Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Điểm sáng” cho ngành Thủy sản giữa khó khăn bủa vây

Thanh Phong - 10:09 07/05/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ghi nhận mức tăng nhẹ trong quý I/2024, tuy nhiên, ngành này vẫn đứng trước nhiều khó khăn.

Số liệu từ Bộ NN&PTNT cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 2,7 tỷ USD (tăng nhẹ so với mức 2,64 tỷ USD năm 2023). Theo đánh giá từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thời gian qua, nhu cầu của các thị trường trên thế giới hồi phục kéo theo các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng theo.

Tuy nhiên, các chuyên gia của VASEP cũng nhận định, cần có thêm thời gian để có thể đánh giá sự phục hồi của ngành Thủy sản. Tuy nhiên, đây cũng có thể coi là “điểm sáng” trong bối cảnh chi phí trong hoạt động sản xuất cho xuất khẩu thủy sản như nguyên liệu đầu vào, vật tư vật liệu, bao bì đều tăng do ảnh hướng giá dầu và thị trường tài chính.

Chi phí sản xuất tăng cao khiến ngành Thủy sản gặp nhiều khó khăn.

Liên quan đến các thị trường xuất khẩu thủy sản hiện nay, theo giới chuyên môn, hiện châu Âu là thị trường ảnh hưởng nhiều nhất. Cụ thể, trong quý I/2024 tại thị trường này bị ảnh hưởng lớn về các vấn đề tài chính, xung đột địa chính trị nên nhiều doanh nghiệp có tâm lý không muốn xuất khẩu vào EU.

Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc đang tăng. Các số liệu của VASEP cho thấy, hiện nay xuất khẩu vào 3 thị trường quan trọng của thủy sản là Trung Quốc, Mỹ, Nhật tăng ổn định khoảng 16%/mỗi thị trường. Đặc biệt, Trung Quốc đang có nhu cầu lớn về mặt hàng tôm Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào các sản phẩm có hàm lượng chế biến, giá trị gia tăng để cạnh tranh với hàng giá rẻ hơn từ Ecuador.

Trong ngắn hạn, các thị trường đều co lại do người tiêu dùng giảm bớt chi tiêu nhưng thủy sản là hàng thực phẩm thiết yếu nên vẫn còn có cơ hội tăng trưởng. Do vậy, cộng đồng doanh nghiệp thủy sản hy vọng thời gian tới sẽ tiếp tục được hỗ trợ về mặt chính sách.

Thực tế, ở nhiều địa phương, để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, chính quyền địa phương đã thực hiện đồng bộ những giải pháp khác nhau. Đơn cử như ở Cà Mau - địa phương xuất khẩu thủy sản đứng thứ 2 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, theo số liệu từ Sở Công thương tỉnh Cà Mau, xuất khẩu thủy sản của tỉnh này đã tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ với kim ngạch đạt 315,71 triệu USD.

Để có kết quả trên, Sở Công thương tỉnh này đã tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp địa phương; tổ chức các Đoàn doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến xuất khẩu ngoài nước tại các thị trường châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc; tham gia Hội chợ Vietfish tại TP. Hồ Chí Minh… Ngoài ra, Sở còn hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài định kỳ hàng tháng do Bộ Công thương tổ chức để kịp thời cập nhật thông tin, khuyến cáo từ hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.