Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Ngân hàng bò” giúp nhiều hộ dân vùng biên thoát nghèo

Bách Dương - 07:14 02/06/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã có nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân vươn lên làm ăn kinh tế hướng đến thoát nghèo và trở thành hộ điển hình làm kinh tế giỏi. Trong số đó phải kể đến hoạt động tạo kế sinh nhai thiết thực như “Ngân hàng bò” ở xã vùng biên Nậm Cắn - Kỳ Sơn.
Chương trình “Ngân hàng bò” đã tạo sinh kế cho nhiều hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo.

Từ chủ trương hướng dẫn cở sở giúp hội viên thoát nghèo

Phát huy vai trò của tổ chức Hội Nông dân trong công tác xóa đói giảm nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, đảm bảo tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm mỗi năm khoảng 1 - 1,5%, trong đó vùng miền núi từ 2 - 3%. Nâng cao hiệu quả, tính thiết thực của phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững; Phát huy tinh thần đoàn kết tương thân tương ái trong hội viên nông dân, tăng cường đoàn kết, tập hợp nông dân.

 Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã ban hành hướng dẫn số 04-HD/HNDT ngày 22/4/2021 về việc hướng dẫn cơ sở Hội giúp đỡ hội viên nông dân thoát nghèo bền vững. Việc tổ chức thực hiện giúp đỡ hộ hội viên nông dân thoát nghèo bền vững phải phù hợp với định hướng chỉ đạo, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương; đảm bảo thực chất, tránh hình thức; phát huy tính sáng tạo của cơ sở; Khơi dậy được sự tích cực và chủ động của hộ nghèo trong phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo. Việc hỗ trợ này chủ yếu thông qua hỗ trợ sinh kế và tối đa sau 24 tháng, hội viên nhận giúp đỡ phải có chuyển biến rõ về thu nhập và các tiêu chí dịch vụ xã hội cơ bản.

Nhờ đó, nhiều mô hình, cách làm hay trong vận động hội viên giúp nhau thoát nghèo như: Xây dựng “Mô hình sinh kế giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững năm 2021”: Mô hình “Nuôi dê sinh sản gắn với phát triển kinh tế vườn” tại huyện Anh Sơn, Tân Kỳ..; tiếp tục phát huy đề án “Ngân hàng bò” để giúp hội viên nghèo phát triển kinh tế, Hội Nông dân huyện Quỳnh Lưu trong năm 2021 đã vận động được 129 triệu đồng mua 11 con bò trao bò vào ngày thành lập Hội 14/10; phong trào “Viên gạch nông dân” hỗ trợ xây dựng nhà cho hội viên nghèo tiếp tục được phát huy hiệu quả; phát động hội viên giúp hộ nghèo cải tạo, nâng cao hiệu quả kinh tế vườn tiếp tục được nhân rộng. Kết quả, năm 2021, các cấp Hội đã vận động được 1.148,2 triệu đồng tiền mặt, ủng hộ vật tư, giống cây trồng, vật nuôi trị giá 961,4 triệu đồng và 6.074 ngày công, giúp 515 hộ hội viên nghèo vươn lên thoát nghèo.

Một góc Nậm Cắn đang từng bước đổi mới.

Ngân hàng bò - “cần câu cơm” cho hội viên, nông dân nghèo 

Để có “Ngân hàng bò” tại xã vùng biên Nậm Cắn như hiện nay trước hết phải kể đến nguồn kinh phí được các nhà hảo tâm tại xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm - Hà Nội) huy động. Tháng 4/2019, các nhà hảo tâm đã thông qua Hội Nông dân tỉnh Nghệ An hỗ trợ 7 con bò giống sinh sản để giúp cho 7 hộ nông dân nghèo của xã Nậm Cắn chăn nuôi. Sau một năm rưỡi, khi bò mẹ đẻ bê con lứa đầu tiên, bê con nuôi được 6 tháng tuổi thì tiếp tục chuyển giao bò mẹ cho hộ nghèo khác nuôi. Trị giá mỗi con bò giống khi cấp là 13 triệu đồng. Tổng số tiền hỗ trợ là 78 triệu đồng. 

Việc khảo sát để lựa chọn địa điểm, lựa chọn hộ chăn nuôi phải đảm bảo có đủ điều kiện trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và phát triển đàn bò giống sinh sản. Mua bò giống địa phương để cấp cho các hộ chăn nuôi phải đảm bảo đủ số lượng, đúng tiêu chuẩn của bò giống sinh sản như: Khỏe mạnh, mắn đẻ, ngoại hình tốt… Đảm bảo sau một năm rưỡi đẻ được bê con. Đồng thời, cán bộ Hội thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc chăm sóc, nuôi dưỡng của các hộ chăn nuôi đã được cấp bò giống sinh sản. Cùng với đó, đôn đốc việc chuyển giao bò giống cho các hộ nghèo khác theo chu kỳ một năm rưỡi.

“Ngân hàng bò” bắt đầu thực hiện từ năm 2019 ban đầu 7 hộ, bước sang năm 2020 có thêm 2 hộ, năm 2021 có thêm 4 hộ và năm 2022 có thêm 3 hộ. Sau khoảng thời gian thực hiện đó, đến nay đã có 6 hộ vươn lên thoát nghèo. Nậm Cắn vốn là xã vùng biên, nằm tận cùng tuyến Quốc Lộ 7 đời sống của người dân gặp rất khó khăn và còn phụ thuộc vào chế độ hỗ trợ của Chính phủ. Chỉ tính riêng đầu năm 2022, xã Nậm Cắn đã tiếp nhận và cấp phát 542 giấy chứng nhận hộ nghèo và 176 giấy chứng nhận hộ cận nghèo tại các bản. 

“Chương trình “Ngân hàng bò” có ý nghĩa rất tích cực trong vấn đề tạo kế sinh nhai và vươn lên thoát nghèo, chủ động phát triển kinh tế hướng đến cuộc sống đủ đầy nơi vùng biên hẻo lánh Nậm Cắn. Nhờ những con bò từ các nhà hảo tâm tài trợ và sự chỉ đạo tận tình của Hội Nông dân các cấp mà nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã hoàn toàn thay đổi tư tưởng trông chờ chế độ từ Nhà nước để sinh sống. Chương trình đã tạo nên phong trào cùng nhau vươn lên làm ăn kinh tế, giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm của người nhận bò nuôi trước đối với người sau càng tăng tình đoàn kết trong đời sống hội viên nông dân”, ông Hờ Bá Pó - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Cắn cho biết.