Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu 7 giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế tập thể

Quang Tú - 15:50 12/10/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 12/10/2023, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức, tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII với chủ đề “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp”.
Ông Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Trần Quảng

Dự và chủ trì Diễn đàn có ông Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Lương Quốc Đoàn - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Tham dự còn có các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương; Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN); đại diện lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, viện nghiên cứu, chủ doanh nghiệp, đặc biệt là sự có mặt của 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 và lãnh đạo 63 hợp tác xã tiêu biểu do Hội NDVN tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập.

Diễn đàn Nông dân quốc gia lầ thứ VIII năm 2023 nằm trong chuỗi các hoạt động của phong trào nông dân, hướng tới chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VIII và Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Hội NDVN (14/10/1930 – 14/10/2023).

Phát triển kinh tế tập thể - một nhiệm vụ trọng tâm của Hội  

Theo thống kê của Hội NDVN, đến nay, thực hiện chủ trương của Đảng về thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, cụ thể hóa các mục tiêu được nêu tại Nghị quyết số 20- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phát triển kinh tế tập thể trong tình hình mới, các cấp Hội ND cả nước đã vận động thành lập được tới gần 3.800 hợp tác xã (HTX) và khoảng 20.000 tổ hợp tác (THT) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các ngành nghề khác.

Doanh thu bình quân hàng năm mỗi HTX đạt trên 5,5 tỷ đồng (lợi nhuận đạt 350 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân/thành viên/năm đạt 51,5 triệu đồng) và trên 400 triệu/THT (lợi nhuận đạt trên 41 triệu/THT); trên 700 hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (chiếm gần 20%); các mô hình HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng, nhiều HTX đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Lương Quốc Đoàn - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Trần Quảng

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Lương Quốc Đoàn khẳng định: Phát triển kinh tế tập thể, mà trọng tâm là THT, HTX là một chủ trương lớn, xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Trong những năm qua, Hội NDVN luôn xác định tham gia phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội; tích cực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và đạt được nhiều kết quả quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho hội viên, nông dân.

Các cấp Hội đã tập trung xây dựng, phát triển hệ thống chi, tổ hội ND nghề nghiệp, qua đó giúp hội viên nông dân tham gia liên kết, hợp tác sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo tiền đề thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã.

Hội NDVN đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; hỗ trợ vốn thông qua dự án nhóm hộ thuộc các tổ hợp tác, hợp tác xã của nông dân; phối hợp với các ngân hàng và tổ chức tín dụng để ủy thác cho vay tín chấp giúp các hộ hội viên, nông dân là thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển kinh tế tập thể.

Hoạt động của các cấp Hội đã thu hút gần 570.000 lượt hộ nông dân gia các dự án nhóm hộ xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng, thành lập trên 23.000 mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả, trong đó có trên 3.800 HTX và trên 19.000 THT với doanh thu bình quân mỗi HTX đạt 4,7 tỷ đồng, lợi nhuận 350 triệu đồng/năm; doanh thu bình quân mỗi tổ hợp tác khoảng 240 triệu/năm, lợi nhuận đạt gần 40 triệu/năm; số hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên ngày càng tăng với trên 700 HTX (chiếm gần 20%).

Để làm rõ vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong các thành phần kinh tế và vai trò của Hội NDVN trong việc tham gia phát triển kinh tế tập thể, góp phần vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết 20 Hội nghị lần thứ V – BCH TW Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Chủ tịch Lương Quốc Đoàn đề nghị các đại biểu tại Diễn đàn tập trung thảo luận một số vấn đề lớn:

Một là, tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, làm gì để phát triển nhanh, mạnh, bền vững kinh tế tập thể. Vai trò của Hội NDVN trong tham gia xây dựng và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập HTX và xây dựng, phát triển các mô hình, chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh nông sản.

Hai là, kinh nghiệm xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ chức kinh tế tập thể, giữa nông dân với tổ chức kinh tế tập thể; giữa các tổ chức kinh tế tập thể trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản hiện nay. Ba là, việc ứng dụng cuộc cách mạng KHCN 4.0 và chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh đối với kinh tế tập thể.

