Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chú trọng nông nghiệp công nghệ cao và cơ chế cho thuê đất  

16:57 04/11/2020 GMT+7
Ngày 4/11, tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, T.Ư Hội NDVN tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đồng chí Nguyễn Lam, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương; đồng chí Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Ban

Ngày 4/11, tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, T.Ư Hội NDVN tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đồng chí Nguyễn Lam, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương; đồng chí Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN; đồng chí Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng lý luận T.Ư, Uỷ viên thường trực Tổ Biên tập văn kiện đại hội XIII dự và đồng chủ trị hội nghị.

Đồng chí Phạm Tiến Nam – Phó Củ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Tham dự có các đồng chí thành viên Tổ giúp việc Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến Nhân dân góp ý văn kiện Đại hội XIII của Đảng; các đồng chí Uỷ viên BanThường vụ T.Ư Hội NDVN phụ trách cụm; đại diện lãnh đạo Hội ND 11 tỉnh; các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX và nông dân tiêu biểu các tỉnh trong cụm thi đua số 3.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Hội NDVN nhấn mạnh, dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng là sản phẩm tập trung trí tuệ của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, nhằm tiếp tục khẳng định, hoàn thiện quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng ta trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện nước ta.

Các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng thể hiện trình độ phát triển tư duy lý luận của Đảng ta trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh – quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Đồng thời, tập trung tham gia góp ý làm rõ vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là những giải pháp đối với khu vực Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng – là vùng có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng cho phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi, thủy sản.

Đồng chí Phạm Tiến Nam gợi ý và đề nghị các đại biểu tập trung góp ý những vấn đề lớn trong dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII. Cụ thể:

Thứ nhất, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh; mục tiêu phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (100 năm thành lập Đảng) và đến năm 2045 (100 năm thành lập nước); định hướng tiếp tục đổi mới, phát triển các lĩnh vực trọng yếu; các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá chiến lược.

Thứ hai, những nhận định, đánh giá về kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2011 – 2020. Năm quan điểm của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội nước ta trong thời gian tới. Các chỉ tiêu chủ yếu; ba đột phá chiến lược; mười nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Thứ ba, đánh giá về kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020. Mục tiêu tổng quát trong giai đoạn 2021 – 2025; các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội, môi trường. Mười hai nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Thứ tư, đánh giá ưu điểm, thành tựu và hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm đã nêu trong dự thảo Báo cáo, nhất là kết quả thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng; Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ Đại hội XIII, nhất là 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp; ba nhiệm vụ trọng tâm và ba giải pháp đột phá.

– Về thi hành Điều lệ Đảng đánh giá tổng quát; những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong thi hành Điều lệ Đảng.

Thứ năm, những giải pháp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Về vai trò chủ thể của nông dân, về giải pháp để Hội kiến tạo, hiến kế, hỗ trợ nông dân là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; Về vai trò trung tâm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; Trong việc liên kết giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân để phát triển các hình thức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị… Để thực hiện những nội dung trên Hội Nông dân Việt Nam cần phải có những giải pháp nào?…

Đó là những nội dung quan trọng để Hội NDVN tiếp thu, đề nghị Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII bổ sung vào Dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Tại hội nghị đã có nhiều ý kiến đóng góp xoay quanh các vấn đề phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, nên tích tụ ruộng đất và cơ chế cho thuê đất để ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Có vậy mới hình thành  chuỗi sản xuất hàng hóa lớn, có chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường hiện nay; các chính sách hỗ trợ  vay vốn, đào tạo nghề và tiêu thụ nông sản…

Đại biểu Phùng Quang Vinh, tỉnh Vĩnh Phúc nêu ý kiến về đất bỏ hoang cần có cơ chế cho thuê 

Ý kiến của ông Phùng Quang Vinh, Chủ tịch Hội  đồng quản trị HTX sản xuất giống cây trồng Quán Tiên, tỉnh Vĩnh Phúc góp ý,  đề nghị bổ sung từ “cơ chế” và cụm từ “hỗ trợ, khuyến khích để tổ chức, cá nhân nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, trên diện tích đất lúa bỏ hoang”  vào trang 89 nên viết lại đổi mới”cơ chế”, chính sách quản lý vận dụng đất trồng lúa,  hỗ trợ, khuyến khích để tổ chức, cá nhân nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, trên diện tích lúa bỏ hoang”.

