Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Giám sát và phản biện xã hội của báo chí thực chất là giám sát và phản biện của nhân dân”

Minh Tú (thực hiện) - 09:14 21/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Giám sát xã hội và phản biện xã hội là hai khái niệm chức năng gắn bó mật thiết vì chỉ giám sát một cách nghiêm túc mới có thông tin đầy đủ và thấu đáo làm tiền đề cho phản biện. Tuy nhiên, không chỉ nhiều cá nhân, công chức mà còn cả một bộ phận lãnh đạo các cơ quan nhà nước vẫn chưa nắm rõ về vai trò giám sát và phản biện của báo chí.

Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã có một cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Văn Phan, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Phan -  Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Hội NDVN.

Thưa ông, hiện nay không chỉ nhiều cá nhân, công chức mà còn cả một bộ phận lãnh đạo các cơ quan nhà nước vẫn chưa nắm rõ về vai trò giám sát và phản biện của báo chí, quan điểm của ông về vấn đề này?

Giám sát và phản biện xã hội là yêu cầu khách quan, mang tính phổ biến trong việc tổ chức và vận hành quyền lực chính trị của các nhà nước dân chủ. Đó chính là những hoạt động của cá nhân, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội tham gia vào một vấn đề, một chủ trương, chính sách nào đó của Nhà nước nhằm làm cho chủ trương, chính sách đó ngày càng hoàn thiện trong thực tiễn, khắc phục tính xa rời thực tiễn, đáp ứng nhu cầu xã hội, tạo nên sự đồng thuận, phục vụ tốt hơn những vấn đề quốc kế, dân sinh; góp phần làm cho các cơ quan quyền lực nhà nước, các cơ quan Đảng khắc phục bệnh thành tích, quan liêu, cửa quyền; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.  

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng chỉ rõ: “Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân”; Văn kiện Đại hội XI của Đảng “Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước...”; Văn kiện Đại hội XIII của Đảng bổ sung thêm hai cụm từ “dân giám sát, dân thụ hưởng” là sự bổ sung, hoàn thiện nhằm hiện thực hóa quyền làm chủ của nhân dân.

Báo chí với vai trò là vũ khí tư tưởng sắc bén, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, là diễn đàn tin cậy của nhân dân vì vậy, báo chí phải đồng thời thực hiện hai chức năng là truyền thông, thông tin và giám sát, phản biện xã hội. Sự giám sát và phản biện xã hội của báo chí thực chất là giám sát và phản biện của nhân dân. Quá trình giám sát, phản biện này là nhằm góp phần ngăn chặn những tác động tiêu cực và bảo đảm cho mọi chủ trương, đường lối, chính sách được hoạch định và thực thi một cách đúng đắn, khoa học vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Tác nghiệp. Ảnh minh họa

Ông đánh giá như thế nào về vai trò giám sát, phản biện của các cơ quan báo chí thuộc Hội Nông dân Việt Nam trong thời gian qua?

Đối với cơ quan Báo chí thuộc Hội Nông dân Việt Nam thì hai chức năng trên càng trở lên quan trọng, nhất là vai trò giám sát và phản biện xã hội. Song, việc thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của cơ quan báo chí của Hội Nông dân Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn, bởi vì Đảng ta rất coi trọng vai trò chủ thể giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Đặc biệt, Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã chính thức tin tưởng và giao trọng trách vai trò chủ thể giám sát và phản biện xã hội cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, trong đó có Hội Nông dân Việt Nam. 

Trong những năm qua, với trách nhiệm là cơ quan ngôn luận của Hội Nông dân Việt Nam, các cơ quan báo chí của Hội đã thể hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, nhiều bài viết trên Báo, Tạp chí của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có ảnh hưởng tích cực đến việc đề ra chủ trương, chính sách và kịp thời điều chỉnh những chính sách hiện hành không phù hợp với thực tiễn cuộc sống của các cấp quản lý Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn như: Loạt bài viết “Một hạt thóc 40 khoản đóng góp” của nhà báo Hoàng Sơn và nhóm tác giả, “Đột kích các tổng kho tàn sát chim trời ở Việt Nam” của nhà báo Doãn Hoàng trên báo Nông thôn ngày nay… là những bài viết tiêu biểu.

Nhiều cơ quan nhà nước hiện nay có một tâm lý là luôn e dè khi tiếp xúc với vấn đề giám sát, phản biện của báo chí khiến tác nghiệp của các phóng viên, nhà báo gặp nhiều khó khăn. Phải chăng nhiều người hiểu sai khi cho rằng “phản biện đồng nghĩa với phản đối”, thưa ông?

