Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Cầu nối” giúp nông dân nghèo liên kết sản xuất

15:28 19/07/2020 GMT+7
Thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả Quỹ Hỗ trợ Nông dân của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân (ND) tỉnh Yên Bái đã xây dựng nhiều đề án giúp nông hộ phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế, thúc đẩy đẩy hình

Thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả Quỹ Hỗ trợ Nông dân của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân (ND) tỉnh Yên Bái đã xây dựng nhiều đề án giúp nông hộ phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế, thúc đẩy đẩy hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh.

Cán bộ Hội ND tỉnh Yên Bái giải ngân vốn vay Quỹ HTND.

Xây dựng mô hình hay, giúp nông dân nghèo phát triển kinh tế

Gia đình anh Thôi Đức Lượng, người Cao Lan ở thôn 8 xã Bạch Hà, huyện Yên Bình là một trong những hộ gia đình được hưởng lợi từ việc vay vốn phát triển kinh tế. Nhờ vào nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân (HTND) anh đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, trồng cây ăn quả. Đến nay, mô hình của anh đã có khoảng 400 gốc bưởi và hàng trăm con lợn.

Anh Lượng cho biết, trước kia đời sống khó khăn, ngoài trồng lúa ra không biết làm thêm gì, nên thiếu đói quanh năm. Sau khi tham gia Hội ND và được vay vốn, đến nay với mô hình của anh đã có của ăn của để, thậm chí anh còn có thể hỗ trợ thêm nhiều hộ dân xung quanh. Theo ước tính của anh Thôi Đức Lượng chỉ 1 đến 2 năm nữa thôi, với 400 gốc bưởi sẽ cho thu hoạch chính cộng với việc chăn nuôi kinh tế chắc chắn đời sống kinh tế gia đình anh sẽ có những đổi thay…

Còn Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi và Dịch vụ tổng hợp MQ, xã Minh Quán, huyện Trấn Yên là 1 trong hàng chục mô hình nông dân liên kết hiệu quả từ nguồn vốn Quỹ HTND. Anh Nguyễn Tiến Sơn – Giám đốc HTX MQ cho biết: “Nhờ nguốn vốn vay từ Quỹ HTND và các nguồn vốn khác mà các thành viên trong hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mở rộng quy mô chăn nuôi. Với thủ tục vay đơn giản, nguồn vốn Quỹ HTND đã góp phần giải quyết được nhu cầu vốn mở rộng sản xuất cho các thành viên trong HTX”.

Theo đó, với 3ha đất được xã giao, HTX MQ đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng khu chăn nuôi tập trung với quy mô 40.000 con gà thịt mỗi lứa. Năm đầu hoạt động, bên cạnh chăn nuôi gà tập trung, HTX liên kết với trên 20 hộ dân có kinh nghiệm, đang thực hiện mô hình chăn nuôi gà trên địa bàn để cùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Con giống, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi được thống nhất từ 1 đầu mối và cùng một lựa chọn là giống gà Minh Dư của Bình Định, sử dụng cám của Tập đoàn Sản xuất Thức ăn chăn nuôi Dabaco. Nhờ đó, năm đầu hoạt động, doanh thu của HTX đã đạt 29 tỷ đồng, lợi nhuận 5,1 tỷ đồng.

Hoạt động ổn định, năm 2019, HTX tiếp tục phát triển khu chăn nuôi tập trung, kết nạp thêm thành viên, mở rộng liên kết với các hộ chăn nuôi có kinh nghiệm, cam kết thực hiện nghiêm túc quy trình chăn nuôi của HTX.

Bên cạnh đó, các hộ dân trong xã còn duy trì 2 nhóm liên kết chăn nuôi gà. Đến nay, trên toàn xã có gần 50 trang trại gà với hơn 30 hộ thành viên tham gia nhóm liên kết và HTX.

Anh Nguyễn Tiến Sơn bộc bạch: Từ khi thành lập nhóm liên kết chăn nuôi và thành lập HTX đến nay, việc chăn nuôi của các thành viên thuận lợi hơn, không để xảy ra dịch bệnh lớn hay gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Lãnh đạo Hội ND tỉnh Yên Bái tổ chức thẩm định mô hình vay vốn Quỹ HTND đối với HTX Dịch vụ tổng hợp Thiên An, tại thôn Cây Tre (Xuân Lai, Yên Bình, Yên Bái).

