Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cùng nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn

08:40 29/08/2020 GMT+7

Với sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, người nông dân còn thiếu kiến thức về các sản phẩm và công nghệ trong canh tác và sản xuất nông nghiệp dẫn đến việc sử dụng thiếu trách nhiệm, lạm dụng và sử dụng sai mục đích các sản phẩm bảo vệ thực vật (BVTV). Vì vậy, vai trò đào tạo về sử dụng các sản phẩm BVTV có trách nhiệm cho nông dân cần được phát huy và tăng cường hơn nữa.

Đây là một trong những nội dung trong cuộc trả lời phỏng vấn Tạp chí Nông Nông Mới của Tiến sĩ Tan Siang Hee – Giám đốc Điều hành Hiệp hội các doanh nghiệp Khoa học cây trồng (CropLife) châu Á.

Tiến sĩ Tan Siang Hee – Giám đốc Điều hành Hiệp hội các doanh nghiệp Khoa học cây trồng châu Á.

Hiện nay, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mất an toàn ở Việt Nam vẫn diễn ra nhiều. Theo ông nhận định thì nguyên nhân do đâu?

Tình trạng sử dụng thuốc BVTV thiếu an toàn không chỉ xảy ra tại Việt Nam, mà còn diễn ra ở nhiều quốc gia châu Á khác. Việc lạm dụng các sản phẩm đầu vào cho nông nghiệp như thuốc BVTV và phân bón hóa học, sản phẩm nhập lậu hoặc quản lý nhập khẩu chưa chặt chẽ, sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, thiếu truy xuất nguồn gốc là những yếu tố quan trọng cần được lưu ý để đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất nằm ở việc thay đổi tập quán của phần lớn nông dân canh tác nhỏ. Với sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, người nông dân còn thiếu kiến thức về các sản phẩm và công nghệ trong canh tác và sản xuất nông nghiệp dẫn đến việc sử dụng thiếu trách nhiệm, lạm dụng và sử dụng sai mục đích các sản phẩm BVTV. Vì vậy, vai trò đào tạo về sử dụng các sản phẩm BVTV có trách nhiệm cho nông dân cần được phát huy và tăng cường hơn nữa. Mặc dù hoạt động này đã được nhiều đối tác cùng thực hiện, đặc biệt là các cơ quan chức năng và công ty sản xuất thuốc BVTV, tác động thay đổi hành vi của người dùng vẫn còn hạn chế do không đáp ứng được kỳ vọng của người nông dân về một phương pháp thật sự phù hợp và mang tính thực tế.

Đây cũng là lý do mà chúng tôi thường xuyên tổ chức đào tạo tấp huấn cho nông dân, các cán bộ địa phương, các nhà bán lẻ và những cá nhân có liên quan để đảm bảo tốt hơn việc sử dụng có trách nhiệm này. Từ năm 2005-2016 chúng tôi đã đào tạo tập huấn trực tiếp và gián tiếp cho hơn 15 triệu nam giới và nữ giới chỉ riêng tại khu vực châu Á. Riêng tại Việt Nam, chúng tôi tự hào hợp tác với rất nhiều cơ quan Chính phủ, các Tổ chức nghiên cứu và phát triển và các Học viện trong việc xây dựng và củng cố việc thực hành nông nghiệp cho nông dân, thúc đẩy phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và giúp đảm bảo việc sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE).

Bên cạnh đó, CropLife Việt Nam cũng đang khởi xướng chương trình thí điểm được hỗ trợ bởi một nhóm chuyên gia nghiên cứu hành vi tại khu vực và đối tác trong nước để nghiên cứu, tìm hiểu các động lực có thể giúp thay đổi hành vi sử dụng thuốc BVTV của nông dân theo hướng tốt hơn nhằm đảm bảo cam kết về “thực hành nông nghiệp tốt” (GAP).

Toạ đàm khoa học với chủ đề “Thực trạng – thách thức trong quản lý và sử dụng thuốc trừ cỏ tại Việt Nam” do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tổ chức. Ảnh: croplifevietnam

Thời gian gần đây, trên thế giới nổi lên những vấn đề gây tranh cãi về việc cần phải loại bỏ những hoạt chất độc hại ra khỏi danh mục nguyên liệu và sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Mặc dù thuốc BVTV được xếp vào nhóm gây ra mối nguy (hazard) cho sức khỏe con người, nhưng chúng vẫn cần phải được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Nếu không có thuốc BVTV, 40% sản lượng lúa và ngô thu hoạch trên toàn cầu có thể bị mất hàng năm và tổn thất đối với trái cây và rau quả có thể lên tới 50-90%. Thuốc BVTV hóa học vẫn có thể được nông dân sử dụng hiệu quả nếu dựa trên các đánh giá an toàn của địa phương, chúng được chứng minh là an toàn và không gây ra các rủi ro không thể quản lý được tới sức khỏe con người và môi trường. Vì vậy, cần tiếp tục dựa vào các sản phẩm BVTV an toàn và hiệu quả để sản xuất nhiều lương thực hơn trên diện tích đất ít hơn và nâng cao năng suất trên mỗi hécta.

