Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Lúa Đông xuân rớt giá, nông dân lo lắng ngày cận Tết

Đức Vượng - 09:20 26/01/2025 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Gần Tết Nguyên đán, niềm vui được mùa của bà con nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bị che phủ bởi nỗi lo giá lúa đông xuân giảm mạnh. Mức giá thấp kỷ lục, giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái khiến người trồng lúa đứng ngồi không yên.

Nông dân lo lắng vì giá lúa giảm sâu

Tại Đồng Tháp, vụ lúa đông xuân 2024-2025 đã xuống giống trên 175.453 ha, đạt 93,8% kế hoạch. Hiện khoảng 5.000 ha lúa đông xuân sớm đã được thu hoạch, tập trung chủ yếu ở huyện Tháp Mười và Cao Lãnh. Tuy nhiên, giá thu mua thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2024. Cụ thể, giá lúa Đài Thơm 8 chỉ còn 7.600 - 7.800 đồng/kg, trong khi lúa IR 50404 dao động từ 6.200 - 6.400 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Hòa, nông dân xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, chia sẻ nỗi buồn khi 1,5 ha lúa OM18 của ông bị ép giá. Đầu vụ, thương lái đến đặt cọc với giá 8.500 đồng/kg, nhưng đến lúc thu hoạch chỉ còn 6.600 đồng/kg. "Cực khổ mấy tháng trời, giờ lúa rớt giá mạnh, coi như mất Tết", ông Hòa ngậm ngùi.

Giá lúa đông xuân giảm mạnh khiến nông dân ĐBSCL đứng ngồi không yên.

Tình trạng này cũng xảy ra tại Long An, nơi nông dân đang bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân. Giá lúa giảm liên tục khiến nhiều hộ rơi vào cảnh bất an, nhất là trong thời điểm cận Tết. Bà Lê Thị Thơm, nông dân tại huyện Đức Hòa, chia sẻ: "Cách đây một tháng, thương lái đến đặt cọc thu mua với giá 11.000 đồng/kg. Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau, họ xin giảm giá cọc còn 9.000 đồng/kg. Đến ngày thu hoạch, họ thậm chí bỏ cọc, khiến tôi buộc phải bán gấp với giá 7.000 đồng/kg. Trừ chi phí, tôi chỉ còn lãi gần 4 triệu đồng/công."

Nhiều hộ nông dân tại các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa và Tân Trụ (Long An) cũng đang lo lắng khi giá lúa tiếp tục giảm. Một số thương lái trên địa bàn huyện Đức Hòa cho biết, từ giữa tháng 12/2024 đến nay, giá lúa lao dốc nên họ buộc phải chấp nhận bỏ cọc, tránh rủi ro thua lỗ.

Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó, giá lúa chưa thể phục hồi

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Đồng Tháp, nguyên nhân chính khiến giá lúa giảm là do Philippines - đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam - đã ngừng mua gạo hơn một tháng nay. Trong khi đó, Ấn Độ đã mở lại hoạt động xuất khẩu gạo, làm tăng nguồn cung trên thị trường quốc tế.

"Sau ngày 15/1, Philippines sẽ công bố quyết định có tiếp tục mua gạo hay không. Nếu có tín hiệu tích cực, giá lúa có thể ổn định trở lại. Tuy nhiên, để bảo vệ lợi ích nông dân, Nhà nước cần xem xét các biện pháp thu mua tạm trữ, tránh để giá tiếp tục lao dốc," đại diện doanh nghiệp này đề xuất.

Hiện tại, giá lúa thơm đang dao động từ 6.400 - 6.500 đồng/kg, vẫn cao hơn so với thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho biết họ vẫn đang gặp khó trong việc ký hợp đồng mới, do nhu cầu nhập khẩu từ các quốc gia lớn vẫn còn dè dặt.

"Giá lúa từ nay đến sau Tết có thể duy trì ở mức 6.500 đồng/kg đối với lúa thơm, khó có thể giảm sâu hơn. Dù vậy, với mức giá này, nông dân vẫn còn lợi nhuận, chưa đến mức thua lỗ," vị này nhận định.

Giá lúa gạo thế giới biến động phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sản lượng, nhu cầu, chính sách xuất nhập khẩu của các nước...

Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP. Cần Thơ), cho biết giá lúa gạo đã giảm mạnh so với hai năm gần đây. Hiện tại, nguồn cung chủ yếu đến từ vụ mùa và lúa Đông xuânsớm, số lượng chưa nhiều, nhưng giá gạo giảm đã kéo theo giá lúa lao dốc.

"Ấn Độ được mùa và mở cửa xuất khẩu. Một số quốc gia khác cũng có sản lượng lớn, trong khi hai khách hàng truyền thống của Việt Nam là Philippines và Indonesia chưa quay lại thị trường. Điều này khiến giá lúa gạo thế giới giảm mạnh, kéo theo giá lúa trong nước đi xuống," ông Bình lý giải.

Theo ông, từ nay đến Tết, giá lúa có thể còn giảm thêm do hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa ký được hợp đồng xuất khẩu mới. Khi không có hợp đồng, doanh nghiệp không thể mạo hiểm mua vào với số lượng lớn, đẩy nông dân vào thế khó.

"Giá lúa gạo lên xuống là điều không thể tránh khỏi, nhưng để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành lúa gạo, cần có chiến lược tạm trữ khi giá giảm mạnh. Tránh để đến khi giá tăng cao, chúng ta lại không còn gạo để bán," ông Bình nhấn mạnh.

Giá lúa giảm mạnh trong giai đoạn sát Tết không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân mà còn đặt ra bài toán về tính bền vững của ngành lúa gạo Việt Nam. Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu còn nhiều biến động, giới chuyên gia khuyến nghị các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, đặc biệt là các biện pháp thu mua tạm trữ để đảm bảo lợi ích cho nông dân.

Thị trường nông sản: Giá gạo giảm mạnh hơn so với giá lúa
Giá lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua tiếp tục có xu hướng giảm nhẹ; gạo 5% tấm của Việt Nam được chào giá ở mức hơn so với tuần trước.