Theo ông Lương Quốc Đoàn có 3 vấn đề cốt lõi thúc đẩy phát phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Thứ nhất là khẩn trương xây dựng vùng nguyên liệu lớn để hình thành các HTX có quy mô thì mới có thể lôi kéo doanh nghiệp đầu tư liên kết, chế biến sản phẩm. Thứ hai là phải có chính sách bảo hiểm cho vùng nguyên liệu này, bảo hiểm cho người nông dân sản xuất trong vùng nguyên liệu có thu nhập, để đảm bảo họ không giẫm chân lên nhau. Thứ ba,  đào tạo đội ngũ cán bộ quản trị HTX. Việc giải quyết tốt 3 vấn đề trên sẽ làm tiền đề để giải quyết vấn đề về vốn, liên kết, tiêu thụ sản phẩm của HTX.

Chủ tịch Lương Quốc Đoàn cũng bày tỏ mong muốn các nông dân Việt Nam xuất sắc, các HTX tiêu biểu phát huy những kết quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp, và ngày càng có nhiều ND sản xuất giỏi hơn để họ trở thành những hạt nhân dẫn dắt trong việc phát triển kinh tế tập thể và trí thức hóa nông dân.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung vào thảo luận về các chủ đề chính như: Thực trạng phát triển kinh tế tập thể nói chung và tình hình hoạt động của các HTX, THT do Hội NDVN vận động, hỗ trợ thành lập; Chia sẻ kinh nghiệm, bài học và cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích thành lập các HTX, THT trong nông nghiệp; Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, tạo chuỗi liên kết đa giá trị... Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của lãnh đạo các HTX tiêu biểu đã chia sẻ về những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động như về vay vốn, liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa HTX và doanh nghiệp, xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, giải quyết nạn hàng giả như nào để nông dân yên tâm sản xuất...

Ông Nguyễn Kim Thành, Giám đốc HTX trồng và sản xuất măng tre Thành Tâm (Bình Phước), cho biết quá trình liên kết và tổ chức liên kết là một xu hướng không thể tách rời giữa nông dân với nông dân; giữa nông dân với doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua liên tục xuất hiện thông tin về nông dân hoặc doanh nghiệp "bẻ kèo" sau khi ký kết hợp đồng hợp tác, bao tiêu sản phẩm. Mới nhất là trường hợp 2.000 tấn đu đủ của bà con nông dân ở tỉnh Nghệ An bị chín rụng gốc, không được doanh nghiệp thu mua. Dù sau đó doanh nghiệp có khắc phục, hỗ trợ song vẫn ít nhiều làm mất niềm tin của người dân. Vì vậy, chính quyền cần có những biện pháp cụ thể để hạn chế, giải quyết tình trạng này.

Ông Nguyễn Văn Nam – Giám đốc HTX Sản xuất và tiêu thụ mỳ chũ Nam Thể  (Bắc Giang) ý kiến: Mỳ gạo Chũ là một sản phẩm được sản xuất bởi làng nghề truyền thống có lịch sử phát triển từ lâu đời, đây là nghề cha truyền, con nối của người dân Làng Thủ Dương, xã Nam Dương (Lục Ngạn, của Bắc Giang). Trước đây được coi là nghề phụ của người dân, nhưng hiện nay trở thành nghề mang lại nguồn thu nhập chính của họ. Sản phẩm mỳ Chũ được tiêu thụ ở khắp nơi cả thị trường trong và ngoài nước, tuy nhiên sản phẩm này hiện nay bị làm giả rất nhiều, đề nghị các cấp chính quyền, cục quản lý thị trường có biện pháp xử lý để không ảnh hưởng đến quyền lợi của bà con nông dân.

Các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: Trần Quảng

Phát triển mạnh kinh tế tập thể, HTX chính là phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh Đảng, Nhà nước xác định rõ và coi kinh tế tập thể là một trong 4 thành phần kinh tế không thể thiếu, cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài FDI, tạo nên sự ưu việt của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự tâm huyết của các đại biểu tham dự diễn đàn đã trao đổi, thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, đi thẳng vào những vấn đề trọng tâm, thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nhất là vai trò của các các hợp tác xã. Đặc biệt là phát biểu của Tùy viên nông nghiệp, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, trong những năm qua, khu vực kinh tế tập thể đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, Hội ND và hội viên hội nông dân đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tập thể. Các mô hình kinh tế tập thể, các tổ hợp tác, hợp tác xã do Hội ND tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập hoạt động hiệu quả ngày càng tăng, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Hiện nay, trong hơn 31 nghìn hợp tác xã có hơn 20 nghìn hợp tác xã nông nghiệp, chiếm trên 64% tổng số hợp tác xã cả nước. Trong gần 6 triệu thành viên hợp tác xã có trên 3,8 triệu là nông dân, chiếm trên 63%% tổng số thành viên. Nhiều loại hình hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tạo nên các chuỗi liên kết đa giá trị, bền vững.

