Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Giá nông sản tăng: Nông dân vui, doanh nghiệp lo lắng!

Nguyên Đức - 16:58 09/04/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Diễn biến giá các mặt hàng nông sản chủ lực vùng Tây Nguyên đang tăng nhanh vượt ngưỡng dự tính, đang khiến các doanh nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa lúng túng, lo lắng không có đủ đơn hàng. Tình hình rất cần các cơ quan quản lý và doanh nghiệp sớm cùng ngồi bàn định những kế hoạch ổn định thị trường dài lâu.

Ở báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển năm 2024 (tổ chức đầu tháng 4/2024), đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam đã kiến nghị hai nội dung về chất lượng và tình hình quản lý rau quả; trong đó nhấn mạnh tình trạng “bất tín về hợp tác thương mại” giữa các bên mua bán, ảnh hưởng chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản. Đây là nguyên do tạo ra những bất cập ở thị trường nông sản hiện nay, càng tăng giá mua bán càng xảy ra tiêu cực cung cầu…

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế  phục vụ phát triển năm 2024 được tố chức trực tuyến vào ngày 2-4-2024.

Giá lên, hàng hết…

Đại diện một số đầu mối cung ứng nông sản khu vực Đắk Lắk, Tây Nguyên cho biết, toàn cảnh thị trường nông sản chất lượng vùng cao nguyên bước vào năm sản xuất 2024 với nhiều nỗi lo, hơn là trạng thái vui mừng.

Thông tin từ các bên sản xuất, đặc biệt từ phía người nông dân canh tác, là lạc quan phấn khởi với giá cả tăng. Lần đầu tiên, café vượt giá 100 ngàn đồng/kg. Lần đầu tiên, sản lượng sầu riêng Việt Nam vượt Thái Lan. Lần đầu tiên, một số thị trường “khắt khe” như Hàn quốc nhận đơn hàng chính ngạch nông sản đặc thù Tây Nguyên như cà chua, ớt…

Với xu hướng này, thành quả canh tác của người nông dân sẽ ngày càng thắng lợi, đem lại thu nhập cao cho nhà nông.

Song ở chiều ngược lại, giá thị trường tăng đặt ra một loạt vấn đề quan ngại cho nông sản địa phương. Thực tế giá nông sản tăng có thể thấy trước vì nạn khô hạn ngày càng tăng, sản lượng nông sản nhiều vùng sút giảm; nhưng tốc độ tăng như hiện tại là khó đoán. Nông dân các địa phương đều chưa chuẩn bị tâm lý về vấn đề này, dẫn đến bị động, lúng túng và gây ra nhiều nguy cơ.

Thứ nhất, bởi lâu nay, hiện trạng “được giá mất mùa, được mùa mất giá” diễn ra phổ biến, nhiều nông dân canh tác luôn dè chừng, hễ thấy thị trường được giá lập tức bán ra. Hệ quả, chỉ sau một giai đoạn, tốc độ tăng giá đã làm nông sản lưu trữ hết sạch, khi thị trường thực sự đạt đỉnh sẽ không còn hàng bán ra.

Thứ hai, do canh tác của người nông dân thiếu tính kế hoạch, quen đuổi theo thị trường, nên tính chủ động về đầu tư dài hạn không cao. Nên thị trường biến động lên giá, người nông dân sẽ không kịp cung ứng; đến khi cấy trồng đủ, lại có thể rơi vào thời điểm thấp giá, hậu quả là bị tổn thất nặng nề.

Giá sầu riêng tăng nhanh đang khiến các doanh nghiệp thu mua chế biến lo lắng. Ảnh Đức Sơn

Cần kết nối những đơn hàng

Nghiêm trọng hơn, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, quan hệ hợp tác giữa nông dân và các doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến lâu nay tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tâm lý “ăn xổi” trong hoạt động thị trường khiến không ít nông dân trước mùa vụ sẵn sàng ký bán sản phẩm cho doanh nghiệp, nhưng khi thị trường biến động tăng giá là lập tức “bẻ hợp đồng”, bán tháo ngoài hợp đồng, khiến các doanh nghiệp vỡ đơn hàng, đổ vỡ kế hoạch sản xuất xuất khẩu.

