Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội thảo về phát huy vai trò của Hội trong xây dựng cộng đồng nông thôn mới

Kiều Anh - 15:39 10/01/2023 GMT+7
Ngày 10/1, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng cộng đồng nông thôn mới trước xu thế biến đổi giai tầng ở nông thôn”.
Toàn cảnh hội thảo. ảnh: Trần Quảng

Dự và chủ trì hội thảo có bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN); ông Nguyên Hồng Sơn, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội NDVN.

Tới dự Hội thảo có bà Vũ Thị Loan, Phó Vụ trưởng vụ Đoàn thể, Ban Dân vận Trung ương; PGS.TS Quyền Đình Hà, Giảng  viên cao cấp Học Viện Nông nghiệp Việt Nam; TS Dương Hà Nam, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam; các đồng chí Uỷ viên Thường vụ Trung ương Hội NDVN; các đồng chí đại điện lãnh đạo các ban, đơn vị Trung ương Hội NDVN; đại diện lãnh đạo Hội ND các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Hải Dương; các đồng chí thành viên trong Ban Biên tập Nghị quyết 23 của Trung ương Hội NDVN.

Vai trò, trung tâm nòng cốt của Hội trong phong trào nông dân và xây dựng NTM

Bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch  Ban chấp hành Trung ương Hội NDVN, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Trần Quảng

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, bà Bùi Thị Thơm, Phó chủ tịch Trung ương Hội NDVN cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 01-KH/BCDDTWW ngày 16/8/2023 của Ban chỉ đạo Trung ương về kế hoạch Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết  số 23 –NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu nước mạnh xã hội, văn minh; Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng Báo cáo chuyên đề:“Phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng cộng đồng nông thôn trước xu thế biến đổi giai tầng ở nông thôn”. Để có đánh giá khách quan về và vai trò trung tâm, nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng cộng đồng nông thôn trước xu thế biến đổi giai tầng ở nông thôn, Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo này với mục đích nhằm đánh giá thực trạng biến đổi cơ cấu giai tầng ở nông thôn và tác động của nó đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và khối đại đoàn kết ở nông thôn, trên cơ sở đó, đề xuất nhiệm vụ và giải pháp phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng cộng đồng nông thôn trước xu thế biến đổi giai tầng ở nông thôn.

“Hiện nay, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ đạo và tổ chức Tổng kết Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đây là sự kiện hết sức quan trọng, nhằm đánh giá thực trạng kết quả đoàn kết toàn dân tộc sau 20 năm thực hiện Nghị quyết để tiếp tục đề ra các chủ trương, biện pháp mới nhằm phát huy tối đa sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong điều kiện nước ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong bối cảnh xu thế biến đổi giai tầng xã hội đang diễn ra mạnh mẽ và đất nước ta ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc cách mạng công nghệ số phát triển như vũ bão. Trong bối cảnh đó, Hội Nông dân Việt Nam cần phải làm gì để góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một trong những nhiệm vụ đó là các cấp Hội cần phải chung tay tập hợp đoàn kết nông dân nhằm xây dựng cộng đồng nông thôn đoàn kết, văn minh, phát triển”, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm nhấn mạnh.

Báo cáo chuyên đề “Phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng cộng đồng nông thôn trước xu thế biến đổi giai tầng ở nông thôn” đã đưa ra hai nội dung chính, đó là:

-Tình hình chuyển dịch cơ cấu giai tầng xã hội nông thôn và những tác động của biến đổi cơ cấu giai tầng ở khu vực nông thôn;

-Một số chủ trương giải pháp đổi mới hoạt động và phát huy vai trò của Hội NDVN trong xây dựng cộng đồng nông thôn và phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Để góp phần làm rõ các vấn đề nêu trong báo cáo chuyên đề, Trung ương Hội NDVN tập trung phân tích và đánh giá tình hình chuyển dịch cơ cấu giai tầng xã hội nông thôn; nêu bức tranh tổng thể cơ cấu giai tầng xã hội nông thôn và xu hướng biến đổi giai tầng nông thôn. Qua đó, góp phần định hướng mục tiêu và chiến lược phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội NDVN trong phát triển nông nghiệp, xây dựng cộng đồng nông thôn văn minh, giàu bản sắc văn hoá trước sự biến đổi xã hội của giai cấp nông dân và cư dân nông thôn.

