Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chú trọng nâng cao đời sống văn hóa vùng đồng bào Chăm

Bài, ảnh: Như Thừa - 13:11 13/03/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Chăm lo đời sống văn hóa cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). Những năm qua, song song với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, huyện Ninh Phước còn chú trọng công tác đầu tư xây dựng, phục hồi cơ sở vật chất; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, gắn với thực hiện các tiêu chí nông thôn mới (NTM); đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc Chăm.

Huyện Ninh Phước là địa phương đầu tiên của tỉnh Ninh Thuận đạt chuẩn NTM (Quyết định số 1591/QĐ-TTg ngày 16/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Ninh Phước đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019). 

Lễ hội Ka tê năm 2022 tại Tháp Pô Klong Giarai và Pô Rome.

Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, bảo tồn di sản văn hóa

Huyện Ninh Phước hiện có 9 xã, thị trấn, 66 thôn, khu phố với 38.892 hộ/161.866 khẩu, trong đó, đồng bào Chăm có 10.233 hộ/50.115 khẩu, sinh sống tập trung chủ yếu tại 20 thôn, khu phố, chiếm tỷ lệ 30,96 % dân số toàn huyện và trên 60% dân số đồng bào Chăm toàn tỉnh. Trên địa bàn huyện có 3 di sản văn hóa Chăm, gồm: Tháp Pô Rrome, đền Pô Nưgar và đền Pô Klong Chanh, là nơi thờ các vị thần có công truyền dạy đồng bào Chăm phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống,...

Nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần vùng đồng bào Chăm, những năm qua, huyện Ninh Phước đã huy động các nguồn lực xã hội xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, thực hiện tiêu chí văn hóa NTM. Đến nay, huyện đã đầu tư hệ thống trạm truyền thanh không dây với 196 cụm loa, mỗi xã có từ 15- 20 loa phủ sóng khắp thôn, khu phố, góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các hoạt động của chính quyền, đoàn thể đến các tầng lớp nhân dân. Thư viện huyện và 30 thư viện các trường học, 10 bưu điện văn hóa xã, 28 sân bóng đá gồm 10 sân lớn và 18 sân mi ni, 76 sân bóng chuyền ở các thôn, khu phố phục vụ tốt nhu cầu học tập, thể dục, thể thao của cộng đồng dân cư… Chính phủ và các doanh nghiệp Ấn Độ đã hỗ trợ gần 30 tỷ đồng giúp huyện Ninh Phước xây dựng nhiều công trình văn hóa, giáo dục cho vùng đồng bào Chăm, như: Nhà sinh hoạt cộng đồng ở các làng Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân), Hữu Đức (xã Phước Hữu), Trường Tiểu học Phước Đồng (xã Phước Hậu). Huyện cũng đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà tập luyện thi đấu thể thao, sân vận động, nhà hát ngoài trời, nhà trưng bày gốm Bàu Trúc, nhà trưng bày dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp,… thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm sản phẩm. Nhà sinh hoạt cộng đồng Bàu Trúc với kinh phí 19,5 tỷ đồng đưa vào hoạt động từ cuối năm 2020 đón nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan làng nghề, thưởng thức chương trình ca múa đặc sắc của đồng bào Chăm.

Du khách tham quan làng gốm Bàu Trúc và Nhà trưng bày Gốm Chăm Bàu Trúc.

Ông Hoàng Sơn, du khách đến từ tỉnh Bình Thuận chia sẻ: “Chúng tôi thật sự bị mê hoặc bởi lời ca, điệu múa trên nền nhạc cụ truyền thống đặc sắc của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận. Chúng tôi nhất định sẽ trở lại để được thưởng thức các chương trình độc đáo của đồng bào Chăm ở đây”. 

Ông Bạch Văn Nguyên, chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Những năm qua, các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, các đền, tháp, chùa,... trên địa bàn huyện được xây mới hoặc nâng cấp, sửa chữa thường xuyên. Cơ sở hạ tầng làng nghề gốm Bàu Trúc, dệt Thổ Cẩm Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ được quan tâm đầu tư. 

“Huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể để bảo tồn và phát huy giá trị 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc” và “Lễ hội Katê người Chăm tỉnh Ninh Thuận”. Đặc biệt, cuối năm 2022, “Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm Bàu Trúc” đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là vinh dự, đồng thời cũng là tiền đề, động lực để phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nói chung, làng nghề nói riêng gắn với phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Chăm.” Ông Bạch Văn Nguyên chia sẻ.

