Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Khát vọng đổi thay và tinh thần phụng sự Tổ quốc của người đảng viên nông dân vùng biên giới

Bùi Ánh - 11:30 08/04/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Không chỉ là gương sáng điển hình về làm kinh tế giỏi, đảng viên Lê Thanh Hải - Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Phú Lâm (xã Phú Gia, Hương Khê, Hà Tĩnh) còn lan tỏa khát vọng và niềm tin vượt khó cho đồng bào tại dải đất vùng biên cương đầy nắng và gió. Hành trình ấy thấm đẫm nước mắt và chông gai, đổi lại là những thành quả hết sức ngọt ngào.

Đảng viên đi trước, làng nước theo sau

Thôn Phú Lâm thuộc xã Phú Gia của huyện miền núi Hương Khê, khu vực vùng biên từng có một thời khó khăn đủ bề, đồng bào quay quắt trong nỗi lo cơm áo gạo tiền. Nhưng đó là kí ức xưa cũ, nay sức sống nông thôn mới đã hiện hữu khắp đầu làng, cuối ngõ. Trong cuộc chuyển mình toàn diện đó có vai trò đặc biệt của tổ chức Đảng và Chính quyền địa phương, thông qua những người đảng viên có tài, đức và gắn bó với nhân dân, trong đó, không thể không nhắc đến vai trò của đảng viên Lê Thanh Hải.  

Ông Lê Thanh Hải, sinh năm 1964, bố ông là người dân tộc Lào nhưng “bén duyên” với đất Việt nên sang đây sinh sống, lập gia đình và sinh ra ông. Sáu mươi năm qua, ông Hải đã gắn bó và cống hiến miệt mài cho thôn Phú Lâm - nơi vùng biên cương Hà Tĩnh.

Theo lời kể của ông Định Công Tịu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê thì đảng viên Lê Thanh Hải là Chi hội trưởng chi hội Nông dân thôn Phú Lâm, là công dân gương mẫu tiêu biểu, mẫu mực, tận tụy, luôn nêu cao trách nhiệm trong các phong trào, đặc biệt là phong trào thi đua lao động sản xuất kinh doanh giỏi; đồng thời hỗ trợ sát sao cho nhiều hội viên nông dân, nâng cao tinh thần đoàn kết, giúp nhau làm giàu hợp pháp, chính đáng trên vùng núi Hương Khê, nơi tiếp giáp với nước bạn Lào”.

Ông Lê Thanh Hải (bên phải) xác định phát triển kinh tế rừng vừa cho thu nhập vừa nâng cao tinh thần trách nhiệm trồng cây phủ xanh đồi trọc, bảo vệ môi trường và tuyên truyền cho nhiều hộ dân trong thôn làm theo. Ảnh: Bùi Ánh.

Nơi ông Hải ở cách trung tâm xã 20km, phải đi qua con đường rừng ngoằn ngoèo, gồ ghề như mặt ruộng, trên bề mặt chi chít ổ trâu, ổ gà mới đến được thôn Phú Lâm. Dải đất vùng biên lọt thỏm giữa những cánh rừng già mênh mông bát ngát, tưởng như biệt lập với thế giới bên ngoài. Ở đây một nửa dân số là bà con có gốc gác là dân tộc Lào sang định cư, sinh sống và mang quốc tịch Việt Nam. Việc đi lại của người dân vùng này còn gặp nhiều khó khăn, nếu sớm được đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông thì chắc chẳn "bộ mặt" của Phú Lâm sẽ khang trang đẹp đẽ hơn. Đã gắn bó cả đời mình với mảnh đất này, ông Hải hiểu rằng cái gì cũng cần lộ trình và thời gian, nếu đốt cháy giai đoạn rất khó tìm thấy giá trị bền vững.

Thấy chúng tôi đến thăm, ông Hải rất vui mừng, hồ hởi ra đón tiếp. “Cô chú vào tầm này còn đỡ, chứ trước đó thì không đi lại được đâu. Cuối tháng 12 âm lịch vừa rồi, thôn bản chúng tôi phối hợp với bộ đội Biên phòng huy động phương tiện, máy móc, nhân lực cùng xắn tay sửa sang đường sá, tốn nhiều công sức, con đường mới thành hình đấy”- ông Hải nói.

