Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Làm tử tế để khẳng định vị thế nhà nông

15:20 23/07/2020 GMT+7
Thay vì chạy theo năng suất, sản xuất nông nghiệp hiện nay cần chú trọng đến chất lượng là yếu tổ cốt lõi. Để không phụ thuộc thị trường Trung Quốc và có đủ năng lực xuất khẩu các thị trường tiềm năng như: Nhật Bản, EU, Mỹ, Australia… nông nghiệp Việt Nam cần có

Thay vì chạy theo năng suất, sản xuất nông nghiệp hiện nay cần chú trọng đến chất lượng là yếu tổ cốt lõi. Để không phụ thuộc thị trường Trung Quốc và có đủ năng lực xuất khẩu các thị trường tiềm năng như: Nhật Bản, EU, Mỹ, Australia… nông nghiệp Việt Nam cần có sự đổi mới tư duy trong sản xuất. Trong đó xu hướng sản xuất nông nghiệp tử tế là một hướng đi đầy lạc quan.

Mô hình làm nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch đang là hướng đi được nhiều nông dân áp dụng tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Tâm Minh.

Nông dân nhập cuộc

Từ nhiều năm nay, thuật ngữ “Nông nghiệp tử tế” không còn xa lạ với nhà nông. Đây là phương thức sản xuất được nhiều nông dân áp dụng bởi có lợi cho con người và tự nhiên như: không sử dụng các hóa chất, không sử dụng các chất kích thích tăng trưởng hay bất cứ vật chất nào gây hại cho sức khỏe con người và vật nuôi, cho đất đai, môi trường tự nhiên và tính đa dạng sinh học…

Nhiều nông dân nhận thức được rằng việc thay đổi quy trình canh tác chính là đảm bảo sức khỏe cho chính mình và cộng đồng. Làm nông nghiệp tử tế cũng sẽ mang lại sự đền đáp xứng đáng cho nông dân với nhiều lợi ích, trong đó có việc trở nên giàu có hơn với nông sản tử tế.

Tại TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp), một số nông dân trồng rau và canh tác xoài đang thực hiện tốt giải pháp từng bước hạn chế việc sử dụng phân hóa học và thuốc BVTV trong sản xuất. Và chính sự thay đổi tư duy làm nông nghiệp giúp nông sản của bà con nông dân từng bước chiếm được lòng tin của doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng nội địa.

Nhận ra việc lạm dụng phân thuốc hóa học trong sản xuất ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng và người trực tiếp sản xuất, năm 2019, hai thành viên của Tổ hợp tác (THT) sản xuất rau an toàn xã Mỹ Tân, TP.Cao Lãnh tham gia “Dự án sản xuất rau hữu cơ theo mô hình của Tổ chức Seed to Table” của Nhật Bản.

Để tham gia quy trình sản xuất này, rau được canh tác theo mô hình hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc BVTV. Thay vào đó, rau được bổ sung dinh dưỡng từ phân hữu cơ tự ủ và phòng trị bệnh bằng các chế phẩm sinh học được bào chế từ thảo dược tự nhiên tại địa phương như: gừng, tỏi, ớt.

Hiện nay, với diện tích sản xuất rau theo hướng hữu cơ khoảng trên 1.500m2, sản lượng trung bình khoảng trên 1 tấn rau/tháng nhưng vẫn không đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại TP.Cao Lãnh. Hiện THT này cũng đang hướng tới mở rộng quy mô sản xuất nhằm phục vụ nhu cầu của thị trường.

Đang chuẩn bị làm đất gieo hạt cho những luống rau mới, anh Anh Bùi Ngọc Giàu – Tổ Trưởng THT sản xuất rau an toàn xã Mỹ Tân tự hào cho biết: “Do chỉ sử dụng phân hữu cơ tự ủ thay thế cho phân urê nên thân của từng cây rau tại THT khá cứng cáp, có màu xanh non chứ không phải xanh thẫm mơn mởn như rau được vun bón bằng phân hóa học. Sự khác biệt rõ rệt nhất là sau khi thu hoạch, rau vẫn giữ được độ tươi ngon thời gian khá lâu, không nhanh hỏng như rau được trồng bằng phân thuốc hóa học. Đây chính là điểm khác biệt mà người tiêu dùng cảm nhận rõ rệt nhất khi sử dụng rau sản xuất theo hướng hữu cơ tại THT”.

