Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Giúp nông dân thay đổi nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường

Quang Tú - 18:54 24/04/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 24.4, Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) tổ chức hội thảo sơ kết Dự án Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế.
Ông Mai Bắc Mỹ - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế (T.Ư Hội Nông dân Việt Nam). Ảnh: Trần Quảng

Tham dự hội thảo có ông Mai Bắc Mỹ - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế (T.Ư Hội Nông dân Việt Nam), Giám đốc Ban Quản lý Dự án; bà Trần Thị Hồng Vân – Chuyên gia của Tổ chức Earthcare Foundation (nhà tài trợ triển khai dự án); các đại biểu là Chủ tịch, Phó Chủ tịch của 15 Hội Nông dân tỉnh, thành phố; các nông dân tiêu biểu tham gia dự án và nhiều đại biểu có liên quan.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Mai Bắc Mỹ cho biết: Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” do Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức EarthCare Foundation (trước đây là Quỹ BRACE) xây dựng, thực hiện 4 năm từ năm 2021 đến năm 2024 và được triển khai tại 15 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Dự án đã đạt được những kết quả và kinh nghiệm, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn vướng mắc và tồn tại cần tháo gỡ. Để triển khai thực hiện Dự án hiệu quả, đạt được những mục tiêu đã cam kết với nhà tài trợ, Ban Quản lý Dự án Trung ương tổ chức Hội thảo sơ kết dự án nhằm mong muốn đưọc nghe ý kiến phát biểu của đại diện nhà tài trợ, các chuyên gia của Dự án, các đồng chí lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành phố, giảng viên nguồn, đặc biệt là bà con nông dân - những người được hưởng lợi và trực tiếp tham gia thực hiện Dự án, để từ đó đề ra những biện pháp khắc phục, thực hiện có hiệu quả hơn nữa.

TS. Phạm Thanh Hải phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Trần Quảng

Giúp thay đổi nhận thức, hành vi của nông dân về bảo vệ môi trường

Theo Ban Quản lý Dự án, với mục tiêu là biến rác hữu cơ thành nguồn tài nguyên quý, tăng thu nhập cho nông dân từ tài nguyên rác hữu cơ đồng thời giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiêp và bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe cộng đồng, trong thời gian qua, Ban Quản lý Dự án đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, tập huấn cho cán bộ Hội và cán bộ tham gia dự án các cấp nhằm giúp nông dân thay đổi tập quán xử lý rác thải theo hướng thân thiện với môi trường và đạt được những kết quả quan trọng.

Từ khi triển khai dự án đến nay, đã tổ chức 30 khoá trực tiếp với sự tham gia của gần 470 cán bộ Hội, cán bộ khuyến nông và nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và 100% học viên đã ký cam kết sẵn sàng đồng hành, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang xử lý rác thải thân thiện với môi trường; gần 530 lớp tập huấn cho nông dân với sự tham gia của hơn 14.500 lượt hội viên nông dân và100% nông dân tự nguyện ký cam kết áp dụng các kỹ thuật đã được học.

Đồng thời, Dự án cũng triển khai các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ nông dân triển khai thực hiện như: Lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi; Ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng tại ruộng và Xử lý gốc rạ bằng Trichoderma; Nuôi gà trên đệm lót sinh học dày; Nuôi sâu canxi; Nuôi trùn quế.

Nhờ sự tích cực tuyên truyên vận động của cán bộ Hội, các tuyên truyền viên, hiện đã có hơn 8.000 mô hình xử lý rác thải thân thiện với môi trường đã được dự án hỗ trợ về con giống, chế phẩm, cơ sở vật chất, trong đó: Gần 2.000 mô hình lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi; Hơn 2.000 mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng tại ruộng và xử lý gốc rạ bằng Trichoderma; Gần 1.400 mô hình nuôi gà trên đệm lót sịnh học dày; Hơn 1.300 mô hình nuôi sâu canxi; Hơn 1.300 mô hình nuôi trùn quế.