Theo ông, nông dân canh tác khi sử dụng thuốc bảo vệ cần phải tuân thủ những quy trình, yêu cầu kỹ thuật nào, cần tránh những điều gì, để đảm bảo sản xuất trồng trọt an toàn, đảm bảo an toàn thực phẩm và không gây ô nhiễm môi trường?

Để đảm bảo sản xuất trồng trọt an toàn, đảm bảo an toàn thực phẩm và không gây ô nhiễm môi trường… nông dân canh tác khi sử dụng thuốc BVTV cần tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật và nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV an toàn, trách nhiệm và hiệu quả. Đó là: Tuân thủ quy trình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), Nguyên tắc 4 đúng của Cục BVTV, Bộ NN&PTNT trong sử dụng thuốc BVTV hiệu quả và an toàn. Một là, sử dụng đúng thuốc, đảm bảo dịch hại nào thuốc đấy. Hai là, sử dụng thuốc đúng nồng độ, liều lượng (pha đúng nồng độ, phun đúng liều lượng theo khuyến cáo và chỉ dẫn của nhà sản xuất). Ba là, phun thuốc đúng lúc, đúng thời điểm khi dịch phát sinh gây hại, phun giai đoạn dịch hại mẫn cảm với thuốc; không phun thuốc khi trời gió to; không phun thuốc ngay trước và sau mưa; không phun thuốc khi cây trồng đang nở hoa rộ… và tuân thủ thời gian cách li trước thu hoạch với từng loại thuốc và cây trồng. Bốn là, phun thuốc đúng cách, đó là sử dụng đúng dụng cụ, thiết bị, đầu béc phun, áp suất phun… xử lý thuốc đúng phương pháp theo từng loại thuốc, từng loại đối tượng dịch hại/cây trồng.

CropLife cũng đưa ra 5 Quy tắc vàng về sử dụng an toàn và trách nhiệm thuốc BVTV. Đó là, luôn luôn cẩn thận khi tiếp xúc với thuốc trong suốt quá trình sử dụng (mua bán, vận chuyển, cất giữ, pha phun trước – trong – và sau khi sử dụng). Hai, luôn luôn đọc kỹ và tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất về thông tin sản phẩm, cách sử dụng thuốc và các cảnh báo an toàn khi sử dụng. Ba, sử dụng đồ bảo hộ phù hợp nhằm đảm bảo hạn chế tối đa việc cơ thể tiếp xúc với thuốc khi pha thuốc, phun thuốc… Bốn, bảo quản tốt trang thiết bị, dụng cụ phun/xử lý thuốc nhằm đảm bảo trang thiết bị hoạt động tốt, không bị rò rỉ tắc nghẽn… đảm bảo hiệu quả của thuốc đồng thời hạn chế tai nạn, rủi ro phơi nhiễm, ngộ độc thuốc… Năm, thực hành và đảm bảo vệ sinh sau sử dụng, đó là đảm bảo việc súc rửa chai lọ thuốc khi pha, xử lý thuốc dư thừa đúng cách, thu gom và tiêu hủy bao gói thuốc sau sử dụng theo đúng quy định; thực hành tắm rửa vệ sinh cá nhân sau sử dụng thuốc…

CropLife tiến hành các chương trình đào tạo tới nông dân về sử dụng, bảo quản, vận chuyển và tiêu huỷ bao bì các sản phẩm thuốc BVTV theo đúng hướng dẫn. Ảnh: croplifevietnam

Theo ông, vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật như thế nào đối với việc phải đảm bảo an toàn?

Một phần cam kết của ngành BVTV, các thành viên của CropLife đó là hỗ trợ các hoạt động hướng dẫn, tập huấn người dùng sử dụng thuốc BVTV an toàn, có trách nhiệm đồng thời bảo vệ môi trường và sức khoẻ người tiêu dùng. Các sáng kiến này bao gồm: thực hiện sản xuất bao bì và dán nhãn sản phẩm phù hợp, tiến hành các hoạt động đào tạo cho nông dân về sử dụng có trách nhiệm, thúc đẩy các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và khuyến khích sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE).

