Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Khát” giữa vùng sông nước và sự trăn trở nơi nghị trường

Nam Sơn - 07:50 02/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nhiều Đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng khi nhiều nơi, bên cạnh bão, lũ, người dân giờ đây phải đối diện với hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Đời sống người dân sẽ khó kh ăn hơn, người nghèo nhiều vùng nông thôn buộc phải rời bỏ nhà cửa, ruộng đồng để di cư đến nơi khác.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đang diễn ra tại Hà Nội. Nguồn: Quốc hội

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đang diễn ra tại Hà Nội. Hàng loạt nội dung quan trọng đã và đang được đặt lên bàn nghị sự, trong đó, vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bên cạnh những điểm sáng, vẫn còn nhiều điều trăn trở, nhất là tình trạng “khát” nước.

Nông dân khốn đốn vì hạn hán, xâm nhập mặn

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Trần Văn Sáu (đoàn Đồng Tháp) dẫn báo cáo của Chính phủ cho thấy thiên tai, hạn hán, bão lũ, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan, sạt lở tiếp tục diễn biến khó lường, gây hậu quả nặng nề.

Đối chiếu 6 yếu tố trên, ông cho rằng, dường như có mặt đầy đủ ở Đồng bằng sông Cửu Long. Người dân nơi đây lo lắng sống chung với lũ, giờ lại sống chung với hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở luôn rình rập, bủa vây.

Điều mà theo đại biểu là không thể tưởng tượng hết khi ở vùng đồng bằng sông nước mà bà con phải thức đêm đi nhiều cây số để xin từng xô nước cứu trợ. Năm 2024, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biết khốc liệt hơn và dường như không có điểm dừng, 11/13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phải ban bố tình trạng khẩn cấp về hạn mặn.

Nhiều giải pháp cấp bách đã được triển khai, như trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, khởi động xây dựng lại các hồ chứa nước ngọt, thay đổi tập quán canh tác,... Chính phủ, bộ, ngành, chính quyền và nhân dân trong vùng đã tập trung nhiều giải pháp, nhưng tình hình vẫn còn nhiều khó khăn.

Do đó, đại biểu Trần Văn Sáu đề nghị Chính phủ quan tâm, nghiên cứu và có chính sách thực hiện một số giải pháp mà các nhà khoa học đã khuyến cáo. Trong đó, cần tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát, nâng cao năng lực dự báo hạn mặn.

Nhiều kênh rạch được đào để tháo chua, rửa phèn, đưa phù sa vào đồng ruộng, biến những cánh đồng chết thành những vựa lúa, nhưng giờ đây cũng những con kênh này lại dẫn nước biển vào đồng ruộng. Hệ thống sông ngòi chằng chịt, xâm nhập mặn ở diện rộng nên rất cần phải dự báo thường xuyên, chính xác để kịp thời ứng phó. Cùng với đó là khuyến cáo người dân thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho phù hợp.

Đại biểu Trần Văn Sáu. Nguồn: Quốc hội

Bên cạnh đó, theo ông Trần Văn Sáu, việc quản lý, khai thác tài nguyên nước dưới mặt đất và khoáng sản hợp lý cũng là giải pháp cần được quan tâm. Khai thác nước dưới đất chưa phù hợp dẫn đến tình trạng sụt lún, cũng như khai thác cát ở các lòng sông quá mức dẫn đến hạ thấp đáy sông, tạo điều kiện thuận lợi cho nước xâm nhập mặn sâu vào đồng ruộng.

“Hiện nay có khuyến cáo cần nghiên cứu xây dựng đập ngầm, đây là giải pháp mang tính tham khảo đối với Việt Nam, giải pháp này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Khi nước mặn có tỷ trọng lớn hơn nước ngọt sẽ nằm ở dưới nước ngọt. Việc xây dựng các đập ngầm có tác dụng vừa ngăn mặn, vừa không ảnh hưởng đến sự di chuyển của tàu bè” – ông Sáu nói.

