Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội đồng hành và hỗ trợ hội viên tham gia kinh tế tập thể

Tuệ Mẫn - 07:25 18/09/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (ND) tỉnh Quảng Bình luôn tích cực tuyên truyền, định hướng, khuyến khích hội viên nông dân tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể... góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Sự đồng hành và định hướng của các cấp Hội 
Ông Trần Tiến Sỹ - Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Bình cho biết: Các cấp Hội ND Quảng Bình đã xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai nhiều hoạt động tiếp sức cho các mô hình kinh tế tập thể do nông dân thực hiện như: hỗ trợ vốn vay; tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ; hỗ trợ pháp lý thành lập HTX, THT… Đặc biệt, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình, điển hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mô hình liên kết sản xuất, chế biến có hiệu quả được các cấp Hội phát hiện, bồi dưỡng, hỗ trợ và nghiên cứu, đề xuất nhân rộng.
Để hỗ trợ người dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, Hội ND tỉnh đã tổ chức các chương trình giúp các chủ thế tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Toàn tỉnh hiện có 146/150 xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội thực hiện ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, quản lý 823 Tổ tiết kiệm và vay vốn với gần 30.000 thành viên; Quỹ Hỗ trợ ND toàn tỉnh đến nay đạt trên 56 tỷ đồng. Cũng từ nguồn vốn vay, đã có nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi thành lập các doanh nghiệp, HTX nhằm mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Kinh tế hợp tác phát triển góp phần rất lớn vào quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn của tỉnh.

Ông Trần Tiến Sỹ - Chủ tịch Hội ND Quảng Bình (ngoài cùng bên trái) thăm và lắng nghe những chia sẻ của các hộ sản xuất điển hình trên địa bàn.
Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ, Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình đã tập trung chỉ đạo thành lập câu lạc bộ sản xuất giỏi, chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, là cơ sở để phát triển THT, HTX. Đến nay, toàn tỉnh có 430 hợp tác xã, 631 tổ hợp tác, trong đó có 302 hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản; 88 hợp tác xã, 179 tổ hợp tác do Hội Nông dân vận động, hướng dẫn thành lập.
Trong đó, có nhiều điển hình THT, HTX sản xuất kinh doanh hiệu quả như: Tổ hội nghề nghiệp nuôi cá lóc ở xã Ngư Thuỷ; dự án chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi cá nước ngọt thương phẩm ở xã Hàm Ninh; nuôi trồng thuỷ sản ở thị trấn Quán Hàu; khai thác hải sản xa bờ ở xã Cảnh Dương; sản xuất chế biến nước mắm ở phường Quảng Thọ; sản xuất mây xiên ở xã Quảng Văn; trồng rau ứng dụng công nghệ cao ở xã Thanh Hoá…
Các cấp Hội ND Quảng Bình đã phối hợp tổ chức 8 lớp tập huấn, tuyên truyền cho hơn 850 lượt cán bộ, hội viên và các giám đốc hợp tác xã, tổ trưởng tổ hợp tác về kinh tế tập thể; tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm, đề xuất thực hiện các dự án, tư vấn cho các hợp tác xã đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, lập hồ sơ tham gia xét chọn sản phẩm OCOP.
Hiện nay, các cấp Hội ND trong tỉnh đang tăng cường hỗ trợ các THT, HTX trong quảng bá giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, xúc tiến các hoạt động liên kết với các doanh nghiệp, đưa sản phẩm và nông dân lên các sàn giao dịch điện tử…  
Chủ thể kiến tạo, phát triển và thụ hưởng
Xuất phát từ nhu cầu vươn lên làm chủ cuộc sống, nâng cao mức thu nhập và có việc làm hàng ngày, ông Lê Quang Hoản - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông sản sạch Sen Thủy (huyện Lệ Thủy) đã không ngừng nỗ lực tìm hướng đi cho các sản phẩm kết tinh từ những bàn tay lao động miệt mài và khối óc sáng tạo của các thành viên. Năm 2019, HTX thành lập với 15 thành viên chính thức và 30 thành viên liên kết. Ngành nghề kinh doanh chủ yếu của HTX là trồng tiêu, trồng các loại cây ăn quả có múi, nuôi ong lấy mật, trồng rừng…

Ông Hoàng Văn Hoản - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông sản sạch Sen Thủy bên sản phẩm đạt chuẩn OCOP của mình.
Riêng diện tích trồng tiêu hiện tại của HTX khoảng 25ha bao gồm cả liên kết, sang năm 2024 HTX dự kiến mở rộng lên 40ha, hiện HTX đang chuẩn bị tập huấn cho các hộ tham gia tại các xã Sen Thủy, Thái Thủy, Nông trường Lệ Ninh, Trường Thủy. Từ khi chuyển đổi hoạt động theo mô hình HTX, ông Hoản cùng các thành viên đã đầu tư mở rộng về cơ sở sản xuất, các sản phẩm được in nhãn mác, địa chỉ cụ thể rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nhờ đó, các sản phẩm của HTX sản xuất kinh doanh nông sản sạch Sen Thủy đã được nhiều khách hàng biết tới và sẵn sàng đón nhận. Việc hướng tới xây dựng chuỗi sản xuất khép kín sẽ tạo động lực mạnh mẽ để HTX phát triển.
HTX thu mua tiêu tươi về sơ chế và đóng gói, nhãn mác sau đó đem bán cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Doanh thu hàng năm dao động từ 1,8 – 2 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động và mùa vụ có lúc lên đến hàng chục lao động.
Những nỗ lực của HTX đã đóng góp tích cực vào thay đổi diện mạo kinh tế nông thôn. Sản phẩm của HTX đã đạt chuẩn OCOP nên các thành viên trong HTX càng vững tin, tâm huyết, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, năng động tìm thị trường, đơn vị bao tiêu sản phẩm. Hiện tại, HTX có sản phẩm hồ tiêu  (tiêu hạt sấy lạnh) đạt OCOP 3 sao năm 2021 và năm 2023 này đang gửi hồ sơ để công nhận đạt chuẩn 4 sao.
“Hạt tiêu được những người nông dân cần cù ở xã Sen Thủy có nhiều năm kinh nghiệm trồng hồ tiêu theo quy trình hữu cơ, thuận tự nhiên, trên vùng đất đỏ bazan với nền khí hậu khắc nghiệt miền tây nam huyện Lệ Thủy, được thiên nhiên ban tặng nguồn nước tưới tinh khiết từ hồ Bàu Sen nên hạt tiêu ở đây rất đặc biệt đó là hạt nhỏ, thơm, cay nồng mà không nơi nào có được”, ông Hoản chia sẻ thêm.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều mô hình HTX đạt hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cho thấy sự tích cực vào cuộc của Hội ND các cấp, sự chủ động trong tư duy, cách làm của người nông dân trong liên kết sản xuất, thành lập và phát triển kinh tế tập thể, tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, hình thành vùng hàng hóa chuyên nghiệp.