Nói như vậy cũng có mặt đúng nhưng chưa đủ. Thực tế cho thấy, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị quan niệm sai lầm cho rằng giám sát là “soi mói”, “vạch lá tìm sâu” còn phản biện là tìm cách “phản bác”, “bác bỏ”…, mà chưa nhận thức được giám sát, phản biện xã hội là nhằm làm cho các hành vi kinh tế, chính trị, xã hội ít chủ quan hơn, giảm sự xung đột, mâu thuẫn lợi ích, giúp sự lãnh đao của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền hiệu quả hơn, ít sai lầm hơn, do vậy có tâm lý ngại cung cấp thông tin cho báo chí, hoặc có cung cấp thì không đầy đủ, thiếu khách quan chỉ vì “sợ báo chí”, muốn né tránh báo chí.

Song, những năm gần đây, nhất là từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã đưa ra thông điệp xây dựng Chính phủ liêm chính, Chính phủ hành động và Chính phủ kiến tạo. Điều này cho thấy, quá trình xây dựng hệ thống chính trị nói chung, Chính phủ nói riêng trong bối cảnh hiện nay không thể không gắn liền với giám sát và phản biện xã hội. Đây là điều kiện thuận lợi để các chủ thể giám sát, phản biện xã hội, trong đó có báo chí thực thi chức năng, nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội của mình.

Nhưng cũng cần nói rõ thêm, việc nhiều cơ quan nhà nước hiện nay có một tâm lý e dè với vấn đề giám sát, phản biện của báo chí khiến tác nghiệp của các phóng viên, nhà báo gặp nhiều khó khăn cũng có một phần trách nhiệm của cơ quan báo chí. Nhận thức về vai trò của báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội phải thống nhất từ chính đội ngũ những người làm báo. Bên cạnh đó, đạo đức, tác phong và trình độ nghiệp vụ của một số phóng viên báo chí còn hạn chế. Đó cũng chính là vấn đề khiến các cơ quan công quyền e ngại khi tiếp xúc với báo chí. Vì vậy, nguyên nhân của hiện tượng nêu trên chính là do còn những bất cập trong nhận thức của cả cơ quan báo chí và cơ quan nhà nước về giám sát và phản biện xã hội. 

Phóng viên tác nghiệp tại  huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Ông vừa nhắc tới Chỉ thị 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư, vậy những công tác cụ thể Ban Tuyên giáo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai Chi thị này trong thời gian sắp tới là gì, thưa ông?  

Ban Tuyên giáo là cơ quan tham mưu giúp Ban Chấp hành Trung ương Hội mà thường xuyên là Ban Thường vụ về công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng trong hệ thống Hội Nông dân Việt Nam và là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác thông tin tuyên truyền của Hội. Để triển khai Chỉ thị 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về “Phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội một cách có hiệu quả thực chất, Ban Tuyên giáo Trung ương Hội sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, mục đích của công tác phản biện xã hội cho cả chủ thể phản biện và đối tượng được phản biện. Tức là cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, Hội Nông dân các cấp và  hội viên, nông dân về phát huy dân chủ ở cơ sở, công tác giám sát, phản biện xã hội. 

Thứ hai, các cơ quan báo chí của Hội có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện công tác giám sát của Hội, do vậy trong thời gian tới, báo, tạp chí của Hội cần chủ động, tích cực vào cuộc nhằm triển khai mạnh mẽ Chỉ thị 18-CT/TW. Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai Kế hoạch số 47-KH/ĐĐ- HNDVN, ngày 20/4/2023, nhấn mạnh: “Phát huy vai trò của hệ thống các cơ quan báo chí của Hội: Báo Nông thôn Ngày nay, Tạp chí Nông thôn Mới, Báo điện tử Dân Việt, Tạp chí Nông thôn mới điện tử, Cổng thông tin điện tử Hội Nông dân Việt Nam, Bản tin công tác Hội và các loại hình thông tin khác trong việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng, Nhà nước và các văn bản của Hội về công tác giám sát, phản biện xã hội của Hội Nông dân Việt Nam; các hoạt động của Hội Nông dân các cấp thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội. Cơ quan báo chí của Hội cần chủ động, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến về công tác giám sát, phản biện xã hội; tập hợp, phản ánh kiến nghị của hội viên, nông dân về các chủ trương, chính sách, pháp luật; công khai kết quả giám sát và phản biện xã hội; trực tiếp tham gia vào quá trình giám sát, phản biện xã hội theo quy định của pháp luật”.

Trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương Hội sẽ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với cơ quan báo chí của Hội để tham mưu giúp Ban Thường vụ Trung ương Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị số 18 - CT/TW để các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân nhận thức thông suốt, đúng đắn về công tác giám sát, phản biện xã hội và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội. 

Trân trọng cảm ơn ông!.