Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Ký ức hào hùng của Chiến sĩ Điện Biên 92 tuổi

Kỳ 3: Dâng cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc

Minh Tú - 16:56 01/04/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Hòa bình lập lại, năm 1960, ông Hoàng Công Củng được chuyển ngành công tác sang ngành Nội thương. Khi Đế quốc Mỹ can thiệp vào Việt Nam, đánh phá miền Bắc, năm 1965 ông Củng viết đơn tình nguyện tái ngũ nhưng lúc này đất nước cần ông hơn trong công tác hậu cần, thương mại. Đến 60 tuổi, ông về hưu, hưởng duy nhất lương hưu cơ bản và không có bất kỳ chế độ nào khác, để lại sau lưng quãng đời chinh chiến oai hùng.

Viết đơn tái ngũ xin ra tiền tuyến chống Mỹ cứu nước

Ông Củng kể lại, vì bị thương nặng, ông được điều trị và an dưỡng tại trại an dưỡng Thái Nguyên một thời gian dài. Nửa người bên trái bị bỏng nặng, phần hông trúng mảnh đạn pháo (ông cho biết hiện nay trên người ông vẫn còn mảnh đạn) nhưng khi vừa đi lại được, ông Củng quyết liệt xin về đơn vị tiếp tục chiến đấu chứ không nghĩ đến việc lấy giấy tờ để làm hồ sơ thương binh sau này - nguồn cơn của những vất vả sau này của ông (PV).

Từ sau ngày 7/5/1954, quân viễn chinh Pháp đã đầu hàng tại Điện Biên Phủ, nhưng cuộc đàm phán tại Geneve (Thụy Sỹ) vẫn đang tiếp tục. Lúc này, lính Pháp vẫn chiếm đóng các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, còn bộ đội ta giữ phần lớn các tỉnh miền núi. Ông được phân về Tiểu đoàn 39, chuẩn bị cho đánh đồn Cầu Gồ, Bắc Giang. Ông nhớ lại, khi quân ta đã lên phương án chiến đấu, các cánh quân đã ém sẵn chờ đến giờ G thì đến ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneve được ký kết. “Chúng tôi nhảy lên ôm nhau, tung mũ, khăn lên trời hô: Hòa bình rồi, độc lập rồi. Vui lắm!”, ông Củng kể lại thời khắc nghe chỉ huy đơn vị ra lệnh rút quân về, không đánh nữa. “Quân ta và Pháp đều tôn trọng Hiệp định, không bên nào nổ súng. Anh em chiến sĩ ta, quân phục đầy đủ, hiên ngang đi qua đồn Pháp giữa ban ngày, mua bán lương thực, thực phẩm ở phố chợ mà lính Pháp chỉ đứng ở cửa đồn nhìn ra. Cảm giác lúc đó rất khó tả vì chỉ cách đó mấy ngày, chúng ta còn phải hành quân bí mật, ém sát đồn địch, nấu không khói, nói không tiếng”.   

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneve được ký kết, chính thức chấm dứt sự hiện diện của thực dân Pháp tại Đông Dương. Ảnh Tư liệu.

Năm 1960, ông Củng phục viên về quê Thái Bình. Ông được giao phụ trách trạm bơm của xã, đảm bảo tưới tiêu cho các cánh đồng với nhân viên quân số chừng một tiểu đội. Nhưng rồi người Mỹ can thiệp vào Việt Nam, cuộc chiến dần trở nên nóng bỏng, đặc biệt khi máy bay Mỹ bắt đầu leo thang đánh phá miền Bắc. Không chấp nhận sống trong an nhàn khi đất nước đang sục sôi kháng chiến, ông Củng viết đơn xin tái ngũ ở tuổi 33. “Mình là một người lính, có kinh nghiệm chiến đấu mà lại an bình, ở xa chiến trường trong khi cả nước đang đánh giặc, bao nhiêu anh em đang từng ngày ngã xuống, làm sao chấp nhận được?”, ông Củng chia sẻ tâm sự về suy nghĩ của mình khi nhớ lại thời điểm viết lá đơn xin tái ngũ. Lá đơn ban đầu được chấp nhận, ông Củng sẵn sàng hành trang lên đường, trong ba lô vẫn có chỗ cho tấm vải dù, người bạn thủy chung từng cứu mạng ông.

Tuy nhiên, gần đến giờ khởi hành thì một vị lãnh đạo giữ ông lại bằng một cuộc nói chuyện dài. Theo lời người đó, đất nước cần ông, nhưng ở cương vị khác. Ông được phân công làm Trưởng Trạm thu mua lương thực tại Khu 4, nơi không quân Mỹ đánh phá hàng ngày. Ở cương vị mới, địa bàn mới, không trực tiếp cầm súng nhưng cuộc chiến vẫn hàng ngày sục sôi. Bom đạn trút xuống hàng ngày, đồng nghiệp, nhân viên của ông nhiều người đã hy sinh. Nhưng sự may mắn và bản năng của người lính kỳ cựu đã giúp ông nhiều lần thoát chết trong gang tấc. Ông đã đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ đến ngày thống nhất đất nước. 

Người Cựu Chiến binh 92 tuổi vẫn luôn canh cánh về khoản nợ 

Lặng lẽ trở về mái nhà xưa sau hành trình 41 năm vừa chiến đấu, vừa công tác suốt dặm dài đất nước, ông Hoàng Công Củng về hưu với mức lương tối thiểu. Cuộc sống mới với biết bao khó khăn, vất vả, căn nhà nơi ông sinh ra lớn lên đã dột nát, xiêu vẹo. Ông bắt tay vào sửa lại căn nhà cấp 4 xây từ năm 1960 hồi ông mới phục viên, làm nông nghiệp với mức lương còm cõi. Mơ ước về căn nhà vững chãi, không mưa dột luôn ám ảnh ông, nhưng đôi khi ông nghĩ thầm: “Mình còn may mắn hơn nhiều đồng đội khác đã ngã xuống ở tuổi đôi mươi. Mình vẫn còn sống bên gia đình vợ con, có nhà ở là tốt rồi”.

