Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội ND xã Gio Quang vận động hội viên ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chăn nuôi

Văn Toàn - 07:13 02/07/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong những năm qua, Hội Nông dân xã Gio Quang (Gio Linh, Quảng Trị) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia các hoạt động gìn giữ môi trường, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Nước thế giới, Tuần lễ quốc gia vệ sinh môi trường và nước sạch nông thôn, vận động hội viên ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, chăn nuôi bảo vệ môi trường.

Xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Bà Hoàng Thị Nga - Chủ tịch Hội Nông dân xã Gio Quang cho biết: “Xác định vai trò của Hội trong tham gia bảo vệ môi trường, Hội Nông dân xã đã tích cực phối hợp các ban, ngành tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức bảo vệ môi trường cho hội viên nông dân. Xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường như: Thu gom, phân loại rác thải của hộ gia đình; thu gom, xử lý vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, đoạn đường nông dân tự quản, thắp sáng làng quê, con đường hoa… Mỗi năm, Hội Nông dân xã làm một phần việc về bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới. Năm 2020, Hội tổ chức lắp điện thắp sáng đường quê trị giá 5 triệu đồng; năm 2021, trồng cây xanh trên tuyến đường ở trung tâm xã trị giá 7,5 triệu đồng”.

Những năm trước đây, người dân còn vứt bừa bãi rác thải sinh hoạt, gây ô nhiễm môi trường, Hội Nông dân xã chủ động xây dựng đề án thu gom rác thải sinh hoạt trên các địa bàn dân cư được lãnh đạo địa phương đánh giá cao và các hộ dân đồng tình hưởng ứng. Hội đã thành lập Tổ hợp tác thu gom rác thải sinh hoạt có 7 thành viên. Những năm đầu, mỗi tháng thu phí mỗi hộ 5 nghìn đồng, hiện nay là 15 nghìn đồng. Hội Nông dân xã trả phụ cấp hàng tháng từ 1 đến 1,5 triệu đồng/người và đóng bảo hiểm xã hội cho các thành viên Tổ thu gom rác. Cuối tuần, rác được thu gom từ các hộ dân đến nơi xử lý. Từ khi có tổ thu gom rác của Hội đến nay, cảnh quan môi trường ở các thôn, các hộ gia đình và trên các tuyến đường luôn sạch sẽ.

Hội Nông dân tỉnh tổ chức phát động xây dựng nông thôn mới tại xã Gio Quang (Gio Linh). Ảnh Văn Toàn

Hội Nông dân xã đã phối hợp tổ chức 25 lớp tập huấn cho hơn 420 cán bộ, hội viên nông dân tham gia. Cán bộ, hội viên, nông dân đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, chuyển đổi hành vi trong tham gia bảo vệ môi trường, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn. Để thu vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, từ chương trình hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh và nguồn lực vận động, Hội Nông dân xã đã xây 5 cụm pano tuyên truyền về bảo vệ môi trường và 87 bể chứa vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Những bể thu gom được đặt trên đồng ruộng, ở những vị trí phù hợp, thuận lợi cho bà con, nên đã phát huy hiệu quả sử dụng.

Hội đã triển khai đến các chi hội và hội viên nông dân những phần việc như: Trồng các bồn hoa cây cảnh, tuyến đường tự quản, phối hợp với Hội Phụ nữ xây dựng mô hình gia đình “3 sạch”. 5/5 chi hội đã duy trì mô hình “Đoạn đường nông dân tự quản”. Hưởng ứng “Ngày Thứ 7 vì nông thôn mới”, Hội phát động hội viên ra quân diệt cây mai dương, làm vệ sinh các tuyến đường, trồng cây xanh, lắp điện thắp sáng đường quê, thu gom những bao bì do lũ lụt cuốn trôi về đồng ruộng… Ngoài ra, Hội còn phối hợp với 5 HTX ứng dụng bón phân, diệt cỏ bằng máy bay không người lái để giảm bớt chi phí và bảo đảm sức khỏe cho người dân nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Khuyến khích hội viên nông dân sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, bảo vệ môi trường

Từ một xã sản xuất nông nghiệp sử dụng phân bón vô cơ 100% diện tích, hiện nay xã Gio Quang đã có 50ha lúa hữu cơ của hơn 20 hộ, riêng Hội Nông dân xây dựng mô hình lúa thân thiện với môi trường trên diện tích 10 ha.