Du khách tham quan làng dệt Thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp.

Đẩy mạnh phong trào Văn nghệ - Thể thao quần chúng

Thành tựu văn hóa cơ sở nổi bật là phong trào văn nghệ quần chúng phát triển rộng khắp trên địa bàn huyện. Hiện nay, mỗi thôn, khu phố đồng bào Chăm đều có đội văn nghệ từ 15- 20 diễn viên và nhạc công tham gia biểu diễn vào các dịp lễ, Tết và sự kiện chính trị, văn hóa ở địa phương. Nổi bật như làng Gốm Bàu Trúc có tới 4 đội văn nghệ, thường xuyên phục vụ du lịch ở các nơi, nhất là tại tháp Chăm Pô Klong Giarai hay Pô Nưga ở thành phố Nha Trang. Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ, huyện Ninh Phước đầu tư nhiều tỷ đồng mua sắm nhạc cụ, thiết bị âm thanh, ánh sáng, dụng cụ thể dục - thể thao, xây dựng trạm truyền thanh, nhà sinh hoạt văn hóa cho các làng Chăm. 

Nhiều câu lạc bộ (CLB) truyền dạy nhạc cụ dân tộc Chăm, như CLB Nhạc cụ dân tộc Chăm xã Phước Hậu; CLB Nhạc cụ dân tộc Chăm thị trấn Phước Dân; CLB Nhạc cụ dân tộc Chăm Trường THCS Trương Định,... được thành lập, hoạt động hiệu quả, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Chăm. Đơn cử như CLB Nhạc cụ dân tộc Chăm xã Phước Hậu thành lập năm 2013 đã truyền dạy cho 17 học viên trở thành nhạc công; thành lập 2 đội múa dân gian Chăm thường xuyên biểu diễn phục vụ cộng đồng. Các chuyên gia Viện Âm nhạc Việt Nam điền dã tại các làng Chăm tỉnh Ninh Thuận ghi nhận đồng bào dân tộc Chăm sở hữu một nền âm nhạc cổ truyền đặc sắc, nhất là hệ thống âm nhạc nghi lễ gắn liền với các lễ hội, phong tục của cộng đồng, tộc họ. Các nghệ nhân dân gian tâm huyết chế tác, biểu diễn nhạc cụ và truyền dạy cho thế hệ trẻ giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc. Đến nay, trên địa bàn huyện, nhiều nghệ nhân được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú phát huy tốt vai trò “báu vật sống” của dân làng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, như các ông: Vạn Sổ, Hán Văn Nghiên, Phú Văn Lương, …

Phong trào thể dục, thể thao cũng được phát triển mạnh mẽ tại vùng đồng bào Chăm. Hiện nay, làng Chăm đều thành lập đội bóng đá, bóng chuyền tích cực luyện tập, tham gia thi đấu giải cấp huyện và giao hữu với các địa phương. Cá biệt là làng Chăm Mỹ nghiệp có thể tổ chức được một giải bóng đá với hơn chục đội bóng trong làng tham gia. Hoạt động thể thao tạo sân chơi bổ ích cho thanh niên vùng nông thôn và phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. 

Ông Thiết Văn Trình, Bí thư thôn Chung Mỹ cho rằng, nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp, đời sống văn hóa, tinh thần của vùng đồng bào Chăm ngày càng khởi sắc. Riêng thôn Chung Mỹ đã đầu tư sân vận động quy mô, đáp ứng nhu cầu bóng đá và biểu diễn văn nghệ tập thể của địa phương. Lễ hội Ka tê năm 2022, Chung Mỹ tổ chức rất quy mô, hoành tráng, đậm màu sắc văn hóa Chăm. Nổi bật là những tiết mục múa quạt, đội lu, rực rỡ sắc màu áo dài Chăm truyền thống.” 

Hội thi nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chăm huyện Ninh Phước năm 2022. 

Tích cực xây dựng gia đình, thôn, khu phố văn hóa

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai hiệu quả. Đến nay, 100% thôn, khu phố đồng bào Chăm được công nhận thôn, khu phố văn hóa; 7/7 xã, thị trấn phát động xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và thị trấn đạt văn minh đô thị; 100% khu dân cư thực hiện quy ước, hương ước; 93,4% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa,.. 

