Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Giải pháp để HTX tham gia xử lý môi trường làng nghề

17:16 24/05/2020 GMT+7
Theo kết quả phản hồi từ 300 HTX do Viện Phát triển Kinh tế Hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam) điều tra khảo sát năm 2019 tại 10 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng cho thấy các HTX đều mong muốn được hỗ trợ chuyển giao công nghệ xử lý rác thải. Thực trạng

Theo kết quả phản hồi từ 300 HTX do Viện Phát triển Kinh tế Hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam) điều tra khảo sát năm 2019 tại 10 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng cho thấy các HTX đều mong muốn được hỗ trợ chuyển giao công nghệ xử lý rác thải.

Nghề sản xuất mì sợi ở xã Hùng Lô, TP Việt Trì, Phú Thọ. Ảnh T.H

Thực trạng ô nhiễm môi trường làng nghề ở vùng ĐBSH

Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là vùng có nhiều làng nghề nhất cả nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến năm 2016 toàn vùng có 554 số làng nghề hiện có (chiếm 56,6% số làng nghề hiện có cả nước), trong đó có 514 số làng nghề được công nhận; có 427 làng nghề truyền thống. Tổng số xã có làng nghề của vùng là 444 xã; với 1.292 thôn có làng nghề. Toàn vùng có 184.387 số cơ sở sản xuất trong làng nghề, tạo công ăn việc làm cho 449.474 lao động tham gia làm việc thường xuyên trong làng nghề.

Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ở vùng ĐBSH hiện nay đang là thách thức lớn. Hiện nay, hầu hết các làng nghề vẫn chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Với quy mô nhỏ lẻ, lại nằm xen lẫn trong khu dân cư (chung nơi sản xuất và sinh hoạt của hộ gia đình) nên vấn đề quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường từ hoạt động của các làng nghề gặp rất nhiều khó khăn. Theo kết quả tổng điều tra nông lâm thủy sản năm 2016 của Tổng cục Thống kê (GSO, 2016) thì toàn vùng ĐBSH có 38,45% làng nghề có nước thải công nghiệp; tuy nhiên, chỉ có 32,86% làng nghề có khu thu gom xử lý nước thải tập trung trên tổng số làng nghề có nước thải; chỉ có 19,72% làng nghề có nước thải được xử lý tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường trên tổng số làng nghề có nước thải. Như vậy, có thể thấy nhiều làng nghề của vùng ĐBSH hiện chưa được xử lý nước thải công nghiệp. Bên cạnh đó, cả vùng ĐBSH có 235 làng nghề có chất thải rắn công nghiệp, chiếm 42,42% số làng nghề của cả vùng; tuy vậy, cũng chỉ có 25,11% làng nghề có điểm thu gom chất thải rắn công nghiệp. Việc xử lý chất thải rắn của các làng nghề chủ yếu bằng hình thức chuyển trực tiếp đến khu tập kết chất thải sinh hoạt (34,89% làng nghề) và đốt (35,74% làng nghề).

Thực trạng HTX tham gia xử lý môi trường tại các làng nghề vùng ĐBSH

Theo số liệu thống kê của Liên minh HTX Việt Nam tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW về tiếp tục đổi mới và phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp năm 2019, vùng ĐBSH có khoảng 102 HTX môi trường đang làm dịch vụ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn các đô thị và nông thôn, làng nghề, chiếm 20,9% tổng số HTX môi trường của cả nước (nhiều nhất là khu vực Bắc Trung Bộ với hơn 206 HTX, chiếm 42,2% tổng số HTX môi trường cả nước). Các mô hình HTX hoạt động xử lý môi trường tại làng nghề bao gồm: phân loại rác tại nguồn, chế biến rác thải hữu cơ làm phân vi sinh, tái chế rác thải nilông làm hạt nhựa, xử lý nước thải, khí thải, thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, tận dụng chất thải xây dựng sản xuất gạch không nung gắn với bảo vệ môi trường (BVMT), xử lý chất thải hữu cơ nhằm tận thu năng lượng khí sinh học, tái sử dụng chất thải trong sản xuất phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế hộ và BVMT… góp phần giữ gìn môi trường xanh, sạch đẹp, giảm đáng kể ô nhiễm môi trường.

