Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tình cảm của người dân miền Nam tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

22:30 26/07/2024 GMT+7
Những phút cuối cùng của Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, dòng người vẫn tiếp tục đổ về Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh. Ai cũng mong muốn được cúi mình, nói lời tiễn biệt sau cùng trước anh linh người lãnh đạo đáng kính của đất nước.

Tiếc thương vị lãnh đạo "vì nước quên thân, vì dân phục vụ"

Sáng 26/7, xung quanh khu vực diễn ra Lễ tang đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất khá trật tự, an toàn. Khu vực phía ngoài khuôn viên Hội trường Thống Nhất đã có nhiều đoàn từ các tỉnh, thành đến chờ viếng. Tại khu vực bên trong Hội trường, đông đảo người dân tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành cũng đã đến đăng ký viếng từ sớm.

Chú thích ảnh

Dòng người đang dần tiến vào bên trong Hội trường Thống Nhất.

Nhiều cụ ông, cụ bà, dù tuổi đã cao và là cựu tù chính trị, cựu chiến binh tại Trường Sơn, Phú Quốc, Côn Đảo… nhưng đã đến rất sớm để xếp hàng vào viếng. Nhiều người mắt đỏ hoe.

Chú thích ảnh

Bà Nguyễn Thị Bình, cựu chiến binh Trường Sơn, đến viếng Tổng Bí thư cùng gia đình và đồng đội.

Bà Nguyễn Thị Bình, cựu chiến binh Trường Sơn (sinh năm 1956, ngụ tại Quận 3) đến viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội trường Thống Nhất cùng với 20 đồng đội của mình, không khỏi xúc động khi nói về Tổng Bí thư: “Khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất, tôi cứ khóc mãi vì thương cảm. Bác Tổng Bí thư đã dành cả cuộc đời của mình vì đất nước, vì nhân dân, làm việc không ngơi nghỉ để phục vụ đất nước. Chúng tôi đã trải qua một thời gian khổ ở Trường Sơn và cảm thấy vô cùng kính trọng, khâm phục bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vì trong thời kỳ hiện nay, bác đã lãnh đạo đất nước vượt qua khó khăn, giải quyết nhiều vấn đề tham nhũng để mang lại lợi ích cho nhân dân”.

Chú thích ảnh

Bà Phạm Lê Tâm, sinh năm 1952, thành viên Ban liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh quận Phú Nhuận. 

Cũng trong tâm trạng đầy cảm xúc, bà Phạm Lê Tâm (sinh năm 1952), thành viên Ban liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh quận Phú Nhuận bày tỏ: “Tôi vô cùng đau lòng, xúc động khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời. Tôi cảm thấy đây là nỗi mất mát rất lớn của đất nước và nhân dân. Riêng đối với bản thân tôi, tôi cảm vô cùng thương cảm bác Tổng Bí thư vì tuổi cao nhưng bác vẫn luôn cống hiến hết mình để lo cho dân, cho đất nước. Tôi đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để bày tỏ lòng thương tiếc của mình, tiễn biệt một tấm gương sáng hết lòng vì sự nghiệp của đất nước”.

Chú thích ảnh

Dòng người mặc áo tối màu xếp hàng dài tại vỉa hè đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa trong sáng 26/7.

"Tôi rất ấm lòng khi đến đây và thấy tình cảm của mọi người dành cho người lãnh đạo hết lòng vì nhân dân. Mặc dù ai cũng phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ nhưng không mệt mỏi, họ luôn trong tâm thế mong mỏi thắp nén nhang tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", bà Phạm Lê Tâm chia sẻ thêm. 

Kính trọng tài đức của bác Trọng 

Ôm trên tay khung ảnh có hình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng bài thơ do mình sáng tác, bà Nguyễn Thị Tuyết (66 tuổi, ngụ TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương) cho biết, bà xuất phát từ 3 giờ 30 sáng nay và có mặt tại Hội trường Thống Nhất lúc 5 giờ sáng. “Bài thơ này tôi hoàn thành vào 23 giờ hôm qua để sáng nay kịp mang đến lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tiễn đồng chí lần cuối cùng. Tôi thường xuyên viết văn, thỉnh thoảng còn làm thơ. Tôi làm bài thơ này trong vỏn vẹn 10 phút, không theo luật gì hết, tự do nhưng nó là tất cả cảm xúc thật của tôi”, bà Nguyễn Thị Tuyết rưng rưng nước mắt nói. 

