Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Các đơn vị, cá nhân ủng hộ gần 170 tỷ đồng hỗ trợ khôi phục sản xuất thủy sản và chăn nuôi

Công Duy - 07:11 22/09/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Cho tới nay, ngành Thủy sản đã nhận được gần 85 tỷ đồng, ngành Chăn nuôi nhận gần 79 tỷ đồng và ngành Thú y nhận được gần 2,4 tỷ đồng từ các cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ, hỗ trợ người dân bằng tiền, thức ăn, con giống, chất xử lý cải tạo môi trường…, nhằm khôi phục, khắc phục hậu quả sau bão số 3 và mưa lũ.

Hai ngành Chăn nuôi và Thủy sản chịu thiệt hại nặng nề nhất sau bão số 3

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, ngày 21/9 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tiếp và trực tuyến “Phối hợp hỗ trợ khôi phục sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sau bão số 3” kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ người dân, cơ sở chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản vùng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Các đại biểu dự hội nghị “Phối hợp hỗ trợ khôi phục sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sau bão số 3” do Bộ NN&PTNT tổ chức tại Hà Nội ngày 21/9.

Chăn nuôi và Thủy sản là hai ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất sau mưa bão số 3. Theo thông tin từ ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), báo cáo sơ bộ của các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An, bão số 3 gây vỡ bờ bao, ngập lụt, thiệt hại khoảng 23.595ha nuôi trồng thủy sản; 4.592 ô lồng, bè bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 3 triệu con gia cầm bị chết cùng nhiều máy móc trang thiết bị hư hỏng do ngập nước... Ước tính tổng thiệt hại cho ngành Chăn nuôi khoảng 1.000 tỷ đồng, giá trị thiệt hại ban đầu ước tính của riêng ngành Thủy sản lên tới 2.500 tỉ đồng.

Khu trang trại rộng 2,6ha với quy mô 7 dãy chuồng của ông Hoàng Ngọc Đoàn ở khu Bãi Già, xã Tàm Xá (huyện Đông Anh) có hàng vạn con gà bị chết do bị lũ lụt, thiệt hại khoảng 14 tỷ đồng. Ảnh: H.H

Tuy nhiên, ông Phạm Kim Đăng cho rằng, thiệt hại của ngành Chăn nuôi thực tế sẽ rất lớn, do các địa phương chưa đánh giá hết được cơ sở vật chất, hạ tầng của các trang trại chăn nuôi bị ảnh hưởng trong đợt mưa lũ vừa qua.

Những địa phương thiệt hại lớn nhất về chăn nuôi, thủy sản là Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái, Hà Nội… Kết quả đi thực tế thống kê thiệt hại của các đoàn công tác của Cục cho thấy, người chăn nuôi mong muốn nhanh chóng nhận được hỗ trợ thiệt hại theo đúng quy định của Nhà nước cũng như sự hỗ trợ về hoá chất tiêu độc khử trùng môi trường, vệ sinh chuồng trại; con giống, thuốc thú y phòng bệnh, vốn…:

“Cục đã và đang phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch về nhu cầu hỗ trợ con giống; hướng dẫn người chăn nuôi lựa chọn con giống để tái đàn; hướng dẫn chính quyền địa phương thống kê đầy đủ về thiệt hại để làm các thủ tục hỗ trợ theo đúng quy định. Đồng thời xây dựng kịch bản về nguồn cung cấp giống, hiện nay có thể khẳng định đảm bảo đầy đủ con giống đáp ứng nhu cầu tái đàn của người dân sau mưa lũ” - ông Phạm Kim Đăng cho biết.

Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, hiện đang rất cần các doanh nghiệp hỗ trợ đảm bảo đủ nguồn giống khôi phục chăn nuôi

Trước thiệt hại quá lớn do mưa bão số 3, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản đề xuất lãnh đạo Bộ NN&PTNT kiến nghị xem xét giãn, hoãn nợ và có những hỗ trợ nhất định cho các hộ, doanh nghiệp, hợp tác xã để sớm phục hồi, khôi phục sản xuất; giải quyết các vấn đề về bảo biểm, tái bảo hiểm để phát triển thủy sản bền vững hơn. Mong muốn các doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật nuôi trồng để phục hồi sản xuất hiệu quả, để nông dân có được nguồn thu sớm, đặc biệt là cuối năm và dịp Tết.

Theo đề xuất của ông Trần Đình Luân, các ngân hàng cần hoãn, giãn nợ vốn vay cho người nuôi trồng thủy, sản sản.

Cũng theo ông Trần Đình Luân, các địa phương đang tính toán nhu cầu con giống thủy sản, thức ăn, chất xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản... để làm cơ sở đề xuất các doanh nghiệp trong ngành cùng đồng hành, hỗ trợ. 

