Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đổi mới thể chế kinh tế - xã hội để sản xuất thích ứng, an toàn và hiệu quả

Hoàng Thanh Giang - 07:04 16/11/2021 GMT+7
Ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 khiến dòng chảy di cư từ nông thôn ra thành thị đã đổi chiều tạo ra khó khăn trong lập lại nhịp độ sản xuất trong thời kỳ bình thường mới. Cần làm gì để thể chế giữ vai trò “chủ đạo” trong mối quan hệ với cơ chế, chính sách, cơ chế điều hành và hành vi ứng xử? Với tinh thần đó, bài viết này mong muốn đóng góp một phần về sự cần thiết đổi mới thể chế kinh tế - xã hội trong một hoàn cảnh khó khăn khác thường…
Thu hoạch dưa ở huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương). Ảnh: M.Duy

Những đòi hỏi từ thực tế

Trong báo cáo và thảo luận tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thẳng thắn chỉ ra rằng, khi nhiều nước phát triển trên thế giới bắt đầu quá trình hồi phục kinh tế một cách mạnh mẽ thì Việt Nam lại rơi vào đáy của sự tăng trưởng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra trong quí 3-2021. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,42% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất kể từ khi Việt Nam công bố thống kê này. Tuy nhiên, để thấy được rõ hơn sức tàn phá của đại dịch, chỉ riêng trong quí 3, GDP của Việt Nam ước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực dịch vụ giảm tới 9,28%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%, chỉ có khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là có mức tăng nhẹ 1,04%.

Theo Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm trước, trong tháng 9 số doanh nghiệp thành lập mới giảm 57% về số lượng, giảm 76,5% về số vốn đăng ký và giảm 54,9% về số lao động; tháng 9 giảm 62,2% về số lượng, giảm 69,3% về số vốn đăng ký và giảm 39,9% về số lao động. Đồng thời, số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm dừng hoạt động tiếp tục ở mức cao. 

Còn theo thống kê không chính thức của cơ quan đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, khu vực phía Nam, đã có hàng trăm ngàn doanh nghiệp và hàng triệu lao động phải ngừng hoạt động, tạm nghỉ việc, giãn việc không hưởng lương. Trong tổng số 18 triệu lao động ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam, chỉ có 1/3 số lượng lao động có việc làm đầy đủ. Chi phí sản xuất (từ giá xăng dầu đến các nguyên vật liệu sản xuất cơ bản) neo ở mức cao cộng với việc hàng trăm ngàn lao động đang “tháo chạy” khỏi các trung tâm sản xuất phía Nam tiếp tục báo hiệu triển vọng hồi phục kinh tế khó khăn trong thời gian tới. 

Nhìn chung, sức khỏe của nền kinh tế suy giảm rất nghiêm trọng. Mức tăng trưởng âm 6,17% trong quí 3 có lẽ chưa phản ánh hết được sự đứt gãy sản xuất và lưu thông hàng hóa, sự đình trệ của các hoạt động kinh doanh diễn ra trên quy mô lớn, sự bất ổn trong đời sống của hàng triệu người lao động. Sức chống đỡ của doanh nghiệp và người dân ở các vùng có dịch bùng phát trong thời gian vừa qua đã tiến đến gần điểm tới hạn. Và mặc dù cố gắng tới đâu, các gói hỗ trợ của Chính phủ vẫn là hữu hạn, không đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế. 

Không có cách nào khác là phải để nền kinh tế tự cứu lấy nó bằng cách “mở cửa” trở lại các hoạt động sản xuất và tiêu dùng. Các hoạt động kinh tế cần được “cởi trói”, đổi mới thể chế kinh tế - xã hội cần được thể hiện đồng bộ từ ban hành chính sách, cơ chế đến thực thi hành động để hoạt động bình thường trở lại. Như vậy, một triển vọng hồi phục kinh tế phụ thuộc rất lớn vào chiến lược ứng xử với đại dịch trong thời gian tới. Và trước hết là một hướng dẫn tổng thể, nhất quán giữa các địa phương, giữa các bộ, ngành về việc sản xuất thích ứng an toàn, linh hoạt, và đặc biệt là phải tiết giảm chi phí và khả thi đối với tổ chức kinh tế - xã hội; trong đó có kinh tế nông nghiệp, doanh nghiệp và chủ nông hộ sống bằng nghề nông nghiệp ở nông thôn.

Vừa sản xuất vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả. Ảnh minh họa

Cần những tiếng nói chung

Bên cạnh những quyết định Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” để phục hồi và phát triển đất nước được các đại biểu Quốc hội bàn thảo cho thích ứng hiệu quả với đại dịch, thì các hỗ trợ an sinh xã hội và tài khóa cũng đóng vai trò quan trọng cho sự hồi phục của nền kinh tế. Các gói hỗ trợ cho tới nay là rất hạn hẹp. Trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam có thể tạm thời chấp nhận mức thâm hụt ngân sách cao hơn bình thường nhằm an dân và hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động nối lại hoạt động sản xuất. 

Nếu các rào cản được gỡ bỏ thì tăng trưởng GDP cả năm trong kịch bản lạc quan có thể đạt khoảng 2-2,5%. Còn không, rất có thể tình trạng của quí 3 sẽ lặp lại. Khi đó, Việt Nam không chỉ đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế mà còn là sự khó khăn và tốn kém hơn trong hồi phục sau đại dịch Covid-19. Bởi vậy, nhận thức căn bản và đầy đủ về vai trò của thể chế là rất cần thiết, bởi có nhận biết được những vai trò của thể chế mới thấy hết được ý nghĩa, tầm quan trọng của nó đối với sự phát triển của một quốc gia, của một ngành, của một tổ chức hoặc một lĩnh vực.

