Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Lao động ngành Nông nghiệp trước thách thức chuyển đổi sang nền kinh tế số

Việt Nam đang là nước được đánh giá có tiềm năng và nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển nền kinh tế số nói chung và nền nông nghiệp số nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đối. Một trong những vấn đề đó là nguồn lao động chủ yếu chưa qua đào tạo, làm việc tại các nông hộ nhỏ lẻ, thiếu liên kết, tuổi già và lao động nữ gặp khó khăn trong tiếp cận và áp dụng các kỹ năng số trong nông nghiệp.
Lao động làm việc tại khu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An). Ảnh: P.C

Chuyển đổi sang nền kinh tế số đang là xu hướng nổi bật của các nền kinh tế trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Mặc dù chủ trương, chính sách đã được quan tâm, hoàn thiện, ngành Nông nghiệp cũng đã bắt đầu thực hiện các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực, tuy nhiên còn nhiều khó khăn, thách thức. Nổi bật là nguồn lao động chủ yếu chưa qua đào tạo, làm việc tại các nông hộ nhỏ lẻ, thiếu liên kết, tuổi già và chủ yếu là nữ giới gặp khó khăn trong tiếp cận và áp dụng các kỹ năng số trong nông nghiệp. Do vậy, trong thời gian tới, các tác nhân liên quan cần phối hợp thực hiện hiệu quả 3 nhóm giải pháp: Nâng cao nhận thức, hoàn thiện chương trình đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng và tạo việc làm tốt cho lao động nông nghiệp trong quá trình chuyển đổi số nhằm phát triển chuỗi giá trị nông sản của Việt Nam. 

Đặt vấn đề

Chuyển đổi sang nền kinh tế số được phát triển dựa trên sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng công nghiệp 4.0 - CMCN 4.0) đang diễn ra ngày càng sôi động và lan tỏa đến mọi mặt của đời sống của con người và đáng ấn tượng với giá trị đóng góp mà nó mang lại. Theo thống kê của tạp chí Forbes được thực hiện trong năm 2016, lĩnh vực kinh tế số trên thế giới có giá trị khoảng 3.000 tỷ USD, chiếm khoảng 3,8% giá trị nền kinh tế toàn cầu. Còn tại các quốc gia ASEAN, giá trị này đạt khoảng 150 tỷ USD, tương đương 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các quốc gia thành viên. Theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019” do Google, Temasek và Bain công bố ngày 3/10/2019, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ USD (đóng góp 5% GDP quốc gia trong năm 2019), cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỷ vào năm 2025. 

Khu vực nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng đối với sinh kế và việc làm của khoảng 570 triệu nông dân sản xuất nhỏ trên toàn thế giới. Khu vực này vẫn còn đóng góp khoảng 28% tổng lực lượng lao động toàn cầu (FAO, 2019). Do vậy đây là một lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số.

Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chính phủ đã xác định cần ưu tiên chuyển đổi số trước những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân nhằm giúp tiết kiệm chí phí và nâng cao hiệu quả trong đó có chuyển đổi số ngành Nông nghiệp (Thủ tướng Chính phủ, 2020). Với chủ trương chính là phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Chính vì thế việc triển khai sáng kiến “mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số” với mục tiêu mỗi người nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo thời vụ, dự báo giá cả nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp là yêu cầu bức thiết đòi hỏi từ lý luận tới thực tiễn.

