Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Dấu ấn nông nghiệp xanh và cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư phát triển

TS. Nguyễn Hoàng Huy(*) - 07:02 03/03/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 28) tại Dubai (UAE), có sự tham gia của 198 bên chính thức, bao gồm 197 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU), đưa ra cam kết giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và tỏ rõ quyết tâm thực hiện.

Dấu ấn và thành công ban đầu
Tại Hội nghị này, Thủ tướng đã nêu ra những nỗ lực, những kết quả đạt được trong hiện thực hóa các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu sau COP26, COP27 của Việt Nam như: Ban hành điều luật, văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ cho ưu tiên đầu tư phát triển, phân bổ nguồn lực, kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển nông nghiệp hữu cơ, giảm phát thải khí các –bon, khí mê tan và ứng phó biến đổi khí hậu. Đồng thời, Việt Nam quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ, thực hiện nhanh hơn các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp, trên 3 lĩnh vực chính: Ngành Lúa gạo, ngành Chăn nuôi và quản lý Đất, sử dụng phân bón để đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. 
Đánh giá cao vai trò nông nghiệp, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ và lực lượng nông dân bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và thực hành sản xuất nông nghiệp xanh, chuyển đổi năng lượng xanh – Trước thềm năm mới 2024, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc “Đối thoại với nông dân” với chủ đề “Nông dân là chủ thể, trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững”. 

Du khách thích thú, háo hức tham quan, trải nghiệm mùa vải chín ở khu Đồng Mẩn (Hải Dương).

Thực tế tại Việt Nam, các chương trình sản xuất tiên tiến đã từng bước được áp dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), là phương pháp canh tác lúa sinh thái, mang lại hiệu quả và năng suất cao, giảm phát thải khí nhà kính dựa trên những tác động kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tiết kiệm nước tưới. Những kỹ thuật tác động bao gồm: Cấy mạ non, cấy một dảnh, cấy thưa, quản lý nước, làm cỏ sục bùn và bón phân hữu cơ. 
Từ những hoạt động thực tiễn ấy, Việt Nam đã truyền được cảm hứng sản xuất xanh tại COP 28 với những hội thảo chuyên đề có tài liệu, hình ảnh bằng chứng, kết quả đo đạc và tính toán phát thải khí nhà kính trên ruộng lúa nước canh tác theo mô hình truyền thống (ĐC). Mô hình “Nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (CSA) tại tỉnh Quảng Nam trong 4 vụ Đông Xuân 2018 và 2019: nông dân tiết kiệm được 20kg urê, cắt giảm được 2 lần tưới ở giai đoạn lúa sau gieo 25 – 40 ngày, năng suất cao hơn ruộng sản xuất đối chứng khoảng 3 – 5 tạ/ha. Đánh giá chung, mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu có tổng lượng phát thải giảm 14,5% - 23,8% so với canh tác truyền thống. Tổng lượng phát thải khí nhà kính ở mô hình canh tác CSA dao động 4954,5 - 5736,9 kg CO2 e/ha/vụ; mô hình canh tác truyền thống từ 5791,5 - 7525,2 kg CO2 e/ha/vụ. Việc áp dụng kĩ thuật tưới khô - ẩm xen kẽ đã làm giảm đáng kể sự phát thải khí mê tan, vốn là nguồn phát thải chính trong canh tác lúa nước. Việc giảm hợp lý lượng giống, phân bón và nước tưới tại mô hình CSA còn giúp tăng năng suất cao hơn 3,2% - 7,5% so với mô hình ĐC. Phát thải tính trên một đơn vị sản phẩm dao động 0,71 - 0,85 kg CO2 e/kg thóc (1). Mô hình CSA sẽ mở ra hướng đi mới trong quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu 1 triệu hecta tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Nuôi cá tầm theo hướng ứng dụng công nghệ cao ở Đam Rông, Lâm Đồng. Ảnh M.Đ