Cần phải giúp người nông dân thấy được vai trò của họ ở nông thôn

Tại Hội thảo đã có 7 tham luận được các chuyên gia, nhà khoa học,lãnh đạo Hội ND các tỉnh, thành phố trình bày về vai trò của người  dân ở vùng nông thôn trong phát triển kinh tế tại địa phương; những đóng góp tiền của, đất đai, ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới... Hành động của người nông dân, giúp cộng đồng và chính bản thân họ được hưởng lợi, do đó, cần làm cho người dân sống vùng nông thôn  thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

 Tham gia bài tham luận tại hội thảo, PGS.TS  Quyền Đình Hà, giảng viên cao cấp Học Viện Nông nghiệp Việt Nam cho hay, trong khu vực nông thôn, người dân nông thôn đóng vai trò là chủ thể của sự phát triển, bởi lẽ phát triển nông nghiệp, nông thôn mang lại lợi ích lâu dài cho người dân và cộng đồng người dân nông thôn.

PGS.TS Quyền Đình Hà, Giảng  viên cao cấp Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, với bài tham luận Phát huy vai trò chủ thể của người nông dân trong xây dựng cộng đồng nông thôn bền vững. Ảnh: Trần Quảng

Nước ta đã và đang thực hiện triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời tiến hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Với mục tiêu chuyển sang sản xuất hàng hoá, thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Để đạt được thành công này cần làm rõ để mọi người thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

PGS.TS Quyền Đình Hà đã đưa ra một số khuyến nghị lấy từ bài học phong trào “Làng mới” của Hàn Quốc và phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản là những bài học quý giá về phát triển cộng đồng và phát huy vai trò chủ thể của người dân nông thôn. Để công cuộc xây dựng nông thôn mới nước ta đi đến thắng lợi như mong muốn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ và mọi người dân hiểu rõ chủ trương đúng đắn của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Cần làm cho mỗi người dân nông thôn nhận thức rõ họ là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.

Chính quyền địa phương cần nhận thức đúng vai trò hỗ trợ nâng cao quyền tự chủ, xây dựng, vận hành các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, các dự án phát triển kinh tế, xã hội địa phương; tạo điều kiện hỗ trợ và định hướng hoạt động cho cộng đồng làng, xã hoạt động theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Vai trò của Hội ND và các tổ chức chính trị xã hội cần được tăng cường, tập trung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân các hoạt động xây dựng nông thôn mới, nhất là phát triển nông nghiệp hàng hoá, phát triển các sản phẩm OCOP để nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đồng thời hỗ trợ các cộng đồng thôn, bản phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình phát biểu tham luận tại hội thảo.  Ảnh: Trần Quảng

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hội ND Thái bình, trong xây dựng NTM ởThái Bình, vai trò chủ thể  của người nông dân được thể hiện rõ nét. Người dân đã hiến đất, ngày công, đóng góp tiền của  để thực hiện các công trình. Đến nay, tỉnh Thái Bình có 100% số xã, 100% số huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn NTM, có 25 xã được công nhận xã NTM nâng cao, 10 xã đạt 11/11 tiêu chí của xã NTM nâng cao. Kết quả đạt được vượt chỉ tiêu các Nghị quyết của tỉnh, cũng như chỉ tiêu Chính phủ giao cho tỉnh Thái Bình thực hiện đến năm 2020.

“Các kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của Hội ND Thái Bình trong tham gia vận động, tuyên truyền hội viên ND tham gia dồn điền, đổi thửa; nông dân Thái Bình đã tự nguyện cho mượn, cho thuê, chuyển quyền sử dụng đất liên kết với doanh nghiệp để tạo vùng sản xuất với diện tích lớn, điển hình như ông Dương Trọng Vĩnh, thôn Khánh Vỹ, xã Phúc Khánh, huyện Hưng Hà tích tụ 44ha cấy lúa chất lượng cao, thu lãi 530 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 13 lao động; ông Nguyễn Duy Phiên, thôn Nam Lâu, xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương tích tụ 40ha sản xuất lúa hàng hoá, thu lãi 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 10 lao động…Phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, sản phẩm OCOP, thắp sáng đường quê đang làm thay đổi bộ mặt nông thôn Thái Bình ngày càng văn minh, hiện đại”, ông Sơn khẳng định.