Theo Bạch Quốc Khang (2021) cho rằng chuyển đổi số cần dựa trên 4 nền tảng chính là nhận thức, nền tảng công nghệ, hạ tầng dữ liệu và nguồn nhân lực. Để có thể thực hiện việc chuyển đổi số thành công trong ngành Nông nghiệp, một số điều kiện tiên quyết cần phải có bao gồm: Cơ sở hạ tầng và kết nối (đăng ký mạng di động, phạm vi phủ sóng mạng, truy cập internet và cung cấp điện), khả năng chi trả, trình độ học vấn của nông dân trong tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, và thể chế hỗ trợ (FAO, 2019). Trong khi đó, ở khu vực nông nghiệp gắn liền với nông thôn, cơ sở hạ tầng và nguồn lực liên quan đến số hóa (internet, công nghệ thông tin, máy tính) còn rất thiếu và yếu. Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực của ngành Nông nghiệp Việt Nam chủ yếu bao gồm lao động giản đơn làm việc tại các hộ nông dân do vậy điều kiện tiếp cận và chuyển đổi số sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức hơn so với người lao động của các ngành nghề kinh tế khác (Tổng cục Thống kê, 2021). Có rất nhiều dự báo của các tổ chức đánh giá về mức độ ảnh hưởng của lao động khi thực hiện CMCN 4.0. Trong đó Liên Hợp quốc cho biết sẽ có khoảng 75% lao động trên thế giới có thể sẽ mất việc làm trong vài thập niên tới, Tổ chức Lao động Quốc tế dự đoán khoảng gần 60% lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á sẽ mất việc vì robot có thể hoàn toàn thay thế các công việc họ đang làm. Việt Nam được cho là nước chịu ảnh hưởng mạnh nhất bởi CMCN 4.0. Do vậy, cần thiết phải chuyển đổi số thành công ngành Nông nghiệp và để đạt được những mục tiêu đề ra trên cần thiết phải nhận diện được thực trạng và những thách thức đối với lao động của ngành để từ đó tìm ra các giải pháp khắc phục, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.

Ngày nay, thuật ngữ nền ”kinh tế số” và ”cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” đang là những từ khóa được rất nhiều nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia quan tâm. Theo định nghĩa chung của nhóm cộng tác Kinh tế số của Oxford, kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet” (Phạm Việt Dũng, 2019). 

Bukht, R. and Heeks, R. (2017) đã đưa ra khái niệm tổng quan nhất về ”Kinh tế số” bằng cách đề ra hệ thống ‘Khung khái niệm về Kinh tế số’. Khung khái niệm này nêu rõ phạm vi của Kinh tế số lõi (Core Digital Economy), Kinh tế số phạm vi hẹp (Digital Economy) và Kinh tế số phạm vi rộng (Digitalised Economy). Cụ thể, Kinh tế số lõi bao gồm Chế tạo phần cứng, Phần mềm và tư vấn Công nghệ thông tin, Dịch vụ thông tin và Truyền thông. Kinh tế số phạm vi hẹp bao gồm các vấn đề về dịch vụ số, kinh tế hạ tầng. Kinh tế số phạm vi rộng (Kinh tế số hóa) là phạm trù thường gặp nhất hiện nay: bao gồm kinh doanh điện tử, thương mại điện tử, công nghiệp 4.0, nông nghiệp chính xác, kinh tế thuật toán, kinh tế chia sẻ, kinh tế gắn kết lỏng.

Khái niệm CMCN 4.0 là những thay đổi mang tính đột phá được phát triển dựa trên nền tảng tích hợp của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của Internet vạn vật và Trí tuệ nhân tạo làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. Một trong 3 lĩnh vực chính của CMCN 4.0 đó là lĩnh vực công nghệ sinh học, là các nghiên cứu tạo ra bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu.

Ở Việt Nam, tại “Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019”, kinh tế số được hiểu là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số, và phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ đổi mới qui trình sản xuất, kinh doanh truyền thống sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng và điều này sẽ làm tăng năng suất cũng như hiệu quả lao động. Lợi ích mà nền kinh tế số mang lại đó là:

Một là tính kết nối, nhờ vào các thành tựu của công nghệ thông tin và Internet giúp kết nối hóa các nguồn lực, lược bỏ nhiều khâu trung gian và tăng cơ hội tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu.

Hai là tính minh bạch, phát triển kinh tế theo định hướng kinh tế số còn đảm bảo tính minh bạch. Minh bạch là một trong những điểm mạnh của kinh tế số được nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm nhờ gián tiếp làm giảm lượng tiền tham nhũng thông qua các hoạt động trực tuyến minh bạch, giúp kiểm soát tốt nền kinh tế hơn.

Nông nghiệp số được hiểu là việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để tích hợp sản xuất nông nghiệp từ vùng canh tác, nuôi trồng đến người tiêu dùng. Những công nghệ này có thể cung cấp cho ngành Nông nghiệp các công cụ và thông tin để đưa ra quyết định sáng suốt hơn, cải thiện năng suất và hỗ trợ quản lý hiệu quả” (VIDA, 2021).

