Khi nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống”
Bài 1: Xua tan ám ảnh “cái chết trắng”, Lượng Minh vươn mình đón bình minh
“Cái chết trắng” đã kéo lùi đà phát triển của Lượng Minh so với mặt bằng chung, đặc biệt nặng nề trong khoảng 10 năm từ 2002 đến 2012 và hệ luỵ những năm tiếp đó. Tuy nhiên với lòng kiên trì và quyết tâm cao độ của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền và nhân dân địa phương, cuối cùng "mây mù u ám" cũng đã được xua tan.
Ký ức thương đau
Cách trung tâm huyện Tương Dương chừng 10km, điều kiện địa lý không quá xa xôi nhưng Lượng Minh là xã “khó khăn toàn diện”. Xã có 10 bản nhưng phân bổ thành từng vùng riêng biệt, phía trên có Cà Moong, Xốp Cháo, ở trong có Chẳm Puông, Minh Thành, Đửa, Minh Tiến; vùng ngoài có Côi, Lạ, Minh Phương, Xốp Mạt. Mỗi nơi một vẻ nhưng điểm chung là "khó khăn" như nhau. Nguyên nhân đều từ tệ nạn ma túy.
Lượng Minh được bao bọc 4 bề bởi núi cao, rừng rậm, vừa có rừng, vừa có sông với nhiều lối mở, đường mòn. Đây là lợi thế lớn để giao thương, phát triển kinh tế, nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho các đối tượng gieo rắc “cái chết trắng” dễ bề hoạt động, lẩn tránh tai mắt của lực lượng chức năng.
Lo ngại trên không thừa, bởi người dân Lượng Minh vẫn giữ thói quen sinh sống ven sườn núi, hoặc theo đôi bờ sông Nậm Nơn. Giữa dông núi (chạy dọc trên đỉnh núi) là con đường di chuyển đến các bản làng của đồng bào Mông. Nơi đây vốn hoang sơ, hẻo lánh. Đưa tầm mắt nhìn sang bên kia dãy núi là lãnh thổ nước bạn Lào. Vùng biên ngay sát vách kéo theo muôn vàn nguy cơ rập rình.
Đời sống thường nhật của dân bản còn nhiều khó khăn, nhận thức pháp luật còn lắm hạn chế là kẽ hở để những kẻ buôn ma túy dễ bề thao túng, qua đó từng bước đẩy con em Lượng Minh vào cảnh nghiện ngập, tù tội. Ngày ấy, ma túy tràn lan quá đỗi, việc mua bán, giao dịch diễn tiến như cơm bữa. Địa điểm quy mô nhất, phức tạp nhất phải kể đến đỉnh đồi Pu Lôm, nơi cát cứ của các đối tượng "có số má" tứ xứ đổ về.
Buôn bán mặt hàng "nóng" (ma túy) mang lại lợi nhuận siêu khủng, dẫn đến cạnh tranh bất chấp. Để lấy "số" và giành giật địa bàn, đám "anh chị" không ngần ngại sử dụng vũ khí, nhẹ thì dao kiếm, khi cao trào dùng luôn “chó lửa” (súng) để thị uy. Trong cuộc chiến chống ma túy, có người đã ngã xuống nơi đỉnh đồi Pù Lôm. Nhiều sinh mạng đã bị tước đoạt, còn trường hợp vướng vòng lao lý thì không kể hết. Lại có những người sau một thời gian nghiện ngập, đã quay về thực tại đời thường, nhưng nỗi ám ảnh vẫn đeo bám khôn nguôi.
Theo chân ông Lô Văn Du - Trưởng bản Đửa, chúng tôi tìm đến nhà ông Lô Văn Kèo, sinh năm 1964, tên thường gọi là Lô Văn Hải. Với thành tích bất hảo trong quá khứ, cùng bản lý lịch "khét lèn lẹt", người dân bản ví von thời gian ông Kèo ăn cơm trại còn nhiều hơn ăn cơm nhà. Lật lại “chiến tích" năm xưa, ông Kèo nhẩm tính có đến 24 năm ngồi tù vì liên quan đến ma túy. Trong đó, dài nhất là bản án 15 năm, hệ quả của việc vận chuyển ma tuý “xuất ngoại” sang Lào năm 1999.
