Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đắk Lắk: Dồn lực cho phát triển sản xuất

15:06 30/07/2020 GMT+7
Thành tựu nổi bật trong hành trình 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Đắk Lắk là sự “thay da đổi thịt” từ cơ sở hạ tầng nông thôn đến phát triển sản xuất. Những chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất được tỉnh triển khai đã tạo cú hích để

Thành tựu nổi bật trong hành trình 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Đắk Lắk là sự “thay da đổi thịt” từ cơ sở hạ tầng nông thôn đến phát triển sản xuất. Những chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất được tỉnh triển khai đã tạo cú hích để thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn.

Những nông sản đặc trưng của Đắk Lắk được nâng cao giá trị nhờ tham gia Chương trình OCOP. Ảnh: daklak.gov.vn

Người dân chủ động nhập cuộc

Trước khi triển khai xây dựng NTM, hầu hết các xã của tỉnh Đắk Lắk đều ở xuất phát điểm thấp so với mặt bằng chung trong toàn quốc. Năng lực một bộ phận cán bộ còn hạn chế. Toàn tỉnh có 184 xã, phường, thị trấn chỉ có 3 xã đạt từ 10 -12 tiêu chí NTM, 51 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, 81 xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Một trong những “rào cản” lớn là cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh còn thiếu. Hệ thống giao thông, thủy lợi, cơ sở y tế, trường học… chưa đáp ứng nhu được cầu của nhân dân. Sau nhiều nỗ lực, hệ thống cơ sở hạ tầng tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư đồng bộ, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương.

Ông Võ Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Ea Ô (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Ea Ô là địa phương thuộc vùng sâu của tỉnh Đắk Lắk, có những điểm cách trung tâm tỉnh gần 100km, do vậy gặp nhiều khó khăn trong giao thương, phát triển kinh tế. Từ khi triển khai xây dựng NTM, hệ thống chính sách đầu tư từ chương trình đã trở thành “đòn bẩy”giúp địa phương phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, kéo theo các mô hình kinh tế nông nghiệp, dịch vụ, thương mại phát triển, làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt nông thôn xã Ea Ô, đưa Ea Ô từ một xã khó khăn, trở thành xã đạt chuẩn NTM vào năm 2016.

Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã có 43 xã đạt chuẩn NTM (vượt kế hoạch đề ra 3 xã). Tỉnh cũng đề ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ có 61 xã đạt chuẩn NTM. Đáng chú ý là kết cấu hạ tầng nông thôn khang trang, sạch đẹp hơn; đời sống người dân được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.

NTM đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, từ chỗ còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước, đã chuyển sang chủ động, xác định rõ lợi ích và trách nhiệm của mình với cộng đồng. Từ đó xác định được vai trò chủ thể của cộng đồng tự lựa chọn công trình, phần việc thiết thực, phù hợp để xây dựng NTM tại địa phương. Tính từ năm 2011 – 2019, các hộ dân trên địa bàn tỉnh đã hiến hơn 1,1 triệu mét vuông đất; đóng góp 1.667 tỷ đồng; 212.000 ngày công lao động để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu ở nông thôn.

Liên kết phát triển sản xuất

Để phát triển sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, chính sách liên quan đến liên kết sản xuất, góp phần thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Đến nay, có 107/152 xã đạt tiêu chí số 13 (tổ chức sản xuất), tăng 81 xã so với năm 2011.

Một trong những địa phương có những đột phá về phát triển mô hình chuỗi là huyện Krông Pắc. Huyện đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, từ đó hình thành được các mô hình nông nghiệp làm cơ sở để nhân rộng. Ngoài ra, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn huyện cũng đã đầu tư các dây chuyền sản xuất theo hướng hiện đại trên cơ sở một phần vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước như: Dây chuyền chế biến mắc ca tại HTX VietFarm; máy chế biến cà phê ướt; quy trình sản xuất rau và sầu riêng an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; quy trình chưng cất tinh dầu sả…

Đường NTM tại xã Hòa An huyện Krông Păc. Ảnh: Đăng Triều

Nhiều mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, HTX theo chuỗi được hình thành và khẳng định hiệu quả trong thực tiễn. Giá trị sản xuất tăng 1,5 – 2 lần và thu nhập của người sản xuất tăng 30 – 40% so với sản xuất thông thường. Nhờ đó, năm 2019, thu nhập bình quân toàn huyện đạt trên 42 triệu đồng/người, tăng 26 triệu đồng so với trước khi thực hiện xây dựng NTM. Từ năm 2019, huyện đã triển khai thực hiện dự án xây dựng chứng nhận VietGAP và truy xuất nguồn gốc cho 425ha sầu riêng trên địa bàn (tại xã Ea Yông và xã Ea Kênh). Trong những năm tiếp theo, huyện sẽ triển khai xây dựng đề án xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bơ, sầu riêng và một số nông sản chủ lực khác trên địa bàn toàn huyện.

Tại xã Ea Yông, từ cuối năm 2018 đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Một trong những dấu ấn nổi bật là phát triển sản xuất. Đảng bộ, chính quyền xã xác định rõ phát triển sản xuất nông nghiệp là điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề dịch vụ khác và nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước giảm nghèo hiệu quả làm cơ sở vững chắc cho xây dựng NTM.

Từ đó, xã tập trung tăng cường công tác khuyến nông, tổ chức các lớp tập huấn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hỗ trợ nông dân cải tạo vườn tạp, thực hiện mô hình trồng xen cây ăn trái có giá trị trong vườn cà phê già cỗi, đặc biệt là cây sầu riêng Dona. Đến nay, toàn xã có diện tích trồng xen sầu riêng khoảng 900ha, năng suất bình quân đạt từ 18 – 20 tấn quả/ha. Bên cạnh đó, người dân còn trồng xen một số cây ăn trái có giá trị như: Bơ booth, mít… Đây là mô hình trồng xen canh bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đang được người dân áp dụng rộng rãi.

Kinh tế ngày càng phát triển, thu nhập của người dân ngày càng nâng cao. Nếu năm 2011, giá trị sản xuất nông nghiệp của xã đạt 251 tỷ đồng thì đến năm 2018 đã đạt 831 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,85%, thu nhập bình quân đầu người đạt mức 41,8 triệu đồng/năm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.

Lan tỏa chương trình OCOP

Để thúc đẩy sản xuất, tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Sau hơn 1 năm đã tạo sức lan tỏa lớn với sự đồng tình, ủng hộ của các cấp chính quyền, của các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là của người tiêu dùng…

Đến nay, toàn tỉnh đã có 15/15 huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình OCOP và thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm. Có được kết quả trên là nhờ Chương trình được thực hiện theo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”. Có thể nói đây thực sự là một “sân chơi” nhằm khuyến khích phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu trên thị trường.

Theo Sở NN&PTNT Đắk Lắk, trong năm 2020 tỉnh tiếp tục triển khai Chương trình OCOP đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở theo đúng chu trình. Trong đó tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, hỗ trợ các tổ chức kinh tế và người dân tích cực tham gia.

Thành công từ Chương trình OCOP sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác có hiệu quả các lợi thế so sánh của địa phương trong sản xuất hàng hóa. Đây cũng là một trong những giải pháp để Đắk Lắk triển khai chương trình xây dựng NTM hiệu quả và bền vững.

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 15/15 huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình OCOP và thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm. Có được kết quả trên là nhờ Chương trình được thực hiện theo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”.

T.B