Có thể nói nông nghiệp sẽ là ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất cũng là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ CMCN 4.0 cũng như từ xu hướng chuyển đổi sang nền kinh tế số (Cameron A, Pham T H, Atherton J, Nguyen D H, Nguyen T P, & Tran S T, Nguyen T N, Trinh H Y & Hajkowicz S, 2019). Theo (FAO, 2021) chuyển đổi số sẽ góp phần làm giảm khoảng cách thông tin bất đối xứng giữa các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị nông sản. Theo Bạch Quốc Khang (2021) mục tiêu của nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh, chính xác, mà nó đòi hỏi sự kết hợp các cảm biến, robot, GPS, công cụ lập bản đồ và phần mềm phân tích dữ liệu để điều chỉnh chính xác quá trình tác động của máy móc, cải thiện quản lý thời gian, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước và các chế phẩm cần thiết, đảm bảo sức khỏe tốt hơn, năng suất cao hơn, sự phát triển tối ưu hơn của các loại cây trồng, vật nuôi, gia tăng lợi nhuận, sử dụng tiết kiệm, hợp lý và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường… Với thực trạng của nền nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún hiện nay chủ yếu dựa vào sản xuất của các hộ nông dân thì việc chuyển đổi sang nền nông nghiệp số sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn là những rủi ro. 

Bên cạnh đó, Việt Nam đang là nước được đánh giá có tiềm năng và cơ hội thuận lợi cho phát triển nền kinh tế số nói chung và nền nông nghiệp số nói riêng với những lý do cơ bản như sau:

Thứ nhất, số lượng người dùng smartphone và tỷ lệ thâm nhập của smartphone được coi là một trong những nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế số. Theo thống kê của Statista (2021) thì tại Việt Nam đứng thứ 9 trên thế giới cả về số lượng người sử dụng điện thoại thông minh và cả tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh trên tổng dân số (Hình 1, 2). Có 61,37 triệu người dân Việt Nam, chiếm 63,1% tổng dân số đang sử dụng điện thoại thông minh. Tỷ lệ dân số Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh cao hơn nhiều so với tỷ lệ này ở các nước trong khu vực như Indonesia (58,6%) và Philippines (37,7%). Do vậy, Việt Nam được đánh giá là một thị trường kinh tế số tăng trưởng cao trong khu vực Đông Nam Á. 

Thứ hai, công nghệ di động ở Việt Nam đang phát triển mạnh, việc sử dụng công nghệ dần đi vào nếp sống, nếp sinh hoạt và làm việc của người dân nhờ những tiện ích to lớn mà nó mang lại. Theo số liệu thống kê vào năm 2019, Việt Nam có ít nhất 61 triệu người dùng internet, trung bình 1 ngày mỗi người dành tới 3 giờ 12 phút sử dụng internet trên các thiết bị di động thông minh (smartphone). Số thuê bao sử dụng mạng 3G năm 2016 đạt 38 triệu thuê bao, số thuê bao sử dụng mạng 4G đạt 13 triệu thuê bao sau 2 năm đưa vào khai thác. Từ năm 2020, mạng 5G chính thức được đưa vào triển khai ở Việt Nam (FAO, 2021). Việt Nam là một trong số những nước đầu tiên trên thế giới tiến hành phát triển mạng 5G. Các ứng dụng mạng xã hội, ứng dụng xem video, game, ứng dụng công việc hay ứng dụng mua sắm qua các sàn thương mại điện tử đều được người dùng internet sử dụng thường xuyên mỗi ngày (Thùy Dương, 2020).

Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, 4% các hộ nông dân đã có điện thoại cố định, 10% số hộ có máy tính có kết nối với mạng internet, và 90% nông dân đã sử dụng điện thoại thông minh.

Thứ ba, chi phí kết nối và sử dụng mạng internet và di động ở Việt Nam rất rẻ so với nhiều nước khác trên thế giới. Chi phí kết nối bình quân ở Việt Nam chỉ khoảng 2,93USD/tháng (tương đương với 67,4 nghìn đồng/tháng) trong khi đó ở nhiều nước trên thế giới thì chi phí này phải hơn 580USD/tháng.

Và đặc biệt, 99% dân số có điện sử dụng và 97% dân số trẻ của Việt Nam đã biết đọc, biết viết.

Chủ trương, chính sách và thực trạng chuyển đổi số đối với ngành Nông nghiệp Việt Nam

Ở thời điểm hiện tại, Kinh tế số được nhận định là một phần không thể tách rời của kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với những tiềm năng phát triển lớn - các ‘nền móng’ để phát triển đã từng bước được hoàn thiện. Do vậy, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách ưu tiên cho chuyển đổi số (xem hình 3).