Lối vào căn nhà hiện nay của người Cựu chiến binh Điện Biên Phủ năm xưa tại thôn Bắc Bình Cách, xã Đông Xá, huyện Đông Hưng.

Khi ông đến tuổi 80 thì được tin, ngày 26/4/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Ông nghĩ mình thuộc đối tượng áp dụng vì Quyết định này ghi rõ đối tượng được hưởng là "Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế mà (a) Nhà ở bị hư hỏng nặng phải phá đi xây dựng lại nhà ở mới; b) Nhà ở bị hư hỏng, dột nát cần phải sửa chữa phần khung - tường và thay mới mái nhà”. Ông lên UBND xã hỏi thì cán bộ bảo ông chờ xem cụ thể chính sách thế nào. Sau đó ông được biết thông tin, nếu xây mới lại nhà thì được hỗ trợ 40 triệu, sửa nhà mà thay cả mái thì được hỗ trợ 20 triệu đồng. Năm 2019, ông vay mượn họ hàng được 20 triệu đồng.

Ông cẩn thận cho chụp ảnh nhà cũ dột nát, hư hỏng rồi xây lại tường, làm lại mái ngói; chụp ảnh nhà mới, làm hồ sơ đúng như được hướng dẫn và gửi lên UBND xã. Khoản vay của người quen chỉ đủ để ông sửa cơ bản nhà, không còn tiền để quét vôi ve tường cho khang trang, sạch đẹp hơn. Vay mượn để sửa nhà những mong là sửa xong sẽ được hỗ trợ để hoàn trả nhưng khi sửa xong thì ông đã không được chi trả khoản hỗ trợ theo như ông được biết trước đó. Món nợ ông vay mượn người thân nhiều năm trước để sửa nhà, đến tận bây giờ, ông vẫn chưa có tiền trả lại cho cho họ.

Ông Hoàng Công Củng (92 tuổi) đã có gần 10 năm cống hiến cho Quân đội và nhiều năm phục vụ kháng chiến kiến quốc, hiện ông là hội viên Hội Cựu Chiến binh xã Đông Xá. Ông Củng có 4 người con. Con trai lớn sinh năm 1961, bị tật nguyền (khoèo 2 tay) buổi tối ngủ cùng và trông nom ông. Các con, cháu khác của ông do hoàn cảnh khó khăn nên cũng không đỡ đần được gì nhiều cho ông... 

Trong trái tim dũng cảm của người lính đã dâng trọn vẹn tuổi thanh xuân cho quê hương, đất nước, đáng lẽ giờ này ông Củng đã được sống cuộc sống an yên của tuổi già, nhưng trong lòng ông vẫn luôn canh cánh nỗi lo, áy náy mãi với những người quen về món nợ 20 triệu đồng không biết ngày nào trả được?!. Căn nhà cấp 4 tềnh toàng, nơi trang trọng nhất trong nhà ông là nơi treo tấm Huân chương Chiến sĩ Hạng 3, theo lời ông kể là được Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao ngay tại chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954; Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương, bằng khen khác.

Vĩ thanh

Chia tay ông, nhìn bóng ông một mình trong căn nhà xuống cấp, nhìn lại khuôn mặt hằn sâu những nếp nhăn theo năm tháng, mảnh sân mọc rêu phong, tim tôi như thắt lại.

Ở tuổi 92, ông Hoàng Công Củng chỉ có khoản lương hưu cơ bản và không còn bất kỳ chế độ gì liên quan đến 10 năm anh dũng phục vụ cho quân đội, cho chiến thắng lịch sử của dân tộc tại Điện Biên năm xưa.

Trên nhiều tuyến phố những ngày này, băng rôn, biểu ngữ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên, còn tại đây, một người Tiểu đội trưởng can trường, dũng cảm trên chiến trường Điện Biên cách đây tròn 70 năm vẫn đang đếm những bóng chiều loang lổ trên sân nhà rêu phong. Đâu đó trên nhiều miền của Tổ quốc, vẫn còn nhiều cảnh đời khó khăn của những người cựu chiến binh - như ông Củng - Họ là những người đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân, vào sinh, ra tử, anh dũng chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc. Và giờ đây, vào lúc tuổi già bóng xế, dù có khó khăn, vất vả vẫn sống lạc quan, luôn giữ vững phẩm chất "Anh bộ đội Cụ Hồ".

Ủy ban Nhân dân xã vẫn nhớ đến tôi, những năm kỷ niệm chiến thắng Điện Biên chẵn (50-55-60-65 năm) tôi vẫn có khoản tiền 500.000 đấy”, ông Củng cười tự hào.

Còn tôi, một phóng viên có nhiều năm gắn bó với nghề báo, đã từng gặp nhiều cựu chiến binh với nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng hôm nay, trước cảnh đời và tâm thái của ông, lòng tôi đang nghẹn lại! 

Kỳ 1: Được nhận Huân chương Chiến công ngay tại chiến trường
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong căn nhà đơn sơ ở thôn Bắc Bình Cách, xã Đông Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, người chiến sĩ Điện Biên Anh hùng 92 tuổi - ông Hoàng Công Củng đã giành cho tôi một buổi sáng trò chuyện. Với chất giọng vẫn còn sang sảng và một trí nhớ tuyệt vời, ông như đã tái hiện trước mắt tôi về những trận chiến đẫm máu, oanh liệt “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” 70 năm về trước.