Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hơn 2.000 sản phẩm OCOP được giới thiệu tại Thủ đô Hà Nội

17:19 25/07/2020 GMT+7
Ngày 24/7, tại không gian biểu diễn nghệ thuật và ẩm thực quận Tây Hồ (Hà Nội), Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương tổ chức khai mạc chương trình giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền

Ngày 24/7, tại không gian biểu diễn nghệ thuật và ẩm thực quận Tây Hồ (Hà Nội), Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương tổ chức khai mạc chương trình giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc. Sự kiện này sẽ diễn ra từ ngày 24 dến hết ngày 27/7/2020.

Du khách thăm quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP. Ảnh: Hương Giang.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Chu Phú Mỹ – Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, đây là lần thứ hai sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Hồng. Dự kiến, tháng 9/2020 sẽ diễn ra sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP gắn với các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên; tháng 11/2020 sẽ diễn ra sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh, thành đồng bằng Nam bộ. Các sự kiện này đều được tổ chức trong không gian biểu diễn văn hóa nghệ thuật ẩm thực đường phố ở quận Tây Hồ, TP. Hà Nội.

Sự kiện lần này quy tụ 150 gian hàng, gồm 550 sản phẩm OCOP và trên 2.000 sản phẩm tiềm năng, sản phẩm đặc sản vùng miền của 27 tỉnh, thành phố trong cả nước (15 tỉnh miền núi phía Bắc và 11 tỉnh, thành Đồng bằng sông Hồng và TP. Hà Nội). Rất nhiều sản phẩm đặc sản vùng miền đã góp mặt như chè Thái Nguyên, bánh chưng Bờ Đậu, thịt trâu khô Sơn La, quế Trà Bông,…

Trong chuỗi các hoạt động của sự kiện có trình diễn văn hóa ẩm thực với các món ăn đặc sản mang đậm bản sắc vùng miền và thưởng lãm tác phẩm biểu trưng của sự kiện kết tinh từ các sản phẩm OCOP của Hà Nội và các vùng miền, được những nghệ nhân của Hà Nội thực hiện. Ngoài ra, còn có trên 200 tác phẩm sinh vật cảnh tiêu biểu của Thủ đô cũng được trưng bày.

Trong khuôn khổ sự kiện cũng diễn ra buổi Hội thảo kết nối giao thương sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng tham gia OCOP, với mục đích kết nối các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng vào các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online… để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Ông Chu Phú Mỹ cũng cho biết thêm, trong khuôn khổ Hội thảo kết nối giao thương sản phẩm OCOP, chiều ngày 24/7, đã có 24 biên bản hợp tác ghi nhớ về tiêu thụ sản phẩm giữa các tập đoàn, doanh nghiệp, siêu thị lớn với 15 tỉnh miền núi phía Bắc; 140 biên bản hợp tác ghi nhớ về tiêu thụ sản phẩm giữa các tập đoàn, doanh nghiệp, siêu thị lớn với các chủ thể có sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng OCOP tham gia sự kiện này và biên bản ghi nhớ về tiêu thụ sản phẩm giữa Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và 11 tỉnh miền núi phía Bắc với sự chứng kiến của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương.

Với sự thành công bước đầu trong công tác tổ chức sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ là tiền đề để Ban Tổ chức tiếp tục tổ chức các sự kiện tiếp theo được tốt hơn. Thông qua chương trình lần này sẽ tạo điểm nhấn, khẳng định vị thế, vai trò của sản phẩm OCOP trong nền kinh tế thị trường hiện nay và trong tương lai. Các biên bản ký kết giữa các đơn vị sản xuất và tiêu thụ sẽ sớm được triển khai thực hiện đồng bộ, tránh hình thức nhằm giúp các sản phẩm người sản xuất có chất lượng để người dân trong nước và quốc tế biết, nhận diện và tiêu thụ sản phẩm.

Khánh Linh