Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ:

Tấm gương Anh hùng Tô Vĩnh Diện “lấy thân mình chèn bánh pháo”

Việt Tùng - 08:05 05/05/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Anh hùng Tô Vĩnh Diện, người đã “lấy thân mình chèn bánh pháo”: "... sự hy sinh anh dũng, xả thân vì nước của ông đã góp phần cùng quân, dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên lịch sử "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân (LLVTND) Tô Vĩnh Diện (1924 - 1954), là người sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 8 anh chị em ở thôn Dược Khê, xã Nông Trường, huyện Nông Cống (nay thuộc huyện Triệu Sơn), tỉnh Thanh Hóa. Người Anh hùng nổi tiếng với giai thoại hy sinh thân mình để cứu khẩu pháo không bị lăn xuống vực trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

Vùng quê, gia đình có truyền thống cách mạng

Chúng tôi về xã Nông Trường vào một ngày đầu tháng 5, khi cả nước đang hừng hực khí thế, với rất nhiều hoạt động hướng tới Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024). Trên quê hương, nơi sinh ra Anh hùng LLVTND Tô Vĩnh Diện, không khí chào đón sự kiện trọng đại, những ngày tháng 5 lịch sử này cũng đang rất náo nhiệt, khi khắp các con đường, ngõ xóm đều rợp bóng cờ hoa, trên loa phóng thanh của thôn, xã những bản hùng ca về Điện Biên Phủ lịch sử được vang lên đều đặn.

Ngôi nhà cấp 4, nơi thờ tự Anh hùng LLVTND Tô Vĩnh Diện.

Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, nhưng rất sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp, là nơi thờ tự Anh hùng LLVTND Tô Vĩnh Diện và phụ thân, phụ mẫu, thắp lên nén tâm hương thành kính, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Tô Vĩnh Châu người cháu họ, được giao trọng trách hương khói cho gia tiên.

Qua lời kể của ông Châu, từng trang ký ức của làng quê nghèo xã Nông Trường xưa kia bỗng ùa về, khiến chúng tôi có cảm giác như đang sống trong những ngày tháng 5 lịch sử, khi chiến dịch Điện Biên Phủ đang ở giai đoạn đỉnh điểm vậy.

Ông Châu cho biết, hồi bé, ông được ông bà và bố kể nhiều câu chuyện về người bác - Anh hùng Tô Vĩnh Diện. Theo ông Châu, Anh hùng Tô Vĩnh Diện là người có tuổi thơ cơ cực, khi còn nhỏ đã phải đi ở thuê để kiếm sống, lớn lên trong quá trình hoạt động cách mạng lại nhiều lần bị địch vây bắt, tra tấn.

Ông Tô Vĩnh Châu - Cháu họ của Anh hùng Tô Vĩnh Diện bồi hồi kể lại những câu chuyện về người bác đặc biệt của mình.

“Khi chỉ còn cách chiến thắng Điện Biên Phủ vài tháng, thì bác Diện đã phải nằm xuống nơi chiến trường, khi quyết tâm ôm lấy bánh xe pháo để cứu khẩu pháo khỏi rơi xuống vực thẳm”, ông Châu rơm rớm nước mắt kể lại.

Theo lời kể ông Châu, Tô Vĩnh Diện là người con thứ 3 trong gia đình 8 anh chị em. Do nhà nghèo nên khi lên 8 tuổi, ông Diện đã phải đi ở cho địa chủ để kiếm cơm ăn. Suốt 12 năm đi ở, ông đã phải chịu đựng bao cảnh áp bức bất công. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Tô Vĩnh Diện thoát cảnh đi ở và bắt đầu tham gia phong trào du kích của địa phương.

Năm 1950, tại Thanh Hóa nổ ra một vụ bạo loạn, ông bị những người nổi loạn bắt giữ. Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải cử một đơn vị quân sự xuống hỗ trợ cán bộ trấn an tình hình. Ông được giải cứu và từ đó chính thức nhập ngũ trong lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tháng 3/1953, ông được triệu tập để tham gia lực lượng pháo phòng không, huấn luyện ở Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Ông được chỉ định là Trung đội phó thuộc Đại đội 829, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367 và được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam.

Tấm ảnh Anh hùng LLVTND, Liệt sỹ Tô Vĩnh Diện được phục dựng từ tấm ảnh ông gửi tặng người yêu năm xưa.

Sau 8 tháng huấn luyện, tháng 12/1953, ông cùng đơn vị về nước và ngay lập tức hành quân lên Điện Biên Phủ. Ông được điều về đại đội 827 làm Trung đội phó trực tiếp phụ trách khẩu đội 3, khẩu pháo cao xạ 37mm số hiệu 510681, thuộc loại pháo phòng không 37mm một nòng mẫu 61-K kiểu M1939, do Liên Xô sản xuất và viện trợ.

Cũng trong thời gian này, tại quê hương của ông, theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, 2 người anh trai của ông là Tô Vĩnh Mạo và Tô Vĩnh Kiện đã tòng quân lên đường nhập ngũ, chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng tại Điện Biên.

Không chỉ có vậy, khi cả nước một lòng hướng về Điện Biên, thì bố của ông, cụ Tô Vĩnh Uy cùng với dân quân địa phương đã tham gia đoàn dân công hỏa tuyến, vận chuyển lương thực lên chiến trường Điện Biên.

Sau Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, cả nước lại hướng về miền Nam ruột thịt, bà Tô Thị Hài (em gái của Tô Vĩnh Diện) khi đó mới 18 tuổi đã tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ, để cùng với các anh góp một phần xương máu cho nền độc lập của dân tộc.

