Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Học nghề giúp thay đổi tư duy, nông dân tìm cách làm giàu

Anh Minh - 07:13 22/10/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi) Là một trong những địa phương đi đầu trong công tác xây dựng nền nông nghiệp văn minh, hiện đại, theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, từ lâu Hà Nam xác định nguồn lực con người có vai trò quan trọng trong xây dựng phát triển kinh tế - xã hội. Để tăng cường hiệu quả cho công tác chuyển đổi kinh tế, tỉnh chú trọng tới khâu đào tạo nghề, trong đó có đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Dạy nghề cho lao động nông thôn ở Hà Nam.

Quan trọng là thay đổi nhận thức 

Một trong những mục tiêu quan trọng để xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hà Nam chính là nâng cao đời sống thu nhập cho người dân thông qua việc tạo việc làm. Để thực hiện mục tiêu này, Hà Nam đã từng bước tăng cường công tác dạy nghề nói chung đặc biệt dạy nghề cho lao động khu vực nông thôn giúp tăng thu nhập cho nông dân.

Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chất lượng nguồn lao động và việc làm cho lao động nông thôn ở tỉnh Hà Nam từng bước được nâng cao, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Các cấp, các ngành, đoàn thể trong đó có Hội Nông dân (ND) tỉnh Hà Nam thực hiện tuyên truyền về tầm quan trọng của lực lượng lao động có tay nghề. Đối với một tỉnh có diện tích nhỏ, hạn chế về tài nguyên thiên nhiên như Hà Nam, việc phát huy, khai thác tiềm năng nguồn lực con người càng trở nên quan trọng.

Trong thời đại công nghiệp hóa nông nghiệp như hiện nay, người nông dân đã trở thành những “công nhân nông nghiệp”. Việc nắm vững các kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi tiên tiến, sử dụng, vận hành thành thạo kỹ thuật và máy móc nông nghiệp hiện đại đang trở thành yêu cầu phổ biến. Tăng cường tuyên truyền những lợi ích thiết thực của việc học nghề nhằm thay đổi nhận thức của lao động nông thôn về đào tạo nghề để người lao động tự nguyện, chủ động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nhất là với đối tượng học sinh, thanh niên sắp bước vào độ tuổi lao động. Đồng thời, tạo tâm lý coi trọng học nghề cho các bậc phụ huynh, cho cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai, thực hiện các chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Ngoài hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về học nghề cho nông dân, tỉnh cũng đã hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người học nghề cũng như cơ sở dạy nghề. Bên cạnh đó, thực hiện việc liên kết, kêu gọi doanh nghiệp, chuyên gia tham gia quá trình đào tạo từ khâu xây dựng giáo trình, giáo án, tới giảng dạy...

Ông Tạ Văn Đạt - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Nam cho biết, nâng cao chất lượng lao động, đẩy mạnh đào tạo nghề là một trong những trọng tâm nhằm xây dựng hình ảnh người nông dân thời đại mới chuyên nghiệp. 

“Nhận thức rõ tầm quan trọng này, nhiều năm nay Hội ND các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền và hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân”, ông Đạt nói.

Ông Đạt cho biết, Hà Nam là tỉnh thuần nông, nên nhu cầu được học nghề nông nghiệp, để phục vụ tái cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng, năng suất trồng trọt, chăn nuôi của nông dân trên địa bàn cũng rất lớn. Nắm bắt điều này các đơn vị dạy nghề trên địa bàn tỉnh cũng tập trung rất mạnh vào các ngành nghề nông nghiệp.

Trước đó, năm 2020, khi còn triển khai chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo chương trình 1956, tỉnh đã đào tạo nghề cho hàng nghìn nông dân.

Hội ND xã Đồng Hóa (Hà Nam) là một trong những đơn vị nhận được hỗ trợ từ chương trình này. Năm 2020, xã tổ chức lớp dạy nghề nuôi và phòng bệnh cho gà cho 25 học viên nông dân. Đây đều là những nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp tại các dự án và lao động thuộc các gia đình chính sách trong xã. Lớp học do Trung tâm Khuyến nông Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam, cùng Hội ND tổ chức khai giảng. 