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long bày tỏ, vấn đề đáng lo nhất hiện nay các loại dịch bệnh rất dễ bùng phát, lây lan. Khi trong môi trường và trên đàn vật nuôi đang tồn tại nhiều mầm bệnh. Theo đó, Cục trưởng Cục Thú y đề nghị Bộ NN&PTNT ban hành ngay văn bản chỉ đạo, đề nghị các địa phương triển khai các biện pháp tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường; hỗ trợ người chăn nuôi rà soát, tiêm phòng ngay cho đàn gia súc và gia cầm để không phát sinh dịch bệnh. 

Ông Nguyễn Văn Long cũng đề xuất Bộ NN&PTNT yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất vắc xin, thuốc thú y không tăng giá và có chính sách giảm giá để đồng hành cùng người chăn nuôi vượt qua khó khăn sau bão số 3.

Sự chia sẻ sẽ sớm khôi phục được sản xuất, duy trì được đà tăng trưởng của toàn ngành Nông nghiệp

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cảm ơn và hoan nghênh các doanh nghiệp dự hội nghị, cùng chia sẻ mất mát, thiệt hại của người dân. Khắc phục hậu quả thiên tai và khôi phục sản xuất thủy sản, chăn nuôi, cho đến nay, ngành Thủy sản; Chăn nuôi; Thú y đã nhận được khoảng gần 170 tỷ đồng bao gồm tiền mặt; con giống, thức ăn chăn nuôi; chất xử lý cải tạo môi trường…

Năm nay, toàn ngành Nông nghiệp dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt từ 54-55 tỷ USD, đến hết tháng 8-2024, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thuỷ sản đã đạt hơn 40 tỷ USD, trong đó xuất siêu 11,8 tỷ USD..., nhưng bão số 3 gây thiệt hại vô cùng to lớn

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân tiếp tục ủng hộ và đồng hành cùng ngành Nông nghiệp.

Kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân tiếp tục ủng hộ và đồng hành cùng ngành Nông nghiệp nói chung, lĩnh vực Chăn nuôi và Thủy sản nói riêng, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đây là thời điểm quan trọng để hỗ trợ người dân vùng thiên tai khôi phục sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội và nhu cầu thực phẩm cuối năm.

"Toàn ngành Nông nghiệp cần tập trung nguồn lực để nhanh chóng khôi phục sản xuất. Đối với rau màu và nhóm cây ngắn ngày, thì không đáng lo ngại, bởi chỉ khoảng 20-25 ngày là có thể thu hoạch, song với cây ăn quả, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản phải cần thời gian để khắc phục, bởi có những nơi bị xoá sổ hoàn toàn. Trước mắt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức hội nghị phục hồi trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi biển ở các tỉnh, thành phố gồm Hải Phòng và Quảng Ninh; hội nghị chăn nuôi ở tỉnh Lào Cai", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Những nguồn lực ủng hộ của cộng đồng ngành thủy sản và chăn nuôi sẽ được chuyển đến tận tay những người cần hỗ trợ, đúng người, đúng việc và đảm bảo công khai, minh bạch. Sự chia sẻ của cả hệ thống chính trị, bà con, hợp tác xã, doanh nghiệp sẽ sớm khôi phục được sản xuất, duy trì được đà tăng trưởng trong năm nay và các năm tiếp theo.

“Bộ Nông nghiệp đã ban hành hệ thống về giải pháp và giao cho các đơn vị, tổ chức thực hiện và có văn bản hướng dẫn các địa phương. Về lĩnh vực thủy sản giao cho Cục Thủy sản tổ chức hội nghị về phục hồi nuôi trồng thủy sản, đặc biệt nuôi biển sau cơn bão số 3, đồng thời cũng xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn trên cơ sở rút kinh nghiệm trong ứng phó với bão số 3, nhất là những vật liệu của những lồng bè nuôi trồng, đảm bảo an toàn trước bão, lũ và biến đổi khí hậu. Đối với chăn nuôi tập trung tái đàn, đảm bảo con giống, thức ăn dinh dưỡng, an toàn sinh học. Về thú y phòng bệnh tập trung nhất là dịch bệnh sau mưa lũ”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh .

Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thông tin, thống kê chưa đầy đủ từ 21 tỉnh, thành phố khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ, đến nay, con số thiệt hại về chăn nuôi vẫn chưa dừng lại, do nhiều nơi chưa tiếp cận được để thống kê. Số liệu cập nhật đến ngày 18.9 cho thấy mưa bão số 3 ở các tỉnh phía Bắc đã làm chết 22.808 con gia súc và hơn 3 triệu con gia cầm.

Hội Nông dân Việt Nam phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3
Sáng ngày 11/9, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) đã tổ chức Lễ Phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.