Đến nay, tại 15 tỉnh, thành phố, đã có hơn 27.000 hộ nông dân đang áp dụng ít nhất 01 kỹ thuật xử lý phụ phẩm cây trồng thân thiện với môi trường; Hơn 8.000 hộ nông dân đang áp dụng ít nhất 01 kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi thân thiện với môi trường; Hơn 45 tấn thức ăn thừa được thu gom tại hơn 600 căng-tin, nhà hàng mỗi tháng thông qua 180 tổ nhóm thu gom rác của dự án; Hơn 45.000 nông dân được tuyên truyền về dự án thông qua hơn 1.000 buổi sinh hoạt tổ nhóm nông dân…

Ông Chu Văn Chuông - Cố vấn của BQL Dự án trình bày về áp dụng khoa học hành vi trong tuyên truyền các kỹ thuật của Dự án. Ảnh: Trần Quảng

Hiệu quả trong phát triển kinh tế

Theo ông Trịnh Trọng Tuấn - xã Yên Phong, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Được sự quan tâm sâu sát của Hội Nông dân xã Yên Phong, huyện Yên Định và Ban quản lý dự án tỉnh Thanh Hóa, đầu năm 2023, ông tham gia Dự án và được tập huấn, hướng dẫn và từ đó ông đã có hướng đi mới cho mô hình kinh tế của gia đình, đó là “Sản xuất lúa, nuôi dế mèn, nuôi baba và nuôi cá kết hợp bằng trùn quế - sâu canxi”. Với diện tích 2.500m2 sản xuất theo mô hình khép kín, tận dụng được nguồn chất thải để tạo thức ăn cho vật nuôi nên chi phí sản xuất giảm, thu nhập được cải thiện, giảm tác động đến môi trường.

"Tuy nhiên, hiện nay mô hình của gia đình còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, chưa có kinh phí nhiều, bên cạnh đó nuôi sâu canxi nên nhiều khâu kỹ thuật mới, thiếu kinh nghiệm, nhất là bất lợi về thời tiết nên không dám đầu tư với quy mô lớn, giá cả các sản phẩm làm ra chưa ổn định. Vì vậy, tôi mong muốn, trong thời gian tới, các cấp Hội hỗ trợ để các hộ có cùng mục đích liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm: - ông Trịnh Trọng Tuấn bày tỏ.

Ông Võ Văn Thanh ở xã Hòa Định (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) cũng cho hay: "Với diện tích 5000m2 đất trồng dừa cùng 3 bò nái và chăn nuôi thêm khoảng 20 heo thịt, cuộc sống trước đây của gia đình tôi không dư giả nhiều. Trước khi tham gia dự án tôi chưa ý thức được cách thức xử lý chất thải từ việc chăn nuôi của gia đình mình. Tôi xử lý chất thải từ chăn nuôi bằng cách đào ao rồi xả thải xuống ao gây ảnh hưởng nguồn nước và môi trường xung quanh. Tôi cũng thường xuyên bị hàng xóm xung quanh nhắc nhở vì ruồi quá nhiều. Từ khi được Hội Nông dân xã tuyên truyền vận động tham gia dự án và biết đến những lợi ích từ kỹ thuật nuôi sâu can-xi tôi đồng ý tham gia thử nghiệm".