Hình 3: Chủ trương, chính sách cho chuyển đổi số ngành Nông nghiệp
Nguồn: VIDA (2021)

Nghị quyết 52-NQ/TW ban hành ngày 27-9-2019 đã xác định trong giai đoạn 2025-2045, Việt Nam đặt ra nhiều mục tiêu nhằm phát triển kinh tế số, thông qua hàng loạt các chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0).

Theo đó, qua từng mốc giai đoạn 5 năm, 15 năm từ 2025-2030, 2030-2045, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2045 sẽ nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực châu Á về sản xuất dịch vụ thông minh, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Người lao động Việt Nam được đặt mục tiêu sẽ trở thành nhóm nguồn lực có năng suất lao động cao, hiện đại, có năng lực làm chủ công nghệ trong tất cả các lĩnh vực từ kinh tế - xã hội tới môi trường, quốc phòng, an ninh.

 Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTG về Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo đó nông nghiệp được xác định là một trong những ngành ưu tiên chuyển đổi số.

Trong kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế số trong nông nghiệp nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp, người dân tham gia các hoạt động trong nông nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp; quản lý, giám sát nguồn gốc; hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp.

Bộ NN&PTNT cũng đặt ra mục tiêu 80% cơ sở dữ liệu về nông nghiệp được xây dựng, cập nhật trên nền tảng Big Data có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng. Trong đó, ngành Nông nghiệp sẽ cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Xây dựng bản đồ số nông nghiệp sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, vận hành Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số. 50% các thiết bị quan sát, giám sát sử dụng công nghệ số, bảo đảm thu nhận trực tiếp dữ liệu số, sử dụng công nghệ internet kết nối vạn vật (IoT) để tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp.

Nhờ những chủ trương và chính sách trên, trong những năm gần đây, ngành Nông nghiệp đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực.

Trong trồng trọt, các chương trình, phần mềm quản trị được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…), tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, kiểm soát dịch bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn. Công nghệ IoT, Big Data bắt đầu được ứng dụng thông qua các sản phẩm công nghệ số, cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây, người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi các thông số này theo thời gian... Việc áp dụng các công nghệ này ngày càng phổ biến ở nhiều địa phương, điển hình là TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Hà Nội, Quảng Ninh...

Ở lĩnh vực Lâm nghiệp, đã dùng công nghệ DND mã mạch trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản, phần mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng.
Trong lĩnh vực Chăn nuôi, công nghệ IoT, Blockchain, công nghệ sinh học được áp dụng ở trang trại chăn nuôi quy mô lớn, nổi bật là mô hình các trang trại hiện đại như: Tập đoàn TH TrueMilk, Công ty Vinamilk... Ngoài ra, còn dùng phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh để quản lý việc áp dụng an toàn sinh học, tiêm phòng, thức ăn tại cơ sở chăn nuôi; giúp ngành chức năng quản lý về tình hình tiêm phòng, theo dõi dịch bệnh...

Đối với lĩnh vực Thủy sản, đã sử dụng thiết bị dò cá bằng sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh, máy thu lưới vây, hệ thống thu-thả lưới chụp, công nghệ GIS và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) giúp quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ. Trong nuôi trồng thủy sản thì ứng dụng công nghệ sinh học chọn lọc, lai tạo các giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh, chịu đựng tốt với môi trường; công nghệ trí tuệ nhân tạo giúp phân tích các dữ liệu về chất lượng nước, quản lý thức ăn và sức khỏe của tôm nuôi. Công nghệ tự động hóa được áp dụng trong khâu chế biến thủy sản (từ phân loại, hấp, đóng gói, dây chuyền sản xuất), giúp giảm chi phí, bảo đảm chất lượng sản phẩm...

Về phân phối các sản phẩm nông nghiệp, bên cạnh được phân phối trực tiếp qua các thương lái, nông sản Việt như: Gạo, thịt, cá, trứng, gần đây nhất là các loại hoa quả như: nhãn, vải, xoài, mận… đã bước đầu được chào bán trên các sàn thương mại điện tử và được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. Nhờ đó, dù dịch bệnh Covid-19 gây khó khăn cho việc mua bán trực tiếp, người nông dân vẫn có thể tiêu thụ được nông sản, người tiêu dùng vẫn có lương thực, thực phẩm, hoa quả để dùng.

