Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững và ổn định thị trường thực phẩm

15:29 17/07/2020 GMT+7
Việc phát triển chăn nuôi lợn bền vững và ổn định thị trường ngành hàng thực phẩm có ý nghĩa quyết định, chi phối các chỉ số phát triển chăn nuôi và thị trường thực phẩm ở nước ta. Do đó, làm thế nào để hạ nhiệt giá thịt lợn và phát triển chăn nuôi

Việc phát triển chăn nuôi lợn bền vững và ổn định thị trường ngành hàng thực phẩm có ý nghĩa quyết định, chi phối các chỉ số phát triển chăn nuôi và thị trường thực phẩm ở nước ta. Do đó, làm thế nào để hạ nhiệt giá thịt lợn và phát triển chăn nuôi lợn ổn định, bền vững luôn nhận được sự quan tâm của xã hội trong thời gian qua.

Giá thịt lợn tăng cao do thiếu hụt nguồn cung và những bất cập trong kênh phân phối. Ảnh: Tư liệu

Năm 2020, chăn nuôi chiếm khoảng 42% giá trị sản xuất nông nghiệp (năm 2015 đạt 38%), trong đó chăn nuôi lợn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 60% sản lượng sản xuất chăn nuôi.

Tác nhân khiến giá thịt lợn tăng cao

Năm 2019, do ảnh hưởng của Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xảy ra ở 8.537 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy hơn 6 triệu lợn nhiễm bệnh; không có khả năng tái đàn ở những địa phương chưa công bố hết dịch. Tổng đàn lợn ở thời điểm 31/12/2019 ở mức 20,2 triệu con, thiếu hụt 9 triệu con so với thời điểm cao nhất vào năm 2016. Những tháng đầu năm 2020, đàn lợn dần phục hồi nhưng còn ở mức thấp so với thời điểm chưa có dịch, đạt 24,896 triệu con vào tháng 4/2020.

Thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, trung tuần tháng 5/2020, giá lợn hơi tại miền Bắc giao dịch trong khoảng 92.000 – 95.000 đồng/kg, là mức cao nhất từng thấy ở miền Bắc và cả nước. Sang tháng 6/2020 giá lợn hơi ở miền Bắc ổn định ở mức cao, bình quân trong 4 tuần liên tiếp 92,500 đồng/kg. Một số loại thịt lợn bán tại chợ dân sinh Hà Nội ở thời điểm tháng 5-6/2020 giá trên 220.000 đồng/kg, cao hiếm thấy ở nước ta, tác động mạnh đến mức sống người dân và chỉ số giá tiêu dùng.

Mặc dù Chính phủ, bộ, ngành đã có nhiều giải pháp quyết liệt nhằm hạ giá thịt hơi xuống 70.000 đồng/kg, nhưng đến cuối tháng 6/2020, giá thịt lợn hơi trên thị trường cả nước vẫn “neo” ở mức 88-90 nghìn đồng/kg. Giá lợn thịt còn ở mức cao do các tác nhân sau:

Thứ nhất, nguồn cung trong nước đã và còn mất cân đối với nhu cầu:

Giá thịt lợn sẽ giảm, trở về mức cân bằng khi nguồn cung thỏa mãn về lượng theo nhu cầu của thị trường và thị hiếu người tiêu dùng trong từng thời điểm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nhu cầu lợn thịt xuất chuồng trung bình mỗi quý năm 2018, thời điểm trước khi nước ta có bệnh DTLCP khoảng 920 nghìn tấn, nhưng sản lượng thịt xuất chuồng quý I/2020 đạt hơn 811 nghìn tấn, còn thiếu hụt khoảng 100 nghìn tấn/quý.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hết tháng 4/2020, tổng đàn lợn cả nước đạt gần 24,89 triệu con, tương đương 80,3% so với tổng đàn trước khi có bệnh DTLCP, tăng trưởng bình quân 5,78%/tháng.
Để kéo giá lợn thịt bình quân xuống 70.000 đồng/kg lợn hơi trên địa bàn cả nước rất khó khăn vì 15 doanh nghiệp lớn và các điểm vệ tinh chỉ chiếm khoảng 35% đàn lợn thương phẩm còn 65% thị phần do các doanh nghiệp nhỏ, trang trại, hộ nông dân nắm giữ, nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu chỉ đạo đồng bộ xuống giá.