Ông Sơn nêu một số bài học trong phát huy vai trò chủ thể của người nông dân trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM trong thời gian qua Hội ND Thái Bình đã làm được. Đó là: Phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của cấp uỷ, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị các cấp  và sự đồng thuận của nhân dân; phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhằm làm chuyển biến nhận thức và hành động của người nông dân. Phát huy, tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân thực hiện quyền làm chủ theo phương châm “dân biết, dan bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng". Việc huy động sự đóng góp phải do chính người dân địa phương đó bàn bạc dân chủ, tự nguyện đóng góp và tổ chức thực hiện, tránh mất dân chủ và huy động vượt quá sức đóng góp của nhân dân. 

Ông Nguyễn Hồng Hưng, Chủ tịch Hội ND thành phố Hải Phòng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Trần Quảng

Tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Hưng, Chủ tịch Hội ND thành phố Hải Phòng cho biết: Từ năm 2003 đến nay, quá trình đô thị hóa tại Hải Phòng diễn ra với tốc độ nhanh, đạt được nhiều thành tựu to lớn theo hướng phát triển bền vững. Theo đó, giai tầng xã hội nông thôn Hải Phòng có nhiều biến đổi sâu sắc, đa dạng, đã dẫn đến những hệ lụy đối với đời sống của nhiều người nông dân có đất bị thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Hàng năm, Hải Phòng thực hiện chuyển đổi hàng nghìn hécta đất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và các mục đích khác. Đồng nghĩa với đó, hàng vạn nhân khẩu nông nghiệp bị mất ruộng. Cụ thể, giai đoạn 2016-2018, Hải Phòng thu hồi trung bình mỗi năm khoảng trên 4.000 ha. Gần nhất là trong 6 tháng đầu năm 2021, Hải Phòng có trên 74 dự án giải phóng mặt bằng, trong đó có liên quan đến việc thu hồi đất của trên 3.000 hộ hội viên với tổng diện tích gần 96 ha.

 Do bị mất đất sản xuất, do nhàn rỗi nên một số nông dân và con em họ trở thành đối tượng bị lôi cuốn vào các tệ nạn xã hội như: cờ bạc, lô đề, rượu chè, nghiện hút, mại dâm...

Đứng trước thực trạng nêu trên, hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân của các cấp Hội trong thành phố Hải Phòng đã đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Hàng năm, mỗi quý, Hội Nông dân Hải Phòng đã chỉ đạo phối hợp xây dựng các phóng sự; cung cấp và đăng hàng trăm tin bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử của Hội; phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình Hải Phòng xây dựng chuyên mục “Nông dân thời hội nhập”, duy trì thường xuyên các cuộc phỏng vấn, trao đổi trên kênh FM Hải Phòng. Những hoạt động này đã góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân và cộng đồng dân cư để tự giác tham gia và sáng tạo trong tổ chức thực hiện các phong trào, thực hiện vai trò là chủ thể trong phát triển nông nghiệp, nông thôn tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của giai cấp nông dân với tổ chức Hội.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương (Hội Nông dân Việt Nam) cũng có bài tham luận nêu bật một số giá trị đặc trưng của Quỹ Hỗ trợ nông dân, sự phát triển mạnh mẽ của Quỹ và uy tín, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam...

Phát biểu bế mạc Hội Thảo, bà Bùi Thị Thơm, Phó chủ tịch Trung ương Hội NDVN đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các nhà chuyên gia, các lãnh đạo  Hội ND các tỉnh, thành phố, những ý kiến góp ý sẽ được Tổ biên tập Chuyên đề “Phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng cộng đồng nông thôn trước xu thế biến đổi giai tầng ở nông thôn” lựa chọn, tiếp thu trong quá trình biên tập.