Ưu tiên các nguồn vốn cũng là vấn đề cần phải đặt ra để khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các hệ thống công trình giữ nước ngọt, nhất là vùng Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười. Đây được xem là giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để “giải cơn khát” nước ngọt cho vùng. Đồng thời, sớm triển khai quy hoạch cấp nước cho vùng, đảm bảo hệ thống cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Đại biểu Trần Văn Sáu cho rằng, về lâu dài cần xây dựng hệ thống đê biển cùng với các cống, đập kiểm soát xâm nhập mặn, ứng phó với mực nước biển dâng. “Đây không chỉ là ngăn mặn mà là câu chuyện duy trì lãnh thổ quốc gia khỏi sạt lở, sụt lún, nước biển dâng. Nếu chúng ta không hành động kịp thời, chỉ vài chục năm nữa sẽ không còn Đồng bằng sông Cửu Long”, vị đại biểu đoàn Đồng Tháp cảnh báo.

Hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt khiến đời sống người dân khó khăn hơn, thu nhập giảm, người nghèo ven biển nông thôn buộc phải rời bỏ nhà cửa, ruộng đồng để di cư đến nơi khác. Đại biểu Trần Văn Sáu dẫn số liệu 10 năm qua có khoảng 1,7 triệu người di cư khỏi Đồng bằng sông Cửu Long, cao gấp đôi mức bình quân của cả nước, nên rất cần phải quy hoạch và bố trí lại dân cư, ưu tiên nguồn vốn cho công việc này.

“Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn là một hiện tượng và đã trở thành bình thường mới, cho thấy sự cần thiết phải hành động, vì những thiệt hại và mất mát vượt quá khả năng chống chịu và thích ứng của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, rất cần được sự quan tâm của Chính phủ” – đại biểu kiến nghị.

Thủy lợi đã được quan tâm đúng mức?

Trước thực tế những năm gần đây khi bước vào mùa khô hạn, tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất kinh doanh trở thành vấn đề nóng ở nhiều nơi, nhất là ở ĐBSCL và Tây Nguyên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk) băn khoăn việc khắc phục như thế nào để người dân không phải loay hoay, khốn đốn.

Thời gian vừa qua, Chính phủ có chỉ đạo các bộ ngành vào cuộc cùng với địa phương, các lực lượng vũ trang cũng hỗ trợ, nhưng theo đại biểu, đó chỉ mang tính giải pháp trước mắt, chưa mang tính bền vững. Do đó, Chính phủ cần quan tâm có giải pháp tháo gỡ.

Trước hết, nữ đại biểu đề nghị cần bố trí nguồn kinh phí để giải quyết vấn đề liên quan thủy lợi. Bởi, theo dõi quá trình trong thời gian vừa qua, bà thấy rằng đầu tư cho hạ tầng giao thông là chủ yếu, còn liên quan thủy lợi chưa đặt đúng trọng tâm, đúng yêu cầu. Địa phương rất cần được hỗ trợ để mở rộng, gia cố các công trình thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa nước dự phòng để đảm bảo nguồn nước khi bước vào mùa khô, hạn.

Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre) lưu ý cấp nước sạch, nước ngọt cho người dân là một trong những vấn đề quan trọng. Nước là một mặt hàng thiết yếu không thể thiếu trong sinh hoạt và trong sản xuất, kinh doanh. HƠn nữa, tình trạng thiếu nước bây giờ không chỉ ở Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, ông kiến nghị hành động mạnh mẽ và thực hiện quyết liệt các chương trình đang có, để làm sao vấn đề hạn, mặn không còn lặp lại.

Cũng trên nghị trường, đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) nhấn mạnh cần thực hiện tốt công tác đánh giá, phân tích, dự báo, nhất là dự báo về biến đổi khí hậu, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, từ đó có định hướng và các giải pháp phù hợp cho từng năm, từng giai đoạn đối với từng vùng miền, giúp cho việc phát triển nông nghiệp đạt mức độ an toàn cao, phát huy hiệu quả, chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp có thiên tai, sự cố xảy ra, khắc phục cho được tình trạng bị động ứng phó trong thời gian qua./.

“Cử tri và Nhân dân còn lo lắng về tình hình thời tiết cực đoan, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, nhất là ở khu vực miền núi, Tây Nguyên, Tây Nam bộ; mưa bão gây sạt lở đất ở vùng núi, ven sông, suối ở vùng Tây Bắc…”

Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết khi trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.