Có thể thấy, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu để hiện đại hóa ngành Nông nghiệp. Bởi công nghệ tiên tiến giúp nâng cao năng suất và giá trị nông sản; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế; phòng tránh được những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020, giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp tăng 2,75% so với năm 2019, trong đó nông nghiệp tăng 2,7%; lâm nghiệp tăng 2,91%; thủy sản tăng 3,3%. Có thể thấy, chuyển đổi số được nhắc đến không chỉ như một xu thế ngắn hạn mà là một hành trình xuyên suốt liền mạch để thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Việt Nam vẫn còn đối mặt với một số thách thức: cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp. Trình độ cơ giới hóa sản xuất còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp…) chưa tương xứng. Và đặc biệt, nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) rất hạn chế.

Lao động trong ngành Nông nghiệp ứng dụng chuyển đổi số, kỹ thuật cao cũng cần được đào tạo. Ảnh minh họa

Thách thức cho lao động nông nghiệp trước bối cảnh chuyển đổi số 

Bạch Quốc Khang (2021) cho rằng chuyển đổi số cần dựa trên 4 nền tảng chính là nhận thức, nền tảng công nghệ, hạ tầng dữ liệu và nguồn nhân lực. Báo cáo Tổng quan về Nông nghiệp số Việt Nam 2021 cũng chỉ ra rằng, thách thức lớn nhất đó là nguồn lao động có kỹ năng chuyển đổi số và chính sách hỗ trợ phát triển nguồn lao động có kỹ năng chuyển đổi số (VIDA, 2021).

Thứ nhất, lao động nông nghiệp chủ yếu làm việc tại các nông hộ nhỏ lẻ, không có nguồn lực cho đầu tư cho các công nghệ tiên tiến, hiện đại, trong sản xuất. Tính đến năm 2020, cả nước có 17,7 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, tuy nhiên 98,03% số lao động làm việc tại các hộ nông dân. Chỉ có 10.766 doanh nghiệp đang hoạt động trong nông nghiệp thu hút hơn 258 nghìn lao động (chiếm khoảng 1,46% tổng số lao động nông nghiệp). Các trang trại hiện đang tạo việc làm cho 91.221 lao động (chiếm 0,51%) với số lao động bình quân 1 trang trại là 4,43 người (Tổng cục Thống kê, 2021).

Do vậy khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp của các lao động tại các hộ nông dân sản xuất nhỏ là rất hạn chế. Mặc dù tỉ lệ người dân khu vực nông thôn tiếp cận công nghệ số (điện thoại di động, điện thoại thông minh, máy tính và internet) đã tăng lên đáng kể, nhưng nhiều hộ nông dân chủ yếu sử dụng các phương tiện này cho mục đích giao tiếp và giải trí chứ chưa thể ứng dụng trong thúc đẩy sản xuất và kinh doanh nông sản. 

Thứ hai, tỷ lệ lao động của ngành nông nghiệp đã qua đào tạo là rất thấp. Trong giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo ở mức khoảng 96%. Đến năm 2020, lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo là 12,57 triệu người, chiếm 89,97% tổng số lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong độ tuổi lao động (Tổng cục Thống kê, 2021). Do vậy, những lao động này chưa đáp ứng ngay cả ở những kỹ năng nghề nghiệp cơ bản nên khó có thể có những kỹ năng chuyên môn kỹ thuật cao hơn phục vụ cho chuyển đổi số nền nông nghiệp.

Thứ ba, lao động trong ngành Nông nghiệp có xu hướng già hóa nhanh hơn các ngành khác do lao động trẻ tuổi đi làm việc ở các khu công nghiệp, các thành phố lớn thay vì ở lại khu vực nông thôn để làm nông nghiệp. Trong ngành Nông nghiệp, lao động từ 40 tuổi trở lên chiếm tỉ lệ lớn (48,8% tổng số lao động NLTS). Những lao động này thường chỉ học hết THCS, rất khó tiếp cận và đáp ứng những yêu cầu về kỹ năng mới cho các công việc trong nền nông nghiệp số.

