Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chung tay xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp bền vững

Chu Minh Khôi - 07:08 30/03/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, do đó Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam sẽ tăng cường các hoạt động phối hợp để nâng cao sức cạnh tranh của hợp tác xã nông nghiệp, đưa các hợp tác xã vươn lên làm chủ các chuỗi giá trị trên thị trường nông sản…

Cần nâng cao chất lượng của các hợp tác xã nông nghiệp
Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, trong số các tổ chức kinh tế tập thể thì số lượng hợp tác xã và tổ hợp tác nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn, tỷ trọng hơn 60%, với 3,5 triệu thành viên, tác động lớn về xã hội. Tính đến hết năm 2023, cả nước có 158 liên hiệp hợp tác xã, hơn 31.700 hợp tác xã, và 73.000 tổ hợp tác.  Trong đó, có 95 Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp; 20.350 hợp tác xã nông nghiệp và khoảng 34.600 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2023, doanh thu bình quân của mỗi hợp tác xã nông nghiệp ước đạt khoảng 2,5 tỷ đồng, lợi nhuận  bình quân đạt 400 triệu đồng/hợp tác xã. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên hợp tác xã nông nghiệp đạt 52 triệu đồng/năm.
Đến nay, cả nước thực hiện hàng nghìn chuỗi liên kết - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với sự tham gia 4.228 hợp tác xã nông nghiệp, 686.445 hộ nông dân liên kết với 2.167 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, đã có 1.644 chuỗi nông lâm thủy sản được cấp chứng nhận.

Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình và Hội Nông dân tỉnh ký kết Kế hoạch phối hợp năm 2023.
Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp trong những năm qua đã có sự chuyển đổi về chất. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì nhìn chung quy mô của hợp tác xã còn khiêm tốn. Hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Chịu tác động của biến động thị trường; quy mô nguồn vốn nhỏ; trình độ cán bộ hạn chế, chậm chuyển đổi số; hợp tác xã chưa thu hút được nhiều thành viên tham gia và yếu trong liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Bà Vân cho rằng: Bấy lâu nay, khi nhắc tới cụm từ hợp tác xã, nhiều người vẫn nghĩ đây là một tổ chức yếu thế, nghèo về nhân lực, tài lực, kinh nghiệm… “Nhìn nhận này cần bác bỏ bởi hợp tác xã có rất nhiều “cái giàu”: Giàu tính cộng đồng, tình cảm, nguồn lực con người, đất đai, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp...  Cái yếu của hợp tác xã nông nghiệp hiện nay là vấn đề quản trị hợp tác xã, xây dựng liên kết sản xuất chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, phân phối”, bà Vân chia sẻ.
Theo bà Cao Xuân Thu Vân, Nghị quyết số 106/NQ-CP mà Chính phủ ban hành vào tháng 7/2023 về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đưa ra mục tiêu đến năm 2025 nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững và ưu tiên phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Chính vì vậy, việc xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực, ngành hàng và vùng, miền, địa phương đang đòi hỏi cần có những giải pháp có tính đồng bộ.
“Trong bối cảnh mới, có nhiều yếu tố tác động mạnh mẽ, tạo ra những cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với phát triển hợp tác xã nông nghiệp, nhất là phát triển bền vững. Chỉ có hợp tác xã phát triển bền vững mới giúp ngành Nông nghiệp của Việt Nam vượt qua thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”, bà Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh.
Hai thập kỷ phối hợp giữa Liên minh Hợp tác xã và Hội Nông dân
Bà Cao Xuân Thu Vân cho biết, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Do các thành viên tham gia hợp tác xã nông nghiệp chủ yếu là nông dân, nên Hội Nông dân Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong nhiệm vụ phát triển hợp tác xã nông nghiệp. Ngay từ cách đây 2 thập kỷ, vào năm 2005, Liên minh HTX Việt Nam và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp số 897/2005 về "Phát huy vai trò, sức mạnh của nông dân trong đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2005 - 2010". Chương trình này triển khai đã đạt được nhiều kết quả, nên đến tháng 11 năm 2016, Hội Nông dân Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp số 31-CTrPH/HNDVN-LMHTXVN nhằm "Phối hợp đẩy mạnh phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020". Đến năm 2018, chương trình phối hợp từ 2 bên đã nâng cấp lên thành phối hợp 3 bên giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam. Chương trình phối hợp đưa ra mục tiêu xây dựng được ít nhất 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 182 về phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030". Lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng triển khai thực hiện Đề án này sẽ có ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng trong việc tăng số lượng, chất lượng quy mô các tổ chức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Đề án hướng tới mục tiêu tạo sự phát triển về chất đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn, đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động; củng cố, đổi mới, mô hình tổ chức và hoạt động cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.  