Đã bước sang tuổi lục tuần nhưng ông Hải còn nhanh nhẹn, hoạt bát lắm. Vốn tính ngăn nắp, gọn gàng nên khi bài trí đồ đạc, vật dụng trong nhà, ông luôn đề cao sự tỉ mẩn, chỉn chu. Riêng khu vườn "đạt chuẩn nông thôn mới" được vị chủ nhân sắp xếp cực kỳ khoa học, có hệ thống tưới tự động hiện đại, tiên tiến mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đàn bò hàng chục con giúp gia đình ông Hải nâng cao thu nhập.  Ảnh: Bùi Ánh

Những người quen biết khen ông giỏi toàn diện quả không sai. Riêng về lĩnh vực nông nghiệp ở địa phương, gần như cái gì ông cũng biết, không chỉ biết mà  ông còn giỏi làm trong nhiều việc. Tận dụng quỹ đất mênh mông, ông trồng bưởi, trồng ngô, kết hợp trồng rừng. Không chỉ có thế, ông còn nuôi trâu, bò, nuôi gà. Quanh năm không cho đất nghỉ, quăng quật chẳng hề ngơi tay, đổi lại là mức thu nhập đều đặn ông thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hải cho biết: Cây bưởi là cây trồng "số 1" tại đất Hương Khê, không một loại cây nào có thể thay thế, nhưng đó là khi bán được giá. Còn bằng không thì mất cả vốn lẫn chài, đổ nợ là điều hiển nhiên, bởi quy trình chăm sóc cây bưởi không hề giản đơn, chưa kể những yếu tố tác động ngoại cảnh khác (giống, phân bón, môi trường, dịch bệnh).

Là người trong cuộc, ông Hải đã đúc kết cho mình những kinh nghiệm xương máu. Ông ví von chăm sóc cây bưởi như người phụ nữ chăm con mọn vậy, ngày nào cũng phải túc trực, sát sao không tách rời. Giai đoạn cây nhỏ, sức đề kháng kém đòi hỏi tốn công sức gấp bội phần, vừa tốn kém bồi bổ dưỡng chất lại mất thời gian.

Khu vườn của gia đình ông Hải có hệ thống tưới tự động. Ảnh: Bùi Ánh

Cây bưởi là cây trông chống chọi khá tốt với thời tiết khắc nghiệt của nắng gió miền Trung. Ngược lại nó cũng rất nhạy cảm với sâu bệnh, điển hình nhất là loại bệnh chảy mủ, nếu không phát hiện kịp thời sẽ sớm lây lan, hệ quả là thối rữa cả cây. Do đó, người trồng phải nắm vững kiến thức, biết chăm sóc, bón phân, phun thuốc… đúng liều lượng, đúng giai đoạn. Nói thì dễ, làm lễ mới khó, chung quy phải biết học hỏi và lắng nghe, thực hành và rút ra kinh nghiệm của mình.

“Ở thôn Phú Lâm, nhà nào cũng có vườn rộng nhưng hầu hết để hoang hóa như rừng dại, vốn quý có sẵn nhưng bà con chưa biết tận dụng nhằm tạo sinh kế bền vững- ông Hải tâm sự - May thay, phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp, các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền đã tạo nên những chuyển biến mang tính căn cơ. Nhờ đó tôi “có cớ” để đến gặp trực tiếp từng hộ, từng người vận động. Mưa dầm thấm lâu, rồi nắng ấm cũng đến, nếp nghĩ của bà con trong thôn nay đã khác đi. Phong trào trồng cây gây rừng, trồng trọt kết hợp chăn nuôi đang phát triển mạnh, đời sống người dân thôn bản nhờ đó mà đi lên trông thấy”.

Vườn bưởi diện tích một mẫu xanh mướt mắt của anh Lê Văn Quý, thôn Phú Lâm là "lát cắt" điển hình của quá trình ấy. Thời điểm anh Quý manh nha áp dụng với vốn liếng kinh nghiệm gần như bằng không, chẳng ngạc nhiên khi sâu bệnh xuất hiện tràn lan, một thời gian đã vượt tầm kiểm soát. Loay hoay đủ cách chẳng ăn thua, anh Quý chán nản định vứt bỏ vườn cây, chấp nhận thua lỗ. Khi anh Quý đang trong thế bí, thì ông Hải xuất hiện như vị cứu tinh, qua đó giúp gia đình anh đổi ngược tình thế.