Thứ tư, trong số lao động nông nghiệp thì tỉ lệ lao động nữ chiếm cao (48,2%, năm 2019), tỉ lệ này cao hơn nhiều so với ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Lao động nữ là nhóm lao động mà phần lớn thời gian còn phải phục vụ các công việc nội trợ trong gia đình do đó tỷ lệ thời gian dành cho tiếp cận với các công việc đòi hỏi trình độ, kỹ năng bậc cao là khó khăn. Thường lao động nữ chỉ tham gia những công đoạn đơn giản trong quy trình sản xuất nông nghiệp truyền thống do vậy đây cũng chính là nhóm lao động dễ bị thay thế nhất sau khi xu hướng chuyển đổi số ngành Nông nghiệp diễn ra. Tỷ lệ lao động nữ đã qua đào tạo chỉ chiếm 21,3% thấp hơn so với lao động nam và thấp hơn mức trung bình chung của cả nước (Tổng cục Thống kê, 2021).

Thứ năm, chuyển đổi số nền nông nghiệp không phải chỉ diễn ra trong quá trình sản xuất nói riêng mà diễn ra trong toàn bộ các khâu trong chuỗi giá trị hàng hóa nông sản từ khâu cung ứng đầu vào, sản xuất, phân phối và tiêu thụ. Do vậy, đối tượng lao động ngành Nông nghiệp cần được hiểu rộng hơn không phải chỉ là nông dân mà còn là các lao động có trình độ kỹ thuật, kỹ năng làm việc trong các đơn vị, tác nhân (cụ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã) trong chuỗi giá trị.

Thứ sáu, lao động nông nghiệp làm việc trong các đơn vị sản xuất thiếu tính liên kết, thiếu sự chuẩn hóa, đồng nhất về nhận thức và kỹ năng. Triết lý thành công của chuyển đổi số là phải làm cùng nhau, tất cả cùng làm, nên cách tiếp cận cùng nhau là bắt buộc đối với chuyển đối số trong nông nghiệp. Nó phải dựa trên sự phát triển liên kết chuỗi ngang và dọc, hình thành phương thức mới và các mạng lưới hợp tác, kết nối giữa các đơn vị nội ngành và ngoài ngành, tạo ra nông nghiệp kết nối và chia sẻ, gắn chặt với thương mại số. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam hiện nay, liên kết trong chuỗi giá trị là rất lỏng lẻo do vậy người lao động không được trao đổi, chia sẻ, học tập, và làm cùng nhau để tạo ra tính chuẩn hóa, đồng nhất về kỹ năng, đồng nhất về chất lượng sản phẩm để làm nên thương hiệu mang tầm quốc gia, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Thứ bảy, lao động nông nghiệp dễ di cư, chuyển đổi sang các ngành nghề phi nông nghiệp khác, đặc biệt là ngành dịch vụ. Hàng năm có đến 4,7 triệu lao động di cư (Tổng cục Thống kê, 2021). Do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng nên cầu lao động giản đơn của ngành dịch vụ gia tăng đáng kể, đem lại nguồn thu nhập tương đối cao so với mức thu nhập từ sản xuất nông nghiệp đem lại. Do vậy, một bộ phận không nhỏ lao động nông nghiệp không có động lực tiếp tục làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, dễ dàng từ bỏ nông thôn ra thành thị tìm việc làm.

Trong khi đó, yêu cầu về kiến thức và kỹ năng của lao động phục vụ chuyển đổi số nền nông nghiệp là rất cao (Hình 3.4). Cụ thể là những kiến thức và kỹ năng cơ bản về điều khiển thiết bị không người lái (Unmanned Aerial Vehicales), giải pháp điện toán đám mây (Cloud Based Solutions), Internet vạn vật (Internet of Things - IoT), mạng không dây (Cellular Network) và các kỹ năng vận hành, sử dụng Sổ nhật ký điện tử, Mã QR, thương mại điện tử, Công nghệ Blockchain để phục vụ cho các khâu trong chuỗi giá trị nông sản nội địa và tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu (Theo Cameron A, Pham T H, Atherton J, Nguyen D H, Nguyen T P, & Tran S T, Nguyen T N, Trinh H Y & Hajkowicz S, 2019). 

