Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Liên kết để ra khơi

10:20 26/01/2018 GMT+7

Không tìm đâu xa xôi, thị trường ASEAN có lẽ là gần nhất, thuận tiện nhất dành cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ của Việt Nam có ý định “xuất ngoại”. Đặc biệt, với lĩnh vực thực phẩm và nông sản, mối liên kết hiệu quả, đạt tiêu chuẩn “sạch” giữa các hợp tác xã (HTX) và DN nông nghiệp sẽ tăng cơ hội để đưa lĩnh vực này thâm nhập sâu hơn vào thị trường khu vực.

Bà Trần Thị Kim Nhung, Chủ tịch HĐQT công ty TNHH Kim Đồng Thuận (Tp.HCM), cho biết công ty đang liên kết hợp đồng ba bên khá hiệu quả với HTX Đồng Thuận tại xã Phú Điền, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai để trồng lúa hữu cơ xuất khẩu (XK). Công ty còn liên kết với các tổ hợp tác ở xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa (Long An) trồng lúa nếp hữu cơ XK.

Ngoài ra, một số loại nông sản khác như chuối, khóm, rau cải, xả, cam, hạt đậu, cà phê… cũng được công ty kết hợp thành công với các HTX tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Lâm Đồng.

Cùng nhau liên kết

Riêng sản phẩm gạo và nếp hữu cơ của DN này hiện XK sang thị trường Mỹ, Nga, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Trong đó, công ty gặp nhiều điều kiện thuận lợi tại ASEAN vì gần gũi địa lý, thông thương, văn hóa. Cho nên, phía công ty không chỉ XK gạo, nếp mà còn nhắm đến các sản phẩm thực phẩm, nông sản khác vào thị trường này.

Mối liên kết hiệu quả giữa HTX và DN sẽ tăng cơ hội đưa nông sản Việt thâm nhập sâu vào thị trường ASEAN

Về việc liên kết các HTX, tổ hợp tác, theo bà Nhung, tất cả đều theo quy trình hữu cơ, phân hữu cơ, thuốc sinh học, kỹ thuật hướng dẫn, tập huấn theo VietGAP… do phía công ty hỗ trợ cho nông dân, nhằm có chất lượng “sạch” theo yêu cầu.

“Điều quan trọng ở đây là nông dân, xã viên trong HTX, tổ hợp tác thực hiện theo đúng thỏa thuận để có được chất lượng nông sản đáp ứng yêu cầu XK. Dù cho việc chuyển đổi từ quy trình cũ sang hữu cơ với những khó khăn về năng suất là một thách thức cho họ”, bà Nhung chia sẻ.

Trong lĩnh vực XK nông sản, thực phẩm, khi các thị trường chủ lực như Mỹ, EU ngày càng đòi hỏi cao, lập ra những hàng rào kỹ thuật, khó có nhiều cơ hội cho các DN nông nghiệp thuộc dạng nhỏ, thì thị trường ASEAN và Trung Quốc thường là những lựa chọn ưu tiên của họ.

Ông Lý Văn Thành, giám đốc một công ty sản xuất trái cây sấy tại huyện Thuận An (Bình Dương), cho biết DN của ông có quy mô không lớn như Vinamit nên khó có thể tìm đến những thị trường vừa lớn vừa xa. Cho nên, ông đã chọn thị trường Campuchia, Thái Lan, Myanmar để tập trung cho XK và khâu tiêu thụ cũng khá ổn định.

Về nguồn nguyên liệu như mít, xoài, khoai môn, thanh long dùng để sấy thô, phía công ty được đảm bảo nguồn cung ổn định, đúng tiêu chuẩn từ các nông dân và một số tổ hợp tác, HTX ở Đồng Nai, Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang thông qua những hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Có thể thấy, việc ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa 3 bên (nông dân, HTX nông nghiệp và DN chế biến XK) là một hướng đi đúng cần khuyến khích mở rộng hiện nay. Về phía nông dân và các HTX, tổ hợp tác, họ sẽ tranh thủ được sự đầu tư của DN về vốn, giống, kỹ thuật cho người sản xuất, và đặc biệt là giải quyết khâu đầu ra cho nông dân, HTX.