Kết quả khảo sát của Viện Phát triển Kinh tế Hợp tác, thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam năm 2019 cho thấy: 28,98% HTX môi trường vùng ĐBSH tự thực hiện thu gom rác thải, nước thải tại các cơ sở sản xuất nghề của HTX để xử lý, tránh gây ô nhiễm môi trường. Ngoài thu gom rác thải của các cơ sở nghề do HTX thực hiện, còn có 32,35% số HTX thực hiện thu gom rác thải của các tổ chức, cá nhân khác. Có 49,63% lượng chất thải rắn (CTR) được các HTX thu gom và tập kết ở tại bãi rác, 29% lượng CTR được tập kết ở nhiều điểm nhỏ để tiện cho khâu thu gom đi xử lý. Khoảng 6,9% số HTX cho rằng HTX hiện đang tập kết nước thải tại hồ và 8,4% số HTX phải phân loại, thu gom nước thải tại các kênh, ngòi. Đối với rác thải, có 23,36% các HTX hiện nay xử lý CTR bằng cách đốt ngay tại bãi tập kết sau khi thu gom và đắp đống và 20,82% số HTX cho các hộ thành viên trong làng nghề tự xử lý. Có 16,53% số HTX sử dụng chế phẩm sinh học để ủ, xử lý rác thải, đặc biệt là các rác thải hữu cơ đã phân loại; 13,12% số HTX chôn trực tiếp dưới đất và chỉ có 10,5% HTX cho rác thải vào lò đốt. Đối với nước thải, có 14,25% số HTX xử lý nước thải bằng hầm biogas (chủ yếu là các làng nghề chăn nuôi gia súc và các lò mổ).

Nhiều dòng sông ở Nam Định cũng bị ô nhiễm vì nước thải làng nghề. Ảnh Trần Hòa

Các phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải trong các làng nghề hiện nay của các HTX khu vực ĐBSH gồm có xe đẩy tay, xe tải hoặc xe chuyên dụng và một số phương tiện hỗ trợ khác (xe cải tiến, xe kéo (lôi), công nông, …). Tuy nhiên, phần lớn các HTX môi trường hiện nay thực hiện thu gom rác thải bằng các xe đẩy tay bởi sự tiện ích, chi phí mua sắm, vận hành thấp và dễ sử dụng đối với người lao động. Bình quân mỗi HTX sử dụng khoảng 2 – 3 xe đẩy tay để đi thu gom, vận chuyển rác từ các hộ gia đình trong các làng nghề ra điểm tập kết để vận chuyển, mang đi xử lý.

Sự tham gia của các HTX vào công tác xử lý môi trường tại các làng nghề thực sự đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, các HTX thực hiện xử lý môi trường tại các làng nghề hiện gặp khá nhiều khó khăn, vường mắc. Đó là:

Thứ nhất, các HTX thường gặp khó khăn về vốn đầu tư trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ và công nghệ xử lý rác thải, nước thải… so với các công ty môi trường. Do thiếu vốn đầu tư hạ tầng, công nghệ nên việc xử lý rác thải, nước thải của HTX bị hạn chế, tình trạng quá tải, ùn ứ, không kịp xử lý do công suất xử lý không đảm bảo luôn tiếp diễn gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh (bốc mùi hôi thối, nước gỉ ra đồng ruộng ảnh hưởng đến sản xuất, …). Do hạn chế về nguồn vốn, công nghệ và trình độ lao động nên hầu hết việc xử lý môi trường (rác thải, chất thải) của các HTX hiện nay chủ yếu bằng hình thức đốt trực tiếp hoặc chôn lấp là chính. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đất, nước và không khí ở xung quanh khu vực tập kết bãi rác và về lâu dài sẽ không bền vững.

Thứ hai, nhiều lao động làm việc trong HTX hầu hết là lao động lớn tuổi, chưa được đào tạo, tập huấn các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ sức khỏe, thu gom, phân loại và xử lý rác thải, nước thải trong sinh hoạt và trong sản xuất. Thu nhập của lao động HTX tham gia thu gom, xử lý môi trường nhìn chung còn thấp (ở mức 1-2 triệu đồng/tháng) nên hầu hết các lao động tranh thủ thời gian rảnh rỗi để tham gia dịch vụ xử lý môi trường. Rất ít lao động làm dịch vụ môi trường của HTX được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Thứ ba, nhiều HTX gặp khó khăn về nguồn thu phí dịch vụ môi trường do nhiều hộ dân không chịu đóng phí dịch vụ vệ sinh môi trường cho HTX. Bên cạnh đó, ý thức của người dân, của cơ sở sản xuất kinh doanh trong làng nghề về công tác môi trường còn hạn chế, chưa thực hiện việc phân loại rác tại nguồn khiến cho việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải của HTX gặp khó khăn và lãng phí.

Một xưởng sản xuất ở xã Dục Tú xả khói ra môi trường. Ảnh: Lâm Viên

Giải pháp để HTX tham gia xử lý môi trường tại các làng nghề vùng ĐBSH

Theo kết quả phản hồi từ 300 HTX do Viện Phát triển Kinh tế Hợp tác điều tra khảo sát năm 2019 tại 10 tỉnh vùng ĐBSH cho thấy các HTX mong muốn được hỗ trợ chuyển giao công nghệ xử lý rác thải.

