Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cà Mau hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

07:21 10/06/2022 GMT+7
Thực hiện mục tiêu đến cuối tháng 10 sẽ có trên 60.000 hộ sản xuất nông nghiệp được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn để chào bán các sản phẩm qua sàn giao dịch, Hội Nông dân tỉnh Cà Mau và Bưu điện tỉnh đã ký kết, triển khai thoả thuận hợp tác hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ hàng hoá năm 2022.

Cập nhật thông tin hộ sản xuất nông nghiệp, hàng hoá, nông sản an toàn lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn

Theo nội dung thoả thuận, 2 đơn vị sẽ phối hợp tuyên truyền, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, sẽ rà soát và cập nhật thông tin hộ sản xuất nông nghiệp, hàng hoá, nông sản an toàn lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và các nền tảng số của Vietnam Post (bản đồ số V-Map); Phối hợp xây dựng Bưu điện Văn hóa xã và hệ thống điểm giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của Hội Nông dân Việt Nam thành điểm cung cấp thông tin các loại hàng hoá, sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản phẩm vật tư nông nghiệp; kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản và cung cấp hàng hóa Việt Nam chất lượng cao với chính sách ưu đãi.

Hỗ trợ kết nối cung - cầu thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, hội chợ… giới thiệu và bán các sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng. Hợp tác xây dựng cửa hàng tiêu thụ hàng hoá, nông sản nông nghiệp an toàn, chất lượng cao của hội viên, nông dân, chi, tổ hội nghề nghiệp, câu lạc bộ nông dân; Phối hợp xây dựng phương án kết nối tiêu thụ, hỗ trợ vận chuyển các sản phẩm, hàng hoá, nông sản nông nghiệp an toàn, chất lượng cao với hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm.

Đại diện Bưu điện tỉnh và Hội Nông dân tỉnh ký kết, triển khai thoả thuận hợp tác.

Hỗ trợ, giới thiệu cho các hội viên, hộ nông dân, chi tổ hội nghề nghiệp, Câu lạc bộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh doanh. Phối hợp tư vấn quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm; thiết kế bao bì sản phẩm; xây dựng nhãn hiệu và phát triển kênh tiêu thụ hàng hoá…

Mục đích của việc hợp tác nhằm phát huy thế mạnh của mỗi bên và lợi ích lâu dài của mỗi bên, của hội viên, nông dân. Hỗ trợ người dân chuyển đổi số và tiêu thụ nông sản, hàng hoá, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau nhận định: “Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, Hội Nông dân tỉnh đề nghị lãnh đạo Hội Nông dân các cấp quán triệt làm sao để tất cả hội viên nắm được chương trình hợp tác của 2 đơn vị; căn cứ vào kế hoạch đã triển khai và phân công nhiệm vụ cụ thể thực hiện nhằm giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm ngày càng tốt hơn”.

Để nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra, ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Bưu điện tỉnh Cà Mau yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc hướng dẫn Bưu điện huyện, thành phố và Hội Nông dân các huyện, thành phố rà soát, lập danh sách cộng tác viên, đại lý bán hàng (tiêu chí lựa chọn, đối tượng). Đồng thời, đào tạo kỹ năng bán hàng và sản phẩm cho lực lượng công tác viên, đại lý và xây dựng các chương trình bán hàng,…

Tỉnh đã sớm ban hành chính sách hỗ trợ, tạo mọi thuận lợi cho các chủ thể liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Ngay từ đầu năm 2020, Hội đồng Nhân dân tỉnh Cà Mau đã thống nhất ban hành chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đối tượng áp chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là nông dân, chủ trang trại, người được ủy quyền đối với hộ nông dân, tổ hợp tác. Cá nhân, người được ủy quyền đối với nhóm cá nhân, hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; doanh nghiệp. Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Theo đó, chủ trì liên kết được hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 300 triệu đồng. Dự án liên kết được hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết; tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng/01 dự án.


Nông dân Cà Mau thu hoạch tôm nuôi.
Xây dựng mô hình khuyến nông được hỗ trợ 100% chi phí mua giống; hỗ trợ 50% chi phí mua thiết bị, vật tư thiết yếu để xây dựng mô hình trình diễn, mức hỗ trợ không quá 200 triệu đồng/mô hình; hỗ trợ 40% tổng kinh phí thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao, mức hỗ trợ không quá 01 tỷ đồng; hỗ trợ 100% chi phí chứng nhận cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn, cơ sở an toàn dịch bệnh, số lượng mô hình xây dựng trên cơ sở quy mô của dự án, được cơ quan cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hỗ trợ 100% chi phí tài liệu, tiền ăn, đi lại, nơi ở trong thời gian tham dự tập huấn, bồi dưỡng, học tập mô hình khuyến nông, chi phí giảng viên, trợ giảng, hướng dẫn tham quan, tổ chức lớp học theo quy định hiện hành. Hỗ trợ đào tạo nghề 2 triệu đồng/người/khóa học, thời gian học dưới 03 tháng.
Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm không quá 03 vụ hoặc 03 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã gồm: Hỗ trợ 100% chi phí mua bao bì, nhãn mác sản phẩm; đối với thiết kế mới, mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/mẫu bao bì, nhãn mác và không quá 03 mẫu; hỗ trợ 100% chi phí mua giống và các vật tư thiết yếu ở địa bàn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; Hỗ trợ 70% chi phí mua giống và các vật tư thiết yếu ở địa bàn xã khó khăn; hỗ trợ 50% chi phí mua giống và các vật tư thiết yếu ở địa bàn khác; Hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi, tổng mức hỗ trợ không quá 300 triệu đồng/dự án.

Hương Giang (tổng hợp)

“Ngân hàng bò” giúp nhiều hộ dân vùng biên thoát nghèo
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã có nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân vươn lên làm ăn kinh tế hướng đến thoát nghèo và trở thành hộ điển hình làm kinh tế giỏi. Trong số đó phải kể đến hoạt động tạo kế sinh nhai thiết thực như “Ngân hàng bò” ở xã vùng biên Nậm Cắn - Kỳ Sơn.