Nhận tin “dữ” trong niềm vui chiến thắng

Trước những diễn biến phức tạp tại chiến trường Điện Biên Phủ, để chiến dịch thắng lợi hoàn toàn, giảm ít thương vong cho quân và dân ta, ngày 26/1, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định đổi phương án tác chiến từ "Đánh nhanh thắng nhanh" sang "Đánh chắc tiến chắc". Theo đó, các đơn vị pháo nhận được mệnh lệnh phối hợp với các đơn vị bộ binh kéo pháo trở ra điểm tập kết tại Bắng Hôm để ăn Tết Giáp Ngọ và chờ lệnh mới.

Ngày 1/2/1954, trên đường kéo pháo ra, đến một con dốc cao và hẹp ở gần bản Chuối, Trung đội phó Tô Vĩnh Diện cùng một pháo thủ phụ trách điều khiển càng pháo để chỉnh hướng cho một đơn vị bộ đội kéo dây tời giữ pháo. Ngoài ra còn có 2 chiến sĩ phụ trách chèn bán pháo.

Bất ngờ quân Pháp bắn pháo từ Mường Thanh lên, dây tời bị trúng đạn đứt khẩu pháo đã lăn qua chèn. Pháo thủ Lê Văn Chi lái càng phía ngoài bị càng pháo hất văng xuống vực khiến khẩu pháo trôi dần về phía vực sâu. Tô Vĩnh Diện lập tức bỏ càng pháo phía trong, chuyển sang càng pháo phía ngoài, cố gắng đẩy hướng càng pháo đâm vào vách núi, nhưng pháo vẫn trôi, không kịp lấy chèn, ông đã dùng chính thân mình làm bánh chèn để ngăn pháo không trôi xuống vực. Khi pháo đứng lại, trước sức nặng hơn 2 tấn của khẩu pháo, ông bị trọng thương và hi sinh sau đó.

Khẩu pháo cao xạ 37mm, số hiệu 510681 trưng bày tại Bảo tàng Phòng không - Không quân (Ảnh: Cục Di sản văn hóa).

Với tinh thần đoàn kết của cả dân tộc, kết hợp với tài trí mưu lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng sau 9 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ. Khi cả nước đang hân hoan trong niềm vui thắng trận, thì người thân nhận được tin ông Diện đã hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ.

“Khi biết tin ông Diện hy sinh, gia đình và xóm làng rất đau buồn. Đặc biệt là bác cả của tôi là ông Tô Vĩnh Mạo vừa khóc vừa nói, trong khi chiến đấu, cũng nghe mọi người nói về chiến sĩ pháo binh đã hy sinh thân mình để cứu lấy khẩu pháo, ai ngờ đấy chính là em ruột của mình” - ông Châu kể.

Những tấm Huân - Huy chương của Tô Vĩnh Diện được treo trang trọng tại nơi thờ tự ông.

Để có được ngày vui chung của Đất nước, chúng ta đã phải đánh đổi biết bao mồ hôi, nước mắt và xương máu, nhiều gia đình phải chịu cảnh tang thương mất chồng, mất con… gia đình Tô Vĩnh Diện là một trong những gia đình như thế.

Theo ông Châu, khi biết tin ông Diện hy sinh, cả xóm làng kéo nhau đến chia buồn, cùng nhau lập ban thờ ông. Tuy nhiên khi tìm lại những bức ảnh để làm ảnh thờ thì lại không có. Trong lúc tang gia bối rối, người em gái của ông đã lục lại trong trí nhớ về một mối tình của người anh trai với chị cùng xóm, người em gái đã tìm gặp và xin lại tấm ảnh kỷ niệm mà Tô Vĩnh Diện gửi cho người yêu lúc đang ở chiến trường.

Bức ảnh làm kỷ vật yêu nhau thời trai trẻ, cùng nhau thề non hẹn biển, giờ lại trở thành di ảnh trên ban thờ khói hương nghi ngút, khiến ai chứng kiến cũng không cầm nổi nước mắt. Không được sống trọn vẹn với tình yêu đôi lứa, nhưng Tô Vĩnh Diện lại sống mãi tuổi 30 cùng tình yêu quê hương đất nước.

Tấm gương hy sinh cứu pháo của Tô Vĩnh Diện được toàn mặt trận học tập, rút kinh nghiệm và noi gương nên đã đưa pháo ra an toàn. Khi đó, ngay tại mặt trận, Tô Vĩnh Diện được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Ca ngợi tấm gương chói sáng đã anh dũng hy sinh, trong bài thơ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên", nhà thơ Tố Hữu đã viết:

“Những đồng chí chèn lưng cứu pháo

Nát thân, nhắm mắt, còn ôm”

 

Ảnh lưu niệm của các Anh hùng và thân nhân Anh hùng chụp tại Khu di tích Đá Chông nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ngày 7/5/1956, Tô Vĩnh Diện được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân và trở thành người Anh hùng Pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Hiện nay, hài cốt của ông được Đảng và Nhà nước quy tập và an táng tại nghĩa trang Đồi A1, thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), nơi diễn ra trận chiến ác liệt của quân và dân ta phá hủy hoàn toàn pháo đài mà thực dân Pháp từng hùng hồn tuyên bố là “bất khả sâm phạm”, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Cơn địa chấn toàn cầu
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, đồng thời cổ vũ, thúc đẩy và mở ra một thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc tại châu Phi, Châu Mỹ La tinh.