Thời gian lĩnh án quá dài đã rút ngắn quãng thanh xuân của ông Kèo, từ một người căng tràn nhựa sống nay ông trầm lắng hẳn. Khuôn mặt ông giờ luôn hiện rõ nét trầm tư. Ông tâm sự, bản thân đã phải trả giá đắt vì ma lực đồng tiền làm mờ mắt, kéo theo vợ con ông cũng trượt dài đi vào vào vết xe đổ lúc nào không hay. Khi đã chùn chân mỏi gối, ông Kèo mới nhận thức rõ những giá trị của quãng đời tự do lương thiện mà mình từng có, và đến nay mới tìm lại.
“Đời người ngắn ngủi, nhưng tôi đã không biết trân quý nó, cả thanh xuân cứ chạy theo những ảo mộng hư vô. Nay được sự quan tâm, định hướng của Đảng, Nhà nước tôi quyết tâm làm lại cuộc đời, qua đó bù đắp phần nào lỗi lầm đã "vay" cuộc đời. Dù muộn còn hơn không, hi vọng tôi còn thời gian gặp lại vợ và con trai mình”.
Bao gã "trai yêng hùng" lao vào những cuộc tranh giành đấu đá, sau cuối đàn bà và trẻ nhỏ phải gánh chịu hậu quả đau thương. Điều này được thể hiện rõ tại bản Xốp Mạt, nơi được người sở tại gọi là “Bến không chồng”, ám chỉ những bà mẹ đơn thân, gối chiếc, cuộc đời họ cơ cực gấp bội phần khi những người đàn ông của đời mình lầm đường lạc lối.
Bà Lô Thị Thải, 52 tuổi, đến nay đã mòn mỏi chờ chồng suốt 15 năm ròng rã. Ngần ấy thời gian, bà một thân côi cút nuôi 2 cô con gái lớn khôn. Khi con lập gia đình, bóng chồng vẫn biệt tăm. Xót xa cho mình, xót xa cho con, bà Thải buồn lắm, nhưng kêu than chẳng ai thấu nên đành nuốt nước mắt vào trong, cứ thế âm thầm chịu đựng.
“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm, có vợ có chồng thì khó khăn mấy cũng qua. Đằng này gia đình tôi mỗi người một phương đâm ra cơ cực lắm - bà Thải giải bày với chúng tôi - Trang trải cuộc sống và nuôi dạy 2 con nên người đâu phải dễ dàng gì, làm mẹ ai chẳng vì con, tuy nhiên sức người có hạn, gắng gượng quá mức nên giờ sức khỏe suy yếu. Có tuổi rồi không thể làm việc nặng, chưa kể những lúc trái gió, trở trời lại đau nhức toàn thân, những lúc ốm đau bệnh tật mới thấy rõ vai trò của người đàn ông. Còm cõi chờ đợi mãi, đến hôm rồi ông nhà mới được mãn hạn tù trở về, dẫu muộn màng nhưng còn hơn không".
Ông Lô Văn Du - Trưởng bản Đửa khẳng định: “Giao dịch, buôn bán ma túy đội lốt dưới nhiều hình thức, muôn hình, vạn trạng chẳng biết đường nào mà lần. Để qua mặt lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, các đối tượng đầu nậu lân la tiếp cận con nghiện dưới nhiều hình thức, lúc đóng vai thương lái thu mua trâu, bò, lúc lại cải trang thành thợ bẫy gà rừng, tìm phong lan… Tất cả các chiêu trò chỉ để ngụy trang mà thôi. Chúng mưu mô, xảo quyệt thành thử công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm gặp rất nhiều khó khăn…”.
Nghị quyết chuyên đề gắn với thực tiễn cơ sở
Là người con của làng bản, sinh ra và lớn lên nơi cỏ cây hoà quyện với mây ngàn, đã trực tiếp chứng kiến "cơn bão ma túy" tràn qua, bản thân Trưởng bản Lô Văn Du hiểu rõ những di chứng, thương đau của tệ nạn này. Từ định hướng chỉ đạo của Đảng và thực thi chính sách của chính quyền địa phương, anh Du cùng những người có uy tín tại cộng đồng bản Đửa đã không tiếc công sức, ròng rã suốt thời gian dài, cặm cụi đi từng ngõ, gõ của từng nhà, ra sức vận động, tuyên truyền, trò chuyện chân tình với các gia đình, mới có được thành quả như ngày hôm nay.