Thể chế Nhà nước là toàn bộ các văn bản pháp luật như Hiến pháp, Bộ luật, Luật, văn bản dưới luật… do cơ quan có thẩm quyền ban hành, tạo thành một khuôn khổ pháp luật để bộ máy nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với toàn thể xã hội. Từ những thể chế Nhà nước đó sẽ bắt buộc các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phải sống và làm việc theo pháp luật, nếu làm sai những quy định đó sẽ có những biện pháp nhằm răn đe, cảnh cáo, xử lý để không được tiếp tục vi phạm.

Trong thực tế, khi nhắc đến thể chế Nhà nước mọi người hay nghĩ đến thể chế chính trị. Ở Việt Nam hiện nay, không tồn tại chế độ đa nguyên mà duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Tuy nhiên thể chế chính trị ở nước ta, sự chi phối không hoàn toàn của Đảng mà là sự liên hệ, tương tác chặt chẽ như Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội: Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh. Thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay mang đặc điểm tự do, đảm bảo tính dân chủ và đại đoàn kết dân tộc. 

Một số định hướng lớn bao quát những vấn đề phát triển quan trọng của đất nước trong đó, nội dung cơ bản của xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế - xã hội phát triển đất nước giai đoạn 2021- 2030 là:
 Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững đất nước; hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số.

Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai, phòng chống dịch bệnh; quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, chú trọng bảo vệ môi trường.

Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ XHCN, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng(1).

Nhớ lại những năm đầu của thập niên 1980, nước ta có những quyết sách mỗi huyện là một pháo đài kinh tế, phải phát triển đủ mọi lĩnh vực, từ công nghiệp đến nông nghiệp, từ dịch vụ đến tiểu thủ công nghiệp… Một thể chế như thế đã dẫn tới tình trạng ngăn sông cấm chợ, không cho hàng hóa thông thương, từng làm kiệt quệ sản xuất của cả nước. Cũng một thời, chủ trương ưu tiên phát triển công nghiệp nặng trên cơ sở phát triển công nghiệp nhẹ một cách hợp lý. Đó chính là một nền tảng mang tính thể chế, đã làm cho đất nước lâm vào tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm, thiếu hàng hóa tiêu dùng trầm trọng, nguồn lực tài chính rót vào những dự án không trở  thành động lực phát triển đất nước.

Ngược lại, chủ trương khoán hộ, khoán sản phẩm - “khoán 10” trong nông nghiệp. Kinh tế hộ gia đình được thừa nhận, được giao đất, khoán sản phẩm, tự do bán sản phẩm sau khi đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ với tập thể và nhà nước. Cùng với việc mở cửa đón đầu tư nước ngoài, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân - Chỉ thị 100, Nghị quyết 10 về “Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp” của Đảng thực sự là một cuộc cải cách thể chế có tính đột phá, tạo nền tảng cơ cấu lại nông nghiệp, giải phóng nguồn lực nông thôn, kích hoạt môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, tăng hiệu quả hơn bội lần. Và làm tiền đề cho công cuộc “Đổi mới” đất nước.

Những trải nghiệm cho chúng ta bài học: Không thể cầu toàn, ngồi chờ “thể chế hoàn chỉnh” mới thực hiện mà cần tư duy, hành động kịp thời, hợp với quy luật phát triển. Bởi “đổi mới” là một quá trình hành động tập thể có định hướng, có chương trình, có bổ sung, chọn lọc…đôi khi phải chấp nhận những vấp váp, sai lầm; biết nhận ra, sửa chữa, bổ sung và hoàn thiện những luật lệ, quy tắc buộc chúng phục vụ trở lại cho dân sinh, dân kế và hạnh phúc của nhân dân. 

Đại hội lần thứ XIII của Đảng với mục tiêu hướng tới một quốc gia thịnh vượng, sáng tạo, dân chủ, công bằng. Khát vọng Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Để đạt mục tiêu này, thách thức đặt ra trong các ưu tiên chính sách là nâng tăng trưởng dài hạn một cách bền vững ở mức 6,5 đến 7%/năm, từ nay đến 2030(2).  Nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất lớn, có giá trị gia tăng cao và bền vững dựa trên nền tảng khoa học kỹ thuật - công nghệ tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp là “chủ thể” của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, kinh tế hợp tác (HTX) là nền tảng của kinh tế nông thôn; doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo trong phát triển chuỗi giá trị; gắn nông dân, hợp tác xã với thị trường; xây dựng vùng chuyên canh quy mô lớn, công nghiệp chế biến sâu và dịch vụ logostic đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của thị trường nông sản có chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn về kinh tế - xã hội - môi trường. Do vậy:

Thay đổi cách làm việc của người nông dân với người nông dân, người nông dân với hợp tác xã; hợp tác xã với hợp tác xã thành liên minh HTX, hiệp hội ngành hàng liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị là sự thay đổi bên trong của người nông dân, của nông thôn mới nâng cao, của kinh tế nông nghiệp vận hành theo kinh tế thị trường là cách thức làm ăn mới. “Luật chơi mới” này, có thể gọi chung là “hoàn thiện thể chế” là đột phá chiến lược được xếp trước đột phá “Đào tạo nguồn nhân lực” và “xây dựng kết cấu hạ tầng” đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII quyết nghị. Do vậy, hoàn thiện thể chế nông nghiệp đã trở nên cấp thiết, tạo nền tảng cho nông dân làm giàu, nông nghiệp phát triển, nông thôn mới văn minh. 

(1,2) Văn kiện Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, tập 1,2 - Nhà xb Sự thật, 2021.