Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi

Đức Cảnh - 08:36 15/11/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn)-Chàng trai trẻ Phan Đăng Vượng, ở thôn 3, xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh đã mạnh dạn đưa cây dược liệu – ba kích tím về trồng trên đất đồi. Dù mới thử nghiệm nhưng bước đầu mô hình đã cho tín hiệu vui, mở ra hướng đi mới cho người dân miền núi.

Thời gian gần đây, vườn cây dược liệu (cây ba kích) của anh Phan Đăng Vượng, ở thôn 3, xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh thu hút sự quan tâm, theo dõi của dư luận. Bởi lẽ, đây loại cây trồng lần đầu tiên được thử nghiệm trên đất đồi Vũ Quang, đang phát triển tốt, nhận thấy phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Phan Đăng Vượng đã ra Bắc tìm kiếm việc làm, lăn lộn đủ nghề mà thu nhập vẫn không đáp ứng được cuộc sống. Tình cờ qua những chuyến ghé thăm nhà người bạn, anh Vượng rất ấn tượng với mô hình trồng cây ba kích tím.

Cây dược liệu (ba kích) lần đầu được trồng thử nghiệm trên đất đồi Vũ Quang cho thấy rất phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu

Qua tìm hiểu, cây ba kích tím dễ trồng, phát triển tốt ở các vùng đất đồi, cho năng suất củ cao, chu kỳ khai thác chỉ hơn ba năm. Trong khi chi phí đầu tư, kỹ thuật thâm canh phù hợp với điều kiện sản xuất của người dân, thị trường đầu ra thuận lợi. Nhận thấy so với nhiều loại cây trồng khác, cây ba kích có ưu điểm nổi trội nên anh đã quyết định trở về quê hương để lập nghiệp, phát triển loài cây dược liệu này.

Anh Phan Đăng Vượng, ở thôn 3, xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: "Tôi học hỏi mô hình trồng ba kích tím ở các tỉnh phía Bắc. Nhận thấy đây là loài cây trồng đem lại lợi nhuận kinh tế, thị trường tiêu thụ thuận lợi nên cuối năm 2022, tôi đã mạnh dạn đầu tư gần 600 triệu đồng để thuê máy móc san ủi mặt bằng, mua cây giống về trồng thử nghiệm”.

Được biết, ban đầu khi nghe anh Vượng bàn bạc và thuyết phục, bố mẹ anh cũng khá lo lắng vì đây là mô hình mới trên địa bàn, chưa có ai trồng. Dù vậy, trước ý chí, quyết tâm và mong muốn đưa cây ba kích tím phát triển trên vùng đất quê hương, bố mẹ anh vẫn ủng hộ và tạo mọi điều kiện để anh thực hiện ước mơ của mình.

Vườn cây dược liệu phát triển tốt sau một thời gian chăm sóc

Nhờ kiên trì, chịu khó học hỏi và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, sau hơn hai năm trồng và chăm sóc, vườn ba kích tím với diện tích gần 2ha của anh Vượng đã sinh trưởng và phát triển tốt, rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương.

Được biết, ba kích tím là loại cây dây leo, có thể sống lâu năm, chịu hạn tốt và ít bị sâu bệnh hại. Hiện nay, cây ba kích được xem là loại dược liệu quý của vùng rừng núi, nhiều người biết đến bởi công dụng làm thuốc chữa bệnh, thành phần trong một số loại thực phẩm chức năng tốt cho sức khỏe, có thể dùng tươi hoặc qua chế biến, bào chế thuốc của các cơ quan sản xuất dược.

Anh Vượng cũng cho biết thêm: Cây ba kích tím không khó trồng nhưng để đạt tỷ lệ sống cao, cây sinh trưởng tốt đòi hỏi người trồng phải làm tốt các khâu từ chọn giống, làm đất cho tới chăm sóc. Ngoài ra, vì là cây dược liệu lấy củ nên tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ khi làm đất. Các loại phân sử dụng phù hợp cho cây ba kích tím chủ yếu là phân chuồng hoai mục.

Bên cạnh đó phải chú trọng khâu làm cỏ, xới đất. Trong 2 năm đầu, mỗi năm anh Vượng làm cỏ, xới đất 4 đến 5 lần giúp đất tơi xốp, cây và bộ rễ phát triển nhanh.

Giá trị kinh tế của cây ba kích tím mang lại cao, thị trường tiêu thụ lớn, từ khi trồng đến lúc thu hoạch mất khoảng 3 - 3,5 năm. Theo tính toán của anh Vượng, 1ha trồng hơn 20.000 cây ba kích tím, mỗi cây cho khoảng từ 3 - 4 củ, trọng lượng từ 1,5 - 2kg; giá bán củ ba kích dao động từ 120.000 - 140.000đồng/kg như hiện nay thì 1ha ba kích đem về nguồn thu hàng tỷ đồng cho người trồng.

Thực tế cho thấy, dù mới trồng thử nghiệm nhưng bước đầu cây ba kích tím đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho gia đình anh Phan Đăng Vượng, như: Cây phù hợp với đất đai, khí hậu địa phương; bộ rễ phát triển tốt, lá luôn xanh mướt…

Anh Phan Đăng Vượng chăm sóc vườn dược liệu của mình (Ảnh: Baohatinh.vn)

Để giảm giá thành đầu tư, chủ động nguồn cây giống cho tái sản xuất và có thể cung cấp cho người dân có nhu cầu, hiện tại anh Vượng đã xây dựng thành công khu vườn ươm với trên hai nghìn bầu giống cây ba kích tím khỏe mạnh. Ngoài chủ động được nguồn cây giống, anh Vượng còn sẵn sàng hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ đầu ra cho các hộ dân có nhu cầu trồng cây ba kích tím, giúp họ yên tâm sản xuất và phát triển loại cây dược liệu này trên vùng đất Vũ Quang.

Ông Trần Cao Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang, cho hay: “Điều đáng quý và khâm phục ở chàng trai hiền lành, nhỏ nhắn Phan Đăng Vượng đó là tinh thần dám nghĩ, dám làm, luôn tìm tòi, học hỏi để nâng cao kiến thức và kinh nghiệm trong sản xuất”.

“Những tín hiệu vui từ mô hình trồng cây dược liệu - ba kích tím của chàng trai trẻ Phan Đăng Vượng đang mở ra nhiều triển vọng cho bà con nhân dân xã Thọ Điền trong việc lựa chọn và phát triển các loại cây trồng phù hợp, mang lại hiểu quả kinh tế cao, góp phần làm giàu trên chính quê hương mình”, ông  Trần Cao Cường cho biết thêm.

Xây dựng Nông thôn mới an toàn trước thiên tai ở Hà Tĩnh (Bài 2): Đổi thay vùng “rốn lũ”
(Tapchinongthonmoi.vn) – Khó khăn về điều kiện tự nhiên đã có lúc khiến không ít người dân xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh tính chuyện rời đi nhằm thoát khỏi ám ảnh mỗi khi mùa mưa lũ đến. Vậy nhưng, từ khi xây dựng nông thôn mới những suy nghĩ đó đang dần thay đổi, Điền Mỹ giờ đây đã an toàn hơn nhờ hệ thống hạ tầng được nâng cấp, diện mạo nông thôn đang từng ngày “thay da đổi thịt”.