“Đời sống của nhân dân bản Đửa vẫn còn nhiều thách thức, nhưng tinh thần đã chuyển biến rõ rệt. Người dân đã nhận ra sau những mất mát quá lớn vẫn có thể có con đường trở về, không còn u mê hay tin vào những thứ phù phiếm. Giờ đây đồng bào đã nói "không" với ma túy. Họ chuyên tâm làm ăn để tạo nên những giá trị vững bền. Thanh niên sức dài vai rộng giữ vai trò chủ lực, chấp nhận bươn chải để lo toan cho gia đình, người già ở nhà chăm lo con trẻ, ai nấy đều có đóng góp vì cái chung” - ông Lô Văn Du nhấn mạnh.
Đổi thay tại bản Đửa cũng là niềm vui chung của xã Lượng Minh và huyện Tương Dương. Trong nỗ lực xóa bỏ hoàn toàn nỗi ám ảnh mang tên “ma túy”, cả hệ thống chính trị xã Lương Minh đã “kích hoạt” quyết tâm cao nhất thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/ĐU về xây dựng xã sạch về ma túy của Đảng ủy xã Lượng Minh (hay còn gọi là nghị quyết chuyên đề “bản không ma túy”) nhằm cụ thể hóa “Đề án xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy” của Bộ Công an.
Xóa bỏ tệ nạn ma tuý là một nhẽ, để người dân sống tốt sau quá trình tái hòa nhập cũng đặt ra nhiều thách thức. Được sự quan tâm chỉ đạo, định hướng của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp tỉnh Nghệ An đã xây dựng lộ trình bài bản, qua đó phân bổ kinh phí hỗ trợ cho công tác an sinh xã hội. Khối lượng công việc phải làm rất lớn, không thể xử lý ổn thỏa chỉ trong thời gian ngắn, ngược lại phải kiên trì, tỉ mẩn từng bước theo hình thức mưa dầm thấm lâu. Dẫu khó nhưng chính sách này đã từng bước đi vào cuộc sống. Kết quả cho thấy, người dân hoàn toàn có thể sống tốt, vui vẻ, hạnh phúc mà không cần phải chạy theo đồng tiền phạm pháp từ buôn bán ma tuý hoặc phù phiếm, ảo giác do chất gây nghiện mang lại.
Những người vừa mới đến đây lần đầu có thể chưa hình dung được những đổi thay ở đây có ý nghĩa thế nào. Song nếu là người từng ở hoặc đến thăm xã Lượng Minh từ 10 năm trước, chỉ cần nhìn vào đời sống và sinh hoạt tại bản Cà Moong hiện nay của xã Lượng Minh sẽ thấy rõ sự khác biệt, đổi thay. Đa số các hộ dân sinh sống nơi đây là người dân tộc Khơ Mú. Cách trung tâm xã hơn 30km, Cà Moong địa hình phức tạp, lắm núi, nhiều khe suối. Tệ nạn ma tuý đã kéo theo trăm cái khó dồn về.
Để thoát khỏi nghịch cảnh, cán bộ và người dân bản đã tin theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, thực hiện tốt các chính sách, nghị quyết chuyên đề mang tính đặc thù. Trên cơ sở nghị quyết của Đảng uỷ xã về xây dựng bản không có ma tuý, Chi bộ bản Cà Moong đã biểu quyết thông qua Nghị quyết chuyên đề 02 về “xây dựng bản Cà Moong không có ma túy giai đoạn 2020 – 2025”. Thực hiện nghị quyết này, chi bộ và nhân dân bản Cà Moong đã quyết tâm thực hiện tốt “6 không”: Không có người nghiện, không buôn bán, không tham gia vận chuyển, không chứa chấp người nghiện ma túy, không trồng cây thuốc phiện và không có người tù tội vì liên quan đến ma túy. Tất cả người dân bản nghiêm túc thực hiện tốt tinh thần tố giác tội phạm.
Góp phần đưa nghị quyết chuyên đề đi vào nếp nghĩ, đời sống của đồng bào, phải kể đến vai trò tích cực của bí thư chi bộ, trưởng bản, các tổ chức đoàn thể. Họ là những người cùng sống, cùng chung nhịp đập trái tim với người dân. Hành trình giữ bản “vắng bóng ma túy" đòi hỏi “quyết tâm, kiên trì, liên tục, đồng bộ”, đặc biệt là tính tự giác của chính mỗi người dân.