Nhận diện rõ tình trạng khẩn cấp về khí hậu ngày càng trầm trọng, một vòng tròn sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường có vai trò làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, tại COP 26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết: “Ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên và vì sức khỏe con người phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân”. 
Hiện thực cam kết của người đứng đầu Chính phủ - nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam hiện có 57/63 tỉnh, thành phố sản xuất trên 174 ngàn hecta, tăng 47% so với năm 2016 và đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tới 180 thị trường trên thế giới, đạt 335 triệu USD/năm. Số lượng nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hơn 17 ngàn đơn vị, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu (2)…; đặc biệt, đã có hơn 90% các địa phương trên cả nước quan tâm và chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích sản xuất hữu cơ, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng người sản xuất, doanh nghiệp. Số lượng các mô hình sản xuất và liên kết sản xuất, tiêu thụ theo quy trình canh tác hữu cơ tại các địa phương ngày càng nhiều. 
Câu chuyện về nuôi tôm sạch dưới tán rừng ở tỉnh Cà Mau là một điển hình: Với mục tiêu có khoảng 30.000ha lúa - tôm đạt một trong các chứng nhận sạch, sinh thái của các tổ chức uy tín nước ngoài. Thực tế cho thấy, nuôi tôm dưới tán rừng đang là sinh kế chính của đại bộ phận người dân huyện Ngọc Hiển, Năm Căn (tỉnh Cà Mau)… Và bây giờ, họ vẫn đảm bảo diện tích rừng đạt 60%, diện tích nuôi tôm 40% nhưng khác biệt là nhà nông đã thay đổi cơ bản trong suy nghĩ, cách thức thực hiện mô hình nuôi và cố gắng duy trì những tán rừng để bảo vệ lá phổi xanh, tạo giá trị cho cộng đồng. Đặc biệt, khi thực hiện mô hình nuôi tôm sinh thái, người dân còn được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường khoảng 5%. Hiện tại, huyện Ngọc Hiển có khoảng 21.000ha trong tổng số 57.000ha nuôi tôm dưới tán rừng được các tổ chức quốc tế công nhận, chứng nhận sạch, sinh thái. Và có thêm 9.000ha được xem xét công nhận  thành vùng nguyên liệu chất lượng, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu đến những thị trường khó tính nhất trên thế giới.
Cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp xanh
Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đánh dấu lần đầu tiên ngành Nông nghiệp Việt Nam đặt ra kế hoạch cụ thể hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái, minh bạch, có trách nhiệm. Để mục tiêu sớm thành hiện thực, nhất định phải lan tỏa ý thức và hành động trong nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn để Việt Nam trở thành quốc gia uy tín, cung ứng sản phẩm có trách nhiệm với người tiêu dùng, tiến ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.

Mô hình trang trại của gia đình bà Phạm Thị Hảo, thị trấn Tam Hồng (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) nuôi lợn, cá và trồng bưởi theo hữu cơ, tuần hoàn.