Tuy vậy, các hợp tác xã hiện nay cũng còn gặp không ít khó khăn, thách thức cả về vốn, đất đai, tiêu thụ nông sản cho đến năng lực quản trị, cơ chế, chính sách để vận hành, hoạt động của các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp.

Để triển khai các chủ trương của Đảng, Luật Hợp tác xã đi vào cuộc sống, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Hội NDVN cần khẩn trương tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, cần nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện yêu cầu này, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương trình Chính phủ kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Hội NDVN cần xây dựng nội dung và phương pháp tuyên truyền, giáo dục bảo đảm thiết thực và hiệu quả, hình thức đa dạng, phong phú; kịp thời tôn vinh và nhân rộng các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả.

Thứ hai, phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, đề nghị Hội ND các cấp tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập mới được nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác hơn nữa trên cơ sở các chi, tổ hội nghề nghiệp. Phấn đấu số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác mới được thành lập năm sau phải cao hơn năm trước, đáp ứng mục tiêu cụ thể đã được nêu tại Nghị quyết số 20- NQ/TW là đến năm 2030 cả nước sẽ có khoảng 140.000 tổ hợp tác với 02 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 08 triệu thành viên tham gia.

Thứ ba, Trung ương Hội NDVN chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp".

Thứ tư , đối với các bộ, ngành, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần tập trung nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà đại diện các hợp tác xã đã nêu lên tại Diễn đàn, nhất là không đùn đẩy trách nhiệm với những vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách về hợp tác xã. Đối với những vấn đề còn khó khăn, phức tạp, đề nghị các đồng chí lãnh đạo bộ, cơ quan cần chủ động tham mưu, báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Thứ năm, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với  lĩnh vực kinh tế tập thể. Ưu tiên nguồn lực, bố trí kinh phí, cán bộ theo dõi các nội dung về đổi mới kinh tế tập thể, hợp tác xã ở cơ quan, đơn vị từ trung ương tới địa phương.

Toàn cảnh Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII năm 2023. Ảnh: Trần Quảng

Thứ sáu là, cần tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút các nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hơp tác xã trong nông nghiệp và mở rộng thị trường, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nguồn nhân lực các tổ chức kinh tế tập thể do Hội Nông dân tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập.

Thứ bảy, một yếu tố hết sức quan trọng là các hợp tác xã phải chủ động, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị.

Các sản phẩm làm ra phải có thương hiệu, chất lượng cao, đáp ứng được thị trường trong nước và thế giới, nhất là gắn với thương hiệu Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Các hợp tác xã cũng cần nhanh chóng ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất- kinh doanh; tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm hiện đại hóa các khâu sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng nhấn mạnh, kinh tế tập thể, hợp tác xã là mô hình kinh tế của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, là con đường để đưa nhân dân đến gần hơn với lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội.

Phát triển mạnh mẽ kinh tế tập thể, hợp tác xã chính là phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế xã hội, hướng đến mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, được sự đồng ý và cho phép của Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Báo Nông thôn Ngày nay/báo điện tử Dân Việt tổ chức Ra mắt Mạng lưới Nông dân Việt Nam xuất sắc nhằm kết nối, chia sẻ với gần 800 Nông dân xuất sắc được bình chọn, tôn vinh trong 11 năm qua và đại diện các HTX tiêu biểu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Diễn đàn Nông dân Quốc gia là sự kiện thường niên do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp tổ chức và giao Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Công ty CP Phân bón Bình Điền, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT trực tiếp thực hiện từ năm 2015. Đến nay, Diễn đàn đã trải qua 7 lần tổ chức với các chủ đề: Nông dân Việt Nam - Từ tư duy đến hành động; Nông dân với cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0; Khơi nguồn nông sản Việt; Từ EVFTA đến CPTPP: Cùng nông dân đi chợ thế giới; Vốn, khoa học công nghệ trong liên kết 6 nhà; Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp; Người nông dân chuyên nghiệp.