Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

ĐBSCL chủ động ứng phó lũ

08:30 29/07/2018 GMT+7

Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) vừa có văn bản gửi Sở NN-PTNT các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL về việc chủ động ứng phó với gia tăng lũ nội đồng do ảnh hưởng của sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào và lũ thượng nguồn sông Mekong đang lên.

Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, tác động của sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian Xe Nam Noy thuộc tỉnh Attapeu (Lào) bị vỡ vào ngày 23-7 vừa qua đến ĐBSCL bắt đầu ghi nhận được tại trạm Tân Châu và Châu Đốc ngày 26-7, với mực nước tăng 2 – 4cm, mức độ tăng lớn nhất 3 – 5cm từ ngày 27-7. Ngày 28-7, mực nước thực đo tại trạm Tân Châu là 2,8m, Châu Đốc là 2,35m.

Đến cuối tháng 7-2018, mực nước tại Tân Châu có thể đạt 3m – 3,10m, tại Châu Đốc đạt 2,45 – 2,55m (đều dưới báo động 1). Hiện tại, mực nước các trạm thuộc khu vực Đồng Tháp Mười có xu thế tăng với cường suất trung bình 3,5cm/ngày và biến đổi theo triều.

Mực nước các trạm thuộc khu vực Tứ giác Long Xuyên có xu thế tăng với cường suất trung bình 4,2cm/ngày và biến đổi theo triều.

Gặt lúa chạy lũ ở ĐBSCL

Để bảo vệ sản xuất nông nghiệp, đề phòng thiệt hại do ngập lũ nội đồng, Tổng cục Thủy lợi đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương khu vực ĐBSCL chủ động triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó với tình trạng ngập lũ, đặc biệt cho các diện tích lúa hè thu ngoài đê bao và đê bao chưa hoàn chỉnh, nhất là ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Long An.

Tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống đê bao, bờ bao; tổ chức gia cố, tôn cao các đoạn đê, bờ bao thấp, yếu, có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở ở các vùng có nguy cơ bị ngập lũ.

Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn do các cơ quan chuyên ngành và thông tin dự báo ngập lũ nội đồng do các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN-PTNT cung cấp để chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó, phù hợp với tình hình của địa phương.

Cùng với đó, các địa phương thuộc khu vực này cần chủ động khai thác thông tin dự báo mực nước lũ nội đồng vùng ĐBSCL do Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cung cấp hàng ngày tại website: www.siwrp.org.vn hoặc gửi yêu cầu cung cấp bản tin dự báo (qua email) về địa chỉ email: [email protected].

Để chủ động ứng phó với tình hình, ông Lê Minh Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú, tỉnh An Giang, cho biết: Ngay từ đầu năm địa phương đã có kế hoạch dự phòng cho trường hợp lũ sớm bất thường và xả lũ ở các đập thủy điện phía thượng nguồn.

Trong điều kiện lũ về sẽ kịp thời thông tin cho người dân nắm về lũ, mưa, bão. Vụ lúa hè thu năm nay, huyện An Phú có 2 vùng sản xuất kiểm soát lũ và 1 vùng đê bao chưa an toàn cần phải bảo vệ trong mùa lũ với diện tích hơn 8.000ha.

Bên cạnh đó, sẽ tăng cường kiểm tra đê bao, cống, các điểm xung yếu, vùng trũng thường xuyên bị ảnh hưởng để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra.

Mùa nước lên ở ĐBSCL

Tại tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm đã có nhiều phương án đối phó với lũ ở thượng nguồn đổ về. Ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, cho biết: Hàng năm để đối phó với lũ, địa phương cũng đã có kế hoạch chủ động rà soát đê bao, gia cố các điểm xung yếu, vận động các chủ đầu tư máy bơm chuẩn bị các trang thiết bị máy bơm sẵn sàng bơm khi có lũ kết hợp với mưa đổ về. Đồng thời bố trí các lực lượng tuần tra, canh gác sẵn sàng khi các sự cố vỡ đập, vỡ cống xảy ra.

Tại huyện biên giới Vĩnh Hưng (tỉnh Long An), do lũ về sớm nên nhiều diện tích lúa tại các xã vùng thấp của huyện như Tuyên Bình Tây, Vĩnh Thuận, Tuyên Bình, Vĩnh Trị… có nguy cơ ngập nếu không kịp thời gia cố, sửa chữa đê bao.

Hiện tại, có những chỗ mực nước bên ngoài đê bao dâng cao ngang ngọn lúa. Để cứu lúa, người dân đang gia cố, đắp đập, đặt máy bơm hút nước. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời vì sau khi bơm một thời gian, nước sẽ dâng như cũ. Vụ hè thu 2018, Vĩnh Hưng gieo sạ khoảng 28.600ha lúa.

Đến thời điểm hiện tại chỉ mới thu hoạch khoảng 1.200ha, số còn lại chủ yếu trong giai đoạn trổ, chín. Để bảo vệ diện tích còn lại, đặc biệt tại những xã vùng trũng, UBND huyện chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp UBND các xã cùng người dân thường xuyên theo dõi, kiểm tra các khu vực có nguy cơ ngập lũ để có biện pháp bảo vệ lúa kịp thời.

Để chủ động ứng phó với lũ ở thượng nguồn đổ về, các tỉnh đầu nguồn ở ĐBSCL đã yêu cầu các địa phương thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, triều cường nhằm kịp thời thông báo cho dân biết để chủ động phòng tránh. Đối với những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng, lên phương án thu hoạch dứt điểm lúa và hoa màu ở vùng trũng và vùng ngoài đê bao.

Theo SGGP