Thời gian gần đây, việc ứng dụng những công nghệ mới vào bảo vệ thực vật trên đồng ruộng diễn ra theo hướng nào, thưa ông?

Ngành Nông nghiệp hiện nay không còn xa lạ với cuộc cách mạng số, điều này hứa hẹn cải thiện cuộc sống cho nông dân và giải quyết áp lực về an ninh lương thực đang ngày một căng thẳng, nhất là tại các quốc gia châu Á nơi đang đối mặt với tình trạng dân số già và quá trình đô thị hóa dẫn tới thiếu lực lượng lao động trong các khu vực. Đặc biệt việc ứng dụng thiết bị bay không người lái có thể được sử dụng để định vị – thiết lập và cập nhật hệ thống dữ liệu thực địa; theo dõi và giám sát cây trồng. Trên thiết bị bay, có tích hợp công nghệ các cảm biến hồng ngoại giúp đo được quang hợp và tình trạng sức khỏe cây trồng, áp lực nước, sự thiếu hụt phân bón, hay sâu hại và dịch bệnh, quản lý cây trồng tốt hơn và cải thiện hiệu quả kiểm soát dịch hại. Công nghệ này còn được ứng dụng tại rất nhiều nơi để phun thuốc BVTV, đặc biệt tại các nông trại quy mô nhỏ ở châu Á, giúp nông dân giảm phơi nhiễm với nhiều loại hóa chất, tiết kiệm sức lao động. Nhờ có sóng siêu âm và tia laser, việc định vị GPS, độ cao cây trồng được thực hiện chính xác hơn, từ đó tiết kiệm chi phí đầu vào và đạt hiệu quả cao hơn, đặc biệt với ruộng lúa hoặc hoa màu. Ngoài ra thiết bị này còn được sử dụng để tăng hiệu quả cày xới đất thông qua cảm biến siêu phổ và cảm biến nhiệt giúp nhận biết các dàn thủy lợi đang bị hỏng hoặc hoạt động không hiệu quả. Chúng cũng được ứng dụng trong quản lý chăn nuôi để đánh giá vị trí và tình trạng chăn thả gia súc.

Được biết CropLife và một số doanh nghiệp đa quốc gia đang tham gia và điều phối nhóm hợp tác công – tư về hóa chất, trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác công tư (PPP) do Bộ NN&PTNT tổ chức. Xin ông cho biết về hoạt động đã triển khai, những kết quả đạt được?

CropLife Việt Nam và một số thành viên đang tham gia tích cực vào tổ chức Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam (PSAV). PSAV được thành lập vào năm 2010 và do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đồng chủ trì cùng với khu vực tư nhân. Sự hợp tác này bao gồm hơn 60 đối tác từ các công ty địa phương và toàn cầu, các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức Quốc tế, và chính quyền cấp tỉnh. Chúng tôi tự hào là đồng chủ tịch của nhóm công tác PPP ngành Hóa chất nông nghiệp và hoạt động để hỗ trợ chuyên môn trong việc sử dụng có trách nhiệm các sản phẩm BVTV an toàn và có hiệu quả, phát triển và thực hiện các dự án thúc đẩy nỗ lực Quốc gia, và giúp đảm bảo công nghệ được hoàn thiện trong việc thúc đẩy thực hành tốt nhất đối với nông dân Việt Nam và các bên liên quan khác.

Ngoài việc tham gia vào các dự án hỗ trợ, xây dựng – hoàn thiện các quy định pháp lý cũng như hành lang kỹ thuật cho việc quản lý sử dụng thuốc BVTV một cách khoa học và tiên tiến, trong thời gian qua CropLife Việt Nam đã phối hợp cùng Cục BVTV (Bộ NN&PTNN) đã phát động và triển khai mô hình trình tập huấn hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm tại tỉnh Sơn La từ năm 2017 tới 2020, hướng tới các cây có giá trị xuất khẩu cao. Ngoài mục đích tập huấn và hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc đúng cách, chương trình cũng hướng tới hỗ trợ xây dựng và cấp mã số vùng trồng cho một số cây có giá trị xuất khẩu cao như xoài, nhãn khi hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV với mức dư lượng phù hợp với thị trường xuất khẩu mục tiêu.

Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối họp với Cục BVTV mở rộng triển khai chương trình tập huấn hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm tại một số địa phương khác nhằm tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các cây ăn quả có giá trị cao và tăng quy mô, số lượng nông dân tiếp cận và hưởng lợi từ chương trình. Ngoài ra, năm 2016, CropLife Quốc tế hợp tác với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ và Chính phủ Việt Nam đào tạo nông dân trồng lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án kéo dài 3 năm với mục tiêu cải thiện năng suất và lợi nhuận cho 15.000 gia đình trồng lúa thông qua chương trình IPM và sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm. Ít nhất 300 nhà bán lẻ thuốc BVTV cũng được đào tạo để giúp nông dân nhận dạng chính xác các sản phẩm BVTV và sử dụng một cách có trách nhiệm.