Thứ hai, giá thịt lợn tăng cao còn do nhiều khâu trung gian trong lưu thông:

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, từ khi lợn hơi được xuất chuồng, đến khi sản phẩm thịt đến tay người tiêu dùng phải qua 2-5 khâu trung gian như thương lái thu gom lợn hơi, trung gian giết mổ, thương lái bán buôn, thương lái bán lẻ, chi phí nhiều khâu trước khi đến chợ dân sinh… làm giá thành đội lên trên đơn vị thịt lợn tăng khoảng 43% khi đến tay người tiêu dùng.

Thứ ba, thịt lợn nhập khẩu chưa thay thế lượng thịt lợn tươi sống trong nước bị thiếu hụt:

Mặc dù được tăng cường nhập khẩu thịt đông lạnh từ các nước và lợn sống từ Thái Lan trong thời gian qua, nhưng lượng thịt thực nhập vẫn chưa thể hỗ trợ, bù đắp sự thiếu hụt do sản xuất trong nước còn thiếu. Thói quen người tiêu dùng trong nước sử dụng thịt tươi, thịt đông lạnh luôn cần được bảo quản lạnh, nên thịt nhập khẩu khó tiếp cận thị trường dân sinh.

Thứ tư, chi phí đầu vào chăn nuôi còn cao góp phần đẩy giá thịt lợn lên cao:

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng cao làm giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp tăng, thức ăn hỗn hợp ở nước ta cao hơn một số nước trong khu vực có lúc trên 10%. Chi phí phòng, chống dịch bệnh cũng tăng cao do vào thời điểm này phải áp dụng chặt chẽ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học,…đẩy giá thịt lợn tăng cao hơn.

Thứ năm, sản phẩm thịt và giống lợn còn cao và gặp các nguy cơ thẩm lậu qua biên giới; các công cụ điều tiết thị trường còn thiếu:

Giá thịt lợn của một số nước trong khu vực tăng quá cao, nên nguy cơ thẩm lậu lợn thịt, lợn giống từ thị trường trong nước ra nước ngoài rất lớn. Một số mặt hàng thịt chưa được đưa vào danh mục hàng thiết yếu, nhà nước cần quản lý, bình ổn giá; các công cụ điều tiết thị trường của nhà nước thời gian qua hiệu quả thấp; chưa đưa mặt hàng thịt lợn vào dự trữ; tổ chức chuỗi cung ứng còn nhiều khâu trung gian.

Những nhân tố kìm hãm nguồn cung lợn thịt

Thứ nhất, nguồn cung giống khan hiếm: Năm 2018, tổng đàn lợn nái cả nước ở mức 4 triệu con. Năm 2019, do DTLCP đàn nái giảm còn trên 2,72 triệu con. Đến hết tháng 4/2020, tổng đàn nái của cả nước gần 2,86 triệu con, tăng gần 5% so với 31/12/2019, nhưng số lợn nái còn khoảng cánh khá xa so với năm 2018. Do nhu cầu phục hồi đàn, lợn giống lại khan hiếm, giá lợn giống ở mức 2,5 đến hơn 3 triệu đồng/con. Theo số liệu cân đối của Bộ NN&PTNT, đàn lợn cả nước đạt ngưỡng 29,139 triệu con khi tổng đàn lợn nái đạt ngưỡng 3,011 triệu con vào quý 4/2020.


Thứ hai, vi rút bệnh DTLCP còn rất nguy hiểm, là nguyên nhân chính làm giảm nguồn cung và uy hiếp đàn lợn chăn nuôi theo phương thức nhỏ lẻ ở nước ta trong những tháng qua và thời gian tới: Vi rút Bệnh DTLCP có sức đề kháng cao, đường lây truyền phức tạp, được biết đến lần đầu tiên trên thế giới cho đến nay đã hơn 100 năm, nhưng chưa có vắc xin phòng bệnh thương phẩm. Năm 2019, DTLCP hoành hành ở nước ta khiến gần 6 triệu con lợn bị tiêu hủy. Trong 5 tháng đầu năm 2020, DTLCP tiếp tục bùng phát tại 47 xã, dịch chưa được khống chế hoàn toàn.

Thứ ba, người chăn nuôi, địa phương còn tâm lý e ngại dịch bệnh tái phát, thiếu nguồn lực trong tái đàn là những trở ngại khó vượt qua trong giai đoạn trước mắt: Một số địa phương chậm thông báo hết dịch; chưa thực sự quyết tâm trong chỉ đạo, hướng dẫn tái đàn, tăng đàn vì e ngại tái phát dịch sẽ phát sinh hệ lụy cho địa phương. Có nơi chậm thanh toán tiền hỗ trợ thiệt hại do DTLCP cho người chăn nuôi; người chăn nuôi còn gặp khó khăn khi tiếp cận chính sách về tín dụng, lãi suất ưu đãi để tái đàn, tăng đàn. Các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai về chăn nuôi, về an sinh xã hội (bảo hiểm y tế, phòng chống rủi ro thiên tai, …) chưa bao quát được các mặt đời sống, sản xuất của nông dân.