Cho nên trước diễn biến giá thị trường tăng hiện nay, hầu hết doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản đều lo sợ. Thậm chí có đơn vị cầm chắc thua lỗ, nếu tình trạng bẻ hợp đồng từ người sản xuất gia tăng, họ phải mua nông sản bên ngoài bù vào các đơn hàng. Với các doanh nghiệp tiêu dùng trong nước, tình hình càng nan giải, vì giá tăng sẽ làm các khoản chi phí khác tăng theo, giá hàng nội địa không giữ được, rất dễ bị người tiêu dùng phản ứng tiêu cực.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, để thay đổi tình hình, thật sự đã đến lúc, các cơ quan quản lý, chuyên môn, chính quyền các cấp và cộng đồng các doanh nghiệp cần ngồi chung lại, đưa ra những giải pháp, quyết sách tích cực, cải thiện quan hệ hợp tác giữa các bên mua bán trên thị trường, nhất là ý thức hợp tác của người nông dân về tiêu thụ nông sản. Chí ít, theo đề xuất, hoạt động đầu tư, phát triển thị trường nông sản cần lưu ý 4 vấn đề:

Một là, các cơ quan chức năng thuộc các bộ ngành và địa phương cần sớm có những quy định chặt chẽ và nghiêm khắc cải thiện môi trường kinh doanh, đem lại trật tự bình đẳng cho tất cả các chủ thể tham gia vào chuỗi cung ứng rau quả, nông sản xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Trong đó, kỷ luật hợp tác trong cam kết hợp đồng giữa người nông dân và các doanh nghiệp phải được tuân thủ.

Hai là, các cơ quan ngoại giao kinh tế cần có những bộ phận nghiên cứu về thị trường, khách hàng, để hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp định dạng sản phẩm theo hướng giảm dần xuất thô, xuất tươi, chú ý đến chế biến chuyên sâu, nâng cao giá trị hàng hóa và tìm kiếm được những mảng thị phần mới. Hướng dẫn ở các địa phương theo hướng tư vấn này sẽ nhắm đúng được vào các vùng có năng lực chuyên canh, đặt ra những yêu cầu hợp lý về xây dựng mã vùng, mã đóng gói, kích thích được các nhà đầu tư dài hạn, từ đó mới đảm bảo được năng lực sản xuất xuất khẩu nông sản bền vững cho các địa phương.

Ba là, Nhà nước và các địa phương cần có những chính sách hỗ trợ tốt hơn cho ngành chế biến rau quả nông sản; nhất là khâu thu hoạch, bảo quản, đầu tư phát triển năng lực chế biến, qua đó cải thiện năng lực tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Đơn cử đến nay, vùng Tây Nguyên vẫn chưa có được các hệ thống kho lưu giữ nông sản đảm bảo yêu cầu trữ hàng hóa cho xuất khẩu chất lượng cao.

bốn là, các cơ quan Nhà nước và địa phương cần chia sẻ, tạo điều kiện cho các hiệp hội chuyên ngành tham gia sâu hơn vào hoạt động xây dựng và triển khai các chính sách, tham gia kiểm tra, giám sát chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ, qua đó cải thiện dần năng lực cung ứng nông sản trên thị trường.

Nông dân ăn tết lớn nhờ giá nông sản tăng
Càng gần đến Tết Mậu Tuất 2018, không khí đón xuân mới ở các tỉnh ĐBSCL rất nô nức. Các mặt hàng nông sản, nhất là “hàng độc” liên tục hút hàng bởi sức mua năm nay tăng mạnh. Nhiều nông dân trúng giá nông sản, cộng với sự quan tâm chăm lo tết của