Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Cảnh báo đỏ” về lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất cà phê

Đức Vượng - 07:37 30/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) – Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất cà phê đang ở mức báo động, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, môi trường và sự phát triển bền vững của ngành Cà phê Việt Nam.

60% nông dân trồng cà phê sử dụng quá mức thuốc BVTV

Ngày 28/10, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức Hội thảo “Thực trạng sử dụng vật tư nông nghiệp và các giải pháp xử lý thu gom chất thải trong sản xuất cà phê” tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Theo báo cáo tại hội thảo, tình trạng sử dụng vật tư nông nghiệp, đặc biệt là thuốc bảo vệ thực vật, trong sản xuất cà phê đang ở mức đáng báo động.

Số liệu thống kê của Cục BVTV (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, lượng thuốc BVTV được sử dụng đối với cây cà phê trung bình là 5 lít/ha, trong đó 60% nông dân đang sử dụng quá mức thuốc BVTV. Ước lượng vỏ bao bì thuốc BVTV phát sinh trong sản xuất cà phê năm 2023 là 2,15 nghìn tấn.

Hội thảo “thực trạng sử dụng vật tư nông nghiệp và các giải pháp xử lý thu gom chất thải trong sản xuất cà phê” (Ảnh: Phương Chi)
Hội thảo “Thực trạng sử dụng vật tư nông nghiệp và các giải pháp xử lý thu gom chất thải trong sản xuất cà phê” (Ảnh: Phương Chi)

Theo bà Nguyễn Thị Hoài, đại diện Cục BVTV cho biết năm 2022, cả nước đã thu gom được 412 tấn bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Trong đó, 216 tấn được xử lý bằng phương pháp đốt đúng quy định, 35,4 tấn được xử lý tại các bãi rác địa phương và 16,1 tấn chưa được xử lý. Đáng chú ý, 48/63 tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo về việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì thuốc BVTV với 57.910 bể thu gom được lắp đặt trên toàn quốc.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều nông dân vẫn sử dụng thuốc BVTV không đúng cách, thậm chí lạm dụng để tăng năng suất, bất chấp những tác hại tiềm ẩn. Một số đại lý vì lợi nhuận đã cung cấp thông tin sai lệch, khuyến khích nông dân sử dụng thuốc BVTV quá mức.

Bên cạnh đó, việc trồng xen cà phê với các loại cây trồng khác như hồ tiêu, bơ, sầu riêng... tại Tây Nguyên cũng gây khó khăn cho việc quản lý dư lượng thuốc BVTV, do nguy cơ nhiễm chéo thuốc giữa các loại cây trồng. Không chỉ tại Tây Nguyên, thực tế, tại nhiều địa phương, quy trình giám sát và xử lý vi phạm chưa được thực hiện nghiêm túc, khiến việc lạm dụng thuốc BVTV trở thành vấn nạn khó kiểm soát. Hậu quả là môi trường đất và nước bị ô nhiễm nặng nề, các loại hóa chất dư thừa không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng mà còn khiến dư lượng thuốc tồn đọng trong hạt cà phê vượt mức cho phép, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng xuất khẩu sang các thị trường khắt khe như châu Âu và Mỹ.

Lượng bao bì thuốc BVTV phát sinh từ sản xuất cà phê năm 2023 đạt khoảng 2,15 nghìn tấn. Tuy nhiên, khả năng thu gom và xử lý loại chất thải này còn gặp nhiều khó khăn.  Báo cáo cho thấy 48/63 tỉnh thành đã triển khai hệ thống thu gom bao bì, nhưng vẫn còn thiếu đồng bộ và chưa hiệu quả. Tại tỉnh Khánh Hòa, nhu cầu xây dựng thêm 20.000 bể chứa cho bao bì thuốc đã được đưa ra để giảm ô nhiễm trên đồng ruộng, nhưng quá trình thực hiện còn gặp trở ngại do hạ tầng yếu kém.

Kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán và sử dụng thuốc BVTV

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết tại nhiều địa phương, cơ sở xử lý rác thải thuốc BVTV chưa triệt để. Theo đó, cơ sở hạ tầng tại nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu thu gom và xử lý rác thải thuốc BVTV. Nhiều người dân vẫn chưa ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình trong việc thu gom và xử lý rác thải thuốc BVTV. Ngoài ra, sự vào cuộc của các cấp chính quyền còn thiếu đồng bộ, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu gom và xử lý tập trung.

 Nhiều nông dân trồng cà phê tại Tây Nguyên vẫn sử dụng thuốc BVTV vượt quá liều lượng khuyến cáo
Nhiều nông dân trồng cà phê tại Tây Nguyên vẫn sử dụng thuốc BVTV vượt quá liều lượng khuyến cáo

Để giải quyết vấn đề này, ông Thanh nhấn mạnh sự cần thiết phải xác định rõ trách nhiệm của từng tác nhân trong chuỗi xử lý, từ người sử dụng thuốc BVTV, người thu gom, người vận chuyển đến người xử lý. Đồng thời, cần tăng cường năng lực và thống nhất trách nhiệm giữa các bên liên quan. “Tất cả các tác nhân này đều phải được tăng cường năng lực và được thống nhất trách nhiệm với nhau”, ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.

Trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu cà phê lớn như châu Âu, Mỹ ngày càng thắt chặt quy định về an toàn thực phẩm và dư lượng thuốc BVTV, việc kiểm soát việc sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất cà phê càng trở nên cấp bách.

Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia đề xuất một số giải pháp về xử lý, thu gom rác thải trong sản xuất cà phê. Trong đó, đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và nông dân về quản lý, sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả; Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc buôn bán và sử dụng thuốc BVTV, xử lý nghiêm các vi phạm. Hỗ trợ nông dân áp dụng các biện pháp canh tác bền vững, giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV.

Nông dân được tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bền vững qua chương trình Stewardship
(Tapchinongthonmoi.vn) - Tại sự kiện Ngày hội Stewardship được tổ chức trong hai ngày 19 và 20 tháng 3 vừa qua, Tổ chức CropLife Quốc tế đã công bố số lượng nông dân tham gia các chương trình Stewardship trên toàn cầu đạt con số 20 triệu trong năm 2022, tăng gấp đôi trong vòng ba năm qua. Những hoạt động này đã góp phần thu gom khoảng 140.000 tấn bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng vào năm 2022 và hơn 1 triệu tấn bao gói thuốc tính từ năm 2005 đến nay.