Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Gia nhập chi hội nghề nghiệp “lợi đơn, lợi kép”

16:25 04/04/2020 GMT+7
Được thành lập từ tháng 6.2017, đến nay chi hội nghề nghiệp chăn nuôi xã Phạm Ngũ Lão (Kim Động, Hưng Yên) đã có những thành công khiến nhiều chi hội khác mong muốn nhưng làm chưa được. Từ con số 31 đã tăng lên 40 thành viên, diện tích trang trại tăng từ 55ha

Được thành lập từ tháng 6.2017, đến nay chi hội nghề nghiệp chăn nuôi xã Phạm Ngũ Lão (Kim Động, Hưng Yên) đã có những thành công khiến nhiều chi hội khác mong muốn nhưng làm chưa được. Từ con số 31 đã tăng lên 40 thành viên, diện tích trang trại tăng từ 55ha lên 80ha, số lượng đàn bố mẹ từ 45 nghìn con tăng 180 nghìn con. Tổng lãi của tất cả thành viên trong chi hội đạt trên 100 tỷ đồng/năm.

Từ các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, không đem lại hiệu quả kinh tế cao, đến nay các hộ chăn nuôi ở xã Phạm Ngũ Lão đã có sự liên kết chặt chẽ với nhau, đã chủ động được đầu vào và đầu ra, tạo điều kiện để giúp đỡ và tương trợ cho nhau cùng phát triển. Đó là hiệu quả của việc xây dựng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) phát động.

Ông Ngô Đức Thắng tại trang trại chăn nuôi của gia đình. Ảnh: L.T

Mô hình hoạt động theo chuỗi

Theo ông Ngô Đức Thắng – Chi hội trưởng thì được Hội ND xã khuyến khích thành lập chi hội nghề nghiệp, ông là người chăn nuôi đầu tiên mở màn cho phong trào của xã này. Bản thân ông là người có kinh nghiệm, đã giúp định hướng cho nhiều hộ chăn nuôi nên khi vận động là họ cũng nhất trí tham gia Hội.

Thời gian đầu chi hội hoạt động gặp rất nhiều khó khăn, các thành viên cũng đều là những hộ chăn nuôi lớn, nhưng không có sự liên kết, mạnh ai người nấy làm, không biết dự báo thị trường, không được hỗ trợ, giúp đỡ, không biết điều hành hoạt động của chi hội vì không có kinh nghiệm. Sau khi thành lập, Hội ND các cấp rất quan tâm, giúp định hướng, mở lớp tập huấn, tổ chức đi thăm quan các mô hình, dần dần cũng định hình ra kế hoạch tổ chức, hoạt động của chi hội.

Chi hội còn được sự hỗ trợ tạo điều kiện giúp đỡ của Hội ND các cấp và chính quyền địa phương như về đất đai, cơ chế hoạt động, nguồn vốn… Hội ND các cấp đã mở nhiều lớp tập huấn để các hội viên được tiếp cận với kiến thức khoa học mới áp dụng vào sản xuất chăn nuôi. T.Ư Hội NDVN trực tiếp hỗ trợ 1 tỷ đồng cho 10 thành viên trong chi hội vay vốn để phát triển. Hội ND tỉnh còn liên kết với Ngân hàng NN&PTNT thành lập riêng cho chi hội một tổ vay vốn với lãi suất ưu đãi do ông Thắng làm Tổ trưởng tổ vay vốn. Chính vì vậy, các hội viên dễ dàng trong việc làm các thủ tục vay vốn.

Qua 3 năm hoạt động, hiện chi hội đã thành lập được 3 hợp tác xã (HTX) và có sự phân chia nhiệm vụ rõ ràng: HTX Thủy sản (phụ trách từ con giống cho đến tiêu thụ của tất cả hội viên trong chi hội); HTX sản xuất chăn nuôi, giống gia cầm xã Phạm Ngũ Lão (phụ trách nhập con giống bố mẹ và sản xuất thức ăn cung cấp cho các thành viên); HTX sản xuất, tiêu thụ con giống (do ông Thắng làm giám đốc phụ trách bao tiêu toàn bộ con giống của các thành viên trong chi hội). Việc hoạt động theo chuỗi khép kín và quy trách nhiệm cho từng HTX như vậy để tiện lợi trong việc giao dịch, kiểm soát được tất cả các khâu nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, nâng giá trị sản phẩm.

Vì chi hội chăn nuôi lớn nên việc tuân thủ quy tắc hoạt động là điều rất quan trọng, ví dụ như yêu cầu về quy mô chuồng trại của các hội viên phải làm rất nghiêm túc, đạt vệ sinh, cách chăm sóc cho ăn uống phải sạch, chủ động được nguồn thức ăn, tiêm phòng đầy đủ… nếu không quản lý chặt về các khâu thì ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ khi xảy ra dịch bệnh nhất là dịch bệnh lớn như H5N1, H5N6…

Ông Ngô Đức Thắng cho biết, thường thì định kỳ chi hội 3 tháng/1 lần lại tổ chức sinh hoạt để hội viên chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, nhận định tình hình thị trường, định hướng phát triển hoặc chuyển đổi con vật nuôi cho phù hợp … Chính vì vậy mà các thành viên đều đồng lòng từ việc tăng quy mô sản xuất lớn, cùng nhau góp vốn để chủ động được nguồn thức ăn giá rẻ, chất lượng ổn định. Mạnh dạn đưa con giống mới có chất lượng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn để thay thế các giống vịt cũ. Về đầu ra chi hội đã chủ động mở rộng thị trường, không phụ thuộc vào các thương lái nhỏ ép giá. Ngoài sinh hoạt chi hội, các thành viên trong chi hội thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi.