“Giờ thì tôi thực sự không hề hối hận chút nào về quyết định của mình lúc đó. Cuộc sống và hoạt động canh tác của gia đình tôi đã được thay đổi rất nhiều. Từ khi tôi bắt đầu cho cá ăn sâu canxi thay thế cho thức ăn công nghiệp tôi nhận thấy đàn cá tăng trưởng nhanh hơn, thời gian nuôi rút ngắn lại. Nếu như thời gian cần thiết để cá đạt trọng lượng từ 0,4 đến 0,5 kg là 5 - 6 tháng, thì nay chỉ cần từ 4,5 – 5,5 tháng là cá có thể đạt trọng lượng trên, chất lượng cá thơm ngon, thịt chắc, vì vậy gia đình tôi tiết kiệm được khoản chi phí mua thức ăn và đồng thời có được nguồn cung cấp thực phẩm sạch tại chỗ” – ông Võ Văn Thanh phấn khởi chia sẻ.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Trẩn Quảng

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nông dân

Theo TS. Phạm Thanh Hải – Cố vấn của Ban Quản lý Dự án cho rằng, dự án đạt hiệu quả như vậy nhờ nhiều yếu tố, trong đó có việc lựa chọn đối tượng thực hiện ở cấp độ hộ gia đình bởi dễ thực hiện và liên quan đến lợi ích của chính bản thân họ. Bên cạnh đó, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia cũng rất quan trọng, từ đó góp phần thay đổi nhận thức, hành vi, giúp nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường sống.

Ông Chu Văn Chuông – Cố vấn của Ban Quản lý Dự án cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng về công tác tuyên truyền và việc áp dụng khoa học hành vi trong tuyên truyền các kỹ thuật của Dự án sẽ giúp cho người nghe hiểu, nắm rõ thông tin, tin tưởng hơn và thay đổi hành vi của mình; đồng thời, nêu rõ các tác động của dự án thông qua các câu chuyện có thật, hình ảnh khác biệt, về năng suất, thu nhập, những lợi ích của dự án mang lại… có như vậy, mới hấp dẫn người nghe, họ muốn làm theo.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Mai Bắc Mỹ đánh giá cao những kết quả đạt được của các thành viên tham gia Dự án. Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Dự án, ông Mai Bắc Mỹ đề nghị tập trung vào một số nội dung cụ thể như:

Thứ nhất, đề nghị Ban Quản lý Dự án các tỉnh, thành phố sát sao hơn, rà soát lại các mô hình chưa đúng kỹ thuật và yêu cầu điều chỉnh để phát huy tối đa hiệu quả của các kỹ thuật, từ đó, tăng khả năng nhân rộng các mô hình xử lý rác thải của Dự án.

Thứ hai, hiện nay, Dự án đã bước sang giai đoạn tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền và nhân rộng các mô hình xử lý rác thải của Dự án. Vì vậy, Ban Quản lý Dự án các tỉnh, thành phố bám sát Hướng dẫn tổ chức các Sự kiện truyền thông và Hướng dẫn tổ chức các chuyến tham quan, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời, cần xây dựng kịch bản cụ thể và phân công kỹ càng nhiệm vụ của từng thành viên trước mỗi hoạt động. Ban Quản lý Dự án các cấp cần phát huy vai trò của lãnh đạo địa phương khi tham gia các chuyến tham quan, học tập và các sự kiện tuyên truyền, nhất là lồng ghép việc nhân rộng mô hình Dự án vào các hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của địa phương, chỉ đạo, khích lệ các tổ chức chính trị - xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... đồng hành cùng Dự án trong việc nhân rộng các mô hình.

Thứ ba, Ban Quản lý Dự án Hội Nông dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ sở đảm bảo các hình ảnh đẹp, rõ nét, chất lượng cao, mỗi hoạt động cần cập nhật nhiều hình ảnh khác nhau, phản ánh được đa dạng các nội dung và kịp thời đăng tải lên đường link thư mục ảnh của từng tỉnh, thành phố mà Ban Quản lý Dự án Trung ương đã cung cấp để làm tư liệu truyền thông của Dự án.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Trần Quảng