Hình 4: Giải pháp ưu tiên cho chuyển đổi số nền nông nghiệp

Giải pháp hỗ trợ lao động nông nghiệp đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số 

Trước những thách thức chỉ ra trên cho thấy, lao động nông nghiệp cần có sự nỗ lực vượt bậc để tự làm mới mình, tránh bị thay thế bởi máy móc, robot đồng thời tìm kiếm được cơ hội việc làm tốt hơn với mức thu nhập cao hơn nhằm nâng cao đời sống và phát triển xã hội nông thôn tiên tiến, hiện đại. Tuy nhiên để giúp lao động nông nghiệp tham gia chuyển đổi số thành công rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền và các tác nhân liên quan trong chuỗi giá trị nông sản để cùng thực hiện các giải pháp như sau:

Một là, thay đổi nhận thức, tư duy của người lao động về việc làm trong nền nông nghiệp số. Nông dân buộc phải tự thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy để lựa chọn bước đi phù hợp, thực hiện tiến trình ứng dụng công nghệ số vừa có tính tự nguyện, vừa bắt buộc. Theo European Commission (2020) thái độ và sự cởi mở trong tiếp nhận công nghệ thông tin, công nghệ số rất cần thiết cho nông dân trong thời đại số hóa. Bởi nếu không thay đổi nhận thức, tư duy thì người lao động không có động lực để tiếp cận và chuyển đổi số. Người lao động cần nhận thức được rủi ro và lợi ích do quá trình chuyển đổi sang nền nông nghiệp số mang lại. Và họ cần hành động để đối phó với nó một cách phù hợp.
Muốn như vậy, Nhà nước và các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trong chuỗi cần tổ chức tuyên truyền, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho nông dân, lao động nông nghiệp về chuyển đổi số. Không thể có doanh nghiệp chuyển đổi số thành công nếu không có nông dân số. Các doanh nghiệp trong chuỗi liên kết số phải thực hiện vai trò đầu tàu, là người đặt hàng thiết lập các ứng dụng số (apps) cần thiết cho chuỗi của mình, tạo lập các hợp đồng kinh tế thông minh, bền vững với nông dân, thay đổi nhận thức nông dân, đưa họ cùng tham gia chuyển đổi số. Tuy nhiên, việc trang bị kiến thức và khả năng áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho các nông dân và lao động nông nghiệp thông qua các chương trình đào tạo cần phải dựa trên nghiên cứu nhu cầu, phù hợp với trình độ học vấn, kiến thức và hiểu biết của họ bởi mức độ yêu cầu chuyển đổi số của các các loại lao động khác nhau (trình độ, giới tính, tuổi tác) và ở các khâu khác nhau trong chuỗi là hoàn toàn khác nhau.

Bên cạnh đó, liên kết ngang giữa hộ nông dân và nông dân cũng cần thắt chặt. Theo Eitzinger (2015) và Romani và cộng sự (2015) chứng minh rằng thông tin và truyền thông công nghệ (ICT) không chỉ giúp nông hộ thu thập thông tin hiệu quả hơn mà còn giúp họ năng động và nhanh nhạy, trong việc tạo ra một chia sẻ kiến thức và sử dụng cho các mục đích khác nhau bao gồm học tập, tư vấn về thực hành canh tác, quảng bá trang trại, đầu vào và mở rộng mạng xã hội của nông dân.

Hai là, hoàn thiện, chuẩn hóa chủ trương, chính sách hỗ trợ đào tạo và phát triển kỹ năng nghề cho lao động ngành Nông nghiệp. Các chương trình đào tạo hiện nay còn thiên về học thuật, lý thuyết mà chưa thiên về rèn luyện kỹ năng nghề cho lao động đặc biệt là kỹ năng công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp cho lao động. Do vậy cần thiết phải hoàn thiện các chương trình đào tạo, hỗ trợ ngân sách cho đào tạo và đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng chuyên môn nhằm nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu thay đổi liên tục của quá trình chuyển đổi số nền nông nghiệp nước ta.

Ba là, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các công nghệ số phục vụ phát triển ngành Nông nghiệp đặc biệt là hỗ trợ về tài chính. Các hỗ trợ về nhà nước sẽ tạo tiền đề để các doanh nghiệp nông nghiệp chuyển đổi số, tạo thêm nhiều việc làm tốt cho lao động nông nghiệp, thu hút lao động có trình độ cao làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tránh tình trạng di cư ra thành thị hoặc ra nước ngoài. 

Nhưng quan trọng hơn cả, để có thể thúc đẩy các hộ nông dân sản xuất tiếp cận và ứng dụng thành công công nghệ thông tin trong thời đại số hóa là sự phối hợp và phân công vai trò cụ thể của các bên liên quan nhằm trang bị, đào tạo, hỗ trợ cho nông dân và các lao động nông nghiệp khác có thể áp dụng thành công công nghệ số trong phát triển chuỗi giá trị nông sản như mô tả ở Hình 5.