Trong một buổi trò chuyện với nông dân, ông Lê Minh Hoan – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp khi nêu vấn đề thế nào là nông dân tử tế, đã cho rằng đó là nông dân biết nghĩ cho sức khỏe của người tiêu dùng. Sản xuất, mua bán nông sản là trao đi sức khỏe, nhận lại niềm tin. Việc làm tử tế cũng sẽ mang lại sự đền đáp xứng đáng, người nông dân sẽ có được nhiều lợi ích, trong đó có việc trở nên giàu có hơn với nông sản tử tế. Ông Hoan cũng cho rằng muốn trở thành một nông dân chuyên nghiệp thì nông dân cần biết xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản, không ngừng nâng cao kiến thức nông nghiệp, có tinh thần hợp tác, liên kết trong sản xuất.

Nông dân xã Chu Minh (huyện Ba Vì, Hà Nội) thu nhập cao nhờ trồng rau sạch. Ảnh: Diệu Thu

Liên kết để lan tỏa

Để nông nghiệp “tử tế” ngày càng lan tỏa, không chỉ dựa vào người sản xuất. Do vậy, phải định hình chuỗi liên kết bền vững để nhà nông không đơn độc trong nỗ lực khẳng định vị thế cho những nông sản “tử tế”.

Tại Thủ đô Hà Nội, những năm gần đây, các cấp Hội ND đã nỗ lực đẩy mạnh phong trào “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, sử dụng và bán ra thị trường sản phẩm nông nghiệp an toàn”. Hoạt động thiết thực này đã nhân lên nhiều mô hình sản xuất nông sản an toàn theo chuỗi.

Theo ông Dương Quang Vinh – Chủ tịch Hội ND xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ) cho biết, nếu như trước kia, nông dân chỉ sản xuất, chăn nuôi tự phát, thì sau khi được đẩy mạnh tuyên truyền, đến nay, về cơ bản các mô hình do Hội ND xã triển khai đều là những mô hình sản xuất sạch. Cụ thể, đó là khu vực trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Đại Từ với diện tích 10ha. Đặc biệt, xã có 92 trang trại, trong đó có 84 mô hình nuôi gà thương phẩm, gà thịt, gà hậu bị; 38 mô hình chăn nuôi lợn với quy mô 600-1.200 con/trại.

Hay như mô hình trồng rau hữu cơ với nguyên tắc “6 không” (không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu hóa học, không thuốc diệt cỏ, không biến đổi gen, không kích thích sinh trưởng, không thuốc bảo quản) được Hội ND thành phố phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội triển khai đồng loạt trên cây rau.

Ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc HTX rau an toàn Văn Đức (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) cho biết: HTX có hơn 30 chủng loại rau, củ, quả được trồng theo từng mùa vụ. Hiện diện tích do HTX quản lý lên tới gần 285ha, trong đó diện tích chuyên trồng rau là 250ha, còn lại là trồng cây ăn quả. Trong 250ha trồng rau, có 15ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và khoảng 235ha trồng rau an toàn.

Không chỉ tại các huyện Chương Mỹ, Gia Lâm, phong trào nông dân với mô hình sản xuất sạch đang ngày càng được nhân rộng. Đặc biệt, từ cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, tiêu dùng và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn”, các cấp Hội ND Hà Nội đã xây dựng thành công những mô hình sản xuất sạch, phong trào xanh tại địa phương.

Từ năm 2015, Hội ND Hà Nội đã triển khai chương trình phối hợp với Hội ND các tỉnh, thành trong cả nước. Thông qua chương trình, Hội ND Hà Nội phối hợp với các sở, ngành của TP thực hiện công tác hợp tác, kết nối sản xuất, tiêu thụ nông thủy sản, phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn. Riêng TP Hà Nội duy trì và phát triển 135 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, các đơn vị tham gia thường xuyên phối hợp trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, tham quan các mô hình chuỗi kết nối các DN tiêu thụ thực phẩm nông lâm thủy sản với các tỉnh, thành. Qua đó, góp phần mở ra cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh và thúc đẩy tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản an toàn của địa phương.

Cùng với xu thế chung của thế giới, việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp “tử tế” giúp nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường cho nông sản. Đồng thời, nâng cao thu nhập và bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng. Đây cũng chính là chìa khóa để nhà nông chủ động hơn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Muốn trở thành một nông dân chuyên nghiệp thì nông dân cần biết xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản, không ngừng nâng cao kiến thức nông nghiệp, có tinh thần hợp tác, liên kết trong sản xuất.
Ông Lê Minh Hoan – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp.

Bình Châu