Nông dân Sơn La được hướng dẫn rất kĩ lưỡng cách sử dụng thuốc BVTV trách nhiệm, an toàn và hiệu quả. Ảnh: P.H

Được biết những năm qua, một số doanh nghiệp trong Hiệp hội CropLife đã tham gia Chương trình cùng nông dân bảo vệ môi trường, trong đó có việc thu gom và xử lý rác thải, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Xin ông cho biết kết quả của các hoạt động này?

Chương trình cùng nông dân bảo vệ môi trường được chúng tôi triển khai tại tỉnh Sơn La từ năm 2017 đến nay, trên cơ sở phối hợp với Bộ NN&PTNT và tỉnh Sơn La. Sau 3 năm triển khai, kết quả nổi bật nhất của chương trình là đã giúp nâng cao đáng kể ý thức và thói quen sử dụng thuốc BVTV của người dân theo hướng hiệu quả và bền vững hơn. Đến nay, đã hỗ trợ 256ha vùng sản xuất xoài, nhãn được cấp mã số xuất khẩu. Chúng tôi đã hỗ trợ xây dựng và lắp đặt 120 bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại 8 Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp xuất khẩu: HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, HTX Hương Xoài, HTX Phương Nam, HTX Thanh Sơn (huyện Yên Châu), HTX Ngọc Lan, HTX nông nghiệp sinh thái Nà Sản, HTX Thiên Tân, HTX Tiền Phong (huyện Mai Sơn).

Hiện nay các bể chứa đã được nông dân thu gom vỏ bao gói thuốc BVTV, lượng bao gói thu gom tới năm 2020 đạt 550kg. Đồng thời, lắp đặt các tấm Pano tuyên truyền về hướng dẫn sử dụng thuốc; quy trình thu gom xử lý vỏ bao thuốc; tập huấn cho nông dân và cán bộ địa phương về sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả, có trách nhiệm thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Chương trình cũng hỗ trợ vật tư, vật liệu cho các tổ dịch vụ BVTV, trong đó có 400 hộ nông dân được phát mỗi hộ gia 1 bộ đồ bảo hộ cá nhân phun thuốc BVTV kèm theo sổ tay hướng dẫn quản lý phòng trừ sâu bệnh chính gây hại cây ăn quả (xoài, nhãn/vải) và sổ tay hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV.

Ông có kiến nghị gì đối với Bộ NN&PTNT, các cơ quan chức năng nhà nước liên quan của Việt Nam về các giải pháp quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật?

Trong 3 năm qua, chúng tôi cùng với Cục BVTV, Bộ NN&PTNT đã đồng tổ chức và tài trợ một “Diễn đàn hỗ trợ thương mại” để mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu nông sản Việt Nam. Một chủ đề chung được các nhà xuất khẩu này nêu ra là khía cạnh quan trọng của việc hoạch định chính sách quản lý dựa trên cơ sở khoa học, minh bạch và đáng tin cậy. Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với Bộ NN&PTNT và các bộ ban ngành liên quan để đảm bảo nông dân và các nhà xuất khẩu được định vị tốt nhất để cạnh tranh trên toàn cầu và đáp ứng đầy đủ tiềm năng của họ. Điều đó không chỉ mang lại lợi ích cho nông dân và các nhà xuất khẩu Việt Nam mà còn đồng thời giúp thúc đẩy phát triển nền kinh tế Quốc gia.

Trân trọng cảm ơn ông!

CropLife Việt Nam và một số thành viên đang tham gia tích cực vào tổ chức Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam (PSAV). PSAV được thành lập vào năm 2010 và do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đồng chủ trì cùng với khu vực tư nhân. Sự hợp tác này bao gồm hơn 60 đối tác từ các công ty địa phương và toàn cầu, các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức Quốc tế, và chính quyền cấp tỉnh.

Thuốc BVTV hóa học vẫn có thể được nông dân sử dụng hiệu quả nếu dựa trên các đánh giá an toàn của địa phương, chúng được chứng minh là an toàn và không gây ra các rủi ro không thể quản lý được tới sức khỏe con người và môi trường. Vì vậy, cần tiếp tục dựa vào các sản phẩm BVTV an toàn và hiệu quả để sản xuất nhiều lương thực hơn trên diện tích đất ít hơn và nâng cao năng suất trên mỗi hécta.

Chu Khôi (thực hiện)