Ông Nguyễn Văn Thông - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Nam cho biết, trong 3 tháng học tập, học viên sẽ được các giảng viên truyền đạt các kiến thức cơ bản về nuôi và phòng bệnh cho gà, nhận biết và phòng các bệnh trong chăn nuôi gà, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi gà, để đạt năng suất, hiệu quả cao trong chăn nuôi nói chung và nuôi gà nói riêng. Sau 3 tháng học tập, các học viên lớp học đủ điều kiện sẽ được cấp chứng chỉ học nghề.

Lao động địa phương đón nhận tích cực 

Từng nhiều năm là hộ nghèo, gia đình anh Nguyễn Văn Lập, 48 tuổi (Kim Bảng, Hà Nam) chỉ biết đi làm thuê, cuốc mướn, sống qua ngày. Thế rồi, một ngày, anh Lập được cán bộ Hội ND xã qua tuyên truyền, tư vấn về chương trình học nghề. Lúc đầu nghe cũng nản, không thiết tha với học nghề nhưng nghe cán bộ nói nhiều, nói lâu thành ra “mưa dầm thấm lâu”.

“Tôi quyết tâm thử đi học nghề chăn nuôi gia cầm. Kiến thức lớp học gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ. Quan trọng nhất là được thầy cô hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn thêm khoản vay vốn để tạo việc làm sau học nghề. Thế nên sau học nghề tôi mạnh dạn vay vốn mua gà để nuôi và gia đình thoát nghèo cũng từ đó”, anh Lập nói.  

Không chỉ được dạy nghề theo kiểu cầm tay chỉ việc, hướng dẫn vay vốn tự tạo việc làm tại nhà, anh Lập còn được giáo viên và các nông dân giỏi khác ở địa phương chia sẻ kinh nghiệm trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm, bán hàng online...

“Thật sự, tôi cảm thấy học nghề mang lại cho tôi quá nhiều hiểu biết, hữu ích. Nhờ được học nghề tôi hiểu thế nào là làm nông nghiệp thông minh, làm nông dân chuyên nghiệp”, anh Lập nói.

Ông Trần Hồng Chuẩn - Phó Phòng Lao động Thương binh Xã hội huyện Kim Bảng cho hay, những năm gần đây trung bình các xã trên địa bàn huyện mở được hàng chục lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhìn chung việc học gắn với tạo việc làm, hoặc là học các nghề cũ nhưng mục tiêu nâng cao kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng và tăng thu nhập cho bà con so với trước.

Chị Nguyễn Thị Hiền - một trong 25 học viên của lớp may công nghiệp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kim Bảng cho biết, trước đây chị chỉ làm nông nghiệp nên cuộc sống khó khăn. Nhờ có sự quan tâm của chính quyền địa phương mà chị và các lao động khác được dạy nghề, tạo việc làm cho thu nhập ổn định. ”Sau khi tốt nghiệp khóa học nghề may, tôi được giới thiệu vào làm nghề cho một công ty may của Hàn Quốc đầu tư trên địa bàn. Hiện giờ, với thu nhập trung bình mỗi tháng 4 - 5 triệu đồng, tôi đủ chi phí lo cho các con đi học và để dành một ít để tích lũy”, chị Hiền chia sẻ.

Ngoài lớp nghề nông nghiệp công nghệ cao, nghề phi nông nghiệp như thêu ren, may công nghiệp, hoặc dạy nghề sửa chữa xe máy… cũng được chú trọng lựa chọn để mở các lớp đào tạo và được lao động địa phương đón nhận tích cực. Trong năm 2022 các hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang được đẩy mạnh. 

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Hà Nam đã đào tạo nghề cho hơn 32.000 lao động nông thôn, trong đó có hơn 6.500 người được đào tạo nghề nông nghiệp, 25.500 người được đào tạo nghề phi nông nghiệp.