“Bà đỡ” giúp hội viên nông dân làm giàu

Trao đổi về tình hình địa phương, ông Giàng A Câu – Chủ tịch Hội ND tỉnh Yên Bái cho biết: Hội ND tỉnh Yên Bái có 9 đơn vị Hội ND cấp huyện, thị, thành phố; 180 cơ sở Hội, 1.299 chi Hội, với trên 113.000 hội viên nông dân, chiếm 80,2% so với hộ nông nghiệp toàn tỉnh. Trong đó, hội viên chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số và sống ở khu vực miền núi. Đời sống của nhiều hội viên nông dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ sản xuất ở mức thấp.

Với vai trò “Bà đỡ” giúp hội viên nông dân phát triển sản xuất, làm giàu và giảm nghèo bền vững, Hội ND tỉnh đã và đang triển khai chương trình phối hợp với các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ nông dân.

Hiện, tổng các nguồn vốn Quỹ HTND trên địa bàn tỉnh là trên 16 tỷ đồng, triển khai 92 dự án với 487 hộ vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Từ nguồn vốn Quỹ HTND, Hội ND tỉnh đã quan tâm, triển khai các dự án cho hội viên nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vay vốn phát triển sản xuất có hiệu quả như: Chăn nuôi ngựa thương phẩm tại xã Hồ Bốn (Mù Cang Chải); chăn nuôi trâu sinh sản tại xã Vĩnh Lạc, nuôi bò tại xã Minh Tiến (Lục Yên); chăm sóc và khai thác rừng trồng tại xã Phú Thịnh (Yên Bình); chăn nuôi thỏ tại xã Lương Thịnh (Trấn Yên)…

Lồng ghép với hoạt động cho vay, Hội ND các cấp trong tỉnh đang quản lý 674 tổ tiết kiệm vay vốn, cho trên 23.500 hộ nông dân vay với số dư nợ đạt trên 735 tỷ đồng từ chương trình ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội. Hội cũng phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT cho trên 6.000 hộ nông dân vay vốn phát triển kinh doanh với dư nợ đạt gần 333 tỷ đồng.

Cùng với đó, các cấp Hội chủ động thực hiện các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phối hợp với các cơ quan tư vấn hỗ trợ, dạy nghề cho nông dân. Hàng năm, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức được 1.400 đến 1.500 buổi tập huấn khoa học kỹ thuật, mở từ 70 đến 75 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hội viên. Hội tham gia khảo sát, vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng các mô hình thí điểm nuôi trồng các giống vật nuôi, cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình cánh đồng một giống với diện tích 5ha tại xã Hát Lừu, mô hình trồng măng sặt tại xã Xà Hồ, Pá Hu; trồng sâm xã Xà Hồ, trồng bí xanh thơm xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu…

Triển khai đề án “Phát huy vai trò của Hội ND trong xây dựng, phát triển kinh tế tập thể”, các cấp Hội đã trực tiếp và phối hợp xây dựng, duy trì hiệu quả hoạt động 16 mô hình hợp tác xã (HTX) và 50 tổ hợp tác (THT) trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp. Hội ND tỉnh trực tiếp hướng dẫn, xây dựng 69 mô hình hỗ trợ nông dân sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, với 652 hộ tham gia; thành lập 6 Chi hội nghề nghiệp và 38 tổ hội nghề nghiệp theo đề án số 24 của T.Ư Hội NDVN.

Đặc biệt, thông qua hoạt động của Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại, các cấp Hội ND đã phối hợp, hỗ trợ thành lập mới được 2 HTX, 27 THT, 31 nhóm hộ trồng rừng, với trên 1.000 thành viên. Các mô hình đều có sự liên kết chặt chẽ với nhau như HTX Bình Minh xây dựng xưởng xẻ tiêu thụ gỗ FSC của 31 nhóm hộ trồng rừng; HTX Quế hồi Việt Nam với 22 thành viên, xây dựng vùng sản xuất quế hữu cơ tại huyện Trấn Yên.

“Quỹ HTND giúp hội viên phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, góp phần vào tỷ lệ giảm nghèo chung của tỉnh trong những năm qua. Quỹ HTND cũng là cơ sở để năm 2020 Hội ND Yên Bái thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu theo Chương trình hành động 190 của Tỉnh ủy như: Xây dựng 63 mô hình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hiệu quả; xây dựng 9 chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp ở các địa phương trong tỉnh; thành lập 13 HTX và 100 tổ hợp tác”.
Ông Giàng A Câu – Chủ tịch Hội ND tỉnh Yên Bái.

Bài, ảnh: Long Thịnh