The ông Vinh phân tích sản xuất lúa thường cho thu nhập thấp, rủi ro cao, nên nhà nước cần có chính sách hỗ trợ khi nhà đầu tư bị thiên tai, dịch bệnh lớn xảy ra, nhằm giảm bớt phần nào thiệt hại cho tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất lúa với diện tích lớn. Hỗ trợ để phục hoá đồng ruộng, cải tạo kênh mương, giao thông nội đồng do đồng ruộng bị hoang hoá nhiều năm. Có thoả thuận về thời gian, lợi ích giữa người dân có đất lúa bỏ hoang với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê hoặc mượn ruộng để sản xuất lúa.

Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang phát biểu tại hội nghị

Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Giang nêu ý kiến: Xu hướng tất yếu trong thời gian tới là phải phát triển nông nghiệp dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, truy suất được nguồn gốc sản phẩm và gắn với các chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Ông Thi cho hay, qua tổ chức lấy ý kiến từ cơ sở, hầu hết các ý kiến đều nhất trí với bố cục, kết cấu báo cáo. 15 mục lớn tương ứng với 15 nội dung phù hợp có kế thừa các nhiệm vụ Đại hội  trước. Về đánh giá nông nghiệp đang chuyển mạnh sang ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hoá, nâng cao chất lượng và hiệu quả; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống của  nông dân. Như Bắc Giang trong nhiệm kỳ vừa qua đã xây dựng được 766 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, phát triển được 56 sản phẩm nông sản chủ lực và đặc trưng của tỉnh. Tuy  nhiên muốn sản phẩm nông nghiệp tham  gia vào chuỗi giá trị thì yêu cầu phải có sản lượng lớn, đồng đều về chất lượng theo tiêu chuẩn của Doanh nghiệp và cung cấp được thường xuyên.  Do đó, yêu cầu cần có cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển sản xuất  nông  nghiệp hàng hoá theo chuỗi giá trị thì các cơ chế chính sách trong giai đoạn tới cần ưu tiên vào khu  vực này, đặc biệt là cần tìm ra những khó khăn chính khi doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp.

PGS. Đặng Xuân Bình, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên cho rằng, các cấp Hội Nông dân cần xây dựng hệ sinh thái số về các sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, trong đó phản ánh các nhu cầu, các chính sách về nông nghiệp, thậm chí đưa thông tin quảng bá nông sản Việt Nam ra thế giới. Vì vậy cần có giải pháp rõ hơn để có thể định hình được bước đi, đặc biệt là cách làm tăng trưởng GDP cho đất nước…

Liên quan đến vấn đề đất đai, tài nguyên, biến đổi khí hậu, GS. Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng lý luận T.Ư, Uỷ viên thường trực Tổ Biên tập văn kiện Đại hội XIII của Đảng cho hay, Quốc hội khóa XIV nợ dân là chưa sửa đổi được Luật Đất đai, tới đây khóa XV phải sửa.

“Trung ương thấy rằng, đúng là vấn đề đất đai, tài nguyên thuộc kinh tế, nhưng nhiệm kỳ này phải tách thành một nhiệm vụ trọng tâm để giải quyết, nếu nhập vào kinh tế thì nó chìm. Để nói rằng, 6 nhiệm vụ trọng tâm mà dành riêng đất đai, tài nguyên, ứng phó biến đổi khí hậu thành một nhiệm vụ đã thấy rằng Đảng ta đã đặt rất trọng tâm cái này” – GS. Nguyễn Viết Thông nói.

Đồng chí Nguyễn Lam, Phó trưởng Ban Dân vận T.Ư phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu kết luận và chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Lam, Phó trưởng Ban Dân vận T.Ư đã nhấn mạnh, hoan nghênh T.Ư Hội NDVN đã tổ chức hội nghị có chất lượng, các vấn đề đưa ra sát với thực tiễn và đúng trọng tâm cần được quan tâm. Qua 15 ý kiến đóng góp của các đại biểu cụm thi đua số 3 là đại diện lãnh đạo Hội Nông dân các địa phương, các nhà khoa học, chủ các doanh nghiệp, HTX và nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu tại các địa phương, chúng tôi sẽ có trách nhiệm tổng hợp nghiên cứu và tiếp thu trình lên Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến Nhân dân góp ý văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Sau khi văn kiện được ban hành, chúng ta sẽ  xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa thành các nghị quyết…

                                                                   Tin, ảnh: Kiều Anh