Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Du lịch làng nghề - hướng phát triển bền vững

Đào Ngọc Thuỷ - 07:05 02/06/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi,vn) - “Dừa có rất nhiều vùng trồng được, nhưng để làm kẹo dừa có vị ngọt thơm, có độ béo, ngậy thì chỉ có dừa ở Bến Tre mới làm được. Bởi vì Bến Tre được hình thành từ 3 cù lao lớn, lượng phù sa được bồi đắp hàng năm nhiều, chính vì vậy, đã tạo nên điểm khác biệt của kẹo dừa Bến Tre” - đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Tỏ (còn gọi là Hai Tỏ) - người đã có hơn 40 năm làm nghề kẹo dừa ở TP. Bến Tre (tỉnh Bến Tre).
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Đông Á.

 “Nghề kiếm cơm” của cô Hai xứ dừa

Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Tỏ cho biết: Nghề làm kẹo dừa cũng tồn tại hơn trăm năm. Kẹo dừa có nguồn gốc từ huyện Mỏ Cày, người sáng tạo ra kẹo dừa là bà Nguyễn Thị Ngọc (SN 1914) ở thị trấn Mỏ Cày nên người dân ở đây vẫn thường gọi là kẹo Mỏ Cày. Đến năm 1970, bà Nguyễn Thị Vinh (SN 1945) ở thị xã Bến Tre đã đổi mới cách chế biến và lập cơ sở sản xuất kẹo dừa đầu tiên ở thị xã Bến Tre và từ đó có tên kẹo dừa Bến Tre. 

“Năm 1976, lúc đó, vợ chồng tôi có 8 đứa con, vì đông nên phải tìm mọi cách để bươn chải kiếm sống sao cho đủ ăn là tốt lắm rồi. Lúc đó, tôi nghĩ vì đây là xứ dừa, có nghề truyền thống làm kẹo nên tôi quyết định đây là nghề để kiếm cơm nuôi các con. Tuy nhiên, lượng bán hàng ở trong nước cũng không đủ sống nên tôi phải lặn lội tìm kiếm thị trường. Tôi qua Trung Quốc chào hàng vì tôi nghĩ người dân ở đó cũng như mình vậy thôi.” - bà Hai Tỏ chia sẻ.

Cơ sở sản xuất kẹo dừa trước đây làm ngay tại nhà, tạm bợ, phương tiện thô sơ, thủ công. Đến năm 1997, bà thành lập Công ty TNHH Đông Á với thương hiệu kẹo dừa Bến Tre đã góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Khi mới thành lập chỉ có 50 lao động, hiện nay, quy mô Công ty đã lên đến 500-600 người. Công ty cũng đầu tư hệ thống máy móc của châu Âu với dây chuyền sản xuất khép kín, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, nâng cao uy tín của sản phẩm và địa phương.

Theo bà Nguyễn Thị Tỏ, kẹo dừa Bến Tre chỉ với 3 nguyên liệu vô cùng đơn giản là đường, dừa và mạch nha nhưng lại chinh phục được trái tim của nhiều người. Bởi dừa thì rất nhiều vùng trồng được, nhưng dừa ở Bến Tre trồng trên đất có hàm lượng phù sa lớn nên khi làm kẹo có vị ngọt thơm, có độ béo ngậy, đó chính là điểm khác biệt của kẹo dừa Bến Tre. 

Đây cũng chính là điểm quan trọng giúp bà thắng vụ kiện làm giả thương hiệu kẹo dừa ở Trung Quốc. 

“Năm 1998, phát hiện một công ty của Trung Quốc đã từng sang mua hàng cơ sở sản xuất kẹo của tôi đã làm giả thương hiệu kẹo Bến Tre. Tôi đã phải sang Trung Quốc để đòi lại thương hiệu, trải qua gian nan, sóng gió, đi đi lại lại 4-5 lần bằng đường bộ, cuối cùng cũng được công nhận thương hiệu kẹo dừa Bến Tre độc quyền tại Trung Quốc. Đó là bài học quý giá về xây dựng thương hiệu đối với tôi và các con. Hiện nay, các con của bà đều làm chung Công ty, 1 người thì chuyên phát triển thị trường tiêu thụ của kẹo dừa Bến Tre ở trong nước, 7 người còn lại chuyên làm về xuất khẩu”, bà Nguyễn Thị Tỏ kể.

