Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Khánh Hòa: Khai thác không phép núi Hòn Rồng, nguy cơ làng bản trên cao đổ sụp

03:00 26/10/2018 GMT+7

Nằm cheo leo bên suối Lách là cụm dân cư khoảng 30 hộ đồng bào dân tộc Raglai, toàn bộ khu vực đất đồi ở chân núi Hòn Rồng phía sau đã bị phá tan tành, tình trạng khai thác không phép này diễn ra gần 10 năm nay nhưng cơ quan chức năng không xử lý triệt để.

Ngoan cố khai thác dù cơ quan chức năng cảnh báo

Công ty TNHH một thành viên xây dựng công trình Tân Cảng (Công ty Tân Cảng) được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy phép thăm dò khoáng sản khu vực núi Hòn Rồng (H.Cam Lâm và TP.Cam Ranh) năm 2013, sau đó phê duyệt trữ lượng là 884.326m3 đất san lấp và 3,241 triệu m3 đá làm vật liệu xây dựng. Dù chưa được cấp phép, nhưng Công ty Tân Cảng đã ồ ạt khai thác.

Đại công trường khai thác khoáng sản không phép ở khu vực núi Hòn Rồng, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: Khanhhoaonline)

Ngày 12/1/2016, Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Khánh Hòa đã có công văn yêu cầu Công ty Tân Cảng chấm dứt mọi hoạt động khai thác khoáng sản đất, đá làm vật liệu xây dựng tại mỏ Hòn Rồng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác theo quy định. Đến ngày 10/9/2018, Sở TN-MT tiếp tục có văn bản yêu cầu Công ty Tân Cảng dừng mọi hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Tại khu vực núi Hòn Rồng, cơ quan chức năng cũng cấp phép cho một số đơn vị khai thác đất, đá phục vụ nâng cấp Quốc lộ 1 và thi công đường băng số 2 Sân bay quốc tế Cam Ranh. Đến nay, giấy phép đã hết hạn nhưng các đơn vị vẫn khai thác rầm rộ.

Sở TN-MT đã tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh vào tháng 3/2016. Sau đó, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố rà soát, thu hồi toàn bộ các quyết định cho phép cải tạo đất, thu hồi khoáng sản; Yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải dừng mọi hoạt động cải tạo đất và phục hồi môi trường trước ngày 30/4/2016.

Theo kết quả giám sát mới đây, một số đơn vị vẫn lợi dụng việc phục hồi môi trường để khai thác đất, đá tại núi Hòn Rồng. Ngày 12/7/2018, Sở TN-MT đã báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo yêu cầu các tổ chức, cá nhân khẩn trương hoàn thành công tác phục hồi môi trường. Ngày 7/8/2018, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo UBND huyện Cam Lâm thực hiện theo đề xuất của Sở TN-MT, hoàn thành trước ngày 30/10/2018.

Cheo leo làng bản trên cao

Nằm cheo leo bên suối Lách là bản dân cư có khoảng 30 hộ đồng bào dân tộc Raglai, toàn bộ khu vực đất đồi ở chân núi Hòn Rồng phía sau đã bị phá tan tành. Đại diện dân bản, ông Bo Linh cho biết:

Tình trạng khai thác này diễn ra gần 10 năm nay nhưng cơ quan chức năng không xử lý triệt để. Chính quyền lên kiểm tra thì họ tắt máy không làm việc, khi vừa đi khỏi thì họ nổ máy làm tiếp. Người dân lo nhất là xe tải chạy bạt mạng, rất nguy hiểm cho trẻ con vui chơi gần đó.

Cách đây khoảng 3 năm, tình trạng khai thác cát không ồ ạt như bây giờ. Hiện nay, nhiều khu vực trước kia là đất canh tác nay đã bị múc đất bán để lại những hố sâu khổng lồ, nhiều đoạn trước kia là đất của người dân nay đã sạt lở xuống suối.

Ông Cao Điệp Phới -Phó chủ tịch UBMTTQ TP.Cam Ranh, Trưởng ban Dân tộc HĐND TP.Cam Ranh cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần khảo sát khu vực này và cảm nhận được sự nguy hiểm nếu tình trạng khai thác đất, cát cứ tiếp tục diễn ra.

Ao nước tắm của trẻ em bản làng bị bao vây bởi công trường khai thác đá không phép, nguy hiểm chực chờ.

Không chỉ ảnh hưởng nặng về môi trường sống, khu vực này còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, trôi nhà cửa của đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc thù ở đây là các hộ sống dọc theo triền đất dọc suối Lách, trong khi ở phía dưới ngày đêm khai thác khoáng sản gây sạt lở, hàm ếch. Nếu có một trận mưa lớn thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thành Trung -Phó chủ tịch UBND TP.Cam Ranh, thông tin: “Trong cuộc họp giao ban ngày 25/10, lãnh đạo UBND xã Cam Thành Nam đã nhận khuyết điểm và cam kết sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý mạnh hơn nữa nạn khai thác khoáng sản trái phép ở khu vực suối Lách.

UBND thành phố sẽ lập phương án chi tiết để phân công lực lượng chốt chặn tại khu vực này trong một tháng, nếu không giảm sẽ có những giải pháp bổ sung để chấm dứt tình trạng này”.

Đại Hữu