Anh Lê Văn Quý (bên phải) ở thôn Phú Lâm được ông Hải hướng dẫn và hỗ trợ cứu vãn vườn bưởi đang bị sâu bệnh. Từ chỗ định "bỏ cuộc", đến nay vườn bưởi của gia đình anh Quý đãy đã tốt tươi, cho thu nhập cao. Ảnh: Bùi Ánh

“Vườn bưởi của gia đình tôi, nếu không có ông Hải giúp đỡ thì tất cả đổ sông đổ biển rồi. Thời gian đó, ngày nào ông Hải cũng túc trực tại vườn, kiểm tra tổng thể, chi tiết rồi hì hục bón phân, phun thuốc, tỉa cành cho từng cây.  Vất vả là thế nhưng ông không lấy một đồng tiền công. Ở thôn Phú Lâm nhiều hộ khác cũng được ông Hải giúp đỡ tận tâm, bằng cách này hoặc cách khác, lúc thì hỗ trợ ngày công, khi lại hướng dẫn trỉa ngô, phòng trừ sâu bệnh”, anh Quý chia sẻ về vị quý nhân của gia đình mình.

“Đảng viên, Chi hội trưởng Nông dân Lê Thanh Hải có nhiều giải pháp tập hợp, quy tụ hội viên, nông dân đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Năm 2022, thôn Phú Lâm được công nhận đạt khu dân cư kiểu mẫu, trong đó không thể thiếu công sức của ông Hải”.

Ông Đinh Công Tịu (Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê). 

"Cột mốc sống" và hành trình bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

Xã vùng biên Phú Gia có 23km đường biên giới, có tổng cộng 7 cột mốc, từ vị trí 503 đến 509. Địa giới hành chính giáp với huyện Nakai, tỉnh Bolykhamxay (Lào).  Từ trung tâm xã đến cột mốc cuối cùng ước chừng trên 40km, đây là tuyến đường giao thông đi lại khó khăn, hiểm trở, nên việc tuần tra, đảm bảo an ninh vùng biên cũng rất khó khăn.

Ông Lê Thanh Hải (bên trái) cùng Thiếu tá Phan Tuấn Hoàn - Cán bộ Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Phú Gia kể về những lần đi tuyên truyền về an ninh vùng biên cho nhân dân trong khu vực. Ảnh: Bùi Ánh

Ý thức được rằng, mỗi người dân đóng vai trò quan trọng xây dựng phòng tuyến vững chắc để bảo vệ phên giậu, biên cương của Tổ quốc, nhiều năm qua, ông Hải vẫn miệt mài, gắng sức làm nhiệm vụ cao cả này. Bản thân ông đã tích cực tuyên truyền để bà con dân bản cùng nâng cao nhận thức, hiểu rõ về chủ quyền lãnh thổ, công việc này là trách nhiệm lớn lao, đồng thời là niềm tự hào sâu sắc đối với ông.

“Nơi đây khác dưới xuôi, điều kiện địa hình, vật chất, cơ sở hạ tầng chưa thể sánh bằng, việc tiếp cận thông tin và đẩy mạnh tuyên truyền cũng gặp nhiều khó khăn, trắc trở, muốn hiệu quả phải trực tiếp đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà, người thật, việc thật. Đặc thù là địa bàn vùng biên nên phải lưu tâm đặc biệt đến khía cạnh an ninh quốc phòng. Mỗi người, mỗi nhà phải chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phải xác định nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới là việc không của riêng ai”- ông Hải cho biết.

Ông cho hay, có những chuyến tuần tra phải băng qua hàng chục cây số đường rừng, ròng rã nhiều ngày trời mới hoàn thành. Gọi là đường nhưng tứ bề là rừng, dây leo, bụi rậm chằng chịt; có những đoạn đường cây cối che chắn mất lối đi phải dùng dao phát quang; đồng thời dùng sơn đánh dấu để tránh nhầm lẫn. Càng lên cao càng nhiều áp lực, nhiều vùng mất sóng điện thoại, không điện lưới, cảm tưởng như đi vào một thế giới biệt lập, tâm trạng khó tránh khỏi cảm giác mông lung. Đường xa trắc trở, lại phải gánh gồng trang thiết bị, vật dụng lỉnh kỉnh mắm, muối, cơm đùm, nồi niêu xoong chảo… quả thực sức khỏe không thôi là chưa đủ, công việc này đỏi hỏi phải có niềm tin "cao ngút" mới đi đến đích.

