Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chọn đúng hướng đi đạt hiệu quả kinh tế cao

10:01 02/11/2020 GMT+7
Hơn 10 năm phát triển sản xuất, ông Nguyễn Chính Luận là hội viên nông dân Chi hội thôn 8 xã Đăk Ha, huyện Đăk Glong là gương điển hình sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Đăk Nông. Mô hình trồng rừng xen canh cây ăn quả đã tạo công ăn việc làm cho

Hơn 10 năm phát triển sản xuất, ông Nguyễn Chính Luận là hội viên nông dân Chi hội thôn 8 xã Đăk Ha, huyện Đăk Glong là gương điển hình sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Đăk Nông. Mô hình trồng rừng xen canh cây ăn quả đã tạo công ăn việc làm cho 15 lao động thường xuyên, 300 công lao động thời vụ, doanh thu trên 3 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Chính Luận là gương điển hình sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh.

Chọn một hướng đi khác

Ông Luận cho biết: Xuất thân từ gia đình là nông dân, ở quê hương tỉnh Hà Tĩnh điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn do đất chật, người đông nên gia đình ông quyết định vào Tây Nguyên lập nghiệp tại xã Đăk Ha, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông từ năm 2010. Với mong muốn phát triển và đi lên từ nông nghiệp ông đã quyết tâm khắc phục những khó khăn, thiếu thốn trong thời gian ban đầu để đầu tư vào sản xuất và đã có được những kết quả như ngày hôm nay.

Trước những đổi mới của đất nước, thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong sản xuất và áp dụng chương trình công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Ông Luận luôn nêu cao tinh thần tự học hỏi, áp dụng các biện pháp khoa học – kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình. Nhận thấy với địa bàn xã Đăk Ha có vị trí, địa lý, khí hậu quanh năm mát mẻ, có độ cao từ 600m – 850m so với mặt nước biển, nơi mà cây ăn quả có xu hướng phát triển mạnh, do vậy ông đã xác định được cây trồng chính.

“Lúc đầu có nhiều người góp ý với tôi là trồng tiêu vì thời kỳ đó hồ tiêu được xem là thứ vàng đen trên thế giới và khu vực Tây Nguyên, nhưng tôi đã chọn một hướng đi khác đó là trồng cây ăn quả xen canh một số cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao. Từ đó gia đình tôi đã tập trung đầu tư vào sản xuất, tìm tòi chọn giống phát triển diện tích bơ và mít” – ông Luận nói.

Qua tìm hiểu, ông biết được có cây đàn hương là giống cây du nhập tư Ấn Độ, tương lai sẽ có giá trị kinh tế cao nên ông đã quyết định trồng xen cây đàn hương với bơ, mít trong vườn. Cây đàn hương là cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, sản phẩm của cây đàn hương được thu từ quả, rễ, lá và lõi; giá thu mua hạt đàn hương hiện nay đã lên đến 400.000 đồng/kg, cao gấp 10 lần so với giá hồ tiêu. Năng suất mỗi cây trên 3 năm tuổi cho khoảng hơn 1kg hạt/năm, lá dùng để chế biến trà sạch chất lượng cao, giá bán hiện nay 2,5 triệu đồng/kg; với những ưu thế nêu trên trong thời gian qua gia đình đã đầu tư và đã trồng được 4.000 cây đàn hương (Đàn hương trắng Ấn Độ).

Vườn Đàn hương trắng Ấn Độ tại vườn ông mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhận thức được những ảnh hưởng ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu đặc biệt là hạn hán, nguồn nước tưới ngày càng khan hiếm, không đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển, ông đã đầu tư hệ thống “Tưới nhỏ giọt có hệ thống điều khiển bán tự động” giảm tối đa chi phí sản xuất, lượng nước tưới và công lao động… Đồng thời, ông sản xuất các sản phẩm nông nghiệp (quả bơ tươi, trà Đàn hương) theo tiêu chuẩn VietGAP và sản phẩm đóng gói đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế trong từng sản phẩm nông sản.

Tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động ở địa phương

Hiện nay, tổng diện tích trang trại của gia đình ông là 12ha đất nông nghiệp, trong đó, diện tích bơ là 8ha; diện tích trồng xen đàn hương, mít, dổi 4ha; diện tích ao cá 0,5ha. Do cây bơ đang giai đoạn kiến thiết và thu bói nên năng suất bình quân 80 tấn/năm. Với kỹ năng và kiến thức của bản thân có được, đồng thời thông qua các khóa tập huấn bản thân đã tiếp thu các kiến thức về khoa học – kỹ thuật, ông thường tham gia hướng dẫn cho hơn 50 hộ áp dụng các biện pháp khoa học – kỹ thuật, những kinh nghiệm trong sản xuất cho người dân để cùng nhau phát triển sản xuất, tăng năng suất cây trồng, phấn đấu làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Bơ sạch trĩu quả vườn nhà ông Luận.

Ngoài việc hỗ trợ cho người dân địa phương về khoa học – kỹ thuật gia đình ông Luận đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 15 lao động. Đặc biệt là ông thường xuyên quan tâm đến các hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua gia đình ông đã hỗ trợ về giống cây ăn quả cho 20 hộ gia đình để phát triển sản xuất.

Thời gian tới, ông Luận dự định sẽ cung cấp thêm nguồn giống cây ăn quả cho các hộ trồng để mở rộng vùng trồng cây ăn quả tạo vùng nguyên liệu cung cấp cho thị trường và thành lập Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, thu mua và chế biên nông sản, góp phần giải quyết khó khăn cho bà con nông dân.

Không chỉ phát triển kinh tế của gia đình, ông Luận cùng với các thành viên trong gia đình còn tham gia các hoạt động xã hội, phong trào… là hội viên nông dân, ông Luận thường xuyên vận động bà con nông dân trong thôn cùng nhau phát triển sản xuất, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Tham gia, thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới, phong trào toàn dân xây dựng và bảo vệ an ninh tổ quốc…
Ông Lê Văn Trung, Phó Chánh Văn phòng, Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông cho biết: Mô hình của gia đình ông Nguyễn Chính Luận là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế và mang tính bền vững cao, ít gặp rủi ro. Trong những năm gần đây, ông Luận đã tích cực tham gia các phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình nhằm giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; Phát triển nông nghiệp giá trị kinh tế cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, không ngừng nâng cao giá trị thu nhập từ những loại cây trồng truyền thống và cây trồng mới. Không chỉ vậy, hiệu ứng tích cực từ mô hình nông nghiệp tiêu biểu này còn là điểm để bà con nông dân học hỏi và nhân rộng.

Với những nỗ lực không ngừng, gia đình ông đã đạt được danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương.

Vân Nguyễn