Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Phiên họp 39 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Còn nhiều băn khoăn quanh việc tăng thuế suất 5% cho mặt hàng phân bón

Minh Tú - 07:31 15/11/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sáng 14/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tiến hành Phiên họp thứ 39. Tại Phiên họp, Ủy ban Tài chính Ngân sách báo cáo hiện nay vẫn còn một số đại biểu Quốc hội chưa thống nhất về nội dung chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%. Do đó, Thường trực Uỷ ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo về việc lấy ý kiến đại biểu Quốc hội.

Đối tượng nào chịu thuế Giá trị gia tăng

Điều 2, Luật Thuế Giá trị gia tăng năm 2008 quy định: “Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.”. Như vậy, thuế GTGT là khoản thuế chỉ áp dụng đối với phần giá trị tăng thêm, không áp dụng đối với toàn bộ giá trị của hàng hóa, dịch vụ. Về bản chất, thuế GTGT là một loại thuế gián thu, tiền thuế được cấu thành trong giá cả hàng hóa, dịch vụ và người mua hàng sẽ là người cuối cùng chịu thuế, người nộp thuế chỉ đóng vai trò là người thay thế người mua hàng thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước.
Trong Kỳ họp thứ 8, nhiều ĐBQH đã phân tích rõ, căn cứ theo quy định luật pháp, người cuối cùng phải chịu thuế chính là người nông dân tiêu thụ sản phẩm phân bón. Việc chuyển phân bón sang chịu thuế suất 5% thì người nông dân sẽ phải chịu tác động lớn do giá phân bón sẽ tăng khi có thuế VAT, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp. Năm 2024, đất nước đang chứng kiến nhiều thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng trong đó có bão Yagi khiến nông nghiệp thiệt hại rất lớn, chưa biết bao giờ có thể khôi phục lại. Sản xuất nông nghiệp đang khó khăn, nếu tăng thêm thuế thì có thể ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế của người nông dân trên bình diện cả nước.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật

Vào phiên họp thảo luận trước đây của UBTVQH tháng 8/2024, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đã phân tích, theo quy định hiện hành, phân bón không chịu thuế chứ không phải đánh mức thuế 0%. Do không chịu thuế nên không thể khấu trừ, hoàn thuế đầu vào cho doanh nghiệp.

“Chúng tôi có xem lại toàn bộ báo cáo đánh giá tác động của ban soạn thảo. Nếu đánh thuế 5% với phân bón, mỗi 1 năm, Nhà nước thu khoảng 5.700 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp được hoàn thuế 1.500 tỷ đồng; ngân sách Nhà nước thu được 4.200 tỷ đồng. Thu của người nông dân 5.700 tỷ đồng mà bảo là giảm giá bán thì không thuyết phục”, ông Giang nói.

Còn nhiều ý kiến trái chiều

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo số 1035/BC-UBTVQH15 ngày 28/10/2024 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) gửi tới các vị đại biểu Quốc hội. Chính phủ đã có Công văn số 692/CP-PL ngày 21/10/2024 về ý kiến đối với nội dung dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu và dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Trên cơ sở các ý kiến thảo luận của ĐBQH tại hội trường ngày 29/10/2024, Thường trực Uỷ ban Tài chính, Ngân sách đã dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật (trình kèm). Ngày 11/11/2024, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã tổ chức buổi làm việc với Cơ quan soạn thảo và đã cùng thống nhất phương án xử lý một số nội dung trong dự thảo Luật.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/11, báo cáo một số vấn đề còn ý kiến khác nhau trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách - Lê Quang Mạnh cho biết, về việc chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%, nội dung này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ, chuyển phân bón, máy móc nông nghiệp và tàu khai thác thuỷ sản từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế 5% như được thể hiện tại dự thảo Luật và Báo cáo giải trình tiếp thu số 1035/BC-UBTVQH15 đã trình Quốc hội.

Trong các phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 về Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), có ĐBQH nhất trí với dự thảo Luật của Chính phủ, chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang áp dụng thuế suất 5%. Có ý kiến khác đề nghị giữ như quy định hiện hành, vì lo ngại khi đánh thuế 5% sẽ làm tăng mặt bằng giá phân bón trên thị trường và người nông dân sẽ phải chịu tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm nông nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ ý kiến tăng thuế

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có ý kiến lo ngại khi chuyển phân bón sang chịu thuế 5% thì người nông dân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, nếu các doanh nghiệp trong nước cấu kết với tư thương bán hàng nhập khẩu, nâng giá bán gồm cả phần thuế GTGT phải nộp làm tăng mặt bằng giá phân bón, dẫn đến tăng giá thành sản xuất nông nghiệp. Trên thực tế, phân bón nhập khẩu khi bán ra có thể bị tăng giá tương ứng với chi phí thuế GTGT phải nộp, song tỷ trọng phân bón nhập khẩu hiện chỉ chiếm 27% thị phần trong nước nên giá bán của phân bón nhập khẩu cũng phải điều chỉnh theo mặt bằng của thị trường khi phân bón sản xuất trong nước có xu thế và dư địa giảm giá, do được khấu trừ hoặc hoàn thuế GTGT đầu vào nên sẽ cắt giảm được chi phí, hạ giá thành sản xuất. 

Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách trình bày báo cáo tại Phiên họp 39 UBTVQH

Bên cạnh đó, mặt bằng giá còn đặt trong xu thế giảm giá chung của thị trường phân bón thế giới sau khi hết dịch Covid-19. Đồng thời, phân bón hiện là mặt hàng được nhà nước bình ổn giá, vì vậy các cơ quan quản lý chức năng có thể sử dụng các biện pháp quản lý thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước lợi dụng chính sách mới ban hành, cấu kết với tư thương để có các hành vi trục lợi, gây biến động lớn về giá trên thị trường, làm ảnh hưởng đến khu vực nông nghiệp.

Do đó, để xử lý những bất cập trong chính sách đối với ngành sản xuất phân bón thời gian qua, UBTVQH xin được giữ như dự thảo Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Tiếp tục lấy ý kiến ĐBQH

Phát biểu kết luận nội dung này trong Phiên họp sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Tiếp tục lấy ý kiến ĐBQH về nội dung áp thuế giá trị gia tăng đối với phân bón

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, nội dung áp thuế giá trị gia tăng đối với phân bón sẽ được đưa ra lấy ý kiến đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo thực hiện các bước theo quy định, tiếp tục rà soát, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, hoàn thiện báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, lưu ý rà soát để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật, thực hiện chủ trương đổi mới của Nhà nước, Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật, đảm bảo chất lượng dự án Luật trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Chủ tịch Quốc hội: Chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí bảo đảm chất lượng
Sáng 12/11, thực hiện Nghị trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Kết thúc Phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thông tin, truyền thông bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, phát triển; chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí bảo đảm chất lượng và các chỉ đạo quan trọng khác.