Thứ tư, hiện nay, Dự án đã có 1 website, 1 kênh Youtube, 1 trang facebook chính thức, tuy nhiên, qua theo dõi, chúng tôi thấy việc tương tác của cán bộ, hội viên nông dân các tỉnh, thành phố với mạng xã hội của Dự án còn hạn chế. Vì vậy, trong thời gian tới, Ban Quản lý Dự án Hội Nông dân các tỉnh, thành phố tăng cường chia sẻ thông tin, địa chỉ các kênh mạng xã hội của Dự án để có thêm nhiều hội viên nông dân biết, tham gia và tiếp cận nguồn tư liệu, thông tin của Dự án, qua đó, mở rộng ảnh hưởng của Dự án. Đồng thời, chúng tôi yêu cầu Ban Quản lý Dự án Hội Nông dân các tỉnh, thành phố chủ động đăng tải, phối hợp với các kênh thông tin đại chúng của tỉnh (như báo, đài địa phương, website của tỉnh, website của Hội Nông dân tỉnh) để đưa các tin, bài về hoạt động của Dự án, chia sẻ các mô hình, cách làm hay, hiệu quả, đồng thời, tổng hợp hệ thống đường link các tin bài và đưa đầy đủ vào các Báo cáo hoạt động thường kỳ.

Thứ năm, một trong những điểm mới của Dự án mà chúng tôi đánh giá rất cao là việc áp dụng khoa học hành vi trong xây dựng các can thiệp của Dự án và trong cách thức tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng các kỹ thuật của Dự án với mục tiêu không chỉ nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân mà còn thúc đẩy họ thay đổi hành vi trong xử lý rác thải thân thiện với môi trường. Ban Quản lý Dự án Hội Nông dân các tỉnh, thành phố cùng với các giảng viên nguồn của Dự án đã có cơ hội được tập huấn rất kỹ càng về kỹ năng tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng khoa học hành vi thông qua lớp tập huấn truyền thông CARING, Sổ tay Người gìn giữ tương lai xanh và các lớp tập huấn giảng viên nguồn, ví dụ như cách tiếp cận nông dân, cách giới thiệu về Dự án và các kỹ thuật của Dự án cho từng đối tượng khác nhau, cách thăm hỏi và nhắc nhở nông dân... Ban Quản lý Dự án Hội Nông dân các tỉnh, thành phố ghi nhớ và chủ động ứng dụng khoa học hành vi trong các hoạt động của Dự án nói riêng, trong công tác Hội và phong trào nông dân nói chung, đồng thời truyền đạt, hướng dẫn cụ thể cho các tuyên truyền viên của Dự án, những nông dân điển hình tiên tiến vì họ là những cánh tay nối dài của Ban Quản lý Dự án các cấp, quyết định sự thành công, lan tỏa của Dự án.

Thứ sáu, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt hơn, sắp xếp, bổ sung các nhân sự tích cực, nhiệt huyết để triển khai các hoạt động Dự án đảm bảo đúng kế hoạch và tiến độ đề ra.

Thứ bảy, công tác hỗ trợ kỹ thuật trong khuôn khổ Dự án nhằm giải đáp những khó khăn, vướng mắc của tất cả các hộ đang áp dụng các phương pháp xử lý rác thải thân thiện với môi trường, qua đó, giúp bà con yên tâm hơn khi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật. Do vậy, các tỉnh, thành phố nghiêm túc, sát sao hơn nữa trong công tác này để hoạt động hỗ trợ kỹ thuật thực sự mang lại hiệu quả.

Thứ tám, Ban Quản lý Dự án Hội Nông dân các tỉnh, thành phố khuyến khích, đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng, trong đó có việc kịp thời rà soát, đánh giá, tuyên dương, khen thưởng các hội viên nông dân thực hiện tốt mô hình và có hướng dẫn, lan tỏa kỹ thuật sang các hộ nông dân khác không tham gia Dự án nhằm tạo ra phong trào thi đua sôi nổi, thúc đẩy hoạt động của các Nhóm Giảng viên và Nông dân gìn giữ tương lai xanh, giúp lan tỏa mạnh mẽ các mô hình kỹ thuật của Dự án.