Thứ tư, năng lực hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về dịch bệnh có phần giảm sút: Theo Bộ NN&PTNT, mặc dù có chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về cùng cố hệ thống thú y đáp ứng công tác bảo vệ đàn vật nuôi và đảm bảo ATTP, nhưng đến tháng 4/2020 đã có 4 tỉnh đã sáp nhập Chi cục Thú y với các ngành khác, còn lại 59 tỉnh có tổ chức Chi cục Thú y/Chi cục Chăn nuôi và Thú y; 32/63 tỉnh, thành phố đã sáp nhập Trạm Thú y (trực thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y) với các ngành khác và chuyển thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện quản lý; 23 tỉnh hiện nay không có nhân viên thú y xã. Trong khi đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam theo quy mô nhỏ lẻ, trong dân vẫn còn phổ biến, do vậy việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an tòan sinh học và kiểm soát dịch bệnh sẽ rất khó khăn khi bộ máy quản lý dịch bệnh đàn vật nuôi ngày càng suy giảm cả nhân lực và thế lực.

Thứ năm, động lực của các chủ hộ, trang trại, HTX chăn nuôi sau dịch bị tổn thất, khó phục hồi do: Đã cạn kiệt vốn để đầu tư chăn nuôi: 70-80% các trang trại/HTX hiện thiếu vốn trầm trọng để mua thức ăn, con giống trong khi nợ tín dụng chưa trả được nên không vay mới được ở các ngân hàng;
Thiếu vật tư, điều kiện trang bị đầu vào: giống khan hiếm, giá quá cao không thể tái đàn; nhiều trang trại không thể áp dụng công nghệ cao và các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi nên rủi ro cao;

Tâm lý dịch bệnh uy hiếp chủ thể chăn nuôi: thực tiễn diễn biến dịch còn phức tạp; hiện có đến 41,9% số trang trại còn các khu dân cư, điều kiện cách ly phòng bệnh rất khó khăn.

Đề xuất giải pháp trung và dài hạn

Giá thịt lợn có thể vẫn còn tiếp tục giữ ở mức cao trong ngắn hạn, hoặc duy trì ở mức cao trong nhiều tháng tới cho đến hết năm 2020 vì những tác nhân gây tăng giá khó được giải quyết trong thời gian ngắn. Để phục hồi nguồn cung thịt lợn và ổn định thị trường cần thực hiện giải pháp sau:
Giải pháp trước mắt và trung hạn: Thống nhất về nhận thức, đồng bộ trong chỉ đạo và thực hiện tháo gỡ vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi để phục hồi nguồn cung và ổn định thị trường, giá cả:

Kiện toàn, tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý nông nghiệp, thú y, chăn nuôi, chất lượng, ATTP các cấp; ban hành “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP giai đoạn 2020 – 2025”; chỉ đạo nghiên cứu vắc xin DTLCP; nghiên cứu, sản xuất các loại vắc xin, thuốc thú y phòng trị dịch, bệnh khác trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản phù hợp điều kiện Việt Nam;

Sắp xếp lại hệ thống cung ứng mặt hàng thịt, giảm trung gian, chi phí gián tiếp, tăng lợi ích người chăn nuôi; chống buôn bán lậu sản phẩm chăn nuôi và giống, bảo vệ thị trường không bị tác động từ bên ngoài; ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn trong gian đoạn trước mắt; doanh nhiệp nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị phát triển chăn nuôi; điều hành không để nguồn cung vật tư, nguyên liệu chăn nuôi, mặt hàng thịt bị gián đoạn;

Tổ chức chăn nuôi, tái đàn, tăng đàn lợn đáp ứng nguồn cung theo nguyên tắc an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Thực thiện các gói hỗ trợ nâng cao năng lực chủ thể chăn nuôi nông hộ, trang trại và hợp tác xã:
Ban hành chính sách đặc thù khắc phục bệnh DTLCP và khắc phục khủng hoảng giá thịt lợn; hỗ trợ lãi suất tín dụng cho các đối tượng: Chăn nuôi hộ, trang trại, hợp tác xã bị DTLCP vay để mua giống, phát triển hạ tầng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn, doanh nghiệp logistics, chế biến nông sản vay vốn kinh doanh với lãi suất ưu đãi.