Đây là nội dung đang được các HTX đặc biệt quan tâm bởi hiện nay đa số các HTX môi trường của khu vực ĐBSH đều xử lý đơn giản bằng cách đốt hoặc chôn lấp trực tiếp. Điều này gây mất vệ sinh, không hiệu quả và tính bền vững thấp. Có đến 92,17% HTX được khảo sát mong muốn được hỗ trợ đổi mới về công nghệ xử lý rác thải để đáp ứng yêu cầu phát thải ngày càng cao trong các làng nghề và khu dân cư. Phương tiện thu gom cũng là yếu tố được các HTX quan tâm số 2 (88,55% ý kiến) khi các phương tiện thu gom hiện nay của các HTX chủ yếu là xe đẩy tay và cũng cơ bản đã quá hạn sử dụng, cần đầu tư mới và nên đầu tư bằng các xe thu gom rác bằng điện, thân thiện với môi trường và giảm bớt sức lao động cho người thu gom.

Từ những kết quả thực tiễn cho thấy, để phát huy vai trò của HTX trong công tác xử lý môi trường làng nghề cần thực hiện một số giải pháp sau:

Trước hết, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường cho toàn thể cán bộ, lao động và thành viên HTX. Qua đó, đề cao trách nhiệm của thành viên HTX đối với công tác phòng ngừa ô nhiễm môi trường và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, xây dựng HTX thành các tổ chức kinh tế có sự gắn kết hài hòa giữa hiệu quả kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, hỗ trợ các dịch vụ thông tin, tư vấn, hướng dẫn về bảo vệ môi trường trong các mô hình HTX môi trường.

Hai là, tăng cường năng lực quản lý và xử lý môi trường cho các HTX. Đẩy mạnh chuyển giao các giải pháp công nghệ trong xử lý ô nhiễm môi trường nhằm khắc phục suy thoái và sự cố ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, ứng dụng và phát triển công nghệ sạch, sản xuất sạch hơn, thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin cho các mô hình HTX môi trường.

Ba là, hỗ trợ nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất cho các HTX. Tăng cường đầu tư, hỗ trợ về tài chính thông qua nguồn vốn vay ưu đãi để các HTX đổi mới trang thiết bị, máy móc công nghệ ít gây ô nhiễm môi trường phục vụ sản xuất kinh doanh, thay thế công nghệ lạc hậu. Đào tạo, hướng dẫn người lao động, thành viên trong các HTX vận hành thiết bị, máy móc công nghệ hiện đại.
Bốn là, hỗ trợ các HTX tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ công tác quản lý và xử lý môi trường trong các làng nghề. Xây dựng cơ chế kiểm soát và hỗ trợ các HTX xác định các thông số cảnh báo ô nhiễm môi trường liên quan đến các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Mô hình xử lý rác và VSMT của HTX làng nghề mộc La Xuyên, tỉnh Nam Định:
HTX dịch vụ nông nghiệp La Xuyên quản lý toàn diện công tác vệ sinh môi trường và xử lý rác thải. Số lượng nhân viên tham gia thu gom và xử lý: 5 thành viên trong tổ vệ sinh môi trường; mức lương 5 triệu đồng 1 tháng. Nhiệm vụ: thu gom rác thải của làng nghề và rác thải sinh hoạt vận chuyển ra bãi rác, cho vào lò đốt. HTX có 1 lò đốt rác do Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nam Định đầu tư từ năm 2016 với giá thành là 1,3 tỷ đồng với công xuất 350kg/1 giờ (nhưng không đảm bảo tiêu chuẩn so với quy định hiện nay). HTX có bãi rác do xã giao quản lý rộng 5.000m2, hiện tại 4000m2 nhân dân đang trồng hoa màu. Vì vậy, hình thức xử lý chính là đốt rác, nhưng vì rác ướt đốt trong lò không cháy hết; nên các công nhân vệ sinh đốt tràn lan ra cả bên ngoài; nhưng vẫn không hết, rác còn lại đang chất thành đống tại bãi rác của làng nghề… Mức thu phí 8.000đ/1người/tháng. Hàng tháng HTX thu được từ 32 đến 35 triệu đồng phí vệ sinh. HTX trang bị cho 5 người mỗi người 1 xe cải tiến chở rác; gắn sau xe máy để vận chuyển, xe máy vận chuyển do cá nhân tự mua sắm. Khối lượng rác thải 1 ngày của HTX La Xuyên khoảng 5 đến 6 tấn rác/ngày.
Nguồn: Viện Phát triển Kinh tế Hợp tác khảo sát năm 2019

TS. Nguyễn Tiến Định, Ths. Đỗ Quang Việt; TS. Nguyễn Mạnh Cường