy mô lên đến 1 triệu héc ta vào năm 2030, với sự tham gia của 12 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

12 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long tham gia Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
12 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long tham gia Đề án phát triển 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Để thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi các quy trình canh tác lúa phát thải thấp trên toàn bộ diện tích trong đề án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã triển khai 7 mô hình thí điểm tại 5 tỉnh: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng. Các mô hình này sẽ được thực hiện qua 3 vụ mùa, với mục tiêu tổng kết vào vụ Đông Xuân 2024-2025 để công nhận hệ số phát thải từ sản xuất lúa.

Song song với các mô hình thí điểm của Bộ NN&PTNT, UBND của 12 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích canh tác sau khi mô hình đạt kết quả.

Tại thành phố Cần Thơ, mô hình thí điểm vụ Hè Thu 2024 đã được thu hoạch, cho thấy hiệu quả rõ rệt. Tổng chi phí đầu vào giảm từ 10-15%, lượng phân đạm giảm 30%, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm 2-3 lần, và lượng nước tưới giảm 30-40%. Năng suất lúa tăng 10,5% so với đối chứng, mang lại lợi nhuận cao hơn từ 1,3 - 6,2 triệu đồng/ha (tương đương tăng 6,6 - 31,5%). Phát thải khí nhà kính giảm 2-12 tấn CO2/ha so với mô hình đối chứng. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm từ các mô hình này.

Long An: Huyện Tân Thạnh trình diễn mô hình canh tác lúa chất lượng cao giảm phát thải
(Tapchinongthonmoi.vn) – Mới đây, tại Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tân Bình, xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An đã trình diễn mô hình canh tác lúa chất lượng cao giảm phát thải áp dụng máy sạ hàng hiệu ứng đường biên và bón vùi phân bón.