Chú thích ảnh

Bà Nguyễn Thị Tuyết, ngụ ở Bình Dương, ôm trên tay khung ảnh có hình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng bài thơ do mình sáng tác khi đi viếng tại Hội trường Thống Nhất.

“Tôi biết và hiểu rõ về cuộc đời, sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mặc dù ốm, nằm ở bệnh viện nhưng đến hơi thở cuối cùng, đồng chí vẫn làm việc, vẫn nghĩ đến quê hương, đất nước, dân tộc mình. Bằng sự ngưỡng mộ người lãnh đạo có đức, có tài nên tôi làm bài thơ này. Ngoài ra, từ những việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm cho Đảng, cho đất nước và nhân dân, tôi tin không chỉ riêng gia đình tôi mà tất cả mọi người sẽ học tập theo tấm gương của đồng chí để tô điểm, góp phần làm đẹp cho quê hương, đất nước", bà Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ thêm.

Chú thích ảnh

Anh Nguyễn Phú Huỳnh, quê huyện Phú Xuyên, Hà Nội cầm di ảnh Tổng Bí thư đến viếng.

Cũng cầm di ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đến viếng, anh Nguyễn Phú Huỳnh (quê huyện Phú Xuyên, Hà Nội) hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh cho biết: "Tôi đã mang theo bức tranh có hình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do mình tự làm đến viếng lễ tang nhằm thể hiện lòng kính trọng, sự yêu mến đối với là người lãnh đạo đất nước nhưng rất gần gủi với dân, cả đời sống giản dị... Vì mến mộ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi đã làm bức tranh này từ 2 tháng nay. Thế nhưng, đến khi bức tranh hoàn thành thì bác Trọng đã ra đi. Vì vậy, tôi muốn mang theo di ảnh bác đến viếng để thể hiện tấm lòng luôn khắc ghi sự biết ơn, lòng kính trọng của tôi, của nhân dân đối với bác Trọng". 

Chú thích ảnh

Ông Đỗ Quốc Bình, cựu chiến binh Quận 8 gửi xe đạp để chuẩn bị vào viếng. 

Hòa trong dòng người lặng lẽ đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Đỗ Quốc Bình, cựu chiến binh Quận 8 chia sẻ, đây là lần thứ 2 ông đạp xe từ Quận 8 đến Quận 1 chỉ mong được vào viếng Tổng Bí thư. Sáng hôm qua, ông đến nhưng do không mang giấy tờ tùy thân nên không được vào, chiều ông quay lại với hy vọng sẽ được vào viếng.

Nói về tình cảm của mình về Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, ông Đỗ Quốc Bình đầy cảm xúc: "Nghe tin Tổng Bí thư mất, tôi rất buồn. Vì thế, tôi đã không ngại đường xa, tuổi cao, sức yếu đạp xe đến đây chỉ mong được thắp nén nhang bày tỏ tình cảm, sự kính trọng và sự tiếc nuối vô hạn trong Lễ viếng Tổng Bí Thư tại Hội trường Thống Nhất".

Cũng tuổi cao, sức yếu nhưng bà Bùi Thị Nhỡi (91 tuổi, quê Thái Bình, sinh sống tại TP Hồ Chí Minh) vẫn nhờ con cháu dẫn đến viếng. Bà Nhỡi cho biết: "Sau khi nghe tin Tổng Bí thư qua đời, tôi rất buồn và tiếc thương vô hạn. Vì vậy, dù mệt nhưng tôi vẫn muốn đến thắp nén nhang tiễn biệt Tổng Bí thư". 

Chú thích ảnh

Bà Bùi Thị Nhỡi, 91 tuổi, quê Thái Bình cùng con cháu vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

"Cả cuộc đời ông là tấm gương sáng về sự mẫu mực, liêm chính, chí công, vô tư. Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng nhưng ông lại rất bình dị, gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân, được nhân dân kính trọng, tin tưởng, được bạn bè quốc tế trân trọng đánh giá cao. Vì vậy, tôi cùng người thân đến đây để thắp hương cho người lãnh đạo mà tôi và nhân dân yêu quý, kính trọng", bà Bùi Thị Nhỡi chia sẻ.