Xã viên HTX Nông nghiệp Tân Thành, ở xã Nông Thượng, ngoại ô thành phố Bắc Kạn thu hoạch củ nghệ. Ảnh Chu Khôi.
Bà Cao Xuân Thu Vân gợi mở nhiều nội dung mà Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam có phối hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp:
Một là, hai bên cùng phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về kinh tế tập thể, hợp tác xã, các hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp để nâng cao nhận thức của người dân và cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, tuyên truyền và nhân rộng mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả. 
Chuyển đổi xanh trong Hợp tác xã nông nghiệp đang là vấn đề được đặt ra rất quan trọng. Do vậy, cần chú trọng tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, các cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh đối với các hợp tác xã. Đồng thời, cần nâng cao ý thức sản xuất, tiêu dùng có trách nhiệm đối với các hợp tác xã nông nghiệp. Việc sản xuất có trách nhiệm chính là thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững hoặc hướng tới bền vững và không làm hại tới môi trường.
Hai là, hai bên sẽ cùng phối hợp nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các tổ chức kinh tế tập thể, đề xuất, kiến nghị với Đảng, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp tháo gỡ khó khăn của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. 

Khuyến nghị, đề xuất, xây dựng chính sách cần phải hướng mạnh tới việc hỗ trợ các hợp tác xã phát triển quy mô, cả về quy mô dịch vụ, số lượng hợp tác xã, số lượng thành viên tham gia vào hợp tác xã. Đồng thời, cần phải có quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện cho các hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận đất đai, tích tụ đất đai, tiếp cận tín dụng, khoa học công nghệ để tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã và các cơ chế đặc thù hỗ trợ lĩnh vực kinh tế tập thể .
Ba là, tư vấn, hỗ trợ và cung cấp dịch vụ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho việc hình thành và phát triển của tổ hợp tác, hợp tác xã do Hội Nông dân vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập. Cần đa dạng hóa mô hình hợp tác xã nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để ứng dụng khoa học, công nghệ, thực hiện dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất
Hiện nay Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đang có chương trình tư vấn, hỗ trợ về công tác kế toán, sử dụng phần mềm WACA, công tác tài chính cho các hợp tác xã, hỗ trợ các hợp tác xã về thủ tục lập dự án xin chủ trương đầu tư, tư vấn báo cáo thuế điện tử cho các hợp tác xã.  Tới đây, Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam cần phối hợp xây dựng và tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng góp phần giúp cho đội ngũ cán bộ, thành viên trong các hợp tác xã. Mục tiêu là phải cải thiện về công tác tổ chức điều hành tại các hợp tác xã nông nghiệp, từng bước kinh doanh hiệu quả, nâng chất các hợp tác xã yếu kém, trung bình, tăng số lượng hợp tác xã khá, giỏi, với mô hình đa dạng, ngành nghề kinh doanh phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường. 
Bốn là, phối hợp thực hiện hỗ trợ xúc tiến thương mại, triển khai Chương trình 503/CTr-LMHTXVN kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm cho hợp tác xã; tiếp cận nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Trong lĩnh vực nông nghiệp, làm ra sản phẩm nông sản đã khó, nhưng tổ chức phân phối để đảm bảo công bằng và phát triển bền vững còn khó hơn. Hợp tác xã nông nghiệp không nên dừng lại ở mức thuần túy là làm “đại lý cho doanh nghiệp”, mà cần phải được tạo điều kiện để vươn lên làm chủ chuỗi giá trị trên thị trường. Hội Nông dân Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ trong việc giúp các hợp tác xã của nông dân hoạt động ngày càng hiệu quả thông qua các hoạt động cung ứng hàng hóa, dịch vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho xã viên, nông dân.
Năm là, phối hợp hoạt động về phát triển kinh tế tập thể trong quan hệ với các tổ chức trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật. Cần xây dựng, phát hiện mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả từ thực tiễn theo lĩnh vực phụ trách để tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng và tăng cường truyền thông, quảng bá các mô hình có tính mới, hoạt động hiệu quả, có sự lan tỏa rộng…