Trước đây, thị trường tiêu thụ còn hạn chế nên muốn bán được nhiều tôi đi khắp nơi chào hàng. Giờ thì khách buôn sang tận nơi đặt hàng, mỗi lần xuất khẩu cũng từ 40-45 tấn. Hiện nay, sản phẩm kẹo dừa  được xuất khẩu đi nhiều nước châu Á như Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan và cả châu Âu. Tuy nhiên, thị trường chính là sang Trung Quốc vì dân đông, họ cũng yêu thích kẹo dừa của mình nên bán rất chạy. “Mình làm xuất khẩu sang Trung Quốc, nhiều người cũng làm theo nhưng cho đến nay chỉ có thương hiệu của mình vẫn đứng vững được tại thị trường này” - bà Hai Tỏ tự hào.

Du khách tham quan và trải nghiệm làm kẹo dừa ở TP. Bến Tre.

Kết hợp phát triển du lịch để gìn giữ giá trị văn hóa

Những năm gần đây, thương hiệu du lịch “Sinh thái sông nước Xứ Dừa” tại Bến Tre được khẳng định và ngày càng thu hút du khách ở trong và ngoài nước như Anh, Pháp, Mỹ... Nhiều du khách thích trải nghiệm, tìm hiểu về quá trình sản xuất kẹo dừa của làng nghề kẹo dừa Bến Tre. Đây là một trong những làng nghề mang đầy tính nhân văn, đậm nét văn hóa xứ dừa và sự mộc mạc, bình dị của người dân. Việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ giúp cải thiện đời sống của bà con nhân dân địa phương, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh mà nhiều giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy.

Hiện nay, tỉnh Bến Tre có hơn 180 cơ sở sản xuất kẹo dừa với sản lượng hàng chục ngàn tấn mỗi năm. Nhiều cơ sở làm kẹo dừa cho phép du khách tự do tham quan và tìm hiểu quy trình làm kẹo như ở huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành hay các cơ sở sản xuất kẹo dừa tại phường 7, thành phố Bến Tre… Khi tham quan ở đây, du khách được trải nghiệm quá trình làm ra những viên kẹo dừa, tận tay thực hiện và sáng tạo ở các khâu như những người nghệ nhân làm kẹo thực thụ, thưởng thức những viên kẹo mềm ngọt, béo ngậy, nóng hổi mới ra lò. 
Ngoài ra, du khách trong và ngoài nước có thể chọn cho mình những chương trình tour du lịch sinh thái tại Xứ Dừa để tham quan vườn dừa, uống nước dừa ngọt mát tại vườn. 

Theo ông Nguyễn Văn Bàn - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để phát triển mô hình du lịch gắn với làng nghề, sản xuất nông nghiệp bền vững, lâu dài, khai thác hết tiềm năng của địa phương, ngày 29/01/2021, Tỉnh ủy Bến Tre ban hành Đề án số 02-ĐA/TU về phát triển du lịch tỉnh đến năm 2030; ngày 01/7/2021, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 3706/KH-UBND về thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố tùy theo chức năng, nhiệm vụ và căn cứ theo tình hình thực tế tại đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện.

Hiện toàn tỉnh có 57 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận; trong đó, có 39 làng nghề nông nghiệp, 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Đây là cơ sở, điểm đến giúp các công ty lữ hành tổ chức các chương trình du lịch cho khách tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất từng loại sản phẩm tại các làng nghề truyền thống như: Làng nghề sản xuất cây giống và hoa kiểng Chợ Lách; làng nghề sản xuất kẹo dừa, các cơ sở chế biến dừa; làng nghề truyền thống bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc; làng nghề đan đát, thắt hoa... 

Bến Tre là tỉnh chiếm 1/4 diện tích dừa của cả nước với khoảng 53.000ha, gần 30 loại dừa khác nhau như: Dừa xiêm xanh, dừa dứa, dừa tam quan, dừa ẻo, dừa dâu, dừa bung… Hàng năm cho sản lượng gần 500 triệu trái, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Vì vậy, Bến Tre cũng có rất nhiều làng nghề liên quan đến sản phẩm dừa như: đan giỏ cọng dừa ở Hưng Phong- Giồng Trôm, nghề sản xuất kẹo dừa, thủ công mỹ nghệ dừa… đây cũng là đặc điểm độc đáo của làng nghề Bến Tre trong vùng Tây Nam Bộ.