Biết tin Lễ viễng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ kéo dài đến trưa 26/7 nên từ buổi sáng, bà Nguyễn Thị Quy cùng con gái đã tranh thủ đến Hội trường Thống Nhất để trực tiếp viếng người lãnh đạo của nhân dân. Trước giây phút tiễn biệt, bà Quy nghẹn ngào: “Mong anh linh bác Trọng vãng sanh miền cực lạc, những di sản mà bác để lại cho đời sau, cho đất nước, nhân dân là vô cùng to lớn”.

Sau khi viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bạn trẻ Nguyễn Quỳnh Anh đã xúc động viết vào sổ tang: "Lối sống giản dị, tư tưởng và những bài học để lại của bác vẫn còn mãi. Bố con từng nói, mỗi người đều có thước đo của sự thành công riêng, nhờ bác, con đã tìm ra mục tiêu dẫn tới thành công cho riêng mình. Đó là “thành nhân” trước khi thành công. Làm người trước hết phải là người tử tế".

Vào miền Nam thăm con cháu, ông Trần Minh Phúc, một cựu chiến binh 82 tuổi rất buồn khi nghe tin người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam qua đời. Khoác lên mình bộ quân phục với nhiều huân, huy chương, ông Phúc đến tiễn người đồng chí, nhà lãnh đạo xuất sắc về với “thế giới người hiền”. Từng mấy lần được vinh dự gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Phúc không kìm được những giọt nước mắt: “Cả một đời thanh bạch, liêm khiết, vì dân, vì nước, Tổng Bí thư là một người cộng sản kiên trung chân chính”.

Cùng 11 thành viên của gia đình, ông Lê Khánh Toàn (ngụ quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) kịp đăng ký đúng đợt viếng cuối cùng của Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất. Trước đó, ông và gia đình phải xếp hàng hơn 1 giờ đồng hồ mới đến lượt vào viếng. “Tinh thần làm việc, cống hiến cho đất nước đến những giây phút cuối cuộc đời của Tổng Bí thư là điều mà cả tôi và thế hệ trẻ sau này cần học hỏi ở bác. Chúng tôi luôn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của thế hệ cán bộ kế tục sự nghiệp của Tổng Bí thư”, ông Toàn cho biết.

Suốt hai ngày diễn ra Lễ tang, chị Chu Thúy Hà (ngụ Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) chứng kiến đội ngũ phục vụ Lễ viếng làm việc không kể ngày đêm. Đặc biệt trưa 25/7, dù cơn mưa rào đột ngột ập xuống nhưng đội ngũ phục vụ tang lễ không ai rời vị trí, vẫn đội mưa để hướng dẫn người dân, phục vụ chu đáo, tận tình. “Lễ Quốc tang trang nghiêm nhưng không kém phần chu đáo”, chị Hà nhận xét.

Cùng chung ý kiến, anh Trần Minh Khôi, ngụ Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh cũng ấn tượng với công tác tổ chức Lễ viếng, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Thành phố Hồ Chí Minh: “Lực lượng an ninh hướng dẫn người dân rất nhẹ nhàng, lịch sự và chu đáo. Các lực lượng khác như thanh niên xung phong, đội ngũ tình nguyện, đội ngũ hậu cần… cũng tận tâm, tận lực phục vụ. Ban tổ chức sử dụng các vòng hoa cườm luân phiên để các đoàn viếng gắn bảng tên lúc vào viếng là rất tiết kiệm. Lễ tang của Tổng Bí thư cũng giản dị, tiết kiệm như chính con người của bác. Tôi rất xúc động”.

Đúng 12 giờ 30 phút ngày 26/7, những người dân các tỉnh, thành khu vực phía Nam xếp hàng cuối cùng đã được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Không tham gia Lễ viếng do bận công việc nhưng anh Hà Quốc Nam (ngụ thành phố Thủ Đức) đã kịp đến Hội trường Thống Nhất để dự Lễ truy điệu Tổng Bí thư. Khi nghe Chủ tịch nước Tô Lâm đọc điếu văn tiễn biệt, anh Nam rất xúc động và ngưỡng mộ vô cùng nhân cách, đạo đức, sự cống hiến cho đất nước, nhân dân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Anh bày tỏ: “Lúc cúi đầu mặc niệm bác, trái tim của tôi nhói lên. Xin được tiễn biệt bác - người lãnh đạo của nhân dân!”.

Theo TTXVN/Vietnam+

Hàng nghìn đoàn viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Từ 7h00 - 13h00 hôm nay (26/7), Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được cử hành trọng thể tại Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (TP Hà Nội). Cùng thời gian trên Lễ viếng diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh và tại quê nhà thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.