Tạo được “động lực kéo”

ASEAN là một trong 5 thị trường lớn nhất nhập khẩu hàng nông thủy sản của Việt Nam hiện nay. Với tiềm lực nhỏ hoặc tầm trung, chưa đáp ứng được những đòi hỏi gắt gao từ những thị trường lớn hơn, các DN nhỏ và vừa nên nhắm vào thị trường này. Đặc biệt là ở các thị trường thường tiêu thụ hàng nông thủy sản, thực phẩm của Việt Nam như Malaysia, Thái Lan, Philippines, Singapore, Campuchia…

Tuy nhiên, dù có lợi thế lớn nhưng việc tăng trưởng ở thị trường khu vực với các DN nông lâm thủy sản Việt vẫn còn khá khiêm tốn. Thống kê cho thấy mặt hàng thủy sản XK của Việt Nam vào ASEAN năm 2017 chỉ đạt kim ngạch 248 triệu USD, tăng 2% so với năm 2016. Số kim ngạch này cũng chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng giá trị XK của Việt Nam là 21,7 tỷ USD trong năm 2017 (tăng 10,4% so với năm 2016).

Thách thức lớn nhất là làm sao để tăng giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp làm ra nhưng vẫn cắt giảm được chi phí sản xuất cho một sản phẩm nông nghiệp. Mọi lời giải cho “bài toán” đó đều đi đến một con đường: Phải liên kết để sản xuất và cùng hưởng lợi. Cái khó nhất trong liên kết hiện nay chính là vấn đề hợp đồng trách nhiệm và chia sẻ lợi ích giữa DN và hộ nông dân. Họ vào HTX nhưng vẫn còn tư tưởng “vào thì được Nhà nước cho cái gì mới vào, còn không cho gì thì ở ngoài làm sướng hơn”. Cái khó là người nông dân chưa thấy sự liên kết là để làm ăn, để sản xuất để tạo ra giá trị gia tăng của sản phẩm mà mình làm ra, đồng thời để giảm sức lao động, chi phí đầu tư sản xuất của chính mình.

Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT 

Riêng tại thị trường Thái Lan, theo nhận định mới đây của Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), nhìn chung nhiều mặt hàng XK là thế mạnh của Việt Nam hiện còn chiếm thị phần khiêm tốn, có thể tăng thị phần trong thời gian tới như hàng thủy sản, trái cây tươi, sắt thép các loại, sản phẩm từ sắt thép, dây điện và cáp điện, sản phẩm gốm sứ, gỗ và sản phẩm gỗ.

Cũng theo Bộ Công Thương, một số sản phẩm Việt Nam có thế mạnh nhưng chưa có kim ngạch XK đáng kể vào Thái Lan, chẳng hạn như mặt hàng sữa và sản phẩm sữa, hàng thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất. Đây là những sản phẩm Việt Nam cần nghiên cứu thị trường, tìm hiểu tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ DN XK sang Thái Lan.

Hoặc như ở thị trường Singapore vốn ưa chuộng gạo hữu cơ, để đứng chân tại đây, ông Phạm Minh Thiện, Giám đốc công ty TNHH Cỏ May, chia sẻ phía DN đã quyết định xây dựng thương hiệu gạo mang chính tên công ty. Sau khi đáp ứng đầy đủ các quy định khắt khe từ phía siêu thị, mãi tới năm 2016, gạo Cỏ May mới chính thức được lên kệ tại Singapore.

Từ những hiệu quả XK bước đầu đạt được trong lĩnh vực nông sản hay một số lĩnh vực có thế mạnh ở thị trường gần, điều mong mỏi là sự liên kết giữa các DN nhỏ với HTX và người nông dân hay người sản xuất ngày càng ổn định và hiệu quả hơn. Điều này sẽ giúp các HTX vào guồng máy sản xuất lớn trong nền nông nghiệp hiện đại và giải quyết được bài toán đầu ra.

Có thể nói, điều kiện đủ của bài toán chuỗi giá trị nông sản để XK thành công là phải tạo được “động lực kéo”, mà hoạt động cơ bản nhất là xây dựng được liên kết giữa nông dân, HTX với DN.

Thế Vinh