Hình 5: Sự phối hợp và vai trò của các bên liên quan trong hỗ trợ 
và thúc đẩy hộ nông dân ứng dụng số hóa

Kết luận

Mặc dù chủ trương, chính sách đã được quan tâm, hoàn thiện, ngành Nông nghiệp cũng đã bắt đầu thực hiện các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực trong những năm gần đây, tuy nhiên quá trình chuyển đổi số của ngành còn nhiều khó khăn, thách thức, mà nổi bật là chất lượng nguồn lao động không đáp ứng. Lao động nông nghiệp chủ yếu chưa qua đào tạo kỹ năng chuyên môn kỹ thuật, làm việc tại các nông hộ nhỏ lẻ, thiếu liên kết, tuổi già và chủ yếu là nữ giới nên gặp không ít khó khăn trong tiếp cận và áp dụng các kỹ năng chuyên môn mới trong sử dụng và vận hành các công cụ, phương tiện, công nghệ cao, hiện đại phục vụ chuyển đổi số nền nông nghiệp.

Do vậy, cần thiết trong thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan chuyên môn, các tác nhân, đơn vị, doanh nghiệp liên quan trong chuỗi giá trị ngành Nông nghiệp cần phối hợp thực hiện hiệu quả 3 nhóm giải pháp: Nâng cao nhận thức, hoàn thiện chương trình đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo để hỗ trợ nâng cao chất lượng và tạo việc làm tốt cho lao động nông nghiệp trong quá trình chuyển đổi số nhằm phát triển chuỗi giá trị nông sản nội địa và tham gia sâu và chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bạch Quốc Khang. (2021). Chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam. Truy cập từ: https://vjst.vn/vn/tin-tuc/5110/chuyen-doi-so-trong-nong-nghiep-viet-nam.aspx ngày 10/11/2021.
Bukht, R. and Heeks, R. (2017). Defining, Conceptualizing and Measuring the Digital Economy. . The Development Informatics Working Paper Series, . , Paper No. 68. Truy cập từ: http://www.gdi.manchester.ac.uk/research/publications/working-papers/di/ ngày 10/11/2021.
Cameron A, Pham T H, Atherton J, Nguyen D H, Nguyen T P, & Tran S T, Nguyen T N, Trinh H Y & Hajkowicz S. (2019). Vietnam’s Future Digital Economy - Toward 2030 and 2045: Summary report. Brisbane: CRICO.
Eitzinger, A. (2015). Climate smart technologies and practices meet ICT tools: experiences of including mobile-phone based tools in research. Presented in April, 2015. Cali, Colombia: International Center for Tropical Agriculture (CIAT).
European Commission. (2020). New skills for digital farming. A report in EIP-AGRI Seminar.
FAO. (2019). Digital technologies in agriculture and rural areas. Truy cập từ: https://www.fao.org/3/ca4887en/ca4887en.pdf ngày 18/11/2021.
FAO. (2021). Digital Agriculture Profile: Viet Nam. FAO. Hamtat fran https://www.fao.org/3/cb3956en/cb3956en.pdf
Phạm Việt Dũng. (2019). Kinh tế số - cơ hội “bứt phá” cho Việt Nam. Tạp chí Cộng sản.
Romani, L.A., Magalhães, G., Bambini, M.D., Evangelista, S. (2015). Improving digital ecosystems for agriculture: users participation in the design of a mobile app for agrometeorological monitoring, in: Proceedings of the 7th International Conference on Management of Computational and Collective intElligence in Digital EcoSystems proceedings of the 7th International Conference on Management of Computational and Collective intElligence in Digital EcoSystems. pp. 234-a241.
Statista.com. (2021). Number of smartphone users by leading countries as of May 2021 (in millions). Truy cập từ: https://www.statista.com/statistics/748053/worldwide-top-countries-smartphone-users/ ngày 13/11/2021.
Thủ tướng Chính phủ. (2020). Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Hà Nội.
Thùy Dương. (2020). Hiểu đúng về kinh tế số. Truy cập từ: https://doanhnhanvn.vn/hieu-dung-ve-kinh-te-so-o-viet-nam.html ngày 12/11/2021.
Tổng cục thống kê. (2021). Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2020. Hà Nội: NXB Thống kê.
VIDA. (2021). Báo cáo tổng quan Nông nghiệp số Việt Nam 2021. Hà Nội.
(Anh Minh. (2021). Nền kinh tế số Việt Nam đang tăng trưởng hàng đầu khu vực).