Gian nan những chuyến đi tuần tra an ninh vùng biên. Ảnh: Đồn Biên phòng Phú Gia.

Ông vẫn nhớ như in chuyến tuần tra cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng đến cột mốc 506 vào năm 2010, lúc này đang là mùa mưa nên di chuyển rất cơ cực. Một bên là dốc thẳng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, đường mòn lối nhỏ, dưới đất nhão nhoét, trơn tựa như đổ mỡ; Nếu sơ sẩy, bất cứ ai cũng có thể phải trả giá bằng tính mạng của chính mình.

Điều kiện quá khắc nghiệt bắt buộc ông và những người lính biên phòng phải nêu cao cẩn trọng, động viên nhau dò dẫm từng bước nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ. Hết chiều đi, lúc quay về lại gặp mưa lớn gây chia cắt, không tài nào băng qua khe, nơi con nước đang dâng cao, hung hãn như muốn cuốn trôi tất cả. Không còn sự lựa chọn nào khác, toàn đoàn quyết định nằm lại 2 ngày trên rừng, đồng thời tìm cách liên lạc, gọi người đưa lương thực vào tiếp tế; phải đến khi đặt chân đến thôn Phú Lâm, ai nấy mới thở phào nhẹ nhõm.

“Có gian nan, có vất vả mới thấy nhiệm vụ giữ vững an ninh vùng biên quan trọng đến nhường nào. Bản thân tôi chưa một phút giây nề hà với nhiệm vụ thiêng liêng ấy, ngày nào còn sức lực, còn tâm huyết thì mình còn lên đường” - ông Hải bộc bạch.

Đã nhiều lần trực tiếp sát cánh, chung vai, Thiếu tá Phan Tuấn Hoàn – Cán bộ Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Phú Gia hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng của cá đảng viên Lê Thanh Hải: “Đó là con người luôn “xung kích”, đi đầu trong các phong trào và hoạt động của thôn bản, ông Hải là gương điển hình của vùng Phú Lâm. Trong công việc, ông Hải luôn nhiệt tình, trách nhiệm, không ngại khó khăn gian khổ, luôn đề cao tập thể, vì cộng đồng. Thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, gia đình ông đăng ký làm thành viên tổ tự quản đường biên cột mốc, cá nhân ông luôn tích cực tham gia cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng tuần tra bảo vệ biên giới, cung cấp cho Đồn Biên phòng Phú Gia nhiều nguồn tin quan trọng phục vụ cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn”.

Ông Hải luôn tích cực tham gia cùng lực lượng bộ đội biên phòng tuần tra bảo vệ biên giới, cung cấp cho Đồn biên phòng Phú Gia nhiều nguồn tin quan trọng phục vụ cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Ảnh: Bùi Ánh

Thiếu tá Phan Tuấn Hoàn cũng khẳng định, bằng uy tín, sự nhiệt huyết của mình ông Lê Thanh Hải đã làm tốt công tác tuyên truyền, để người dân trong thôn nắm vững và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về biên giới quốc gia. Có sự tham gia của ông Hải, áp lực của Bộ đội Biên phòng cũng được giảm đi nhiều, thể hiện qua sự việc cuối năm 2023, Tổ đội tuần tra biên giới cột mốc trong lúc làm nhiệm vụ đã mắc lụt tại khe Cây Tròi, điểm này này cách trung tâm thôn khoảng 6km, chính ông Hải là người xung phong, dẫn đầu đưa đoàn qua sông trở về an toàn.

"Đảng viên Lê Thanh Hải là người góp công đưa thôn Phú Lâm đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, giúp địa bàn này có bước đổi thay toàn diện. Nhân dân Phú Lâm rất linh hoạt, sáng tạo để tăng năng suất cây trồng, kết hợp phát triển chăn nuôi hàng hóa nâng cao thu nhập, sau nữa là cải tạo vườn tược theo hướng xanh, sạch, đẹp. Đó là tiền đề để xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng trong thời gian tới”.

Ông Nguyễn Văn Nhân – Chủ tịch UBND xã Phú Gia.