Nói đi đôi với làm, để triển khai có hiệu quả, cấp ủy Đảng bản Cà Moong đã thống nhất thành lập 3 tổ (tổ chỉ đạo, tổ tuyên truyền và tổ an ninh tự quản) kiên trì, nhẫn nại bám làng, bám bản. Sự cố gắng, tận tụy đã mang lại thành quả tương xứng, sau 4 năm triển khai nội dung “xây dựng bản Cà Moong không có ma túy giai đoạn 2020 – 2025” mọi thứ chuyển biến tốt hơn dự đoán.
Niềm vui lộ rõ trên khuôn mặt của ông Moong Văn Vinh - Bí thư Chi bộ bản Cà Moong, trái ngược hoàn toàn với sự âu lo của thời gian trước đó. Với những gì đã đạt được, cả tấn áp lực đã được rũ bỏ. Nhìn lại chặng đường đã qua, ông Vinh trút bầu tâm sự: “Bản Cà Moong ưu tiên lựa chọn những thanh niên có trình độ, năng lực, sức khỏe, phẩm chất đạo đức đưa vào tổ an ninh. Tổ thường xuyên tuần tra, kiểm tra an ninh trật tự trên địa bàn, riêng khách vãng lai đến, lưu trú tại phải có giấy tờ tùy thân, phải chủ động khai báo theo đúng quy định. Từ diễn biến tổng quan, sẽ tiến hành họp bàn, qua đó đó đưa ra những vấn đề khó khăn, vướng mắc, tồn tại để tìm hướng giải quyết.
Địa bàn miền núi có nhiều đặc thù, để xử lý ổn thỏa cần nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của bà con nhân dân. Vì vậy, mỗi đảng viên được chi bộ cử phụ trách nắm tâm tư nguyện vọng khoảng 10 hộ gia đình trên tinh thần gắn bó “như cá với nước”. Đổi thay cũng từ đó mà ra”.
Để phát huy thành quả ban đầu trong việc thực hiện Nghị quyết chuyên đề 02 tại bản Cà Moong, Đảng ủy xã Lượng Minh tiếp tục ban hành và triển khai Nghị quyết số 06-NQ-ĐU về nhân rộng mô hình xây dựng bản không có ma túy tại nhiều điểm khác trên địa bàn, chủ trương thiết thực được đông đảo người dân đón nhận.
Song song với đó, xã Lượng Minh cũng tranh thủ thời cơ, tận dụng nguồn lực hỗ trợ từ các cấp, các ngành để nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các cụm dân cư, vùng kinh tế mới. Đơn cử là 2 phân khu Khe Cụp (bản Đửa) và Khe Lạ (bản Lạ). Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp cũng được triển khai để người dân chủ động phối hợp thực hiện, hướng tới an cư lạc nghiệp.
Những nỗ lực không ngơi nghỉ của cả hệ thống chính trị huyện Tương Dương, đặc biệt là sự chuyển biến ý thức của chính những người trong cuộc đã làm nên một cuộc “cách mạng” đúng nghĩa trong việc đẩy lùi tệ nạn ma tuý để xây dựng đời sống mới trên địa bàn xã Lượng Minh nói riêng và toàn huyện Tương Dương nói chung.
“Hướng tới mục tiêu “sạch” ma túy, xã Lượng Minh tiếp tục nâng cao năng lực của tổ chức Đảng, tăng cường khối đoàn kết toàn dân quyết tâm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ra khỏi cộng đồng dân cư. Ngoài ra sẽ vận dụng tốt các Chương trình Mục tiêu quốc gia để tạo bước đột phá, qua đó từng bước nâng tầm chất lượng cuộc sống cho bà con nhân dân”.
Ông Vi Đình Phúc, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh.
Riêng xã Lượng Minh, từ một “điểm nóng” đã thay da đổi thịt ngỡ ngàng, qua từng năm số người nghiện ma túy giảm thiểu rõ rệt. Thời gian gần đây, xã cơ bản không ghi nhận trường hợp nghiện mới.
Thoát khỏi vùng tối u mê, từng tia nắng ấm đã tràn về rải khắp đầu làng cuối ngõ, diện mạo Lượng Minh ngày mới đã hoàn toàn đổi thay.