Đối với các hộ mới tham gia, với trách nhiệm là chi hội trưởng, ông Thắng tích cực hỗ trợ vay vốn, giống, về kỹ thuật chăn nuôi… Chính vì vậy, các thành viên gia nhập chi hội trong 3 năm đều phát triển tốt, có những thành viên nói rằng hơn chục năm làm trang trại bên ngoài mà thu nhập không cao bằng mấy năm vào chi hội.

Khi được hỏi về vấn đề phụ cấp cho chi hội trưởng, ông Thắng cho rằng: “Tùy vào cách thức hoạt động, đặc thù của chi hội để xem xét. Với những chi hội chuyên làm kinh tế, các thành viên đã có nguồn thu nhập tương đối cao thì không quan trọng lắm, còn với các chi hội khác nếu cứ làm mãi mà không có phụ cấp thì họ cũng sẽ nản, ảnh hưởng đến hoạt động của Hội ND”.

Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2019 của các thành viên trong Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi xã Phạm Ngũ Lão . Ảnh: T.L

Sự gắn kết các hộ tạo nên sức mạnh tập thể

Ông Ngô Đức Thắng khẳng định: Từ khi tham gia chi hội, các thành viên làm kinh tế rất tốt, bởi vì có sự gắn kết các hộ với nhau tạo nên sức mạnh tập thể, dựa vào nhau để phát triển. Trước đây cứ 1 vụ làm được thì vụ sau dễ bị mất mùa, từ khi tham gia vào chi hội thì có những định hướng để phát triển, lúc nào cần thì tăng đàn, khi thị trường yếu thì giảm đi. Vì vậy, nhiều địa phương khác các hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng do dịch bệnh, cung vượt quá cầu nhưng riêng chi hội xã Phạm Ngũ Lão không bị cuốn vào cơn lốc dịch bệnh, hoặc cung vượt quá cầu. Đấy là những điều cơ bản để giúp các thành viên, tạo sự liên kết chặt chẽ với nhau, cùng nhau phát triển.

Với quy mô sản xuất của các thành viên trong chi hội đã tạo việc làm ổn định cho trên 100 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Song song với thu nhập chính về chăn nuôi ấp nở con giống, các thành viên chi hội còn có còn các nguồn thu từ chăn nuôi lợn, thủy sản, cây ăn quả các loại tổng lợi nhuận của tất cả các thành viên trong chi hội là trên 70 tỷ đồng/năm.

“Bên cạnh những kết quả đạt được, chi hội còn gặp một số khó khăn như thiếu vốn, còn hạn chế quy mô mở rộng sản xuất. Các thành viên vẫn còn thiếu kiến thức thị trường, nhiều khi chỉ nhận định thị trường theo kiểu “đi mò” nên cũng rất dễ bị động, thua lỗ; Thiếu kinh nghiệm trong sản xuất và chăn nuôi, áp dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi. Công tác thú y vẫn còn hạn chế, nhất là đối với các loại dịch bệnh mới xảy ra” – ông Thắng cho biết thêm.

Chi hội rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ thường xuyên của các cấp chính quyền địa phương cũng như Hội ND các cấp về tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật, thăm quan những mô hình chăn nuôi áp dụng kỹ thuật cao… đặc biệt là cập nhật thị trường không chỉ ở trong nước mà còn cả ở ngoài nước để bà con sẽ chủ động hơn trong việc lựa chọn loại giống, tái đàn ở mức độ nào…

Khi đánh giá về hiệu quả hoạt động của chi hội nghề nghiệp chăn nuôi xã Phạm Ngũ Lão, bà Trần Thị Tuyết Hương, Chủ tịch Hội ND tỉnh Hưng Yên cho rằng: Việc liên kết trên cơ sở tự nguyện với tiêu chí “5 cùng” và “5 tự”, chi hội đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hội viên, ND. Thông qua hoạt động của chi hội đã tập hợp, thu hút hội viên vào tổ chức Hội, góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội ở cơ sở. Hoạt động của chi hội đã hình thành việc liên kết theo chuỗi giá trị. Đồng thời giúp cho mối liên kết 6 nhà hoạt động thực chất và hiệu quả hơn, tạo sự gắn bó giữa hội viên với tổ chức Hội. Nhờ vậy, năm 2018, chi hội chăn nuôi xã Phạm Ngũ Lão được Hội ND tỉnh Hưng Yên tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong Công tác xây dựng Hội và Phong trào nông dân.

“Hội ND xã Phạm Ngũ Lão (huyện Kim Động) được chọn làm điểm về xây dựng chi tổ hội nghề nghiệp, ban đầu công tác tuyên truyền cũng có nhiều khó khăn, vì các hộ hội viên chưa hiểu rõ khi tham gia chi hội nghề nghiệp thì được những lợi ích gì? Phải nhìn thấy kết quả, hiệu quả thì họ mới tin nên cán bộ Hội phải giải thích, phân tích cặn kẽ. Sau một thời gian hoạt động, thấy hội viên trong chi hội làm tốt thì có nhiều hội viên muốn tham gia”.
Chị Nguyễn Thị Tranh – Chủ tịch Hội ND xã Phạm Ngũ Lão.

Lương Thủy