Bà Bùi Thị Thơm nhận định, sau 20 năm thực hiện Nghị Quyết số 23- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, các cấp Hội đã có nhiều cố gắng trong thực hiện sứ mệnh trung tâm và nòng cốt của mình. Đây là lúc chúng ta tổng kết để đánh giá những thành tựu, chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân đề từ đó đề xuất các giải pháp tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt trong xây dựng cộng đồng nông thôn nhằm góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.

Trong 20 năm qua, các cấp Hội đã thể hiện vai trò trung tâm và nòng cốt của mình hướng dẫn, tập hợp nông dân vào tổ chức Hội với nhiều cách làm hay, sáng tạo. Ngoài các phương pháp tập hợp truyền thống theo các chi, tổ hội theo địa bàn dân cư, các cấp Hội đã xây dựng nhiều mô hình tập hợp nông dân mới như các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, các câu lạc bộ nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã. Qua đó đã tuyên truyền, vận động nông dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng các thôn, ấp, bản, làng văn hóa, sáng xanh, sạch, đẹp;  bảo đảm an ninh trật tự xã hội ở nông thôn, hạn chế các mâu thuẫn nội bộ nông thôn…

Về giải pháp thực hiện hai nhiệm vụ to lớn này, có nhiều điều phải bàn, phải nghiên cứu tiếp, nhưng tại Hội thảo, về cơ bản thống nhất một số điểm sau:

Thứ nhất, các ý kiến thảo luận đã chỉ ra một số xu hướng biến đổi giai tầng nông thôn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là: (i) Sự phân tầng xã hội theo thu nhập hay sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt hơn ở nước ta; (ii) Chuyển dịch lao động nông thôn – thành thị  và ngược lại vẫn sẽ tiếp tục diễn ra như một xu thế tất yếu; (iii) Chuyển dịch lao động nông thôn giữa các vùng kinh tế; (iv) Chuyển dịch lao động nông thôn sang lĩnh vực phi nông nghiệp làm giảm lao động thuần nông.

 Thứ hai, trước xu thế đó, Đảng và Nhà nước phải đổi mới chính sách, cơ chế mới để phát huy mọi khả năng sáng tạo của nông dân, quyền chủ động của người dân nông thôn tham gia vào quá trình sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa mới ở nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của nông thôn Việt Nam.

 Thứ ba, phải tập trung đào tạo, nâng cao năng lực của nông dân. Tăng cường chuyển giao khoa học, công nghệ về nông thôn, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, chuyển đổi số… để người dân nông thôn tiếp cận nhanh chóng với công nghệ hiện đại, từ đó đổi mới tư duy kinh tế, chủ động thay đổi phương thức sản xuất, chuyển từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang hợp tác sản xuất và sản xuất theo chuỗi.

Thứ tư, phải phát triển thị trường tài chính, tín dụng vi mô ở nông thôn để người dân tiếp cận được nguồn vốn cho phát triển sản xuất. Khuyến khích nông dân xây dựng và tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, từng bước đổi mới phương thức sản xuất theo hướng xã hội hóa, liên kết hóa...

 Thứ năm, phải thường xuyên quan tâm giáo dục, xây dựng ý thức cộng đồng cho hội viên, nông dân; để mỗi hội viên, nông dân đều tự giác giữ gìn lòng tự hào và lòng tự tôn dân tộc, biết đồng cảm và chia sẻ khi đồng bào mình gặp khó khăn và khi cần thiết, biết đặt lợi ích của dân tộc và của cộng đồng lên trên lợi ích của chính bản thân mình; sẵn sàng tham gia các hoạt động xây dựng cộng đồng văn minh, văn hóa; biết giữ gìn cảnh quang môi trường nông thôn; ý thức sản xuất nông sản có trách nhiệm với gia đình, với cộng đồng và xã hội.

 Thứ sáu, phải chăm lo xây dựng và phát huy vai trò nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp ở nông thôn để đa dạng hóa sự tập hợp, tuyên truyền, vận động nông dân, đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Đặc biệt là phải có chính sách đào tạo, bổi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ hội nông dân các cấp để thu hút, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội tâm huyết, năng lực, trách nhiệm./.