Rà soát, tạo điều kiện thuận lợi, mặt bằng đất đai để người chăn nuôi, doanh nghiệp tái đàn theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Chi trả kinh phí cho các hộ, cơ sở bị thiệt hại do DTLCP để có nguồn lực tái đàn, tăng đàn lợn.

Coi trọng việc củng cố và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, an toàn sinh học ở đàn vật nuôi:

Tăng cường kinh phí Trung ương và địa phương dành cho phòng chống dịch bệnh, đặc biệt đối với DTLCP.

Tổng kết thực tiễn, đúc rút và phổ biến bài học kinh nghiệm, cánh làm hay của một số địa phương đã thực hiện trong thực tiễn.

Cần đẩy mạnh chính sách hỗ trợ khuyến khích chăn nuôi lợn an toàn sinh học để đảm bảo phát triển bền vững. Ảnh: Tư liệu

Giải pháp dài hạn

Đột phá mới về chính sách, tạo cuộc cách mạng trong phát triển chăn nuôi bền vững và trở thành ngành kinh tế chủ lực:

Ban hành chính sách quốc gia về phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, bền vững trong bối cảnh mới ở Việt Nam. Với trọng tâm, phát triển chăn nuôi trở thành ngành kinh tế chủ lực; gắn với quy hoạch sử dụng nguồn nguyên liệu trồng trọt, thủy sản đa dạng trong nước, với công nghiệp chế biến và thị trường, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 vào sản xuất, quản lý.

Ban hành gói chính sách hỗ trợ tái cơ cấu chủ thể chăn nuôi, tạo cuộc cách mạng trong thay đổi phương thức chăn nuôi, cơ cấu vật nuôi; phát triển chăn nuôi trong điều kiện an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo bệ tài nguyên, môi trường. Trong cơ cấu lại chủ thể chăn nuôi, chú trọng cơ cấu lại chăn nuôi nông hộ, những hộ theo đuổi nghề phải tham gia chuỗi sản xuất được kiếm soát, đáp ứng điều kiện pháp luật về chăn nuôi, thú y, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, xuất xứ nguồn gốc, môi trường; được hỗ trợ đào tạo chuyên môn, đầu tư, phát triển thị trường. Những hộ không theo đuổi nghề có chính sách chuyển đổi sinh kế phù hợp.

Đổi mới tư duy, cơ chế quản lý thị trường, tổ chức ngành hàng thịt hiện đại, bền vững:

Nâng cao năng lực quản lý, điều tiết thị trường giá cả của nhà nước; phân công, phân nhiệm, quy trách nhiệm giữa các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về điều tiết thị trường, giá cả, xuất, nhập khẩu, dự trữ, cung ứng nông sản thực phẩm, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; bổ sung ngành hàng thịt lợn vào danh mục mặt hàng cần được bình ổn, dự trữ quốc gia;

Điều tiết cung cầu ngành hàng thịt lợn trên cơ sở tổ chức chuỗi ngành hàng; áp dụng công nghệ thông minh vào điều tiết cung cầu; bổ sung những công cụ điều tiết thị trường có hiệu quả; tổ chức tốt chuỗi cung ứng thị lợn chợ dân sinh; phát triển mạnh các loại hình thị trường hiện đại; tăng cường chế biến gắn với nhu cầu thị hiếu của các phân khúc thị trường ngành hàng thịt; đa dạng nguồn cung;

Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử, đưa sản phẩm nông sản lên các sàn giao dịch điện tử; xây dựng trung tâm đấu giá, sàn giao dịch nông sản quốc tế tại Việt Nam.

Từ khi lợn hơi được xuất chuồng, đến khi sản phẩm thịt đến tay người tiêu dùng phải qua 2-5 khâu trung gian như thương lái thu gom lợn hơi, trung gian giết mổ, thương lái bán buôn, thương lái bán lẻ, chi phí nhiều khâu trước khi đến chợ dân sinh… làm giá thành đội lên trên đơn vị thịt lợn tăng khoảng 43% khi đến tay người tiêu dùng.

Rà soát, tạo điều kiện thuận lợi, mặt bằng đất đai để người chăn nuôi, doanh nghiệp tái đàn theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Chi trả kinh phí cho các hộ, cơ sở bị thiệt hại do DTLCP để có nguồn lực tái đàn, tăng đàn lợn.

Nguyễn Văn Tốn – Phó Vụ trưởng, Vụ NN&PTNT-Ban Kinh tế Trung ương