Có thể hình dung bức tranh nông nghiệp Việt Nam sẽ hình thành vùng sản xuất các sản phẩm bản địa, đặc trưng, có tiềm năng để xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm để đầu tư sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, nghiên cứu và phát triển sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao có giá trị sinh học đặc thù, đảm bảo tính cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Trong phân kỳ trung và dài hạn đến năm 2030, tầm nhìn 2050 diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2,5 - 3% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp; giá trị sản phẩm trên 1ha đất hữu cơ cao gấp 1,5 - 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ. Phát triển các tổ chức chứng nhận, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy trình kỹ thuật, tăng cường chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm hữu cơ (2)… các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nên chăng nắm lấy cơ hội, đầu tư phát triển chuyên sâu một lĩnh vực hoặc một khâu/ công đoạn trong quá trình “xanh hóa nông nghiệp”:
Một là, đầu tư nghiên cứu chọn tạo, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi: Các chuyên gia cho rằng, hệ thống sản xuất giống ở nước ta tuy nhiều nhưng năng lực còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của sản xuất hàng hóa, hướng xuất khẩu. Các giống cây lương thực chính như lúa đạt hơn 95% giống; ngô hơn 60% giống sản xuất trong nước và chất lượng bảo đảm theo tiêu chuẩn Việt Nam. Chỉ tính riêng giống cây trồng, trung bình mỗi năm Việt Nam phải chi 500 – 700 triệu USD để nhập khẩu; trong đó, 80% giống rau, hoa, quả. Với lợn và gia cầm, mỗi năm phải chi 126 – 130 triệu USD để nhập giống.
Hai là, đầu tư xây dựng nền công nghệ sinh học có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng vào sản xuất. Công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng của quốc gia, đối với sinh trưởng cây trồng, vật nuôi, chủ động ngăn ngừa và phòng chống dịch hại. Đặc biệt là, công nghệ hóa sinh trong sản xuất, chế biến nông sản có giá trị tăng thêm rất cao, có vòng đời sản phẩm dài và thị trường ngày càng mở như: Sản phẩm làm đẹp, sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm chữa trị bệnh. Công nghệ sinh học là trụ cột của nông nghiệp tuần hoàn, trong xử lý chất thải và phụ phẩm nông nghiệp vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa là sinh chất ủ rác hữu cơ thành phân hữu cơ bón cải tạo đất. Do vậy,  doanh nghiệp công nghiệp sinh học cần tăng 50% về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng, thay thế ít nhất 50% sản phẩm công nghệ sinh học nhập khẩu và đóng góp 15 - 25% vào GDP nông nghiệp.
Ba là, đầu tư chế tạo và nâng cao chất lượng các loại máy cơ khí động lực nông nghiệp phục vụ cho CNH- HĐH: Bởi nông dân đang có xu hướng chuyển dịch từ máy có công suất nhỏ (dưới 15 mã lực) sang sử dụng máy có công suất cỡ trung (18-35 mã lực) và cỡ lớn (trên 35 mã lực). Ngoài ra, một số loại máy có nhu cầu mua nhiều như: Máy xới cỏ, máy phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa, chè, cà phê mía… cần 25%; máy thu hoạch cây hàng năm cần trên 50%. Riêng vùng nuôi tôm ĐBSCL, mỗi năm cần khoảng 70.000 máy nổ các loại, có động cơ 6 - 10 mã lực trong khi năng lực sản xuất trong nước chỉ mới đạt khoảng 1/3 nhu cầu. Hiện người dân có xu hướng chuộng mua máy đã qua sử dụng của Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc…(3)
Bốn là, đầu tư nghiên cứu, chế tạo, sản xuất các thiết bị điện tử thông minh thế hệ mới, có tính năng vượt trội về điện toán và số hóa như: Thiết bị cảm biến, đo lường, quan trắc, quan sát, truyền tín hiệu, tự động hóa… phục vụ cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, lũ lụt, sạt lở đất…; cho công nghiệp tưới tiêu nước đối với cây trồng; quản lý, bảo vệ, phòng cháy rừng và phát triển nông nghiệp công nghiệp cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác… đang trong quá trình phát triển nhanh, mạnh và khá năng động đối với kinh tế hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã và khu vực trang trại, gia trại… 
Phát triển nông nghiệp xanh cần nông dân thay đổi, hợp tác xã thay đổi, trong sự thay đổi đó, vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp là đặc biệt quan trọng. Tiên phong đi đầu, truyền cảm hứng và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và lợi ích… phải trở thành “đạo” của doanh nhân… Và, nông nghiệp xanh cần những con người như thế.
(*) Trường Đại học VinGroup

(1) Báo cáo kết quả thực hiện mô hình CSA – 2019, Quảng Nam.
(2) Nguồn: Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ và Tổ chức nông nghiệp hữu cơ thế giới.
 (3) Nguồn: Bộ Công Thương.