Nông dân xã Gio Quang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh Phương Thiện

Toàn xã có 45 hộ chăn nuôi heo với quy mô trên 50 con, trong đó có 15 hộ sử dụng hầm Bioga tạo chất đốt phục vụ đời sống, 30 hộ sử dụng chế phẩm sinh học EM, MO trong chăn nuôi và sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón cho sản xuất nông nghiệp.

Để khuyến khích các hộ chăn nuôi sử dụng chế phẩm sinh học nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, Hội Nông dân xã hướng dẫn họ chọn mua những con heo giống tốt như: có thân hình cân đối, mình dài, lưng thẳng, mắt tinh nhanh, bụng gọn, ngực, mông nở nang, da mềm, 4 chân thẳng, vững, phàm ăn... và trọng lượng mỗi con từ 10 kg trở lên; đã qua kiểm dịch.

Thức ăn cho heo chủ yếu là là cám bắp, cám gạo, cám đậm đặc và men vi sinh. Các hộ nuôi thường ủ trực tiếp 1 gói men (0.5 kg) với 100 kg cám, trong khoảng 18 - 24 tiếng là cho heo ăn, với việc ủ ẩm có thể để dùng dần trong vài ngày. Men vi sinh giúp heo không bị rối loạn tiêu hóa, ít bị bệnh và lớn nhanh.

Khi đưa vào sử dụng, trong 3 ngày đầu mùi hôi giảm 50%, sau 10 ngày sử dụng men vi sinh mùi hôi giảm 80%. Thực tế, men vi sinh có công dụng kích thích tiêu hóa, giúp heo thèm ăn, ổn định vi sinh vật và hạn chế một số bệnh đường ruột.

Sau gần 4 tháng chăn nuôi, đàn sinh trưởng phát triển tốt, trọng lượng bình quân đạt 78 kg/con, mùi hôi chuồng trại giảm hơn 80%, cải thiện môi trường nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường xung quanh và heo giảm hẳn các bệnh về đường ruột. Mỗi con heo trong quá trình sinh trưởng, phát triển tiêu tốn hết 1,1 kg men vi sinh, trọng lượng bình quân 78 kg/con, sau khi trừ chi phí, mỗi con heo có lợi nhuận trên 920.000 đồng và tổng cộng mô hình lợi nhuận 27.660.000 đồng.

Nhờ heo ăn cám gạo, cám bắp nên thịt heo cũng rất ngon, thịt heo nạc nhiều và săn chắc, không bị nhão. Men vi sinh ủ tinh bột làm thức ăn cho heo còn đảm bảo thịt heo không có chất kích thích, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân về thực phẩm sạch. Men vi sinh được xem là một giải pháp hiệu quả nhằm góp phần giảm chi phí về thức ăn, giảm tỉ lệ mắc bệnh, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, chất thải chăn nuôi hạn chế mùi hôi thối phát tán ra môi trường, được các hộ đưa vào hầm bioga tạo chất đốt sử dụng hàng ngày.

Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã Gio Quang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của cán bộ, hội viên, nông dân trong việc bảo vệ môi trường, sống thân thiện với môi trường; Nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình nông dân bảo vệ môi trường, phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của Hội trong xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa Gio Quang sớm đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Hội Nông dân Cao Bằng đẩy mạnh truyên truyền bảo vệ môi trường cho hội viên nông dân
Những năm gần đây, thông qua nhiều hình thức, Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng đã đẩy mạnh công tác  tuyên truyền, vận động hội viên nông dân trong tỉnh bảo vệ môi trường. Nhận thức và hành động của bà con các dân tộc trong tỉnh về gìn giữ, duy trì môi trường sống sạch đẹp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học xử lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp có chuyển biến rõ rệt.