Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Xuất khẩu rau quả đầu năm 2025 giảm mạnh, mục tiêu 8 tỷ USD khó đạt

Đức Vượng - 07:05 04/02/2025 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Xuất khẩu rau quả trong tháng 1/2025 giảm 11,3% so với tháng trước, nguyên nhân chính là do Trung Quốc tăng cường kiểm định chất lượng sầu riêng, đặc biệt là chất vàng O, dẫn đến ách tắc và giảm giá bán.

Sầu riêng "rớt giá", xuất khẩu lao đao

Số liệu từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho thấy xuất khẩu rau quả tháng 1/2025 ước tính đạt 417 triệu USD, giảm 11,3% so với tháng trước và 5,2% so với cùng kỳ năm 2024. Nguyên nhân chính là do Trung Quốc tăng cường kiểm định chất lượng sầu riêng, đặc biệt là chất vàng O, dẫn đến ách tắc và giảm giá bán. Nhiều doanh nghiệp đã tạm dừng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc trong tháng đầu năm.

Hiện tại, các doanh nghiệp đang hoàn tất thủ tục để tham gia kiểm nghiệm tại 9 trung tâm được Trung Quốc công nhận. Tuy nhiên, số lượng trung tâm này còn hạn chế, cần thúc đẩy thêm để tránh ùn ứ khi vào mùa cao điểm.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã công bố danh sách 9 trung tâm kiểm nghiệm chất vàng O được Việt Nam và Trung Quốc công nhận, đặt tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ, Cà Mau. Đây là cơ sở để sầu riêng Việt Nam tiếp tục thâm nhập thị trường trị giá gần 10 tỷ USD.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết đã tạm dừng bán sầu riêng sang Trung Quốc trong tháng đầu năm.

Với việc các phòng kiểm nghiệm chất vàng O được cấp phép, hoạt động xuất khẩu sẽ được nối lại và giá sầu riêng tăng trở lại trong thời gian tới. Sầu riêng trái vụ của Việt Nam kéo dài đến cuối tháng 3, và từ giữa tháng 4, các tỉnh miền Tây bắt đầu vào mùa thu hoạch chính vụ.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định nếu những rào cản về kiểm định không sớm được tháo gỡ, mục tiêu xuất khẩu 8 tỷ USD năm nay sẽ khó đạt được.

Thực tế cho thấy, không chỉ Trung Quốc, mà nhiều thị trường khác cũng đang nâng cao tiêu chuẩn nhập khẩu. Mỹ đã cấm 7 hoạt chất dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và yêu cầu mã số vùng trồng, mã số đóng gói do Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp. Châu Âu đã tăng tỷ lệ kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật đối với nhiều loại trái cây từ 10% lên 20%.

Các biến động địa chính trị phức tạp, như căng thẳng Nga-Ukraine và xung đột tại Biển Đỏ, đã gia tăng lo ngại về sự gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Kỳ vọng tăng trưởng

Năm 2024 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ của năm 2023, xuất khẩu rau quả đã tăng tốc và đạt được kết quả ấn tượng với 7,2 tỷ đô la Mỹ (tăng khoảng 27,1% so với năm 2023). Đây là năm đầu tiên ngành rau quả vượt qua ngưỡng 7 tỷ đô la Mỹ.

Với nền tảng tăng trưởng của những năm qua, Hiệp hội Rau quả Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu này, ngành rau quả sẽ định hướng theo xu hướng kinh tế xanh, giảm phát thải, nông nghiệp tuần hoàn, sử dụng tài nguyên thiên nhiên tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, ngành sẽ ứng dụng công nghệ cao và thực hiện các quy trình chuẩn trong sản xuất, chế biến để đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ.

Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị tăng cường liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu Việt vững mạnh trên thị trường quốc tế.

Trong năm qua, thị trường xuất khẩu trái cây Việt Nam đã mở rộng và tăng trưởng mạnh nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA quan trọng như CPTPP, RCEPT, EVFTA, UKVFTA, ACFTA...

Ngành rau quả Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 80 quốc gia và khu vực trên toàn cầu. Các thị trường xuất khẩu chính bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hà Lan, Úc...

Theo dự báo của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong những năm tới, thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với các khu vực chính là Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Canada, các nước ASEAN và Liên minh Châu Âu (EU).

Tuy nhiên, ngành rau quả cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, sâu bệnh, lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh thương mại giữa các quốc gia sản xuất và các rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu, đặc biệt là yêu cầu ngày càng khắt khe về kiểm dịch và an toàn thực phẩm, đang gia tăng.

Để đảm bảo sự phát triển bền vững, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến nghị các nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp cần tăng cường liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu Việt vững mạnh trên thị trường quốc tế.

Xuất khẩu rau quả cần bám tín hiệu thị trường
Năm 2022 nhiều thị trường mới cho rau quả đã được chính thức mở ra bằng các văn bản pháp lý giữa Việt Nam và các nước đối tác. Tuy nhiên người sản xuất cũng cần bám sát các tín hiệu của thị trường nhập khẩu để có thể sản xuất hợp lý, mang lại giá trị cao cho nông sản xuất khẩu.