Ngoài hơn 40 thư viện của huyện, các trường học và bưu điện văn hóa xã, còn có nhiều tủ sách, thư viện gia đình, Nhà văn hóa cộng đồng phục vụ nhu cầu văn hóa đọc cho đồng bào Chăm. Nổi bật là Nhà sinh hoạt cộng đồng Chăm Bàu Trúc được PGS.TS Trương Văn Món, giảng viên cao cấp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh tặng 300 đầu sách, đáp ứng nhu cầu văn hóa đọc cho trên 4.500 người dân địa phương và du khách. Thư viện gia đình anh Vạn Đại Phú ở làng Chăm Hoài Ni, xã Phước Thái có trên 1.000 bản sách, đáp ứng nhu cầu đọc cho thanh thiếu niên địa phương,... 

Cả sư Hán Đô, Chủ tịch Hội đồng chức sắc Chăm Bàlamôn tỉnh Ninh Thuận phấn khởi chia sẻ: “Bản thân tôi và đồng bào Chăm phấn khởi với chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước ưu tiên đầu tư, nâng cao chất lượng cuộc sống vùng đồng bào Chăm; giữ gìn, phát huy di sản, văn hóa truyền thống dân tộc, tạo động lực cho đồng bào Chăm phát triển kinh tế, xây dựng đời sống ngày càng giàu đẹp”.

Ông Võ Minh Tân, Phó Trưởng Phòng Văn hóa- Thể thao huyện Ninh Phước cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2021- 2025, ngành Văn hóa - Thể thao tham mưu UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp tổ chức hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và các hoạt động văn hóa - thể thao, qua đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, nổi bật là vùng đồng bào Chăm. 

Về thực hiện tiêu chí số 6 (Cơ sở vật chất văn hóa) và tiêu chí số 16 (Văn hóa) trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, ông Bạch Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Đến thời điểm này, huyện có 01 Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh, 08/08 xã trên địa bàn huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao và 50/50 thôn có Nhà Văn hóa - Khu Thể thao đảm bảo diện tích theo quy định; các xã đã quy hoạch khu vui chơi, lắp đặt bộ dụng cụ thể thao ngoài trời, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao của người dân. Việc kiểm kê, ghi danh, bảo vệ, tu bổ, tôn tạo các di sản trên địa bàn huyện luôn được quan tâm thực hiện và đảm bảo quy định. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện đã đi vào chiều sâu, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2022, toàn huyện có 93% hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 100% thôn, khu phố đạt danh hiệu văn hóa. Hiện nay, có 08/08 xã trên địa bàn huyện đạt các tiêu chí văn hóa về xây dựng Nông thôn mới.

Các đội bóng đá nữ các làng Chăm đá bóng giao lưu.

 Ông Nguyên cho biết thêm: Trong thời gian đến, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện tiêu chí văn hóa, như: 

Tiếp tục đầu tư trang thiết bị cho Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện, trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã và Nhà Văn hóa - Khu Thể thao theo tiêu chuẩn; 
Thực hiện có hiệu quả công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; 

Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và thu hút đông đảo nhân dân tham gia;
Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa trên địa bàn huyện.

Đối với vùng đồng bào Chăm, huyện tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ làng nghề truyền thống gắn với du lịch, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, thực hiện tiêu chí văn hóa NTM, với những giải pháp cụ thể, như: Tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; Kết hợp giữa đầu tư, tôn tạo di tích với khai thác phát triển du lịch; Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá bằng nhiều hình thức phù hợp; Xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản; Tiếp tục gắn kết với các doanh nghiệp, địa phương để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm gốm, thổ cẩm truyền thống và đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng. 

Chăm lo đời sống văn hóa cơ sở vùng đồng bào Chăm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Ninh Thuận. Tỉnh tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020- 2025 gắn với thực hiện Chỉ thị số 06/2004/CT–TTg, ngày 18/02/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh trật tự đối với vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới gắn với việc thực hiện các tiêu chí NTM. 
Ninh Thuận hiện có 17.503 hộ với trên 82.532 khẩu đồng bào Chăm, chiếm 12,39% dân số toàn tỉnh, cư trú tập trung tại 35 thôn, khu phố trên địa bàn 13 xã, thị trấn thuộc 6 huyện, thành phố. Ninh Thuận là địa phương có đồng bào Chăm sinh sống đông nhất trong cả nước còn gìn giữ nhiều nghi lễ, làng nghề truyền thống.