-
Đưa 3 công trình thủy lợi vào danh mục liên quan đến an ninh quốc gia -
Xuất khẩu thủy sản lập kỷ lục tự tin cán mốc 10 tỷ USD -
Lễ hội “Đặc sản Việt cho Tết Việt”: Nơi lưu giữ nét đẹp truyền thống xưa -
Nghiên cứu đề xuất giảm 4 cơ quan Đảng thuộc Trung ương, 5 bộ và 2 cơ quan thuộc Chính phủ, 4 uỷ ban của Quốc hội
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
- Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về quan hệ sản xuất, về thể chế
- Người có công được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ để cải tạo, sửa chữa nhà ở, 60 triệu đồng/hộ nếu xây mới
- Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất nghỉ Tết Ất Tỵ 9 ngày liên tục
- Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- COP29: Một bước lùi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu
-
Bước đầu đưa sản phẩm OCOP đến với thị trường châu Âu(Tapchinongthonmoi.vn) - Gần 100 sản phẩm OCOP, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam đang được trưng bày tại Hội chợ thủ công mỹ nghệ quốc tế AF-L'ARTIGIANO IN FIERA năm 2024. Hội chợ sẽ kéo dài từ 30/11-08/12 tại Trung tâm tổ chức sự kiện Milan, Italia.
-
Sản xuất tinh dầu tràm hướng mở cho người nông dân(Tapchinongthonmoi.vn) - Tinh dầu tràm Huế - Tiền Phong, một sản phẩm mới chất lượng đạt tiêu chuẩn FSC vừa được Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong (Công ty Tiền Phong) ở TP. Huế sản xuất thành công. Sản phẩm này ra đời từ dự án khoa học công nghệ được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho đơn vị.
-
Mảng tiêu dùng của Masan tiếp tục đạt tăng trưởng 2 con số trong quý III/2024Bức tranh tổng thể của ngành tiêu dùng bán lẻ được dự báo có tiềm năng bứt phá hơn trong cuối năm 2024. Một doanh nghiệp ngành tiêu dùng bán lẻ gây chú ý khi hoàn thành 130% kế hoạch lợi nhuận năm 2024
-
Trái ngọt trên núi đá được mùa, được giáTại huyện vùng cao biên giới Mường Khương - vùng đất chỉ toàn sương mù và núi đá của Lào Cai, cây quýt ngày càng khẳng định là cây trồng chủ lực, giúp nông dân địa phương nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
-
Đặc sắc ‘Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025’Từ ngày 01/12/2024 - 01/01/2025, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động tháng 12 với chủ đề "Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025".
-
Chế độ của nhân viên tiếp cận cộng đồng trong dự phòng lây nhiễm HIVNgày 28 tháng 10 năm 2024 Chính phủ ban hành Nghị định số 141/2024/NĐ-CP “Quy định chi tiết một số điều của luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)”. Trong đó quy định việc phòng lây nhiễm HIV và những điểm mới về tiêu chuẩn, chế độ của nhân viên tiếp cận cộng đồng... Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 12 năm 2024.
-
Đưa 3 công trình thủy lợi vào danh mục liên quan đến an ninh quốc giaHồ chứa nước Cửa Đạt; hồ chứa nước Tả Trạch; hồ chứa nước Dầu Tiếng được đưa vào Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
-
Thủ tướng: Phát huy bài học kinh nghiệm quý và tinh thần Chiến thắng Bình GiãThủ tướng tin tưởng Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng và những thành tựu đã đạt được để bứt phá vươn lên.
-
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ họcTheo Tổng Bí thư, tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, tập trung nguồn lực cho lĩnh vực then chốt.
-
Điểm sáng nhân rộng mô hình hợp tác hỗ trợ nông dân bảo vệ môi trườngNhằm chung tay, góp phần làm giảm thiểu những tác hại đối với môi trường, những năm qua Hội Nông dân các cấp trong tỉnh Bình Định đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực mang lại hiệu quả về bảo vệ môi trường nông thôn, nhất là ở các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
-
1 “Vừng ơi! mở ra” và cơ hội cho phát triển lĩnh vực Halal của Việt Nam -
2 Ngày hội Văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc: Giàu sức hút, đậm đà bản sắc -
3 Hội Nông dân tỉnh Điện Biên – 50 năm một chặng đường phát triển -
4 An Giang: Ứng dụng chuyển đổi số là chìa khóa góp phần tạo nên một nền nông nghiệp thông minh, bền vững, hiệu quả -
5 Gói dịch vụ y tế cho người dân ở Trạm Y tế xã, phường, thị trấn